Việc giành điểm cao ở môn Địa là điều không khó nhưng để làm được thì thí sinh cần phải có phương pháp học và bám sát vào cấu trúc đề thi.
Sau nhiều năm ôn thi Tốt nghiệp THPT, Đại học và bây giờ là kỳ thi THPT Quốc gia môn Địa lý, thầy giáo Lê Quốc Châu (hiện đang là giáo viên trường THPT Cù Huy Cận – Hà Tĩnh) “bật mí” cách làm bài thi môn Địa lý để các sĩ tử giành kết quả cao trong kỳ thi THPT quốc gia tới.
Những lỗi thí sinh cần tránh khi làm bài thi môn Địa lí
Theo thầy Lê Quốc Châu khi làm bài thi thí sinh thường mắc những lỗi sau:
Lỗi thứ nhất, học sinh không đọc kỹ đề bài nên các em không xác định đúng yêu cầu đề bài đưa ra, không xác định được nội hàm câu hỏi dẫn đến lạc đề, câu hỏi một đằng, trả lời một nẻo.
Để học sinh có kỹ năng đọc đề thì giáo viên cũng cần rèn luyện cho các em như:
Lần 1, đọc toàn bộ đề thi, chọn câu dễ làm trước để vừa kiếm điểm vừa không mất thời gian loay hoay với câu hỏi khó.
Lần 2, đọc từng câu.
Lần 3, đọc từng ý.
Mỗi câu, mỗi ý trong cấu trúc đề thi đều tương ứng với một đơn vị kiến thức trong sách giáo khoa nên thí sinh cần phải đọc kỹ.
Thầy giáo chỉ cách làm bài thi môn Địa lý đạt điểm cao (Ảnh: kienthuc.net.vn)
Lỗi thứ 2, học sinh thường chủ quan nên để mất điểm ở những câu, những ý dễ, trả lời thiếu ý, sót ý.
Ví dụ:
Câu hỏi lý thuyết, đề bài yêu cầu: “nhận xét tình hình phát triển dân số, tình hình phát triển ngoại thương…”.
Vì đề bài nhắc tới “nhận xét tình hình” nên buộc học sinh phải nhận xét được 2 ý lớn về sự thay đổi số lượng và về sự thay đổi cơ cấu.
Nhưng đa phần, thí sinh chỉ nhận xét về số lượng mà quên nhận xét về cơ cấu.
Câu hỏi thực hành, đề yêu cầu: “vẽ, nhận xét, giải thích các loại biểu đồ..” thì thí sinh thường quên điền số liệu vào biểu đồ, quên ghi năm, tên biểu đồ, quên lập bảng chú giải…
Phương pháp tránh điểm liệt môn Địa lí
Đối với môn Địa lý, để tránh điểm liệt thì học sinh cần chú ý đến câu 3 trong cấu trúc đề thi.
Theo đề thi năm 2015, câu 3 yêu cầu: Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học kể tên, xác định sự phân bố các đối tượng địa lí trên bản đồ như: kể tên các tỉnh, các cảng biển, sân bay, các trung tâm công nghiệp, các trung tâm du lịch, các cửa khẩu quốc tế…
Riêng câu hỏi này gồm 2 ý (2 điểm) nên giáo viên cần hướng dẫn học sinh cách sử dụng Atlat Địa lí Việt Nam là hoàn toàn yên tâm học sinh tránh được điểm liệt.
Ngoài ra, thí sinh có thể giành điểm ở các câu khác mà không cần học thuộc kiến thức trong sách giáo khoa.
Đó là dạng câu hỏi trình bày, phân tích điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế – xã hội ảnh hưởng đến phát triển một ngành, một vùng kinh tế; giải thích sự phân bố các cây lương thực, cây công nghiệp, vùng chuyên canh lương thực thực phẩm, vùng kinh tế trọng điểm, ngành kinh tế, vùng kinh tế…hoàn toàn dựa vào Atlat để làm bài.
Bí quyết đạt điểm cao môn Địa lý
Theo thầy Lê Quốc Châu, việc giành điểm cao ở môn Địa là điều không khó nhưng để làm được thì thí sinh cần phải có phương pháp học đúng đắn.
Thầy Lê Quốc Châu (hiện đang là giáo viên trường THPT Cù Huy Cận – Hà Tĩnh) “bật mí” giúp các sĩ tử cách làm bài thi môn Địa lý (Ảnh nhân vật cung cấp)
Thí sinh cần bám sát vào cấu trúc đề thi để học. Cấu trúc đề thi gồm 4 câu trong đó: 2 câu hỏi lý thuyết về Địa lí tự nhiên, Địa lí dân cư, các ngành kinh tế, các vùng kinh tế; 1 câu kiểm tra kỹ năng sử dụng Atlat Địa lí Việt Nam; 1 câu kiểm tra kỹ năng vẽ, nhận xét, giải thích biểu đồ.
Mặt khác, cần tận dụng triệt để Atlat Địa lí Việt Nam – cuốn tài liệu duy nhất được mang vào phòng thi, thí sinh nên dựa vào Atlat để học bởi cả 4 câu hỏi trong đề thi đều có thể sử dụng Atlat Địa lí Việt Nam để làm bài.
Ví dụ, trong câu 1 đề thi hỏi về Địa lí tự nhiên, Địa lí dân cư, câu 2 đề hỏi về các ngành, các vùng kinh tế, thí sinh hoàn toàn có thể sử dụng những số liệu trên biểu đồ trong Atlat để làm bài.
Muốn đạt điểm cao ở môn Địa lý, thí sinh cần trấn an tâm lý khi vào phòng thi và kỹ năng làm bài thi: đọc kỹ đề bài, lập dàn ý vào giấy nháp, sử dụng Atlat làm bài, câu dễ làm trước câu khó làm sau, dành 5-10 phút cuối giờ để kiểm tra lại toàn bài…
Một số lưu ý khi sử dụng Atlat Địa lí Việt Nam:
Thứ nhất, sử dụng nhiều trang Atlat để trả lời 1 câu hỏi đề ra.
Thứ hai, nhận xét các biểu đồ trong Atlat để lấy kiến thức, nhất là phần thực trạng và số liệu.
Thứ ba, đối với các phần kiến thức không có trong Atlat như vai trò, đặc điểm, các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội…thì buộc thí sinh phải học và ghi nhớ trong sách giáo khoa.