Thật ra, chẳng bao giờ có phép màu nào thay đổi được bạn. Chỉ khi bạn hành động, chỉ khi bạn kiên trì theo bước chân những người tài giỏi, chỉ khi bạn kiên nhẫn tập những thói quen của họ, lúc ấy bạn sẽ tự tạo ra phép thuật để thay đổi chính mình, đó mới là phép màu thực sự của cuộc sống!
Thói quen & cách học giỏi #1 Học trước chơi sau, phần thưởng sung sướng!
Thời cha anh chúng ta, cách giải trí sau những giờ học căng thẳng là đá cầu, bắn bi, trốn tìm… những trò chơi thể thao lành mạnh. Điều đặc biệt là họ chỉ có thể làm nó trong giờ giải lao, sau khi học. Cách “học trước, chơi sau” này rất tự nhiên, nó tạo ra “phần thưởng” sung sướng cho “hành động” học. Học xong rồi, được chơi, sướng quá!!! Nhờ thế mà động lực học cũng luôn được duy trì. Ngày nay, với một chiếc Smartphone trong tay, không khó để xem một clip giải trí trước khi giờ học bắt đầu, thậm chí lén chơi games trong giờ học. Khi bạn lựa chọn “chơi trước, học sau” như vậy, thậm chí một số bạn cứ chơi, không thèm học, thì không những làm mất đi tác dụng quan trọng của giải trí, mà còn tạo ra cảm xúc đau khổ liên quan tới việc học (Ôi, đang chơi sướng… lại phải học rồi!) Chơi trước khổ sau, học trước sướng sau. Bạn có thể học 10 phút, chơi 1 phút. Bạn có thể học 25 phút, chơi 5 phút. Học 45 phút, chơi 15 phút… nhưng hãy nhớ, cách học giỏi là luôn phải học trước khi chơi. Hãy tập thói quen này và bạn sẽ thấy thái độ với việc học của mình sẽ thay đổi, lười biếng sẽ bắt đầu rời xa, kết quả học chắc chắn sẽ tăng cao khi bạn có cảm xúc tốt với việc học.
Thói quen & cách học giỏi #2 Học trước khi quên, không bao giờ quên
“Học bài ngày mai chưa con?” ông bố hỏi. “Dạ chưa…” đứa con đáp. “Thế còn chờ gì nữa? Đi học ngay!” Bạn thấy quen không? Nếu hôm nay ở lớp có môn Sinh, còn ngày mai có môn Sử, vậy bạn sẽ học bài môn nào? Hầu hết mọi người sẽ học bài của ngài mai, môn Sử. Còn bài môn Sinh hôm nay mới học ở lớp thì sao? Thường là sẽ để tới tuần sau. Song đây lại là một sai lầm lớn nhất quả đất. Trí nhớ giống như một bãi cát, nó liên tục tiếp xúc với những đợt sóng thông tin. Ngày hôm nay, có thể bạn vẽ lên mặt cát hình chú chó, song một lát sau bạn quay lại, chú chó có thể đã biến mất, hoặc bạn sẽ có hình một chú thỏ răng khểnh. Sau nhiều năm nghiên cứu, tiến sĩ Ebbinghaus đã công bố “Đường trí quên”. Theo đó thì kiến thức bạn vừa mới học và cảm tưởng như sẽ rất nhớ, thật ra sẽ quên đi mau chóng theo thời gian. Theo đó, ngay sau khi học một ngày thôi, là bạn đã quên 80% rồi, điều đó giải thích sau một tuần bạn sẽ chỉ còn nhớ mang máng, và lúc đó bài giở ra như mới! Hầu hết mọi người thường học khi họ đã quên.. nên cứ quên hoài. Nếu hôm nay ở lớp học môn Sinh mà về nhà tuần sau bạn mới xem lại, thì tất nhiên là học sẽ khó vào. Do đó, cách học giỏi là ngay khi về nhà, hãy thuộc lòng các bài của ngày hôm nay luôn. Còn môn Sử ngày mai thì sao? Nếu áp dụng chiến thuật “học trước khi quên” này, thì tất nhiên bạn đã thuộc từ tuần trước, giờ chỉ cần ôn lại là sẽ nhớ rất nhanh! Tất nhiên ngày xưa, cha anh chúng ta đâu biết về đường trí quên này? Song vô tình lại áp dụng chiến thuật này rất nhiều. Vì đơn giản là buổi tối… không có quá nhiều thứ để làm, nhiều người lựa chọn ôn lại bài hôm nay, hoặc là giảng bài cho ai đó trong gia đình (nhiều người nhà nghèo, chỉ có một người được đi học). Hơn nữa, các vị phụ huynh thời đó cũng chưa quan trọng hóa quá việc học như bây giờ, nên ít khi hỏi, “học bài ngày mai chưa?” mà hay hỏi “hôm nay học thế nào?
” Thói quen & cách học giỏi #3 Không có điểm xấu, chỉ có cơ hội phấn đấu! Khi bị điểm xấu, bạn sẽ làm gì?
Tôi đã hỏi rất nhiều học sinh câu này. Và câu trả lời thường thấy là: buồn, rồi muốn giấu nó ở xó nào đó. Tôi không rõ cảm giác sợ điểm xấu xuất phát từ đâu, nhưng nó không hề tốt chút nào. Bị điểm xấu và buồn, đó là một nỗi buồn “cần thiết” mà bạn cần phải vượt qua! Trong lịch sử loài người, những thành công vĩ đại nhất lại đến từ những con người dám sai nhiều nhất. Điển hình là Edison với hàng ngàn lần thất bại khi tìm ra dây tóc bóng đèn, rồi anh em nhà Wright với biết bao lần bay lên, rơi xuống… Nếu coi mỗi thất bại là một điểm xấu, thì các tấm gương ấy là những “ông vua” điểm xấu. Sự khác biệt giữa một “ông vua” với một “anh lính gác cổng”, là thái độ của họ. Trên con đường chinh phục những mục tiêu lớn lao, các ông vua coi mỗi điểm xấu là một tấm huân chương đính lên ngực họ. Còn những “anh lính gác cổng” coi chúng là nỗi xấu hổ, sẽ giấu chúng đi, và không bao giờ nhìn lại, vì thế mà họ đã bỏ lỡ nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Khi bị điểm xấu, hãy cư xử như một vị vua. Tự hào nhìn lại bài kiểm tra, tìm cách sửa chữa những lỗi mình đã mắc. Có thể bạn chưa nghĩ tới điều này, nhưng cách học giỏi là hãy làm lại bài kiểm tra bị điểm xấu cho thật hoàn hảo, rồi tự tay chấm điểm 10. Đảm bảo bạn sẽ tiến bộ nhanh chóng gấp 10 lần so với việc giấu điểm xấu đó vào một xó và không bao giờ sờ mó tới nữa.
Cách học giỏi thật đơn giản 1. Học trước chơi sau, phần thưởng sung sướng, 2. Học trước khi quên, không bao giờ quên, 3. Không có điểm xấu, chỉ có cơ hội phấn đấu! Đó là 3 ba cách học giỏi đơn giản nhất, nhưng lại là 3 thói quen mạnh mẽ nhất giúp bạn có kết quả khác biệt trong kỳ học tới. Chúc bạn thành công và ngày càng học giỏi hơn. Bạn còn biết cách học giỏi nào thú vị không?
Nói chung, học hành, làm việc, ra quyết định… dù bạn làm gì thì cũng phải dùng tới não. Thượng đế ban cho chúng ta bộ não có tiềm năng tương đương nhau, chỉ là do ngài quên gửi hướng dẫn sử dụng mà thôi. Nếu được tối ưu, nó sẽ giúp bạn thành công trong mọi lãnh vực. Đó là lý do tôi cho ra đời cuốn sách Numagician. Nếu một người trí nhớ cũng “cá vàng” như tôi có thể nhớ dãy dài 512 số (gần đây là 1000), giải quyết những tập đề cương dày cộp, đạt 28/30 thi đại học, thì không có gì là bạn không thể! Tất cả những gì bạn cần chỉ là chìa khóa để giải phóng sức mạnh não bộ. Còn chờ gì nữa, hãy tìm hiểu thêm đọc thử ngay bạn nhé!