ĐỀ SỐ 6

 NĂM HỌC 2016 – 2017

MÔN: NGỮ VĂN 12

(Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian giao đề)

PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

… Tiếng nói là người bảo vệ quý báu nhất nền độc lập của các dân tộc, là yếu tố quan trọng nhất giúp giải phóng các dân tộc bị thống trị. Nếu người An Nam hãnh diện giữ gìn tiếng nói của mình và ra sức làm cho tiếng nói ấy phong phú hơn để có khả năng phổ biến tại An Nam các học thuyết đạo đức và khoa học của châu Âu, việc giải phóng dân tộc An Nam chỉ còn là vấn đề thời gian. Bất cứ người An Nam nào vứt bỏ tiếng nói của mình, thì cũng đương nhiên khước từ niềm hi vọng giải phóng giống nòi. […] Vì thế, đối với người An Nam chúng ta, chối từ tiếng mẹ đẻ đồng nghĩa với từ chối sự tự do của mình… […]

Nhiều đồng bào chúng ta, để biện minh việc từ bỏ tiếng mẹ đẻ, đã than phiền rằng tiếng nước mình nghèo nàn. Lời trách cứ này không có cơ sở nào cả. Họ chỉ biết những từ thông dụng của ngôn ngữ và còn nghèo những từ An Nam hơn bất cứ người phụ nữ và nông dân An Nam nào. Ngôn ngữ của Nguyễn Du nghèo hay giàu?

 

Phải quy lỗi cho sự nghèo nàn của ngôn ngữ hay sự bất tài của con người?

Ở An Nam cũng như mọi nơi khác, đều có thể ứng dụng nguyên tắc này:

“Điều gì người ta suy nghĩ kĩ sẽ diễn đạt rõ ràng, và dễ dàng tìm thấy những từ để nói ra”. […]

Chúng ta không thể tránh né châu Âu, vai trò hướng đạo của giới trí thức chúng ta buộc họ phải biết ít nhất là một ngôn ngữ châu Âu để hiểu được châu Âu. Nhưng những kiến thức thu thập được, họ không được giữ cho riêng mình. Đồng bào của họ cũng phải được thông phần nữa. Tuy nhiên, sự cần thiết phải biết một ngôn ngữ châu Âu hoàn toàn không kéo theo chuyện từ bỏ tiếng mẹ đẻ. Ngược lại, thứ tiếng nước ngoài mà mình học được phải làm giàu cho ngôn ngữ nước mình. […]

(Nguyễn An Ninh, Tiếng mẹ đẻ – nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức

Theo SGK Ngữ văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục, 2014, tr. 90)

Câu 1. Thao tác lập luận chủ yếu nào được tác giả sử dụng trong đoạn từ: “Nhiều đồng bào chúng ta” đến “những từ để nói ra” […] ở đoạn trích trên?

Câu 2. Nội dung chính của đoạn trích trên là gì?

Câu 3. Dựa vào đoạn trích, hãy giải thích vì sao tác giả lại cho rằng:“Chúng ta không thể tránh né châu Âu, vai trò hướng đạo của giới trí thức chúng ta buộc họ phải biết ít nhất là một ngôn ngữ châu Âu để hiểu được châu Âu”?

Câu 4. Từ quan điểm, thái độ của người viết đối với “tiếng mẹ đẻ” trong đoạn trích trên, hãy rút ra một bài học mà anh/chị cho là có ý nghĩa đối với bản thân về việc sử dụng tiếng Việt hoặc học tiếng nước ngoài. (Trả lời trong khoảng 5-7 dòng).

PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (3,0 điểm):

“Người nấu bếp, người quét rác cũng như thầy giáo, kĩ sư, nếu làm tròn trách nhiệm thì đều vẻ vang như nhau” (Hồ Chí Minh).

Viết bài văn nghị luận (khoảng 300 từ) trình bày quan điểm của anh/chị về ý kiến trên?

Câu 2 (4,0 điểm):

Về hình tượng người lính Tây Tiến trong đoạn:

” Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành”.

Có ý kiến cho rằng: “Hình tượng người lính được xây dựng bằng bút pháp lãng mạn”, ý kiến khác lại khẳng định: “Hình tượng người lính mang đậm tinh thần bi tráng”.

Từ cảm nhận của mình về tác phẩm, anh/chị hãy bình luận các ý kiến trên.

…………..Hết………….

HƯỚNG DẪN CHẤM

*) Yêu cầu chung:

Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

– Thí sinh cần thể hiện năng lực đọc – hiểu một đoạn văn bản thuộc loại văn nghị luận.

– Đề chỉ yêu cầu đọc – hiểu một số khía cạnh của đoạn văn bản. Cách hiểu của học sinh có thể phong phú nhưng cần nắm bắt được yêu cầu của câu hỏi và vận dụng vào tình huống thực tế.

*) Yêu cầu cụ thể:

Câu 1: Thao tác lập luận bác bỏ/phản bác hoặc thao tác bác bỏ/phản bác

– Điểm 0,5: Trả lời theo cách trên

– Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời

Câu 2: Nội dung chính của đoạn trích trên: Nêu quan điểm, thái độ của người viết đối với “tiếng mẹ đẻ” (đề cao, coi trọng tiếng mẹ đẻ; thể hiện lòng tự hào, tự tôn dân tộc; phê phán những người từ bỏ tiếng mẹ đẻ với những lí do không thuyết phục; coi trọng việc học tiếng nước ngoài nhưng chỉ coi đó là cách để làm giàu cho tiếng mẹ đẻ).

– Điểm 1,0: Trả lời theo cách trên

– Điểm 0,75: Câu trả lời sát nhưng chưa rõ như đáp án

– Điểm 0,25- 0,5: Câu trả lời chung chung, chưa rõ ý

– Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời

Câu 3: Tác giả cho rằng:“Chúng ta không thể tránh né châu Âu, vai trò hướng đạo của giới trí thức chúng ta buộc họ phải biết ít nhất là một ngôn ngữ châu Âu để hiểu được châu Âu” vì nếu như thế “chúng ta” sẽ “hiểu được châu Âu”, “có khả năng phổ biến tại An Nam các học thuyết đạo đức và khoa học của châu Âu” để “giải phóng dân tộc An Nam”.

– Điểm 1,0: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên

– Điểm 0,5- 0,75: Câu trả lời chung chung, đáp vào một vài ý

– Điểm 0,25: Câu trả lời chung chung, chưa rõ ý

– Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời

Câu 4: Từ quan điểm, thái độ của người viết đối với “tiếng mẹ đẻ” HS rút ra một bài học có ý nghĩa đối với bản thân về việc sử dụng tiếng Việt hoặc học tiếng nước ngoài.Câu trả lời phải chặt chẽ, hợp lí, có tính thuyết phục cao)

– Điểm 0,5: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên

– Điểm 0,25: Câu trả lời chung chung, chưa rõ ý

– Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời

Làm văn (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)

* Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận xã hội để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

* Yêu cầu cụ thể:

a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,25 điểm):

– Điểm 0,25 điểm: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân.

– Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.

b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,25 điểm):

– Điểm 0,25: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:

– Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.

c) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác giải thích, chứng minh, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng; dẫn chứng phải lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động (1,0 điểm):

– Điểm 1,0: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:

*) Yêu cầu cụ thể:

1.Giải thích :

– Người nấu bếp, người quét rác, thầy giáo, kĩ sư: những nghề nghiệp khác nhau của con người trong xã hội.

– nếu làm tròn trách nhiệm thì đều vẻ vang như nhau: nghề nào cũng đáng được trân trọng, tôn vinh khi người lao động đã cống hiến hết mình cho xã hội, làm tròn trách nhiệm của mình.

[Ý cả câu: Trong xã hội, không có nghề thấp hèn mà nghề nào cũng cao quý, cũng đáng trân trọng. Người lao động dù là ai, làm nghề gì cũng đáng được coi trọng khi đã đóng góp sức mình cho sự phát triển của xã hội.

Bàn luận vấn đề

* Nghề nào cũng cao quý: Mỗi nghề nghiệp đều nảy sinh từ nhu cầu xã hội nên có đặc điểm, vị trí riêng, không thể thay thế trong đời sống xã hội.

* Con người làm vẻ vang nghề nghiệp: Làm nghề gì, người lao động cũng cần nhiều thời gian và công sức, có thế là lao động cơ bắp, cũng có thể là lao động trí óc. Nhưng dù là công việc gì, họ cũng đã đóng góp sức lao động chân chính của mình để xây dựng xã hội. Do vậy, họ đáng được tôn vinh.

* Phê phán quan niệm lệch lạc của một số người: coi trọng lao động trí óc, xem thường lao động chân tay, chạy theo những nghề đem lại lợi ích trước mắt cho bản thân.

* Mở rộng: Tuổi trẻ thời đại hôm nay có nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp. Sự thành đạt của mỗi cá nhân chính ở sự lựa chọn đúng đắn và biết sống hết mình với nghề nghiệp của mình.

Bài học

– Nghề nghiệp không làm nên giá trị con người, chỉ có con người làm vẻ vang nghề nghiệp; không nên có tư tưởng phân biệt nghề sang trọng, cao quý hay nghề thấp hèn.

– Cần có thái độ đúng đắn khi chọn nghề, không nên chạy theo quan điểm hời hợt (nghề sang/ hèn…) mà chọn nghề phù hợp với năng lực, với ước mơ, hoàn cảnh của bản thân, nhu cầu và sự phát triển của xã hội.

– Cần yêu nghề và trau dồi, phát triển năng lực nghề nghiệp bản thân để cống hiến cho xã h- – – Điểm 1,0: Đáp ứng tốt các yêu cầu trênội.

– Điểm 0,75: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm (giải thích, chứng minh, bình luận) còn chưa đầy đủ hoặc liên kết chưa thật chặt chẽ.

– Điểm 0,5: Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.

– Điểm 0,25: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.

– Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.

d) Sáng tạo (0,25 điểm)

– Điểm 0,25: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…) ; thể hiện được quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

– Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,25 điểm):

– Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

– Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

Câu 2. (5,0 điểm)

* Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

* Yêu cầu cụ thể:

a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm):

– Điểm 0,5 điểm: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân.

– Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.

– Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.

b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm):

– Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Bày tỏ được quan điểm của mình về 2 ý kiến đánh giá về hình tượng người lính trong đoạn thơ trích từ bài “Tây Tiến” – Quang Dũng.

– Điểm 0,25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, chỉ nêu chung chung.

– Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.

c) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, so sánh, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng 3,0 điểm):

Dẫn dắt vấn đề:

– Tây Tiến là bài thơ hay nhất, tiêu biểu nhất của Quang Dũng. Bài thơ được Quang Dũng viết vào năm 1948 ở Phù Lưu Chanh khi ông đã xa đơn vị Tây Tiến một thời gian.

– Đoàn quân Tây Tiến được thành lập vào đầu năm 1947. Những người lính Tây Tiến phần đông là thanh niên Hà Nội thuộc nhiều tầng lớp khác nhau, trong đó có cả học sinh, sinh viên.

– Đoạn thơ là đoạn thứ ba của bài, trong đó Quang Dũng đã khắc họa hình tượng tập thể những người lính Tây Tiến. Nói về hình tượng người lính, có nhiều ý kiến khác nhau, có ý kiến cho rằng: Hình tượng người lính được xây dựng bằng bút pháp lãng mạn, có ý kiến lại khẳng định: Hình tượng người lính mang đậm tinh thần bi tráng. ….

Giải quyết vấn đề:

Giải thích sơ lược về hai lời nhận định

– Ý kiến thứ nhất:Khẳng người lính Tây Tiến trong đoạn được xây dựng bằng bút pháp lãng mạn”

– Ý kiến thứ hai đánh giá: Hình tượng người lính mang đậm tinh thần bi tráng

Phân tích làm sáng tỏ 2 ý kiến về vẻ đẹp của người lính Tây Tiến qua đoạn thơ

a) Vẻ đẹp lãng mạn của người lính Tây Tiến :

– Hình tượng tập thể những người lính Tây Tiến được xây dựng bằng bút pháp lãng mạn với khuynh hướng tô đậm những cái phi thường, sử dụng rộng rãi thủ pháp đối lập để tác động mạnh vào cảm quan người đọc, kích thích trí tưởng tượng phong phú của người đọc.

– Quang Dũng đã tạc lên bức tượng đài tập thể những người lính Tây Tiến không chỉ bằng những đường nét khắc họa dáng vẻ bề ngoài mà con thể hiện được cả thế giới tâm hồn bên trong đầy mộng mơ của họ.

+ Thực tế gian khổ thiếu thốn đã làm cho người lính da dẻ xanh xao, sốt rét làm họ trụi cả tóc. Tuy nhiên họ ốm mà không yếu, trong cái hình hài tiều tụy của họ chứa đựng một sức mạnh phi thường. Vẻ xanh xao vì đói khát, vì sốt rét của những người lính, toát lên cái oai phong của những con hổ nơi rừng thiêng;…

+ Ẩn giấu sau cái vẻ oai hùng, dữ dằn bề ngoài của những người lính Tây Tiến là những tâm hồn còn rất trẻ, những trái tim rạo rực, khao khát yêu đương (Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm).

b). Chất bi tráng của hình tượng người lính Tây Tiến :

Nói về người lính cùng cái chết, sự hi sinh nhưng không gây cảm giác bi lụy, tang thương. Cảm hứng lãng mạn đã khiến ngòi bút ông nói nhiều tới cái buồn, cái chết như là những chất liệu thẩm mĩ tạo nên cái đẹp mang chất bi hùng:

+ Hình ảnh những nấm mồ chiến sĩ rải rác nơi rừng hoang biên giới xa xôi đã bị mờ đi trước lí tưởng quên mình vì Tổ quốc của người lính Tây Tiến.

+ Sự thật bi thảm những người lính Tây Tiến gục ngã bên đường không có đến cả mảnh chiếu che thân, qua cái nhìn của nhà thơ, lại được bọc trong những tấm ào bào sang trọng. Và rồi, cái bi thương ấy bị át hẳn đi trong tiếng gầm thét dữ dội của dòng sông Mã – dòng sông Mã đã trân trọng đưa tiễn linh hồn người lính bằng cách tấu lên khúc nhạc trầm hùng. Hình ảnh những người lính Tây Tiến thấm đẫm tính chất bi tráng, chói ngời vẻ đẹp lí tưởng, mang dáng vẻ của những anh hùng kiểu chinh phu thuở xưa.

c). Bình luận hai ý kiến:

– Cả hai ý kiến đều đúng, tuy có nội dung khác nhau, tưởng đối lập, nhưng thực ra là bổ sung cho nhau, cùng khẳng định những đặc sắc của hình tượng người lính Tây Tiến: đó là sự hòa hợp giữa vẻ đẹp lãng mạn và tinh thần bi tráng để tạo nên một hình tượng toàn vẹn.

– Hình tượng đó có được là do nhà thơ có sự kế thừa thơ ca truyền thống, sử dụng bút pháp lãng mạn, đồng thời đã mang vào trong thơ hiện thực chiến trường, đời sống trận mạc mà tác giả vốn là người trong cuộc.

III. Kết thúc vấn đề :

– Đánh giá những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của đoạn trích.

– Những đóng góp riêng của Quang Dũng về đề tài người lính trong thơ ca kháng chiến chống Pháp.

– Điểm 3,0: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:

– Điểm 2,0 – 2,75: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm

(phân tích, so sánh) còn chưa được trình bày đầy đủ hoặc liên kết chưa thực sự chặt chẽ.

– Điểm 1,0 -1,75 : Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.

– Điểm 0,5 – 0,75: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.

– Điểm 0,25: Hầu như không đáp ứng được yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.

– Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.

d) Sáng tạo (0,5 điểm)

– Điểm 0,5: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…) ; văn viết giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

– Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

– Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm):

– Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

– Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

– Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.