- 1. Sách giáo khoa là số 1
- 2. Chép tay thay vì đọc thuộc
- 3. Hệ thống kiến thức bằng sơ đồ cây (hay còn gọi là sơ đồ tư duy)
- 4. Từ khóa (key word)
- 5. Tưởng tượng và tư duy liên hệ
- 6. So sánh giống và khác để học một nhưng nhớ nhiều
- 7. Đọc thật nhiều
- 8. Giấy nhớ
- 9. Học nhóm – đố và trả lời
- 10. Thoải mái (học khi muốn, thư giãn khi mệt)
Lại một mùa thi đại học – cao đẳng nữa đã đến, các sĩ tử của chúng ta đều đang dốc hết sức chạy đua với thời gian cho giai đoạn nước rút này. Với mong muốn đạt được kết quả tốt nhất sau 12 năm đèn sách, nhiều bạn vì lo lắng và hồi hộp mà việc tiếp thu bài vở bị ảnh hưởng ít nhiều. Đặc biệt là những bạn học khối C bởi tính chất đặc thù của các môn ban xã hội: Thường rất dài, khó nhớ và dễ nhầm. Chính vì vậy, 10 bí quyết để giải quyết vấn đề này được đưa ra sau đây có thể đơn giản nhưng không phải ai cũng biết.
1. Sách giáo khoa là số 1
Nhiều bạn luôn nghĩ rằng, ôn khối C thì phải chú trọng học nhiều từ sách tham khảo. Nhưng thật ra, những kiến thức trong sách giáo khoa đã là khá đầy đủ và chuẩn nhất theo chương trình của Bộ GD & ĐT, các đáp án của đề thi đại học – cao đẳng cũng chỉ yêu cầu cấp độ cơ bản như vậy. Do đó, nếu bạn không phải là một người học đặc biệt xuất sắc các môn xã hội, thì đừng vội “nhảy cóc” với sách tham khảo vì như thế sẽ phải ôm đồm một lượng kiến thức rất lớn và dễ làm bạn nản chí nếu quá sức. Hãy làm bạn với sách giáo khoa thật thân thiết trước khi “mở rộng mối quan hệ” ra những cuốn văn mẫu, để học tốt hay sách tham khảo…
2. Chép tay thay vì đọc thuộc
Khoa học đã chứng minh rằng, việc đọc thuộc chỉ là ghi nhớ tạm thời trong vỏ não, nó sẽ nhanh chóng bị quên đi nếu như bạn không thường xuyên đọc đi đọc lại với một tần suất lớn trong suốt một thời gian dài. Thậm chí, kể cả khi bạn đã thuộc làu làu như “cháo trảy” thì vẫn có thể đến một lúc nào đó sau này, bạn hoàn toàn không còn chút ấn tượng nào về điều đó. Trong tâm lí học, người ta gọi đó là “ sự quên” của vỏ não. Chính vì vậy, thay vì cầm quyển sách lên và đọc như một con vẹt, bạn hãy tập cho mình thói quen chép tất cả những điều cần nhớ ra giấy. Điều này lại càng đặc biệt hữu ích cho những bạn “chữ gà bới” có cơ hội luyện viết.
Lưu ý rằng, phải chép thật gọn gàng và sạch đẹp bởi điều này sẽ quyết định rất lớn đến hứng thú ôn bài của bạn. Sẽ thật tồi tệ nếu như bạn cầm một quyển vở chữ nghĩa loằng ngoằng dịch mãi không ra hay nhem nhuốc, gạch xóa lung tung. Kiên nhẫn và cẩn thận chép đi, chép lại hai ba lần rồi ghim những tờ giấy chép tay đó lại thành một tập tài liệu cá nhân (dùng để áp dụng những bí quyết 3 – 4 tiếp sau đây). Sẽ hơi tốn một chút thời gian và công sức nhưng chắc chắn hiệu quả của nó đem lại sẽ tốt không ngờ đấy.
3. Hệ thống kiến thức bằng sơ đồ cây (hay còn gọi là sơ đồ tư duy)
Hãy thử tưởng tượng, nếu làm theo bí quyết 1 và 2, với 3 quyển sách giáo khoa Văn – Sử – Địa dày cộp sẽ ngốn của bạn bao nhiêu thời gian và công sức để chép lại hoàn toàn ra giấy, hơn nữa là chép đi chép lại hai-ba lần. Để khắc phục nhược điểm này, bí quyết 3 ra đời. Đọc kĩ sách giáo khoa và gạch chân những ý chính, đặc biệt là những bài giảng trên lớp của giáo viên cũng đều đã có nhấn mạnh những kiến thức trọng tâm, chủ yếu. Khi chép ra giấy, bạn hãy sơ đồ hóa nó (thay vì diễn đạt lại dài dòng những câu văn lê thê) thật ngắn gọn, súc tích từ ý chính dẫn đến ý phụ, từ ý nhỏ dẫn đến ý lớn. Trình bày thật sáng sủa, khoa học và đặc biệt là dễ đọc. Có thể sử dụng kí hiệu, viết tắt cho đỡ tốn không gian, miễn là bạn hiểu.
Học dễ hơn rất nhiều với sơ đồ cây
4. Từ khóa (key word)
Là những từ, cụm từ hay những con số đơn giản, đặc biệt, khác lạ để dễ nhớ và phân biệt. Với mỗi một chuyên đề, một tác phẩm hay vùng miền địa lý hoặc sự kiện lịch sử, hãy tìm ra những từ khóa riêng biệt bao quát toàn bộ nội dung của chúng. Để chỉ cần nhìn thấy những từ này là bạn đã có thể hình dung ra được tổng thể nhất, đầy đủ và bản chất nhất sự việc là gì? diễn ra như thế nào? Ví dụ, cao su nhiều nhất ở Đông Nam Bộ, hình ảnh tương phản sáng – tối trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam, từ khóa của cuộc khởi nghĩa Nam Kì là lá cờ đỏ sao vàng lần đầu xuất hiện…
5. Tưởng tượng và tư duy liên hệ
Nếu bạn là một người giàu trí tưởng tượng thì bí quyết này thật sự sẽ chắp cánh cho những bài học của bạn. Đặc biệt là đối với những kiến thức khó hiểu hay những con số rắc rối, ngày tháng năm sự kiện dễ nhầm lẫn nhưng luôn yêu cầu sự chính xác tuyệt đối thì bây giờ việc ghi nhớ chúng trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Với mỗi một câu chuyện trong văn học, những trận chiến trong lịch sử, bạn hãy tưởng tượng mọi sự việc, mọi chi tiết diễn ra trong đầu bạn như những câu chuyện của chính mình, mình là nhân vật được tham gia vào câu chuyện. Cũng có thể bạn thích thú với một bộ phim, một bài hát hay cuốn truyện tranh nào đó, hãy liên hệ và biến chúng thành những tác phẩm văn học, sự kiện lịch sử kia.
Ví dụ, nếu bạn đã từng xem phim “Mùa lá rụng” thì việc cảm nhận tác phẩm “Mùa lá rụng trong vườn” của Ma Văn Kháng sẽ hoàn toàn trong tầm tay. Bạn là người chị gái trong “Những đứa con trong gia đình”, bố mẹ bạn bị giặc Mỹ giết hại và bạn với em trai nhất định tranh nhau đi nhập ngũ rồi được chú bạn đồng ý… Hãy tưởng tượng theo cách mà bạn muốn dù nó ngô nghê và buồn cười, miễn là bạn thấy thích thú với nó, đảm bảo những câu chuyện dài hàng trang giấy, những sự kiện lịch sử lằng nhằng sẽ trở nên thú vị rất nhiều.
Riêng đối với những con số, ngày/tháng/năm lịch sử, bạn chỉ cần liên hệ chúng cho giống với ngày sinh nhật của người thân, bạn bè, người nổi tiếng, những con số may mắn, phổ biến. Ví dụ như ngày 7/5 là ngày sinh nhật đứa bạn thân bạn và đó cũng là ngày chiến dịch Điện Biên Phủ đại thắng vang dội. Chỉ cần bạn chịu khó quan sát và để ý, sẽ có nhiều sự liên hệ thú vị và đặc biệt không ngờ đấy.
6. So sánh giống và khác để học một nhưng nhớ nhiều
Có thể nói đây là một phương pháp đơn giản, dễ làm mà tính hiệu quả lại đặc biệt cao. Chỉ cần đưa ra những tiêu chí so sánh chung cho hai hoặc nhiều hơn những sự kiện, sự việc, câu chuyện xảy ra ở cùng một không gian hay thời gian, những con số gần giống nhau của các nội dung khác nhau thì lượng kiến thức khổng lồ sẽ được gói gọn lại rất nhiều.
Ví dụ, so sánh các hội nghị TW Đảng với nhau về mục tiêu, nhiệm vụ, khẩu hiệu, xác định kẻ thù…, các cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn- khởi nghĩa Nam Kỳ và binh biến Đô Lương về nội dung, diễn biến, kết quả, ý nghĩa… hay so sánh vùng đồng bằng sông Hồng với đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng duyên hải miền Trung về các tiêu chí như diện tích, đặc trưng, sản lượng… các con số gần giống nhau hay tương phản nhau như đỉnh Phanxipang cao 3143m thì tổng chiều dài đường sắt ở Việt Nam cũng là 3143 km, Việt Nam có 2360 con sông thì đường bờ biển Việt Nam dài 3260 km (chỉ đảo vị trí số 2 và số 3), hiệp định Giơnever kí ngày 21/7/54 thì hiệp định Paris kí ngày 27/1/73. Việc so sánh này nên trình bày theo kiểu kẻ bảng thật rõ ràng, khoa học sẽ dễ học hơn. Sau khi so sánh, bạn hãy túm gọn những điểm giống của chúng và chỉ cần nhớ một lần, những điềm khác nhau còn lại sẽ còn rất ít và sẽ làm bạn nhớ sâu sắc hơn bởi đó là bản chất của sự việc.
7. Đọc thật nhiều
Nghe có vẻ mâu thuẫn với bí quyết 1 nhưng thực sự hai điều này hoàn toàn liên quan và hỗ trợ mật thiết cho nhau. Nếu nói học từ sách giáo khoa là học từ người thầy, thì học từ việc đọc nhiều sách là học từ bạn. Đọc nhiều sách giúp bồi dưỡng vốn từ, cách sử dụng câu cú cũng như đảm bảo đúng chính tả khi làm bài tập. Không phủ nhận việc sử dụng sách giáo khoa làm khung xương chính, vai trò nền tảng cung cấp kiến thức chủ yếu nhưng cũng phải khẳng định vai trò lớn lao của việc đọc nhiều sách, báo, truyện…sẽ giúp việc diễn đạt, trình bày những kiến thức thu nhận từ sách giáo khoa được hay, rõ, và đúng hơn. Tuy nhiên, riêng với sách tham khảo hay văn mẫu. Bạn nên chỉ chọn 3 quyển cho 3 môn mà bạn thấy hay và tâm đắc nhất. Tránh trường hợp “lắm thầy nhiều ma” việc tham khảo hàng đống cuốn văn mẫu chẳng hạn sẽ làm đầu bạn rối bù lên và băn khoăn không biết học theo cái nào, có khi khiến bạn trở nên tự ti với vốn liếng viết văn của mình dẫn đến chắp vá câu chữ khi cố làm cho giống, hay y chang như văn mẫu.
8. Giấy nhớ
Có một sự thật là, đôi khi việc chép giấy cũng không còn hiệu quả nếu như nội dung ấy không được lặp lại thường xuyên để nhắc bạn rằng nó vẫn còn tồn tại. Điều này giấy nhớ sẽ giúp bạn. Hãy dán ở bất cứ đâu bạn có thể nhìn thấy nó, đặc biệt những nơi thường xuyên đến như tủ lạnh, cánh cửa sổ, xung quanh gương, hành lang cầu thang, hay những nơi mà khi bạn làm việc gì đó nhưng vẫn có thể rảnh rang đọc và suy nghĩ được như tủ bếp, nhà tắm hay thậm chí là trong toa-let. Mỗi lần bạn đi qua, liếc nhìn sẽ là một lần ghi nhớ.
Tuy nhiên có một lưu ý là giấy nhớ nên viết thật to, rõ (thậm chí có thể viết trên khổ A0 hoặc lớn hơn với những bài kiến thức rộng nếu diện tích nơi dán cho phép) để có thể nhìn từ xa và mật độ giấy nhớ mỗi nơi được dán phải vừa đủ thoáng mắt. Đừng quá lạm dụng mà dán chi chít để rồi không biết nhìn vào cái nào để đọc hay mất hàng đống thời gian để có thể “nhìn” hết chúng. Chỉ nên dán 1-2 tờ/1 nơi. Khi cảm thấy nhớ kỹ rồi mới tháo nó xuống và thay tờ khác vào.
9. Học nhóm – đố và trả lời
Hãy tìm cho bạn một cạ cứng (thường là bạn thân trong lớp) cũng đang ôn thi khối C cùng học với bạn. Hai người hoặc nhiều hơn sẽ thay nhau đố và trả lời các câu hỏi về môn học. Ví dụ như Nam Cao sinh năm bao nhiêu, quê ở đâu, diện tích nước ta là bao nhiêu…Việc mọi người sôi nổi trao đổi về những kiến thức đã học sẽ để lại ấn tượng rõ ràng hơn trong đầu bạn. Bạn sẽ ghi dấu sâu sắc hơn vì trong quá trình hỏi – đáp sẽ đi đôi với những tình huống phát sinh, câu nói vui nào đó khiến não bạn sẽ phân tích rằng, hai sự việc ấy là một và chỉ cần bạn nhớ một cái (thường là rất ấn tượng, đặc biệt) thì cái kia sẽ tự động tồn tại trong đầu bạn.
10. Thoải mái (học khi muốn, thư giãn khi mệt)
Đây là bí quyết cực kì quan trọng, nó quyết định toàn bộ đến sự hiệu quả của những bí quyết trên kia. Hãy thử tưởng tượng nếu như bạn rất mệt mỏi và không hứng thú với việc học thì có cố nhồi nhét cũng chỉ khiến cho bạn thấy chán nản, áp lực hơn hay thậm chí là thấy sợ học. Chính vì thế, hãy thoải mái nghỉ ngơi khi mệt, thư giãn khi chán và làm những điều bạn thích. Tránh xa nơi học tập tù túng trong bốn bức tường của phòng bạn để đến với những nơi rộng rãi, thoáng đãng hơn và “refresh” lại tinh thần. Những nơi như bờ sông, cánh đồng lúa, hàng cây (ở nông thôn) hay công viên, vườn hoa…(ở thành phố) sẽ đặc biệt tốt cho bạn vào lúc này.
Nghe nhạc cũng là một cách để đầu óc nghỉ ngơi sau những giờ học căng thẳng
Thả lỏng và quên hết những áp lực thi cử, hãy nghĩ đến những điều bạn thích thú như cuộc sống sinh viên sẽ vui như thế nào, ăn mừng đỗ đại học sẽ làm gì, đi đâu…Cứ mơ mộng vì như thế sẽ làm bạn có động lực hơn, tinh thần sẽ quyết tâm hơn cho việc ôn thi. Cũng có thể rủ bạn bè đi chơi đâu đó và tâm sự, miễn là khiến bạn thấy nhẹ nhõm và xả được “stress”.
Trên đây là 10 bí quyết cho việc ôn thi các môn Văn – Sử – Địa trở nên dễ dàng, đơn giản hơn. Tất nhiên, mỗi người sẽ tự chọn cho riêng mình những phương pháp khác nhau để việc học không còn khó khăn và nặng nề nữa. Có thể những bí quyết này phù hợp với bạn hoặc ngược lại. Quan trọng là bạn thật sự muốn học, nghiêm túc cho việc mà mình làm và luôn quyết tâm thực hiện ước mơ được bước chân vào cổng trường đại học của mình. Chúc các bạn thành công!