Cuộc thi viết “Người thầy của tôi”
Cuộc thi viết “Người thầy của tôi” nhằm ca ngợi nét đẹp người thầy trong việc dạy học cũng như sinh hoạt đời thường, hết lòng vì đàn em thân yêu. Đối tượng dự thi là mọi công dân Việt Nam, có thể tham gia nhiều tác phẩm. Sau đây là một số mẫu bài dự thi Người thầy của tôi của các em học sinh, mời các bạn tham khảo để có thêm ý tưởng cho bài viết của mình.
1. Bài dự thi Người thầy của tôi số 1
Lại một mùa thu nữa trôi qua, cái khí trời ảm đảm vừa đẹp mà vừa buồn lại làm tôi nhớ đến những buổi học ngày xưa, bên người thầy và những người bạn tôi luôn rất yêu thương… Làm sao tôi quên được cái buổi đầu tiên hôm ấy, ngày mà tôi gặp thầy – người đã thay đổi một phần lớn trong tôi, đặt cho tôi một niềm tin trên con đường tôi đang bước. Người thầy dạy Toán những năm cấp hai, một vì sao sáng dẫn lối cho hôm nay, cho tôi mai sau.
Và… Người thầy ấy: Là một người thầy tuyệt vời…
Trước khi được học thầy, tôi chỉ là một cô bé quá đỗi nhút nhát, tôi trầm lặng và khó gần… nên chính việc có một người bạn thân cũng quá là khó khăn. Chưa kể tôi còn bị thụ động rất nhiều trong việc học, nhất là môn Toán. Toán là một cái máy ghi âm kiến thức của nhân loại, còn tôi chỉ là một con vẹt, điểm số thì đi xuống từng ngày. Nó làm tôi cảm thấy rất lo lắng và chán nãn, mỗi giờ Toán là một giờ đầy áp lực và nặng nề…
May mắn không tôi tình cờ được học thầy… mọi thứ thay đổi từ đó…
Hôm ấy trời mưa, một chiều mưa rất to vào giữa hạ, vì những nỗi lo, nỗi sợ quanh quẩn mãi trong đầu nên tôi quyết – định đến trễ. Nhưng ai ngờ như thế lại khiến mọi người chú ý nhiều hơn, tôi bắt đầu buổi học nặng nề đến nỗi không dám ngước lên nhìn ai, chỉ cuối gằm mặt vì chả một chút gì đi vào đầu cả. Các bạn còn lại thì làm bài tập như cái máy, tôi chỉ biết buồn bã, chắc thầy biết, chắc thầy thở dài… Những buổi học đầu tiên khó khăn và nhức đầu làm sao, tôi học tệ nhất cả nhóm, sự mặc cảm và buồn bã làm tôi cực kì chán nãn. Vậy mà thầy còn trêu tôi, tính thầy hay đùa, vui thật nhưng lúc ấy thì chỉ làm tôi thêm khó chịu. Đã có lúc tôi tự thì thầm với mình: “Không biết tới bao giờ đây? Tôi ghét cái môn học này quá đi mất, ghét cả thầy và những người bạn trong nhóm nữa”
Rồi đến một buổi chiều, như bao buổi học khác…
Hôm ấy thầy dạy một kiến thức mới. Ôi chao! Căn bản Toán những năm trước tôi nắm một cách rất qua loa, dĩ nhiên trong nhóm có mỗi tôi là không làm được bài. Chắc hẳn một học sinh sẽ rất hiểu cảm giác lúc đó, cả thế giới như thu lại một cách biệt lập, mặc cảm và bối rối. Một giáo viên giỏi như thầy, kèm cả việc các thành viên còn lại của nhóm đều có mức học Toán đáng nể mà đôi lần tôi phát ghét. Tôi chỉ biết cúi gằm mặt xuống bàn và nghĩ: “Chắc hẳn thầy sẽ quát tháo mình… chẳng ai kiên nhẫn trước một học sinh như mình được” tôi đã rưng rưng sắp khóc. Nhưng, sao thầy không hề trách mắng một lời nào? Thầy chỉ thở dài và ân cần giảng lại… rồi thầy nói nhiều điều, nhưng câu mà khắc sâu trong tâm trí tôi nhất có lẽ là: “Em phải cố gắng lên, không làm được bài là thầy buồn lắm… nhất định phải cố gắng vào những gì mình đang làm. Núi thì cao, nhưng không thể nói là không leo lên được.” Câu nói ấy như bao hàm cho tôi cả một cuộc sống lớn, ánh mắt thầy tuy buồn nhưng chứa chan nhiều hy vọng. Không hiểu sao vừa về đến nhà tôi đã òa khóc, cảm thấy mình thật tệ và cũng thật sai lầm khi ban đầu: Tôi cũng đã rất ghét thầy và cả những người bạn lần đầu tôi gặp… Tôi thật ích kỉ!
Từ hôm đó, tôi đã có thêm một động lực để tự mình cố gắng, giống như một điều gì mà tôi mang ơn thầy. Tôi học tiến bộ dần và nhiều niềm vui đến từ đó mà trước giờ tôi chưa hề được đón nhận từ bất kì giáo viên nào. Thầy tôi, dù là người khá nóng tính và nghiêm nghị nhưng thầy có một trái tim đầy tình yêu thương, chưa kể thầy còn rất vui và quan tâm học sinh của mình. Sau này tôi đã chọn theo môn Toán, có thể gọi là một “kì tích” không, của thầy? Đúng! Núi thì phải cao nhưng không có nghĩa là không leo lên được.
Rồi cũng bất ngờ không? Những người bạn trong nhóm ấy trở thành bạn thân của tôi. Vẫn nhớ mỗi lần tôi thất bại, thầy vẫn luôn nhắc nhở: “Không sao, em cứ tiếp tục cố gắng. Nếu cần khóc thì cứ khóc đi rồi sẽ làm lại từ đầu”. Đã có lần một cậu bạn trong nhóm nói với tôi rằng: “Be monster, powerful monster” để động viên khi tôi thiếu tự tin hay đơn giản chỉ là câu: “Cố gắng lên, không sao đâu, tui tin bà sẽ làm được” cũng đủ khiến tôi mỉm cười trước thử thách… Mọi thứ không cần quá nhiều, từ thầy tôi, những người bạn thân của tôi, chỉ là một chút quan tâm, chút lo lắng… vì tôi biết, không lời nói nào có ý nghĩa hơn, họ còn làm cho tôi những gì đặc biệt hơn thế… Cảm ơn cuộc sống đã cho tôi một may mắn tuyệt vời để tôi biết rằng nó luôn đẹp.
Lục lại cái bài thơ hồi bé tôi đã từng đọc ở đâu đó:
“Vẫn là con thầy ơi
Thời gian không trở lại
Bài học ngày xưa dài
Theo đời con thắp sáng”
… rồi đôi lúc lại tự hỏi: “Nếu ngày ấy không được gặp thầy, gặp những người bạn ấy thì sẽ thế nào nhỉ?”… Rồi bỗng chốc thấy mình thật may mắn…
Bây giờ tôi đã là một học sinh cấp ba, đậu vào lớp chọn chuyên ba môn Toán, Lý, Hóa của ngôi trường này là điều trước giờ tôi chưa hề nghĩ đến nếu như ngày ấy không có thầy.
“Ngồi đây ngước nhìn trời sao… Nhớ đến năm nào
Một lời chúc cùng ngàn hoa, dâng lên thầy tôi
Và hạt bụi phấn đừng vội rơi, mái tóc bạc phơ
Để thầy tôi còn mãi nâng… bước chân trẻ thơ.”
Ngoài trời, thu đã đi qua chầm chậm, mang theo cả một chút lạnh của đông sắp tới. Không biết giờ này thầy đang làm gì? Tưởng tượng xem nào, có lẽ là một cô bé hay cậu bé nào đó cũng đang được thầy dìu dắt như tôi ngày xưa chăng…
Và điều tôi nghĩ đến đầu tiên sau khi viết xong những dòng tâm sự này, sẽ là: “20/11 này em sẽ cùng cả nhóm đến thăm thầy, thầy nhé!”…
2. Bài dự thi Người thầy của tôi số 2
Ngày 20-11 đã đi qua nhưng cái tâm trạng lâng lâng, xao xuyến vẫn còn đó trong tôi. Những giỏ hoa lớn, những bó hoa nhỏ, một bông hoa giản dị, một cái bắt tay, một lời nhắn hay gương mặt, nụ cười của bè bạn, đồng nghiệp lời chào vội vã của phụ huynh, học sinh mới và cũ….. tất cả vẫn đang như hiển hiện trước mắt tôi ấm nồng trong cái rét đầu đông.Khó có ngòi bút nào có thể tả nổi tâm trạng của tôi – nó kì lạ lắm bởi tôi cảm nhận được một cách đầy đủ tình cảm chân thành mà nhiều thế hệ đã dành cho mình – một giáo viên Tiểu học. Và tôi cũng hiểu: hình như mình đã chạm được đến trái tim của họ . Lòng tôi lại trào dâng một xúc cảm biết ơn khi nhớ đến một thần tượng Nhà Giáo trong tôi – một cô giáo đã từng dạy tôi thời Tiểu học.
Tôi vẫn còn nhớ như in cái thời bao cấp ấy – khi mà nghề nhà giáo cũng đang chung cái khó của thời bao cấp – khi mà các giáo viên sau buổi đi dạy phải lăn lộn với đủ nghề: từ bóc lạc, buôn bán, may nón…..để tăng thêm thu nhập – khi mà có một số giáo viên coi nghề đi dạy chỉ là nghề “phụ” thì cái say mê, tâm huyết của cô đã khiến tôi kính phục. Chồng cô là bộ đội, công tác xa nhà. Một nách hai đứa con thơ, xa quê ngoại . Bản thân cô bị bệnh tim, đau yếu, ngất xỉu đi bệnh viện luôn luôn nhưng chưa bao giờ cô rời xa trang giáo án. Đêm đêm, bên ánh đèn dầu leo lét, gượng dậy sau những cơn đau, cô lại miệt mài bên từng bài học, tỉ mẩn sửa cho học sinh từng câu, từng chữ trong mỗi bài tập. Cũng bên ánh đèn dầu, cô luyện cho mình từng nét chữ thẳng ngay, từng nét vẽ cho bài mĩ thuật để ngày mai lên lớp.
Cái ngày ấy, trẻ con cũng vất vả theo cái vất vả của cha mẹ. Sau mỗi buổi đi học về, chúng ra đồng mót lúa, mót khoai, tìm lạc sót, cất tép, bứt cỏ phơi khô…để phụ thêm cho gia đình. Tối đến, chơi chán chúng lăn ra trong giấc ngủ nặng nề cùng những giấc mơ tuổi thơ. Ngày mai tới lớp, chữ nghĩa đã gửi lại trên đồng. Lại cũng có những đứa trẻ bố mẹ theo kế sinh nhai hay có hoàn cảnh éo le, bỏ mặc chúng lay lắt bên dòng đời trôi nổi… tự bao giờ chúng trở thành những đứa trẻ khó bảo, học sinh cá biệt. Chúng thường xuyên trốn tiết, bỏ học, gây gổ… Cô đã nặng lòng với chúng. Nhiều buổi trưa, tối chúng không về nhà, cô lăn lộn đi tìm, hỏi đến từng nơi mà chúng từng đến, khuyên chúng về nhà. Có đứa, cô đưa chúng về nhà mình, nấu cơm cho chúng ăn, dỗ dành chúng ngủ, tỉ tê trò chuyện điều phải trái.. Mưa dầm thấm lâu, chúng dần hiểu và dễ bảo hơn, chịu khó học hành rồi tiến bộ. Trong số các học sinh cá biệt có người bây giờ là bác sỹ của một bệnh viện điều dưỡng, có người bây giờ là sỹ quan quân đội, lại có người là cán bộ cốt cán của địa phương cũng có người buôn bán nhỏ ổn định theo cuộc sống gia đình…
Mỗi mùa hiến chương họ đều rủ nhau về thăm cô giáo cũ. Họ rôm rả kể cho nhau nghe kỉ niệm ngày xưa với lòng biết ơn vô hạn. Bản thân tôi nay cũng trưởng thành, cũng đã có 20 năm đứng trên bục giảng, tôi cũng có nhiều học sinh yêu quý, nhớ về. Và trong suốt chặng đường tôi đã đi qua, sự tận tụy, tấm lòng của cô luôn là ngọn đèn soi sáng, nhắc nhở tôi hãy làm đúng đạo đức của nghề nhà giáo.
Bạn có biết cô giáo mà tôi nhắc đến là ai không?
Đó chính là mẹ tôi. Tự đáy lòng tôi muốn nói: Mẹ ơi! Con tự hào được là con của mẹ!
3. Bài dự thi Người thầy của tôi số 3
“Nghề dạy học như con đò thế hệ
Hết chuyến này còn chuyến khác chờ ta
Mái trường yêu, nơi ấy chính là nhà
Ta say đắm sáng chiều trên bục giảng”
(Hoàng Anh Hổ)
Thời gian cứ vô tình trôi mãi và nó cũng vô tình cuốn theo bao chuyện buồn vui của cuộc đời vào quá khứ, nhưng bất chợt bốn câu thơ trên đã gợi lại trong tôi kí ức của một thời sinh viên được sống trong môi trường Sư phạm đầy thân thương- cái thuở mà người ta vẫn gọi là “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Nhưng ấn tượng sâu sắc nhất trong suốt quãng thời gian học tập của tôi không phải là những giờ học, những buổi sinh hoạt ngoại khóa, những trò nghịch phá của lũ bạn… mà đó chính là kí ức về một người cô giáo – “người mẹ thứ hai” của tôi – Cô Lữ Thị Ngọc Phin.
Cô đã ngoài năm mươi tuổi. Dáng cô không thon thả nhưng bước đi lại rất nhẹ nhàng và uyển chuyển. Ánh mắt cô không còn trong, rõ vì tuổi cao nhưng vẫn giữ được nét dịu dàng, hiền từ ẩn dưới làn tóc xoăn xoăn đã điểm nhiều sợi bạc. Đôi môi cô hơi mỏng lúc nào cũng mỉm cười nhân hậu. Mỗi khi cô cười để lộ hai hàm răng trắng bóng và đều tăm tắp. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ như in nụ cười rất duyên của cô khi giảng bài. Nhưng có lẽ suốt đời này, tôi không sao quên được là những giọt nước mắt bất chợt lăn dài trên đôi gò má cô hay đúng hơn là dường như cô đã quá nhập tâm vào bài giảng “Chiếc lá cuối cùng” hôm ấy. Nhìn dáng vẻ cô lúc đó lòng tôi bỗng dâng lên một niềm tự hào và kính yêu vô hạn.
Tuy gia đình khá giả nhưng cô lại sở hữu đôi tay nhăn nhăn vì phải tảo tần quán xuyến mọi việc trong gia đình. Và cũng chính đôi tay ấy cô đã miệt mài bên từng trang giáo án không kể sớm khuya. Tôi cảm nhận được bầu nhiệt huyết và lòng say mê nghề nghiệp đó bằng chính những giờ lên lớp thật phong phú và sinh động của cô. Trong những tiết học ấy, dường như cô muốn truyền hết cho học trò ngọn lửa từ lòng đam mê nghề nghiệp của một người đã đi gần hết cái dốc của cuộc đời, chính điều đó đã thôi thúc tôi không ngừng trau dồi bản thân để xứng đáng và tự hào là học trò của cô. Nhiều lần nhìn những giọt mồ hôi thấm dần trên lưng áo cô tôi càng ý thức được rằng đằng sau những hoa trái ngọt lành luôn thấm đẫm những giọt mồ hôi của “người vun xới”.
Còn nhớ những buổi trưa hè nắng gắt, cô và tôi cùng ngồi trò chuyện với nhau bên ly cà phê, ngoài những chuyện học hành, gia đình thì cô hay khuyên dạy tôi những điều mà có lẽ đó chính là tâm niệm sống của cô. Cô từng dạy tôi rằng đã là một giáo viên thực sự muốn gắn bó với nghề thì phải lấy tất cả tâm huyết của mình để dạy dỗ và yêu thương học trò như chính con em của mình vậy… Những buổi nói chuyện ấy chính là bài học về cách sống, cách làm người và hơn hết những lời cô dạy chính là hành trang giúp tôi đứng vững và tự tin hơn với sự nghiệp “trồng người” sau này của mình.
Dù đã 5 năm trôi qua nhưng trong sâu thẳm trái tim tôi không sao nguôi được kỉ niệm của ngày chuẩn bị đi Thực tập sư phạm. Ngày ấy, cô tặng tôi một quyển sổ nhỏ với lời chúc may mắn. Về nhà, tôi mở quyển sổ ra xem cho kỹ thì bất chợt tờ 100.000 đồng rớt xuống trước mắt tôi, chưa hết ngỡ ngàng thì tôi lại bắt gặp những nét chữ quen thuộc của cô: “Trò cứ coi như đây là tiền ta nhờ trò cất hộ để những lần sau có dịp cô trò mình lại tiếp tục đi uống cà phê nữa. Đây là lệnh!” Niềm hạnh phúc xen lẫn xúc động chợt ùa về trong tôi bởi cô là người duy nhất biết rõ hoàn cảnh khó khăn của tôi khi học tập ở đây. Số tiền ấy đối với nhiều người có lẽ không là bao nhưng đối với tôi đó là một tài sản vô giá bởi nó không chỉ mang ý nghĩa về vật chất mà còn chứa đựng cả về mặt tinh thần. Niềm ao ước có được một chiếc cặp làm hành trang đơn sơ cho ngày đầu tiên tập tễnh làm cô giáo bấy lâu nay giờ đã thành hiện thực. Tôi đã dành trọn vẹn số tiền ấy sắm một chiếc cặp nhỏ xinh để thỏa lòng mong ước bấy lâu cũng như muốn giữ lại một kỉ niệm đẹp về cô.Giả sử cõi người có cuộc hồi sinh thì tôi vẫn nguyện là học trò của cô- một người cô ân cần, quan tâm và yêu thương học trò như thế.
Cuộc sống này chắc hẳn sẽ lắm nỗi truân chuyên khi dòng chảy thời gian luôn cuốn theo bộn bề lo toan những chuyện lợi danh, cơm áo… Nhưng riêng tôi, giờ đây dù đã trở thành một giáo viên thực thụ nhưng không lúc nào tôi quên được hình ảnh những người thầy, người cô đã khoác lên vai tôi “hành trang trí tuệ” để tôi vững chắc vào đời. Riêng cô, dù thế nào đi nữa thì từ sâu thẳm trái tim tôi mãi mãi sẽ khắc ghi những kí ức đẹp nhất về cô bởi cô chính là một hình tượng mẫu mực đáng để cho các lớp học trò noi theo. Giờ đây mỗi khi đứng trên bục giảng thì kí ức về cô lại ùa về trong tâm trí tôi. Đó không chỉ là những kiến thức mà cô đã truyền thụ mà quan trọng đó chính là cách sống, cách nghĩ, cách yêu thương học trò như thế nào cho xứng đáng với đạo làm thầy.
Giờ không còn được gặp cô nhiều như trước nữa, nhưng hình ảnh cô sẽ mãi in đậm trong tâm trí tôi. Trong từng hành động, từng suy nghĩ, tôi luôn ghi nhớ những gì mà cô thường dặn dò dạy bảo. Tôi luôn biết ơn cô rất nhiều, cô đã dành cho tôi một con đường sáng ngời, bởi đó không chỉ là con đường trí tuệ mà đó còn là con đường sáng trong đạo làm thầy, làm cô. Tôi sẽ lấy những lời cô dạy để sống, lấy cô làm gương sáng để noi theo trong sự nghiệp mà tôi đã chọn.
Cô ơi! Những kỉ niệm, những tình cảm cô riêng dành cho em, em sẽ ôm ấp, trân trọng nó như chính linh hồn của mình. Dù thời gian cứ lặng lẽ trôi qua, không gian cứ từng ngày thay đổi, đời sống có khó khăn hay sung sướng, hạnh phúc hay buồn đau. Mọi thứ có thể khác đi nhưng tình cảm chân thành, thiêng liêng và sâu kín nhất mà em riêng dành cho cô sẽ không có một lớp bụi thời gian nào có thể làm phai mờ được.
“Mai đây dù ở phương nào
Lòng em vẫn mãi dạt dào tình cô”
Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của Thiquocgia.vn.