Có bắt buộc phải đổi CMND sang căn cước gắn chip trước 1/7
Nhiều người lo lắng, sau 01/7/2021, khi Sổ hộ khẩu giấy bị bãi bỏ thì Chứng minh nhân dân (CMND) 9 số không còn giá trị do Nhà nước quản lý công dân bằng mã định danh cá nhân 12 số. Vậy, trên thực tế, Chứng minh nhân dân 9 số có thời hạn đến bao giờ?
Câu hỏi: Tôi sinh năm 1954. Chứng minh nhân dân của tôi có 9 số, vừa được làm năm 2016, hạn sử dụng là năm 2031. Mới đây, Công an xã đến bảo với tôi rằng thẻ này của tôi chỉ còn hạn đến 01/7/2021 nên bây giờ tôi phải đi làm Căn cước công dân gắn chip, nếu không, sau ngày 01/7/2021 tôi vẫn phải đi đổi thẻ. Vậy Công an xã nói như thế có đúng không?
Theo điều 5 Nghị định 05/1999/NĐ-CP quy định những trường hợp sau đây phải làm thủ tục đổi Chứng minh nhân dân:
– Chứng minh nhân dân hết thời hạn sử dụng;
– Chứng minh nhân dân hư hỏng không sử dụng được;
– Thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh;
– Thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
– Thay đổi đặc điểm nhận dạng.
Theo Thông tư 04/1999/TT-BCA hướng dẫn Nghị định 05/1999/NĐ-CP về Chứng minh nhân dân, thời hạn sử dụng của Chứng minh nhân dân được quy định như sau:
CMND có giá trị sử dụng 15 năm. Mỗi công dân Việt Nam chỉ được cấp một CMND và có một số CMND riêng. Nếu có sự thay đổi hoặc bị mất CMND thì được làm thủ tục đổi, cấp lại một giấy CMND khác nhưng số ghi trên CMND vẫn giữ đúng theo số ghi trên CMND đã cấp.
Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 38 Luật Căn cước công dân 2014:
Chứng minh nhân dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ Căn cước công dân.
Như vậy, Chứng minh nhân dân 9 số có thời hạn 15 năm. Công dân không phải đổi Chứng minh nhân dân nếu thẻ vẫn còn hạn. Hiện nay, không có văn bản nào quy định rằng Chứng minh nhân dân 9 số chỉ có thời hạn đến 01/7/2021. Mốc 01/7/2021 thực ra là mốc Bộ Công an không cấp mới Sổ hộ khẩu giấy, chuyển sang quản lý công dân bằng mã định danh cá nhân (12 số trên thẻ Căn cước công dân).
Đây cũng là mốc Bộ Công an cam kết cơ bản hoàn thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Vì thế, mục tiêu của Bộ Công an là cấp được 50 triệu thẻ Căn cước công dân gắn chip trước 01/7/2021. Chính vì những lý do trên, Công an các tỉnh, quận, huyện… đang cấp tốc cấp Căn cước công dân cả cuối tuần, thậm chí cả ngày lẫn đêm…
Bởi vậy, tại nhiều địa phương, ngoài việc vận động người dân đi làm Căn cước công dân thì cán bộ lại khiến công dân hiểu sai về hạn sử dụng của thẻ Chứng minh nhân dân.
Về trường hợp trên, bạn có thể lựa chọn làm Căn cước công dân gắn chip ngay bây giờ (hiện nay không cấp Chứng minh nhân dân mà đã cấp Căn cước công dân gắn chip trên toàn quốc) hoặc đợi đến khi Chứng minh nhân dân hết hạn (15 năm kể từ ngày cấp ghi trên mặt sau của thẻ).
Nếu đi đổi Chứng minh nhân dân sang Căn cước công dân bây giờ sẽ có một số thuận lợi như: được cấp lưu động về tận xã, phường; lệ phí cấp thẻ chỉ còn một nửa… Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, các điểm cấp thẻ hầu như đông và quá tải. Vì thế, thời gian cấp thẻ cũng lâu hơn so với quy định của pháp luật. Bạn có thể cân nhắc những mặt lợi và hại để xác định có cần làm thẻ ngay bây giờ không.
Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Phổ biến pháp luật của Thiquocgia.vn.