Phổ biến Pháp luật

Lý giải nguyên nhân hóa đơn điện tháng 7 tăng vọt

70

Tiền điện tháng 7 tăng đột biến – Đây là thông tin được rất nhiều bạn đọc quan tâm thời gian qua. Vì thế, EVN Hà Nội đã có giải thích trên website chính thức http://evnhanoi.com.vn/.

1. Nguyên nhân hóa đơn tiền điện tháng 7 tăng cao

Theo EVN Hà Nội, trong tháng 05, Hà Nội chỉ hứng chịu 01 đợt nắng nóng duy nhất trong 02 ngày (vào ngày 20 và 21/5/2020) đã nâng lượng điện tiêu thụ trung bình lên mức 62,6 triệu kWh/ngày, tăng 45% so với tháng 04.

Tuy nhiên, từ đầu tháng 06, Hà Nội liên tiếp hứng chịu nắng nóng gay gắt kéo dài với nền nhiệt duy trì ở mức trên 39 độ C. Thế nhưng với hiệu ứng nhà kính và các khối bê tông, tòa nhà cao tầng đã khiến mức nhiệt trong ngày tại Hà Nội có nơi lên đến gần 60 độ C. Nắng nóng gay gắt kéo dài liên tục đã khiến lượng tiêu thụ điện tại Hà Nội ngày 09/6/2020 đã đạt tới mức 89,209 triệu kWh. Đây là lượng điện tiêu thụ cao kỷ lục trong lịch sử từ trước đến nay.

Như vậy, kỳ hóa đơn tiền điện tháng 06/2020 bao gồm cả những ngày nắng nóng gay gắt của tháng 05 và đợt nắng nóng kéo dài đầu tháng 06 (từ 01/6 đến 12/6/2020).

Vì thế, nếu khách hàng có kỳ ghi chỉ số từ ngày 16/05/2020 đến ngày 15/06/2020, thì khả năng hóa đơn tiền điện tăng cao, thậm chí tăng gấp đôi, gấp ba là điều rất có thể xảy ra. Bởi nắng nóng, hầu như gia đình nào cũng sử dụng điều hòa nhiệt độ – “thủ phạm” chính làm cho hóa đơn tiền điện tăng cao.

Mặt khác, theo PGS.TS. Nguyễn Việt Dũng – Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Nhiệt – Lạnh, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: “Khi nhiệt độ ngoài trời tăng 01 độ C thì tiêu thụ điện của điều hòa tăng 02 – 03%. Cùng đó, thói quen trời càng nóng, cài nhiệt độ điều hòa càng thấp của nhiều người sử dụng cũng vô tình gây tốn thêm điện. Nếu nhiệt độ cài đặt của điều hòa trong phòng để thấp xuống 01 độ, tiêu thụ điện năng của điều hòa cũng tăng lên 1,5 – 03%”.

Theo lý giải trên, nguyên nhân chính dẫn đến tiền điện tăng vọt là do nắng nóng kéo dài. Tuy nhiên, nếu vẫn chưa đồng ý với cách giải thích của EVN và có nghi ngờ thiết bị đo đếm điện (công tơ điện) không chính xác, khách hàng có quyền yêu cầu EVN kiểm tra. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của khách hàng, EVN phải tiến hành kiểm tra, sửa chữa hoặc thay thế xong.

Trường hợp không đồng ý với kết quả kiểm tra, sửa chữa hoặc thay thế của bên bán điện, khách hàng có quyền đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện tại địa phương tổ chức kiểm định độc lập. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của khách hàng, cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện tại địa phương có trách nhiệm tổ chức việc kiểm định (Luật Điện lực 2004)

2. Một số giải pháp tiết kiệm điện trong mùa hè

Để hướng dẫn khách hàng tiết kiệm điện, tránh việc tiền điện tăng quá cao, EVN đã đưa ra những khuyến cáo đến khách hàng sử dụng điện như sau:

– Để mức nhiệt độ điều hòa từ 26 đến 28 độ C.

Việc để nhiệt độ thấp không khiến điều hòa làm lạnh nhanh hơn mà chỉ khiến tốn điện, hại máy và không đảm bảo sức khỏe. Trong trường hợp chưa đủ mát, người dùng có thể bật thêm quạt gió kết hợp.

– Thường xuyên vệ sinh điều hòa.

Sau một thời gian sử dụng, các lưới lọc gió và hốc đẩy gió lạnh thường bị bẩn, thậm chí rêu mốc khiến máy lạnh hoạt động kém hiệu quả, tốn điện gây hại sức khỏe. Điều hòa sau thời gian dài sử dụng, cả giàn nóng và giàn lạnh đều có các lá tản nhiệt bị mềm, trong khi gas lạnh có thể bị hao hụt, dầu máy bị bẩn cũng như các chi tiết cơ khí bị mài mòn. Hiệu quả làm lạnh có thể bị giảm tới 10 đến 15%.

– Sử dụng thiết bị điện hợp lý, chọn mua thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng (càng nhiều sao càng tiết kiệm điện năng); rút phích cắm khi không sử dụng…

– Đối với các doanh nghiệp sản xuất, cần bố trí kế hoạch sản xuất hợp lý, hạn chế vận hành các thiết bị điện có công suất lớn (như máy nghiền, máy nén khí…) vào giờ cao điểm từ 17h – 20h hằng ngày; đầu tư, cải tiến, thay thế các thiết bị cũ, lạc hậu, hiệu suất thấp bằng các thiết bị có hiệu suất cao và tiết kiệm điện…

3. Tiết kiệm điện là nhiệm vụ của toàn dân

Tại Chỉ thị 20/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quan trọng về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 – 2025.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu giai đoạn 2020 – 2025, cả nước phải phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2,0% tổng điện năng tiêu thụ. Để đạt được mục tiêu này, yêu cầu mọi tổ chức, cá nhân nghiêm túc thực hiện việc tiết kiệm điện.

Các hộ gia đình nên sử dụng thiết bị điện được dán nhãn năng lượng theo Quyết định 04/2017/QĐ-TTg, tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng, cắt hẳn nguồn điện nếu không sử dụng các thiết bị điện; chỉ sử dụng điều hòa nhiệt độ khi thật cần thiết; hạn chế tối đa sử dụng bóng đèn sợi đốt; lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, hệ thống đun nước nóng từ năng lượng mặt trời…

Đặc biệt, tại các cơ quan, công sở phải đưa nội dung tiết kiệm điện vào chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, chấp hành kỷ luật nội bộ và thi đua khen thưởng hằng năm.

Hiện nay, nguồn cung ứng điện giai đoạn 2020 – 2025 gặp nhiều thách thức, đặc biệt là thủy điện, do biển đổi khí hậu. Vì thế, tiết kiệm điện không chỉ để giúp giảm gánh nặng tiền điện cho gia đình mà còn là nhiệm vụ quan trọng của mỗi người dân. Việc cung ứng điện đầy đủ là nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, giữ vững an ninh quốc phòng, ổn định xã hội…

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Hỏi đáp pháp luật của Thiquocgia.vn.

0 ( 0 bình chọn )

Thi Quốc Gia Thi THPT Quốc Gia 2021 của nhà xuất bản Giáo Dục Việt nam

https://thiquocgia.vn
Tổng hợp tài liệu ôn thi THPT Quốc Gia 2020 - 2021, Thi tốt nghiệp, Tài liệu luyện thi

Bài viết liên quan

Bài viết mới

Xem thêm