Ngữ Văn

CHUYÊN ĐỀ:CHINH PHỤC ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 TỪ

1118
Nội dung bài viết

Phần 2

II. Hai loại đoạn văn thường gặp:

Dạng 1: Bàn luận về một tư tưởng, đạo lí:

– Đề bài thường trích một câu trong đọc hiểu để yêu cầu thí sinh bày tỏ ý kiến, bàn luận. Cũng có những đề bài không trích dẫn văn bản mà trực tiếp nên vấn đề cần nghị luận.

Để nắm vững phần này, các em nên ÔN TẬP THEO CHỦ ĐỀ. Các vấn đề từ câu nói thường yêu cầu bàn luận như:

+ Nhận thức: lí tưởng, khát vọng, niềm đam mê, mục đích sống…

+ Phẩm chất: lòng yêu nước, tính trung thực, lòng dũng cảm, sự khiêm tốn, sự tự học, lòng ham hiểu biết, sự cầu thị…

+ Quan hệ gia đình: tình mẫu tử, tình anh em…

+ Quan hệ xã hội: tình bạn, tình thầy trò, tình đồng bào…

+ Cách ứng xử của mọi người trong cuộc sống: lòng nhân ái, thái độ hòa nhã, sự vị tha…

+ Các tư tưởng lệch lạc, tiêu cực: ích kỉ, thực dụng, dối trá, hèn nhát…

Cấu trúc chung của đoạn văn:

Mở đoạn: (khoảng 2 dòng)

Dẫn dắt vào vấn đề

Trích dẫn câu nói.

Thân đoạn: Giải – Nguyên – Minh – Luận – Dụng

Bước 1: Giải thích ý nghĩa câu nói/ vấn đề.

Yêu cầu:

+ Chỉ giải thích những từ ngữ, hình ảnh còn ẩn ý hoặc chưa rõ nghĩa.

+ Phải đi từ yếu tố nhỏ đến yếu tố lớn: giải thích từ ngữ, hình ảnh ẩn ý trước rồi mới khái quát ý nghĩa của cả câu nói.

+ Nên dựa vào nôi dung phần Đọc hiểu để giải thích ý nghĩa, tránh suy diễn tùy tiện. Bởi vì có những câu nói khi đứng độc lập thì nó có ý nghĩa khác so với nghĩa trong văn cảnh

Nếu đề bài không trích dẫn câu nói thì chỉ cần giải thích ngắn gọn khái niệm/ vấn đề cần bàn luận.

Bước 2: Bình luận, nêu quan điểm của cá nhân (thấy đúng, sai hay cả đúng cả sai). Lý giải quan điểm đó (Vì sao đúng? Vì sao sai?)

Yêu cầu:

+ Phân tách các vế của câu nói để xem xét cặn kẽ, thấu đáo.

+ Khi bàn luận, cần có căn cứ khách quan.

Bước 3: Minh chứng bằng các dẫn chứng, ví dụ cụ thể (Biểu hiện như thế nào?)

Yêu cầu:

+ Dẫn chứng phải tiêu biểu, hợp lí, phục vụ cho việc bàn luận.

+ Nên kết hợp dẫn chứng lịch sử – hiện tại, trong nước – ngoài nước, người nổi tiếng – người bình thường… sao cho phong phú và có sức thuyết phục.

+ Có 4 cách nêu dẫn chứng:

. Cách 1: nêu số liệu (Ví dụ: số liệu về người mắc ung thư do thực phẩm bẩn).

. Cách 2: nêu hiện tượng hiển nhiên, không thể chối cãi (Ví dụ: thủng tầng ô-zôn khiến bầu khí quyển bị ảnh hưởng)

. Cách 3: nêu tấm gương điển hình, nổi tiếng (Ví dụ: Walt Disney, Bill Gate…)

. Cách 4: nêu lời nói của một người nổi tiếng (Ví dụ: Nhà văn Mark Twain từng nói: “Không có gì buồn hơn tiếng thở dài của người còn trẻ mà đã bi quan).

Bước 4: Luận bàn mở rộng vấn đề: Phê phán điểm hạn chế, phân tích mặt tích cực.

Bước 5: Áp dụng tư tưởng đạo lí vào trong thực tế: Nêu bài học nhận thức và hành động (Cần phải làm gì?)

Yêu cầu:

+ Bài học phải được rút ra từ chính tư tưởng, đạo lí mà đề bài yêu cầu bàn luận.

+ Bài học cần chân thành, giản dị, hướng tới tuổi trẻ, không sáo rỗng, hình thức.

+ Nên rút ra hai bài học, một bài học về nhận thức, một bài học về hành động.

Kết đoạn:

Đưa ra một thông điệp hay một lời khuyên cho mọi người.

Lưu ý: Có những dạng “đề nổi”, xác định rõ phạm vi nội dung bài viết. Các em cần xác định rõ đâu là luận điểm chính, đâu là luận điểm phụ, không phải tất cả các bước đều triển khai dung lượng như nhau.

Ví dụ: Bàn về vai trò của lòng khoan dung…

Với đề bài này, sau khi giải thích khái niệm, biểu hiện, các em cần làm rõ vai trò của lòng khoan dung trong cuộc sống. Đây là luận điểm chính, then chốt của bài viết

VÍ DỤ MINH HỌA:

Đề thi minh họa năm 2017 của Bộ giáo dục:

Viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về câu nói: “Leo lên đỉnh cao là để các em có thể nhìn ngắm thế giới chứ không phải để thế giới nhận ra các em”.

Gợi ý:

– Mở đoạn: Giới thiệu vấn đề

(Thầy hiệu trưởng … đã có câu nói: “Leo lên … các em.”)

– Phát triển đoạn:

+ Giải thích câu nói: (Câu nói khẳng định điều gì?)

(“Leo lên đỉnh núi cao” có thể hiểu là sự chinh phục những thử thách, chiếm lĩnh những tầm cao của con người chúng ta. Còn “nhìn ngắm thế giới” là sự quan sát, phát hiện sự lớn lao cũng như tận hưởng những vẻ đẹp của thế giới, của cuộc sống xung quanh. “Thế giới nhận ra các em” nghĩa là sự ghi nhận của mọi người. Câu nói của thầy hiệu trưởng đã khẳng định thái độ đúng đắn của con người khi vươn tới tầm cao, đạt được mục đích lớn lao: không phải để khẳng định thành tích mà là phải xem đó là cơ hội để trải nghiệm, nhìn ngắm thế giới ở tầm cao hơn, rộng hơn, khái quát hơn.)

+ Bàn luận: Phân tích, lí giải, chứng minh ý nghĩa câu nói:

Vì sao ta phải “Leo lên đỉnh núi cao”?

Chinh phục những đỉnh cao trong cuộc sống – dù không dễ dàng – nhưng là khát vọng cao cả, là cách thể hiện bản thân, thể hiện bản lĩnh mỗi người. Khi lên tới đỉnh cao, ta sẽ nhìn lại được khả năng của chính mình, có thêm nhiều kinh nghiệm mới.

Vì sao “Leo lên đỉnh núi cao” là ta có thể “ngắm nhìn thế giới”?

Mỗi hành trình vươn đến đỉnh cao đều chứa đựng những bí ẩn thú vị, mà đi đến tận cùng, người ta mới thấu hiểu. Ở tầm cao, người ta sẽ ngắm nhìn thế giới rộng hơn, khái quát hơn và chính xác hơn.

Cuộc sống không ngừng vận động, nên muốn tiến bộ, phát triển, phải nhìn ngắm thế giới hằng ngày. Đây là cái đích của sự chinh phục những đỉnh cao trong cuộc đời.
Vì sao “Leo lên đỉnh núi cao” là “không phải để thế giới nhận ra” mình?

Nếu coi việc chinh phục đỉnh cao là để được mọi người ghi nhận là cái đích tối cao, con người dễ bằng lòng, thỏa mãn với những gì mình có mà không còn ý thức vươn lên nữa.

Ai đã làm được điều đó – xem việc chinh phục đỉnh cao là để “nhìn ngắm thế giới”?

Rất nhiều những nhà khoa học, những nhà kinh tế mà mục tiêu của họ đặt ra để phấn đấu đạt được chứ hoàn toàn không phải để người khác nhìn thấy vai trò, tài năng của họ. Như nhà bác học Ê – đi – xơn, mục tiêu của ông là thắp sáng lên cho cả thế giới. Ông đặt ra mục tiêu này để theo đuổi, cống hiến hết mình cho những điều cao đẹp của cuộc đời chứ không nhằm khẳng định tên tuổi.

Cần phải phê phán những hiện tượng nào?

Thật đáng chê trách những người không biết đặt ra những “đỉnh cao”, những mục tiêu cho bản thân mình. Những con người ấy sống cuộc sống như vô nghĩa, không chút cầu tiến, không chút tương lai. Cũng thật đáng phê phán những ai xem việc chinh phục đỉnh cao chỉ nhằm để khẳng định mình trước thiên hạ mà không vì mục tiêu chung cho mọi người.

– Kết đoạn: Bài học với bản thân.

(Câu nói của thầy hiệu trưởng đã cho tôi một bài học vô cùng sâu sắc. Bản thân tôi phải đặt ra mục tiêu cho chính mình và tôi cũng nghĩ rằng, chỉ có bản thân mình mới có thể hiểu được giá trị của những mục tiêu đó. Tôi không cần người khác đánh giá mà chỉ cần tôi hiểu được giá trị của chính mình – những điều tôi đang theo đuổi. Tất cả những điều đó cho tôi và cho tất cả chúng ta một cuộc sống tuyệt vời.)

Dạng 2: Bàn luận về một hiện tượng đời sống

Phân loại:

– Các hiện tượng tích cực trong đời sống: tương thân tương ái, tự học thành tài…

– Các hiện tượng tiêu cực trong đời sống: ô nhiễm môi trường, thực phẩm bẩn, tai nạn giao thông, gian lân trong thi cử…

– Các hiện tượng hai mặt: đam mê thần tượng, du học rồi ở lại nước ngoài, mạng xã hội…b. Dàn ý chung:

– Mở đoạn:

+ Dẫn dắt vào hiện tượng.

+ Nêu thái độ đánh giá về hiện tượng.

– Thân đoạn: Thực – Nguyên – Thái – Biện – Liên.

+ Bước 1: Nêu rõ thực trạng, các biểu hiện cụ thể của hiện tượng trong đời sống (Nó như thế nào?)

+ Bước 2: Nêu nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên (Nguyên nhân khách quan và chủ quan; Nguyên nhân sâu xa và trực tiếp).

+ Bước 3: Nêu thái độ đánh giá, nhận định về mặt đúng – sai, lợi – hại, kết quả – hậu quả, biểu dương – phê phán.

+ Bước 4: Biện pháp khắc phục hậu quả hoặc phát huy kết quả. (Cần phải làm gì?)

+ Bước 5: Liên hệ bản thân, rút ra bài học nhận thức và hành động cho mình.

– Kết đoạn:

Đưa ra thông điệp hay lời khuyên cho tất cả mọi người.

VÍ DỤ MINH HỌA:

Nhiều chuyên gia cho rằng sự phát triển của công nghệ thông tin và mạng xã hội đang làm lo ngại về sự bùng phát của “đại dịch ái kỉ” (bệnh tự yêu mình) mà việc tự chụp ảnh và đếm “like” cho những thông tin của mình trên những trang mạng xã hội chỉ là một biểu hiện.

Viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về hiện tượng được nêu trong ý kiến trên.

Gợi ý:

– Mở đoạn:

Sử dụng mạng xã hội là một nhu cầu không thể thiếu trong thời đại công nghệ nhưng sự bùng phát của “đại dịch ích kỉ” do nó mang lại cũng là vấn đề được dư luận đặt ra.

– Thân đoạn:

+ Giải thích, thực trạng:

. Khái niệm “ái kỉ”: là chỉ căn bệnh tự yêu bản thân mình. Đó được xem là một dạng rối loạn nhân cách khi một người có biểu hiện tự cao, ảo tưởng, thiếu đồng cảm với người khác.

. Cùng với sự phát triển của internet là hàng loạt các trang mạng xã hội ra đời như twitter, zalo, vaber, facebook… kéo theo trào lưu sống ảo, đăng các thông tin, dòng trạng thái hay ảnh cá nhân để “khoe” với cộng đồng mạng.

+ Nguyên nhân:

. Chứng bệnh này là nguyên nhân của lối sống xa hoa, chú trọng hình ảnh, danh tiếng. Nó là một trong những biểu hiện của lối sống “tôi là trung tâm”.

. Nó cũng xuất phát từ việc người sử dụng mạng xã hội chưa có những nhận thức đúng đắn, dẫn đến tình trạng lạm dụng.

. Ngoài ra, do cha mẹ ít có thời gian quan tâm, để ý đến con cái nên không quản lí được thời gian sử dụng mạng xã hội của con cái.

+ Hậu quả:

. Hiện tượng này để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng như làm hình thành một thế hệ trẻ tự yêu mình, ít hòa nhập với xã hội.

. Người nghiện điện thoại hoặc các trang mạng xã hội thường có lối sống, thái độ thiếu đồng cảm với mọi người: thay vì giao tiếp cá nhân, họ chỉ chú ý vào màn hình điện thoại để sống với thế giới ảo của mình.

. Hơn nữa, hiện tượng này dẫn đến tình trạng con người thiếu khả năng kiểm soát những ham muốn của bản thân nên có những hành động bất thường chỉ để thỏa mãn nhu cầu cá nhân mình: ăn mặc như nhân vật mình tưởng tượng, mua sắm vật dụng cá nhân đắt tiền để chạy theo phong trào, dễ sa ngã…

. Thậm chí, đây cũng là một tâm lí dẫn đến tỉ lệ tử vong cao.

+ Giải pháp và bài học:

. Mỗi cá nhân cần ý thức được ranh giới giữa thế giới ảo và thực để biết cân bằng cuộc sống.

. Gia đình, nhà trường và xã hội cần có những biện pháp hỗ trợ giúp đỡ, định hướng cho các thành viên trong cộng đồng, nhất là giới trẻ để mỗi cá nhân có cuộc sống thật lành mạnh, hài hòa với xã hội.

– Kết đoạn:

Đây là hiện tượng tiêu cực do mạng xã hội gây ra nên cần ngay lập thức chấn chỉnh, thay đổi để mỗi cá nhân có cuộc sống cân bằng, lành mạnh.

——————————————————————————————————-

Đặc biệt lưu ý: Trên đây chỉ là dàn ý chung cho đoạn văn bàn về hiện tượng đời sống. Tùy vào từng đề thi cụ thể, các em cần linh hoạt khi làm bài. Có những đề thi không nhất thiết phải triển khai đầy đủ các bước, có thể nhấn mạnh vấn đề đang bàn luận.

Ví dụ: Đề bài yêu cầu anh/ chị hãy bình luận về nguyên nhân và giải phápđể khắc phục hiện tượng trên. Thì chúng ta cần làm rõ nguyên nhân và đề xuất được những giải pháp đúng đắn, thuyết phục người đọc. Những luận điểm phụ chỉ là tiền đề để triển khai luận điểm chính. Tránh viết chung chung, dàn trải.

Theo Vanmau.top

0 ( 0 bình chọn )

Thi Quốc Gia Thi THPT Quốc Gia 2021 của nhà xuất bản Giáo Dục Việt nam

https://thiquocgia.vn
Tổng hợp tài liệu ôn thi THPT Quốc Gia 2020 - 2021, Thi tốt nghiệp, Tài liệu luyện thi

Bài viết liên quan

Kết nối với chúng tôi

Sự kiện nổi bật

thi sinh lo lang vi de thi lich su kho nhieu kien thuc lop 11

Thứ 5

23/02/2021 08:00

Xem nhiều

Chủ đề

Bài viết mới

Xem thêm