Bí quyết học thi

Áp lực thi THPT: Học lực giỏi vẫn sợ rớt tốt nghiệp như chơi

470

Dẫu đã nộp hồ sơ vào đại học nhưng các em vẫn hoang mang: liệu mình có đậu tốt nghiệp hay không?

Là học sinh giỏi nhiều năm liền, nộp hồ sơ thi vào các đại học danh tiếng nhưng nhiều em vẫn canh cánh nỗi lo trượt tốt nghiệp THPT.

Chỉ còn hơn 3 tuần nữa, các em học sinh sẽ bắt đầu thi THPT quốc gia năm 2017 – một cột mốc quan trọng đánh giá 12 năm đèn sách. Hồ sơ đến giờ phút này đã hoàn thành, dự định cũng đã vạch ra, thế nhưng trong giai đoạn nước rút không ít em vẫn canh cánh trong đầu nhiều mối lo. Vấn đề chung trong số đó chính là áp lực về điểm số, về kết quả và về cả kì vọng của gia đình.

Áp lực thi THPT: Học lực giỏi vẫn sợ rớt tốt nghiệp như chơi


Kì thi THPT Quốc gia là cột mốc quan trọng đánh giá 12 năm đèn sách.
Kì thi THPT Quốc gia là cột mốc quan trọng đánh giá 12 năm đèn sách.

Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các trường THPT trên địa bàn cả nước đã tổng kết năm học 2016 – 2017. Thậm chí từ một tháng trước, chương trình học của lớp 12 đã kết thúc để các em nhanh chóng bắt tay vào ôn luyện cho kì thi THPT bắt đầu vào cuối tháng 6 sắp tới.

Các bậc phụ huynh và cả giáo viên thường nhắn nhủ với các em câu nói “điểm số không quan trọng, kiến thức mới quan trọng”. Điều này hoàn toàn đúng với định hướng chống tiêu cực trong học đường và cụ thể hơn là xem trọng điểm số và bệnh thành tích. Thế nhưng, thực tế có hoàn toàn đúng với nhận định trên?

Mỗi mùa thi đến, điểm số trở thành áp lực kinh hoàng với các em học sinh. Ngoài sấp đề cương Toán – Lý – Hóa – Sinh với hàng trăm bài từ dễ đến khó, thì các môn học bài Văn -Sử – Địa – Ngoại ngữ còn kinh hoàng hơn với lượng kiến thức “khủng” buộc các em phải ghi nhớ. Đối mặt với biển kiến thức mênh mông, không ít em chọn cách học ngày học đêm hoặc vùi đầu vào lò luyện để được hệ thống kiến thức. Trong 24g, các em phải nhồi nhét lịch “chạy show” cho nhiều ca học, thậm chí 1 môn còn “sơ cua” học tận 2-3 trung tâm chỉ vì lí do “thầy này dạy lí thuyết dễ hiểu, cô kia phân tích bài tập cụ thể hơn”. Và kết quả, trong giai đoạn nước rút trước khi bắt đầu kì thi, các em rơi vào tình trạng quá tải và kiệt sức. Thế nhưng, học bấy nhiêu đó, liệu đã đủ để các em tự tin vượt vũ môn?

Áp lực thi THPT: Học lực giỏi vẫn sợ rớt tốt nghiệp như chơi


Học ngày học đêm, cả tự học lẫn ôn luyện ở trung tâm nhưng đã đủ để khiến các em tự tin vượt vũ môn.
Học ngày học đêm, cả tự học lẫn ôn luyện ở trung tâm nhưng đã đủ để khiến các em tự tin vượt vũ môn.

Cũng là một teen chuẩn bị bước vào kì thi quan trọng nhất trong 12 năm đèn sách, em Bùi Huyền Trang – học sinh 12 của một trường THPT ở Gia Nghĩa – Đăk Nông không tránh khỏi hoang mang: “Dẫu gia đình không thúc ép việc học của em mà chỉ động viên nhắc nhở, nhưng mình vẫn không tránh khỏi áp lực vì thời gian đã đến rất gần rồi mà mình vẫn chưa nhồi nhét hết những thứ phải học vào đâu. Đôi lúc cảm thấy hoảng loạn vì có cảm giác chẳng kịp để học nữa rồi”.

Huyền Trang cũng cho hay thêm, trong năm học 12 vừa qua, em đạt học lực khá (điểm trung bình cả năm học là 7,4 điểm) và dự định sẽ thi tuyển vào ngành Y tế công cộng của trường Đại học Y dược TP.HCM – một trường đại học thuộc vào top đầu và có điểm thi tuyển thuộc hàng cao nhất. Về quyết định này, em cũng thẳng thắn thừa nhận: “Em thật sự không mấy tự tin về quyết định này. Em xác định là rớt nhưng cứ thử sức thôi”.

Khi được hỏi về lí do có phải đã được “hứa hẹn” về một cơ hội việc làm sau khi ra trường, em né tránh câu trả lời mà chỉ cho rằng: “mình muốn sau này được làm việc tại quê nhà”.


Cơ hội việc làm sau khi ra trường cũng là một nỗi canh cánh khi các em chọn trường, chọn ngành.
Cơ hội việc làm sau khi ra trường cũng là một nỗi canh cánh khi các em chọn trường, chọn ngành.

Tương tự như trường hợp trên, cậu bạn sĩ tử Nguyễn Mạnh Tiến (học sinh 12 của một trường THPT ở Đăk Nông) cũng mang cùng nguyện vọng giành cho mình được một vé vào trường ĐH ở TP.HCM. Môn thế mạnh của Mạnh Tiến là môn Toán với trung bình môn trong năm học vừa qua là 7,9 điểm. Cậu bạn mong muốn chọn ngành Công nghệ thông tin của trường ĐH Tôn Đức Thẳng để gắn bó trong 4 năm học sắp tới.

“Tự tin thì mình cũng có đấy nhưng đi kèm với đó là nỗi lo. Mình thì được nhất là môn Toán thôi, các môn còn lại cũng chỉ đều đều nên đề mà khó quá chắc phải cắn bút. Chiến lược của mình là sẽ cố gắng đạt điểm tốt ở môn thế mạnh, còn những môn còn lại thì cố gắng để không bị điểm liệt thôi”– cậu bạn chia sẻ.

Trước kì thi quan trọng mang tính quyết định, không chỉ bản thân em canh cánh nỗi băn khoăn mà gia đình em cũng không khỏi sốt ruột: “Bố mẹ vẫn thường nhắc em nên tập trung ôn luyện trong thời điểm nước rút này. Bố mẹ cũng nói nửa thật nửa đùa rằng: lo ôn mà thi không đậu là về cho đi làm rẫy, một mình một khu đất”.

Áp lực thi THPT: Học lực giỏi vẫn sợ rớt tốt nghiệp như chơi


Áp lực với các em đâu chỉ là kiến thức mà còn là kì vọng từ phía gia đình.
Áp lực với các em đâu chỉ là kiến thức mà còn là kì vọng từ phía gia đình.

Đạt thành tích khá tốt trong năm học 12 vừa qua, cô nữ sinh lớp 12C201 (một trường THPT tại Biên Hòa) – Bảo Hà cũng thẳng thắng chia sẻ: “Kể ra, mình đã đạt danh hiệu học sinh giỏi 7 năm trong tổng số 12 năm học. Riêng trong trong năm cuối cấp này mình đạt danh hiệu học sinh giỏi với trung bình cả năm học 8,3 điểm, nổi bật nhất có lẽ là môn hóa. Với thế mạnh khối tự nhiên, nên mình dự định chọn ngành quản trị kinh doanh là đích đến”.

Thế nhưng, khi được hỏi đến áp lực trong kì thi quan trọng sắp đến, cô nữ sinh không giấu được nổi băn khoăn: “Em sợ rớt Tốt nghiệp với Đại học. Nói chung bây giờ thì em có hơi lo”. Khi được gặng hỏi thêm về lí do e dè: dẫu được đánh giá học lực giỏi ở lớp nhưng lại thiếu tự tin với kì thi xét tốt nghiệp (thi cùng với những thí sinh học hệ Giáo dục thường xuyên), em cũng thật thà cho hay: “Học lực giỏi thì giỏi nhưng chắc gì có thể qua được kì thi. Đôi khi học tài thi phận mà”.

Áp lực thi THPT: Học lực giỏi vẫn sợ rớt tốt nghiệp như chơi


Trước một ngưỡng cửa quan trọng thì áp lực cộng thêm tâm lí mong muốn đạt thành tích cao là điều không thể tránh khỏi
Trước một ngưỡng cửa quan trọng thì áp lực cộng thêm tâm lí mong muốn đạt thành tích cao là điều không thể tránh khỏi

Mọi người vẫn truyền tai nhau câu nói: “Đại học không phải là cánh cửa duy nhất”, thế nhưng chẳng ai có thể phủ nhận Đại học mở ra ngưỡng cửa tương lai tươi sáng mà không ít người mơ ước chạm đến. Với bản thân các em 12, đại học là thành tựu đầu đời, với bậc phụ huynh đại học là cả một niềm tự hào để hãnh diện với bà con chòm xóm. Dần dần điều này trở thành một áp lực không hề nhỏ, khiến các em thường thủ thỉ nhau rằng: đậu là cuộc sống nở hoa, còn rớt là cuộc đời bế tắc.

Những câu chuyện mùa thi muôn hình vạn trạng chứ không hề dừng lại ở một vài điển hình trên đây. Và liệu rằng bạn đậu đại học thì có nghĩa tương lai sẽ “chói lòa”? Dĩ nhiên, tấm bằng tốt nghiệp, bằng cao đẳng/ đại học vẫn có “sức mạnh” riêng của nó, nhưng chưa chắc đó là lựa chọn tốt nhất dành cho bạn hay là đánh giá tốt nhất của số đông.

Một lời khuyên dành cho những sĩ tử chuẩn bị bước vào kì thi THPT 2017: Hãy vượt vũ môn theo cách chinh phục thử thách chứ không phải là “cuộc chiến” tranh nhau tấm vé sống còn.

Ảnh minh họa.

0 ( 0 bình chọn )

Thi Quốc Gia Thi THPT Quốc Gia 2021 của nhà xuất bản Giáo Dục Việt nam

https://thiquocgia.vn
Tổng hợp tài liệu ôn thi THPT Quốc Gia 2020 - 2021, Thi tốt nghiệp, Tài liệu luyện thi

Bài viết liên quan

Bài viết mới

Xem thêm