Cây tre thân thuộc gắn bó với con người Việt Nam, viết văn biểu cảm về cây tre ngắn hay dành cho học sinh lớp 7. Đón xem ngay bài viết hay ngay bên dưới.
Mục lục1.Dàn ý biểu cảm về cây tre Việt Nam2.Văn mẫu biểu cảm về cây tre
Dàn ý biểu cảm về cây tre Việt Nam
Văn mẫu biểu cảm về cây tre
Bài viết số 1
Cây tre, có lẽ đây là một hình ảnh không thể xóa nhòa trong tiềm thức của con người Việt Nam. Cây tre quen thuộc trong đời sống, từ lũy tre làng đến các loại tre để làm cảnh, tạo bóng mát, tre làm các vật dụng và hơn hết cây tre đã đi vào thơ văn và truyền nhau bằng những câu truyện cổ tích dân gian. Phải nói cây tre đã có từ lâu đời và là biểu tượng của dân tộc Việt Nam ta.
Cây tre như thể hiện tinh thần, tính cách của con người Việt Nam bởi vì tre không bao giờ đứng riêng lẻ mà tre mọc thành từng khóm, từng bụi, đoàn kết và gắn bó hơn thế tre còn là loài cây dễ sống và sinh trưởng rất nhanh.
Tre có thể sống trên vùng đất cằn cõi, bạc màu, sống trong điều kiện như thế nhưng tre vẫn phát triển rất nhanh có thể trong vòng khoảng 100 ngày tre đã hoàn thành phát triển cả về chiều cao và đường kính.
Còn một điều đặc biệt về tre nữa mà không biết các bạn có biết không đó là tre cũng ra hoa nhưng chúng ta sẽ rất khó gặp được bởi vì tre ra hoa là hiện tượng độc đáo và hiếm gặp trong thế giới thực vật, thời gian ra hoa của tre là từ 60 đến 130 năm và còn đặc biệt hơn nữa khi mà những cây tre cùng loài ra hoa gần như đồng thời trên toàn thế giới, bất kể vị trí địa lý và thời tiết,hiện tượng ra hoa hàng loạt này được gọi là trổ bông tập thể.
Tuy nhiên sau khi ra hoa và quả thì cây tre già sẽ chết khiến cho cả rừng tre úa tàn trong vòng vài năm, cũng không hiểu vì sao lại có hiện tượng trên phải chăng để ra hoa kết trái tre đã hao tốn quá nhiều năng lượng khiến mình chẳng thể tiếp tục sinh sôi hay như câu nói:” tre già măng mọc”.
Tre úa tàn để lại khoảng trời cho những cây non lớn lên cũng giống như những cuộc chiến tranh xưa, ông cha ta hi sinh vì đất nước đồng hành cùng lũy tre, có thể ông cha ta ra đi nhưng vẫn để lại cho đất nước một thế hệ trẻ đầy tiềm năng và hi vọng, tre cũng vậy cho dù có bị tàn phá do bom đạn bao nhiêu thì tre vẫn cứ cùng nhau lớn lên thành từng khóm, từng bụi như thể một bức tường chắn của tự nhiên không bao giờ chết đi.
Cây tre bắt đầu mầm sống bằng một mầm măng nhỏ, từng lớp bao bọc và mũi nhọn hường thẳng lên để rồi không biết từ lúc nào tre sinh trưởng thật nhanh trở thành những thân cây mạnh mẽ, dẻo dai, thân cây tuy mỏng và rỗng bên trong nhưng lại mang trên mình rất nhiều gai nhọn, cây tre có thể đương đầu với bão giông và gió sương.
Tre là hình anh đầy quen thuộc và có thể cũng là một vài kỉ niệm để nhớ về, tre là những mái nhà tranh là công cụ lao động là chiếc giường ba nằm là chiếc bè nhỏ để ông câu cá là những ống dẫn nước được ba bắt từ đầu nguồn cho mẹ nấu cơm, là những lúc bạn bè cùng nhau dựng những căn lều nhỏ, là hình ảnh những chiếc diều vi vu trong gió nhẹ,… Những hình ảnh đó in đậm trong trí nhớ thân thuộc không thể quên.
Mỗi một vật hay một loại cây nào đó điều có ý nghĩa riêng của mình, tre cũng vậy, tre mộc mạc và giản dị, tre có trong từng câu hò mẹ hát, từng câu ca dao hay nghe, từng câu chuyện bà kể, tre mang trong mình sự thủy chung làm cho những người con xa quê, xa sứ hay nhớ về và nhớ nhất chính là hình ảnh những lũy tre dưới cái nắng vàng nhạt đong đưa trong gió nhẹ khẽ khàng lắc lư , hình ảnh ấy mang cho ta một một cảm giác yên bình đến lạ.
Bài viết số 2
Gắn bó với thôn quê Việt Nam, trở thành loài cây biểu tượng cho con người nơi đây, đã tồn tại và đồng hành cùng con người Việt Nam trong những ngày tháng thăng trầm của đất nước, bạn có đoán ra đó là loài cây nào không?
Loài cây đó không có mùi hương và càng không có vẻ ngoài đẹp đẽ, kiêu sa mà chỉ là dáng vẻ mộc mạc, đơn sơ và rất đỗi dung dị. Đó là cây tre – loài cây không ngại ngày đêm, mặc kệ thời gian đang dần trôi qua sẽ xuất hiện thêm nhiều loài cây quý hiếm hơn, hữu ích hơn mà cứ đứng ở đó tại thôn quê đó và gắn bó với con người như một người bạn.
Cây tre không hiểu vì sao và từ đâu lại trở nên gắn bó với con người như vậy. Không chỉ riêng mỗi đất nước ta mà tre còn là người bạn của người dân Trung Quốc và trở thành “gỗ của người nghèo” ở Ấn Độ. Cây tre đã trở nên phổ biến hơn và ngày càng gắn bó con người, đặc biệt đã trở thành loài cây biểu tượng cho đất nước Việt Nam chúng ta.
Tre xuất hiện ở khắp mọi nơi trên thế giới và vì thế, không ai xác định rõ nguồn gốc của cây tre xuất phát từ đâu và được hình thành như thế nào. Cây tre là một loài cây thuộc họ cỏ nhưng lại mang trong mình đặc điểm của loài cây thân cỏ và loài cây thân gỗ. Có lẽ bởi vì thế mà cây tre lại trở nên đặc biệt hơn các loài cây khác.
Cây tre xuất hiện ở nhiều quốc gia, trong đó tập trung nhiều nhất Nam Mỹ và Châu Á với 1300 loại tre nhưng có lẽ, không biết từ khi nào mà khu vực Đông Nam Á mới chính là quê hương của loài cây này dù chỉ được trồng khoảng 600 cây tre. Nước ở Đông Nam Á tập trung nhiều cây tre nhất là Trung Quốc, hay còn biết đến với rừng tre gắn liền với gấu trúc.
Ngoài ra còn có một số nước khác tồn tại sự xuất hiện của loài cây này như Ấn Độ, Triều Tiên, Indonesia, Nhật Bản, Thái Lan và có cả Việt Nam nước ta,…Từ đó, dù không rõ nguồn gốc xuất thân của loài cây này nhưng con người vẫn rất yêu thích và mỗi ngày chăm sóc, bảo vệ.
Cây tre xuất hiện ở Việt Nam không biết từ bao giờ nhưng đến ngày hôm nay, dù bạn đi đâu, từ đồng bằng đến miền núi, từ thành phố đến thôn quê cũng đều có sự hiện diện của loài cây này. Tre ở nước ta tồn tại nhiều loại cây thuộc họ tre như tre Đồng Nai, nứa, trúc, vầu Việt Bắc, trúc Lam Sơn, mai,…
Nói về phần cấu tạo và đặc điểm sinh học của cây tre có thể nói khá phức tạp hơn so với vẻ bề ngoài của nó. Trong bài viết này, tôi sẽ giới thiệu để bạn hiểu rõ hơn về loài cây này. Rễ cây tre thuộc dạng rễ chùm, bề ngoài khô cằn là thế nhưng lại giữ chức năng quan trọng trong việc giúp cây sinh trưởng và phát triển tươi tốt.
Dưới phần gốc của cây tre là phần thân ngầm của cây tre, thường nằm ở dưới lòng đất nhưng đôi khi cũng có trồi lên. Thân ngầm đặc, cứng có nhiệm vụ giúp cây đứng vững và cũng chính là bộ phận sinh sản của cây, giúp cây phát rễ. Ở trên phần thân ngầm này của cây tre sẽ mọc lên một chồi măng và trở thành măng tre nhọn.
Bên trong của măng tre là lớp vỏ mềm nhưng bên ngoài lại được bao bọc bởi một lớp vỏ cứng. Măng tre sẽ phát triển thành cây con. Khi bóc lớp vỏ bên ngoài của măng tre ra thì được gọi là mo tre.
Thân tre to ở gốc và về càng phần trên đỉnh thì nhỏ dần. Trên thân gồm nhiều lóng rỗng và đốt đặc. Lóng ở trên thân tre có thể dài từ 40-60cm, có loại lóng dài tới 120cm. Thân tre gầy guộc, mọc ra từng cành nhọn và lá nhỏ. Thân tre có màu xanh lục nhưng càng lên cao thì càng nhạt dần, gồm nhiều mắt. Thân cây gồm nhiều đốt tre đặc, được bao phủ bởi lớp mo cùng với lóng.
Khi lớp mo già đi sẽ để lại những vòng mo trên thân cây. Thân là bộ phận quan trọng nhất của cây tre, có thể cao từ 1-20m với đường kính 1-25cm. Lá tre bao gồm phiến lá, cuống lá, tai lá, lưới lá và bẹ lá, là bộ phận quan trọng hỗ trợ trong quá trình quang hợp của cây. Lá tre có khoảng 3-5 đôi gân bên song song do bẹ lá và phiến lá hình thành nên.
Tre vốn dĩ là một loài thực vật có hoa. Nhưng điều khác biệt giữa hoa tre và các loại hoa khác là hoa tre chỉ ra hoa vào khoảng thời gian cuối đời của cây tre, trung bình từ 30-50 năm hoặc có thể hơn nữa. Hay có thể nói là khi cây ra hoa thì cũng là lúc cây tre kết thúc một vòng đời của nó. Hoa tre cũng có thể kết thành quả như hoa lúa, bao gồm bao hoa, nhị và nhụy.
Quả tre nhỏ và khi rơi xuống đất sau một khoảng thời gian thì có thể phát triển thành cây con nhưng ngày nay, người ta thường sử dụng cành nhánh để cây tre có thể phát triển nhanh hơn. Tóm lại, cây tre là loài cây thuộc nhóm một lá mầm, có thời gian sinh sống lâu đời, thường được trồng thành khóm, rừng tre.
Cây tre mỏng manh nhưng cứng cáp. Một vòng đời sinh trưởng và phát triển của nó bắt đầu từ khi hạt nảy mầm đến khi cây ra hoa, có hạt chín.
Cách trồng và chăm sóc cây tre có thể nói là khá đơn giản vì tre là loài cây thích ứng với nhiều điều kiện khí hậu, có thể sống ở những vùng miền núi cao, thích hợp với nhiều loại đất và có khả năng chịu hạn và úng cao nên do đó, cây tre đã trở thành người bạn thân thiết của con người chúng ta bởi vì đặc tính này.
Cây tre mang đến nhiều giá trị về cả vật chất lẫn tinh thần cho người Việt ta. Măng tre được dùng làm thức ăn như măng luộc, măng chua,…Món ăn thanh đạm nhưng vẫn có thể no được sử dụng trong cuộc sống hằng ngày, trong đó chủ tịch Hồ Chí Minh – Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã hằng ngày thưởng thức món ăn từ măng, từ trúc ” Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng ” trong những ngày làm việc ở Pác Pó.
Lá tre dùng làm thức ăn cho gia súc, làm chỗ ở cho gia cầm. Lá tre còn được làm nguyên liệu để đốt. Cành tre dùng làm hàng rào cho cá, tôm,…Thân tre được dùng làm cây nêu trong ngày tết, làm mái đan nhà để che mưa che nắng. Thân tre còn được sử dụng để làm giấy.
Ngày nay, trong cuộc sống hằng ngày, con người sử dụng tre để làm ván nhân tạo, làm đũa và các đồ dùng trong gia đình như ghế tre, bàn tre,…Ngày xưa, tre còn là nguyên liệu để chế thuốc chữa viêm chảy máu mũi, nôn mửa, đau họng. Đặc biệt, tre còn dùng để chế biến thành bột tre để bảo quản máy móc, các đồ dùng quý giá.
Tre còn là người bạn gắn liền với ký ức tuổi thơ của lũ trẻ hồn nhiên, là người bạn kề bên sát cánh cùng chiến đấu với nhân dân ta trong những ngày tháng thăng trầm, là nhân vật được đưa vào các câu chuyện thần thoại, cổ tích được nhiều bạn nhỏ yêu thích như thánh gióng, nàng út ống tre,…và tre còn là một phần trong muôn vàn loài cây cung cấp thêm vẻ đẹp cho thiên nhiên, cho đất nước.
“Con về miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.”
Cây tre tượng trưng cho tinh thần đoàn kết, bất khuất, ngay thẳng, trung trực và anh dũng, không sợ nguy hiểm của nhân dân ta nên cây tre sẽ mãi là gương mặt biểu tượng cho con người Việt Nam hiền hòa, chân chất.
Bài viết số 3
Cây tre luôn gắn bó với cuộc sống của con người chúng ta. Đi từ vùng miền núi sâu xa đến vùng đồng bằng xanh thẳm, từ thành thị đến nông thôn, cây tre luôn hiện hữu ở khắp mọi nơi, chỉ cần nơi đó có con người thì chắc chắn sẽ có cây tre.
Cây tre là loài cây không cao sang, không quý giá, không mùi hương ngọt ngào như hoa ngọc lan, không nồng nàn như hoa hồng kiêu sa mà cây tre chỉ đơn giản là cây tre, mộc mạc, đơn sơ và luôn gắn bó mật thiết với cuộc sống của con người.
Cây tre có vẻ bề ngoài dung dị và quá đỗi đơn sơ. Ban đầu khi nhìn thấy tre, bạn sẽ cảm thấy đó là một loài cây rất “khô” và cũng giống như bao loài cây khác.
Nhưng không. Hãy quan sát nhiều hơn, hãy tìm hiểu nhiều hơn rồi bạn sẽ thay đổi cách nhìn về loài cây này. Trong bài viết này, tôi sẽ giới thiệu về cây tre bao gồm nguồn gốc, đặc điểm cấu tạo và công dụng mà tre mang đến cho cuộc sống con người để bạn có thể hiểu rõ hơn và có cách nhìn mới hơn về loài cây tuyệt vời này.
Nguồn gốc ra đời của cây tre, theo tài liệu ghi lại thì khá mơ hồ và cho đến ngày hôm nay vẫn chưa ai tìm ra câu trả lời. Người ta chỉ biết cây tre lúc đầu là một loài cây hoang dại được con người đem về trồng và sử dụng từ rất lâu về trước.
Ở Việt Nam nước ta, cây tre đã xuất hiện rất sớm từ thời nhà nước Văn Lang cho đến tận ngày hôm nay và đã trở thành gương mặt đại diện cho con người nơi đây.
Trên thế giới có khoảng 1300 loại tre và được phân bố rộng rãi trên thế giới nhưng tập trung nhiều nhất là khu vực Nam Mỹ và Châu Á. Tuy nhiên, có một điều làm ta khá ngạc nhiên rằng ở khu vực Đông Nam Á mới chính là quê hương thực sự của loài cây này, tập trung khoảng 600 loại.
Một số nước ở Đông Nam Á tập trung nhiều cây tre là Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan, Lào, Indo,…trong số đó, Trung Quốc là nơi tập trung nhiều cây tre nhất và Ấn Độ xem cây tre là “gỗ của người nghèo”.
Cây tre không có gì đặc biệt nhưng tại sao lại rất phổ biến, được trồng nhiều ở quốc gia và được con người yêu thích, bảo vệ. Hãy cùng tôi tìm hiểu rõ hơn về đặc điểm cấu tạo của loài cây này để hiểu rõ hơn nhé!
Cây tre thuộc họ cỏ và loài cây nằm trong nhóm một lá mầm. Tuy là cây thân cỏ nhưng cây tre cũng có những đặc điểm như thân gỗ hay nói cách khác, cây tre mang trong mình đặc tính của loài cây thân cỏ và thân gỗ. Rễ cây tre thuộc nhóm rễ chùm, nằm sâu trong lòng đất. Bề ngoài rễ có vẻ khô cằn nhưng lại giữ vai trò quan trọng giúp cây tre có thể phát triển tươi tốt.
Cây tre có phần thân ngầm cứng, giữ vai trò khá quan trọng trong việc phát sinh ra rễ, là bộ phận sinh sản của cây và giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt. Từ thân ngầm của cây sẽ mọc lên chồi măng, nhọn. Chồi măng này sẽ phát triển thành măng tre. Măng tre là cây con phát triển. Măng tre được bao bọc bởi lớp vỏ cứng ở bên ngoài và bên trong mềm.
Mo tre xuất hiện khi bóc lớp vỏ bên ngoài của măng tre ra. Thân chính của cây tre là bộ phận quan trọng nhất của cây. Trên thân có nhiều đốt tre đặc và lóng tre. Lóng tre có thể dài từ 40-60cm.
Có một cây tre có lóng dài tới 120cm. Trên thân được chia thành nhiều đốt và được lớp mo che phủ cùng với lóng tre. Thân tre gầy, dài và cứng, có màu xanh lục ở đáy, càng về phần trên thì trở nên nhạt hơn. Thân có đường kính từ 1-25cm, cao khoảng 20m. Lá tre là bộ phận đảm nhiệm quá trình quang hợp của cây tre gồm phiến lá, tai lá, lưới lá, cuống lá và bẹ lá.
Cây tre khi ra hoa và có hạt chín thì cũng là lúc kết thúc một vòng đời của nó. Hoa tre không giống nhưng loài hoa khác, hoa tre chỉ ra hoa được một lần trong đời. Hoa tre bao gồm bao phấn, nhị, nhụy và có thể kết thành quả như lúa. Trung bình số lần cây tre là ra hoa có thể rất ít vì thông thường theo ước tính, cây tre ra hoa từ 30-40 năm trong vòng đời của cây tre hoặc có thể lâu hơn nữa. Do đó, cây tre là loài cây có thể nói là sống lâu nhất trong một số ít các loài cây.
Cây tre sống thành từng khóm, từng rừng giống như người dân ta luôn đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, trong chiến tranh. Tre có nhiều loại như tre Đồng Nai, trúc, mai, vầu,..
Dù là loại tre nào đi chăng nữa thì vẫn luôn có đặc tính thích nghi được với nhiều loại đất và điều kiện khí hậu khác nhau. Tre có thể sống trên những vùng miền núi, vùng đồng bằng, thành phố, nông thôn, cây tre luôn thích nghi và sinh trưởng tốt. Cây tre còn có khả năng chịu hạn, chịu úng cao.
Công dụng của cây tre đối với cuộc sống con người không bao giờ là nhỏ. Từ xưa, cây tre đã là người bạn kề bên sát cánh cùng nhân dân ta chiến đấu chống giặc ngoại xâm, vượt qua những tháng ngày thăng trầm của đất nước. Tre còn là chỗ trú ẩn của các anh bộ đội, anh lính tránh súng đạn của quân thù.
Là món đồ chơi nhân gian của trẻ thơ như sáo,…; cành tre có gai nhọn dùng làm hàng rào bảo vệ các loài tôm, cá; lá tre là nguyên liệu để đốt, để làm chỗ ở cho gia cầm; măng tre dùng để chế biến thành món ăn; thân tre được dùng làm cây nêu ngày tết, trở thành vật dụng không thể thiếu trong phong cách ăn mì gắp từ ống tre không chỉ riêng Nhật Bản mà đã trở thành kiểu ăn khá thú vị ở mọi quốc gia;
Tre còn được dùng làm đũa và các đồ dùng trong gia đình như bàn tre, ghế tre,…Ở một số nơi, tre còn được dùng làm giấy và là nguyên liệu trong phương thuốc cổ truyền của người xưa dùng để trị bệnh. Cây tre còn xuất hiện trong các câu ca dao, trong những lời thơ của các thi sĩ:
“Quê hương tôi có con sông xanh ngát
Nước gương trong soi tóc những hàng tre”
“Em về cắt rạ đánh tranh
Chặt tre chẻ lạt cho anh lợp nhà
Sớm khuya hòa thuận đôi ta
Hơn ai gác tía lầu hoa một mình.”
Cây tre mãi là người bạn thân thiết và luôn gắn bó với con người.
Bài văn gợi ý
Từ bao đời nay, cây tre là người bạn gắn bó và gần gũi với người dân Việt Nam. Tre đã cống hiến tất cả sự sống cho con người nên ta phải yêu quý và bảo vệ cây tre Việt Nam.
Tre là một loại cây khẳng khiu, có nhiều công dụng. Lá tre thường được người miền Nam lấy để gói bánh tro vào dịp lễ giết sâu bọ. Lạt tre dùng để cột bánh.
Thân tre được dùng để làm đũa. Các thợ thủ công cũng đã tận dụng thân tre để đan thành giỏ tre, rổ tre. Nhân dân ta thường đong dầu, đong nước mắm khi mua bán bằng ống tre.
Thời cách mạng, bộ đội Việt Nam dùng ông tre để đựng nước, nấu cơm. Trong quán ăn ở vùng nông thôn, người ta cũng chẻ thân tre để làm ống tăm cho khách sử dụng sau bữa ăn. Thân tre chẻ nhỏ để nhóm bếp rất đượm lửa.
Tre có một số loại thông dụng như: tre gai, tre xanh, tre ngà, tre rừng… Bên cạnh đó, nó còn có anh em bà con như: lồ ô, trúc, tầm vông…
Tre xanh lúc còn sống có màu xanh mượt, đốt dài và bóng nhẵn, đường kính của thân tre trưởng thành khoảng từ 6 – 8cm. Cao không đến 10m.
Tre gai kích thước ốm và thấp hơn, lá cũng mỏng manh hơn nhưng ở mỗi đốt tre mọc ra rất nhiều nhánh gai, sắc, nông dân thường trồng thành hàng rào chống trộm.
Tre ngà là loại tre có thân sọc vàng xen lẫn với sọc xanh rất đẹp. Người ta thường trồng làm cảnh. Tre rừng, mọc hoang trong rừng nên thường không tươi tốt lắm.
Ngược lại, lồ ô là loại tre rừng khổng lồ, bề ngang và bề cao của nó gấp hai, ba lần tre xanh. Nó mọc thành từng bụi, từng hàng như rừng trong vùng đất hoang.
Người ta đốn lấy gỗ làm nhà tranh, nhà sàn rất chắc chắn. Lồ ô to lớn bao nhiêu thì trúc lại mảnh mai, yếu ớt bấy nhiêu vì thân rỗng và kích thước nhỏ bé.
Có hai loại trúc là trúc xanh và trúc vàng. Gần đây nước ta có nhập thêm một ít trúc kiểng gọi là trúc Nhật. Những cây kiểng này có hình dáng đặc biệt, thân màu vàng óng, lá xanh mượt mà rất được mọi người ưa chuộng, trồng làm cảnh và thường bày ở mái hiên, phòng khách.
Hình ảnh cây tre dã đi vào ca dao, thơ văn và ca từ. Chẳng hạn như:
“Rễ siêng chẳng ngại đất nghèo
Tre bao nhiễu lá bấy nhiêu cần cù
Nghiêng mình trong gió tre đu
Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành…”
(NGUYỄN DUY)
Ông bà ta có nhiều kinh nghiệm trong việc lựa chọn tre tốt:
“Trồng tre, trồng trúc, trồng dừa
Muốn nên cơ nghiệp thì chừa lang vân”
Người ta còn sử dụng tre già hay tre non vào những việc khác nhau:
“Tháng tám tre non làm nhà
Tháng năm tre già làm lạt”
Người thợ mộc còn so sánh độ bền của tre như sau:
“Tre già là bà gỗ lim”
Ngoài ra, ông bà ta còn nhìn cây tre để nghe ngóng về thời tiết: “Lá tre trôi lộc, mùa rét xộc đến”.
Và từ đó người xưa còn rút ra một quy luật sống của thiên nhiên và con người: “Tre già, măng mọc” tre chẻ ra làm nuộc lạt, trở thành, một thứ không thể thiếu ở nhiều chỗ: khi gói bánh, bó rau hoặc lợp nhà. Ca dao cũng nhắc đến nuộc lạt:
“Bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu”.
Ai từng đọc truyện Thánh Gióng hẳn không quên bụi tre Đằng Ngà khi Thánh Gióng nhổ tre đánh tan giặc ngoại xâm: “Chẻ tre nghe Gióng”.
Tre không những đi vào thơ văn mà măng tre còn là một thực phẩm chế biến đa dạng. Các món ăn từ măng tre: măng tươi, măng khô, bún măng vịt, măng xào thịt ba rọi, thịt kho măng, măng luộc chấm mắm tôm, măng chua…
Bún măng vịt là món ăn được nấu với vịt non, béo, măng tươi hoặc khô đã được luộc và thay nước nhiều lần, khi ăn người ta cho bún, một ít hành răm và rau sống vào nữa, trở thành một món ăn vừa thơm vừa béo với nước dùng ngọt dịu.
Măng tươi đã luộc kĩ, có màu vàng chanh, được xắt miếng xào chung với thịt ba rọi trở thành một món ăn dân dã và rất ngon nếu có thêm một vài lát ớt đỏ thì lại càng hấp dẫn.
Thịt heo kho măng cũng là một món ăn “bắt mắt”, nấu nhanh và để được vài ngày, tiết kiệm được thời gian nấu nướng mà khi chan vào chén cơm nóng thì cũng rất ngon miệng. Măng luộc phải chọn măng trúc non, vào mùa mưa.
Sau khi luộc nhiều lần, ta xắt mỏng rồi chấm với mắm tôm hoặc nước mắm ngon ăn kèm với cơm như một món rau. Nó sẽ có một vị vừa ròn vừa mát, kèm theo một vị ngọt dịu của măng tươi. Nói tóm lại thì cây tre luôn là người bạn đồng hành và nó đóng góp tất cả lợi ích của bản thân mình cho con người Việt Nam.
Hiện nay cuộc sống ngày càng hiện đại và có nhiều đồ dùng là bằng nhựa, inox xuất hiện. Nhưng người ta vẫn có khuynh hướng quay về với thiên nhiên.
Bằng chứng là những bộ salon làm bằng mây và tre rất được ưa chuộng và trở thành một món hàng xuất khẩu đắt giá.
Ngày nay, nhiều người đã bỏ trồng lúa hoặc cây khoai, đốn cây tre để có chỗ xây nhà lầu, nhưng nếu một lúc nào dó, nước ta không còn một bóng tre thì đời sống sẽ khó khán và buồn tẻ biết mấy