Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng cho biết ngày 14/05 Bộ sẽ công bố đề thi thử nghiệm theo dạng bài thi thật. Đề thi thử nghiệm là tài liệu căn bản nhất để các trường dựa vào đó ôn tập cho học sinh nhưng không cần thiết tổ chức thi thử quá nhiều.
Theo quy chế, năm nay mỗi tỉnh, thành phố tổ chức một cụm thi. Các điểm thi được đặt ở trường hoặc liên trường THPT ở các huyện, thị xã nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh (TS). Như vậy, đây là năm đầu tiên học sinh lớp 12 tham dự kỳ thi THPT quốc gia ngay tại trường mình đang học để lấy kết quả xét tốt nghiệp xét tuyển vào ĐH. Đây cũng là năm không còn phân biệt giữa cụm thi địa phương do các sở GD-ĐT chủ trì và cụm thi ĐH do các trường ĐH chủ trì. Lần này tất cả các cụm thi đều do sở GD-ĐT tổ chức. Vì vậy công tác tổ chức thi đặc biệt rất quan trọng. Vấn đề dư luận quan tâm là làm sao đảm bảo sự an toàn, nghiêm túc, tránh xảy ra tiêu cực?
1. Bảo mật đề thi phải được đặt lên hàng đầu
Tại buổi làm việc với Bộ GD-ĐT, khi bàn về phương án sao in, bảo quản, vận chuyển đề thi, ông Vũ Văn Kiểm, Giám đốc Sở GD-ĐT Ninh Bình, cho biết: “Đề thi được in sao tại khu vực làm đề thi của Sở, Sở tổ chức giao đề thi trực tiếp tại điểm thi trong ngày 21/6. Việc bảo quản đề thi, bài thi trong các ngày thi do trưởng điểm thi trực tiếp bảo quản 24/24 giờ cùng với công an bảo vệ tại điểm thi. Ban làm phách bài thi tự luận được cách ly tuyệt đối tại khu vực riêng có công an tỉnh bảo vệ”.
Tuy nhiên, ông Kiểm cũng bày tỏ lo ngại việc in sao đề các bài thi trắc nghiệm với mỗi TS một mã đề nên thời gian in sao nhiều hơn, dễ xảy ra sai sót hơn, số lượng cán bộ làm nhiệm vụ cũng phải được tăng cường. Công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho các điểm thi cũng vất vả hơn so với kỳ thi năm trước.
Xung quanh vấn đề này, ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, chia sẻ: “Năm nay in sao đề thi là nỗi lo chung vì số lượng môn thi nhiều hơn, mỗi TS trong một phòng thi có một mã đề thi riêng, số lượng in sao cũng phải nhiều hơn do đề thi trắc nghiệm dài hơn so với đề tự luận… Quy trình sao in đã quy định rất rõ, Bộ đã tập huấn, tuy nhiên Bộ sẽ có thêm văn bản lưu ý rất rõ ràng trong khâu in sao đề thi. Mỗi địa phương sẽ xây dựng một kế hoạch, quy trình in sao đề thi. Chuẩn bị về nguồn nhân lực, về cơ sở vật chất để làm công tác này. Sắp có đề thử nghiệm theo bài thi, các sở sẽ căn cứ vào đó để hình dung, tính toán ra số lượng in sao đề thi ra sao”.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh: “An toàn trong mọi khâu đề thi phải là vấn đề đặt lên hàng đầu, không thể có bất cứ một sai sót nhỏ nào. Tập huấn rồi vẫn phải tập huấn lại vì những sai sót đã lưu ý nhiều lần nhưng năm nào cũng vẫn xảy ra. Phải đổi chéo cán bộ coi thi từ trường này sang trường khác, xem xét bố trí phòng thi, điểm thi của TS tự do cho phù hợp…”. Ông Ga cho biết mỗi phòng thi chắc chắn có 24 mã đề thi khác nhau, các sở căn cứ vào đó để hình dung về khối lượng công việc và cơ sở vật chất cần chuẩn bị cho in sao đề thi.
Vấn đề nữa cũng cần đặc biệt lưu ý trong kỳ thi năm nay, theo ông Nghĩa là về khâu coi thi, trách nhiệm của Sở nặng hơn rất nhiều vì chỉ có một cụm thi do Sở chủ trì nhưng đây vẫn là kỳ thi có 2 mục đích.
Ông Ga cũng lưu ý phải có phương án đảm bảo an toàn cho cán bộ coi thi ở các trường ĐH về địa phương để các thầy cô yên tâm thực hiện nhiệm vụ đúng quy chế nhất.
2. Thí sinh tự do thi tập trung tại một điểm?
Theo phương án bố trí điểm thi của Sở GD-ĐT Ninh Bình, TS tự do được bố trí ở nhiều điểm thi. Theo ông Trần Văn Nghĩa, cần cân nhắc có nên để hơn 600 TS tự do thi một điểm riêng hay chia ra nhiều điểm thi? Nếu chia rải rác thì sẽ rất vất vả cho khâu coi thi. Ông Nghĩa phân tích: “Ở các bài thi tổ hợp, TS tự do có thể ra vào vì có em chọn 1, 2 môn trong bài thi tổ hợp. Do vậy, nếu chia lẻ các điểm thi thì phát sinh nhiều vấn đề về phòng thi, cán bộ coi thi và còn ảnh hưởng chung tới điểm thi đó… Một điểm thi có khoảng 10 TS tự do thì lập tức có thể phải bố trí 3 phòng thi cho đối tượng này. Hà Nội cũng bố trí TS tự do vào một điểm thi tập trung”. Ông Nghĩa đề nghị, với TS tự do chỉ dự thi để xét tuyển ĐH thì nên tập trung vào một điểm thi ở trung tâm thành phố để khâu coi thi thuận tiện hơn.
Đồng quan điểm này, ông Trần Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, cho rằng nên dồn TS tự do vào một điểm để tránh những phức tạp, sai sót trong quá trình coi thi
Tổng hợp (Báo Thanh Niên)