Dự kiến, ĐHQG-HCM sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng từ năm 2017 để xét tuyển.
Từ năm 2017, thí sinh muốn dự tuyển vào ĐH Quốc gia TP.HCM (ĐHQG-HCM) sẽ phải tham gia kỳ thi đánh giá năng lực. – Ảnh: NHƯ HÙNG
Theo dự thảo, bài thi được tổ chức theo định hướng đánh giá năng lực học đại học chứ không nhằm để đánh giá kết quả học tập của thí sinh.
Cấu trúc đề gồm 2 phần: phần 1 đánh giá khả năng sử dụng ngôn ngữ; phần 2 kiểm tra khả năng tư duy logic, giải quyết vấn đề. Cụ thể như sau:
Phần 1:
- 25 câu trắc nghiệm năng lực tiếng Việt qua cách dùng từ, đọc hiểu và phân tích bài viết
- 25 câu trắc nghiệm đánh giá khả năng đọc hiểu tiếng Anh
- 01 bài luận tiếng Việt khoảng 25-50 dòng trình bày về một chủ đề cho sẵn
Phần 2:
- 50 câu trắc nghiệm về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, kinh tế và kỹ thuật
Dự kiến năm 2017, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ triển khai trước phần thi trắc nghiệm; phần tự luận kiểm tra khả năng viết bài luận tiếng Việt đến năm 2019 mới áp dụng để thí sinh có thời gian chuẩn bị.
TS. Nguyễn Quốc Chính, giám đốc Trung tâm Khảo thí & đánh giá chất lượng – ĐHQG-HCM, khẳng định điểm ưu việt của cấu trúc đề thi này là không bắt buộc thí sinh phải học thuộc lòng. Từ những vấn đề thực tiễn với số liệu cụ thể, các em có thể áp dụng các kỹ năng suy luận, phân tích và giải quyết vấn đề để hoàn thành bài. Đáng chú ý là đề thi không nhất thiết nằm trong chương trình phổ thông nhưng sẽ đưa ra những vấn đề gần nhất với kiến thức tự nhiên, xã hội mà học sinh đã được học.
Dự kiến, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG-HCM sẽ diễn ra sau kỳ thi THPT Quốc gia 2017 hai tuần, tại ba tỉnh thành là TP.HCM, Cần Thơ và Quy Nhơn.
Theo khảo sát, dự thảo phương án thi này đã được nhiều trường thành viên ủng hộ. Tuy nhiên, các trường cũng muốn xem xét tuyển sinh theo các phương án khác để phù hợp với đặc thù của trường, của khoa.
“Kỳ thi đánh giá năng lực được tổ chức sẽ là cơ sở để một số ngành hoặc trường cần có thước đo cao hơn có thể sử dụng để xét tuyển thí sinh. Tuy nhiên, ĐHQG-HCM không ép tất cả các đơn vị thành viên phải sử dụng kết quả kỳ thi này mà tùy thuộc vào đặc thù tuyển sinh cụ thể từng trường”, tiến sĩ Chính nói.
TS. Lê Chí Thông, trưởng Phòng Đào tạo – ĐH Bách Khoa, cho biết nếu đề án này được Bộ Giáo dục & Đào tạo duyệt, trường sẽ dành một phần chỉ tiêu xét tuyển ở tất cả các ngành theo phương thức đánh giá năng lực. Ngoài ra, ĐH Bách Khoa vẫn áp dụng xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT, tuyển thẳng theo quy chế của Bộ và ưu tiên tuyển thẳng với học sinh giỏi trường chuyên và năng khiếu.
Nhìn chung, theo dự thảo phương án tuyển sinh của ĐHQG-HCM, năm 2017 trường vẫn đưa ra nhiều tiêu chí khác nhau để xét tuyển. Đáng chú ý là:
- Mở rộng ưu tiên xét tuyển học sinh giỏi các trường phổ thông chuyên và năng khiếu từ 10% (năm 2016) lên 20-30%
- Vẫn sử dụng kết quả kỳ thi THPT Quốc gia, trong đó có những ngành xét 100% chỉ tiêu dựa trên kết quả thi THPT Quốc gia, có những ngành chỉ xét một phần chỉ tiêu
- Một số ngành sẽ xét dựa trên kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực. Kết quả kỳ thi đánh giá năng lực có thể được sử dụng xét tuyển trực tiếp hoặc là điểm thành phần trong tổng điểm xét tuyển (gộp chung với điểm thi THPT Quốc gia)
Hiện ĐH Quốc gia TP.HCM đang tiến hành xây dựng đề thi mẫu trước khi công bố công khai.
THI CA (tổng hợp từ VTC)