Các thầy cô giáo giảng dạy Lịch sử lớp 12 THPT tỉnh Điện Biên đã cùng ngồi lại để phân tích thực trạng, đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng môn thi Lịch sử trong kỳ thi THPT quốc gia 2016 tới.
Điểm danh hạn chế khi dạy học, làm bài thi Lịch sử
Qua chấm thi tại hội đồng xét tốt nghiệp tại tỉnh Điện Biên và hội đồng chấm tại tỉnh Sơn La kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, các giáo viên Lịch sử của Điện Biên cho biết, học sinh thường gặp phải các hạn chế như sau:
Do chưa chăm học nên nhiều học sinh không nắm chắc kiến thức cơ bản; do đó, với câu hỏi nhận biết cũng không làm được.
Nhiều em chăm học, học rất thuộc bài, làm bài rất dài và chi tiết nhưng điểm vẫn thấp vì phần bài làm không đúng và không trúng đáp án.
Khả năng vận dụng và liên hệ thực tiễn với các vấn đề thời sự nóng của học sinh chưa tốt.
Nguyên nhân thực trạng này một phần do học sinh còn lười học, khả năng nhân thức yếu, chưa biết cách làm bài. Phần khác xuất phát t ừ kĩ năng và phương pháp ôn tập của giáo viên còn hạn chế, còn ôm đùm kiến thức, chưa phân biệt được đối tượng học sinh trong quá trình ôn, chưa sâu chuỗi được kiến thức cơ bản cho học sinh, kiến thức ôn còn rời rạc, việc liên hệ và khai thác kiến thức theo câu trúc đề mới còn non…
Giải pháp khắc phục
Từ thực trạng này, giáo viên dạy Lịch sử lớp 12 của tỉnh Điện Biên đã thống nhất các giải pháp khắc phục hạn chế, nâng cao chất lượng môn Lịch sử trong kỳ thi THPT quốc gia 2016.
Theo đó, đối với tổ chuyên môn, trên cơ sở cấu trúc đề thi của Bộ GD&ĐT kết hợp với kết quả phân tích điểm thi THPT quốc gia năm 2015 của Sở GD&ĐT để xây dựng kế hoạch ôn tập phù hợp với học sinh trường mình.
Cùng với đó, tăng cường việc trao đổi chuyên môn, rút kinh nghiệm dạy học kể cả việc dạy học phụ đạo, ôn tập; duy trì việc tổ chức thi thử cho học sinh vào cuối các đợt ôn thi, chấm thi và dán kết quả để học sinh, giáo viên nắm bắt.
Đối với giáo viên, cần bám sát các văn bản hướng dẫn chuyên môn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT. Căn cứ vào kế hoạch ôn thi của trường, tổ chuyên môn, cấu trúc đề thi của Bộ GD&ĐT để xây dựng riêng cho mình một kế hoạch giảng dạy và ôn tập cụ thể, chi tiết đến từng chủ đề, chuyên đề.
Trong quá trình dạy, giáo viên cũng phải hướng tới cách dạy học hiểu và vận dụng kiến thức để giúp học sinh nắm được bản chất vấn đề, liên hệ được với các vấn đề mang tính thời sự.
Nên phân nhóm học sinh theo trình độ trong quá trình giảng dạy và tổ chức ôn tập; giao bài tập, sửa bài tập phù hợp với nhóm đó. Sau mỗi một chủ đề hay chuyên đề nên có các bài kiểm tra nhỏ để đánh giá mức độ đạt được của học sinh, từ đó có hướng điều chỉnh cuối đợt nên có bài kiểm tra tổng hợp nhằm đánh giá kiến thức tổng hợp của học sinh.
Kết hợp với giáo viên chủ nhiệm xử lí học sinh chưa chuyên cần. Thông báo với phụ huynh học sinh về việc học sinh nghỉ học, kiến thức không đảm bảo. Tham khảo các đề thi của các trường, các đồng nghiệp để học sinh luyện đề, có kĩ năng làm bài thi.
Chú ý công tác luyện đề
Riêng với giáo viên trực tiếp giảng dạy, giải pháp được tập thể thầy cô giáo dạy Lịch sử lớp 12 của tỉnh Điện Biên đưa ra là: Giáo viên ôn thi nên tham mưu với Ban chuyên môn trong công tác đăng kí và ôn thi THPT quốc gia ngay từ đầu năm học; tư vấn để học sinh khi chọn lựa môn Lịch sử làm môn thi cảm thấy yên tâm ôn tập; xác định mối quan hệ giữa dạy – học – thi và định hình nội dung ôn cho từng đối tượng học sinh.
Các thầy cô cũng cần chú ý công tác luyện đề để rèn kĩ năng làm bài cho học sinh. Trước hết, giúp học sinh nhận biết đề, định hướng cách giải quyết đề xác định các cụm từ chìa khóa trong đề bài, cho học sinh tiếp cận nhiều dạng đề theo cấu trúc đề thi, cụ thể:
Dạng câu hỏi trình bày nêu và phân tích một sự kiện lịch sử: Chiến dịch nào là chiến dịch chủ động phản công lớn nhất của quân ta? Hãy trình bày kết quả ý nghĩa của sự chiến dịch đó; trình bày sự ra đời của các quốc gia độc lập trong năm 1945 ở Đông Nam Á…
Dạng câu hỏi cho cụm từ chìa khóa, yêu cầu học sinh phải gọi tên và trình bày được sự kiện lịch sử ấy…
Dạng câu hỏi phát biểu ý kiến về một nhận định; dạng câu hỏi: Qua bảng số liệu hãy rút ra, vai trò, đặc điểm, nét mới, biến đổi của một vấn đề Lịch sử. Liên hệ thực tiễn; dạng câu hỏi so sánh….
Hải Bình