Nhiều trường ĐH cho biết số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển năm 2019 tăng mạnh so với những năm trước, đẩy tỷ lệ chọi các ngành lên cao.
Theo thông tin từ Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, năm 2019, trường có 57.158 nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào trường, trong đó ngành ô tô có số lương nguyện vọng đăng ký cao nhất. Năm nay, chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả thi THPT quốc gia của trường này là 4.764 thí sinh.
Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM cũng nhận được 20.284 nguyện vọng đăng ký xét tuyển (tương đương 19.804 thí sinh đăng ký).
Ngành có nhiều thí sinh đăng ký nhất là Công nghệ thực phẩm với hơn 4.300 nguyện vọng (300 chỉ tiêu đăng ký). Năm nay tổng chỉ tiêu tuyển sinh của Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM là 5.250, trong đó bậc ĐH là 3.500 thí sinh.
Ở khu vực phía Bắc, PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, năm 2019, trường có 32.753 thí sinh đăng kí xét tuyển. Trong khi đó, con số này năm 2018 là hơn 24.000.
Chỉ tiêu xét tuyển của trường năm nay là 6.680 ở tất cả các ngành/nhóm ngành, như vậy, tỷ lệ “chọi” tương đương khoảng 1/5.
Bên cạnh đó, tổng số nguyện vọng 1 và 2 vào trường chiếm gần 50% trong số 66.397 nguyện vọng đăng ký. Một số ngành có số lượng thí sinh đăng ký đông là ngành Công nghệ thông tin, Kỹ thuật cơ điện tử…
Theo thống kê sơ bộ của trường, có 17 tỉnh, thành phố có số thí sinh đăng kí xét tuyển cao, chiếm 93,4%. Hà Nội là địa phương dẫn đầu với 8.329 thí sinh (chiếm 25,42%) đăng kí vào trường. Tiếp theo là Thanh Hóa với 2.647 thí sinh, Thái Bình có 2.302 thí sinh, Nam Định có 2.188 thí sinh.
Cũng theo đại điện ĐH Bách Khoa Hà Nội, điểm ngưỡng đầu vào của ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2018 không có ngành nào dưới 20 điểm. Với xu hướng tăng mạnh lượng thí sinh đăng ký như năm nay, điểm chuẩn có thể tăng nhẹ.
Còn theo PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng ĐT Đại học Kinh tế Quốc dân, năm 2019, trường có hơn 41.000 thí sinh đăng ký xét tuyển, tăng 30% so với năm 2018. Trong khi, tổng chỉ tiêu vào trường với là 5.650 chỉ tiêu.
Về số lượng nguyện vọng đăng ký, năm nay Trường ĐH Kinh tế Quốc dân nhận được gần 87.000 nguyện vọng, tăng 15% so với năm trước.
Một số ngành có số lượng nguyện vọng đăng ký cao như Quản trị Kinh doanh, Kế toán, Tài chính – Ngân hàng, Quản trị khách sạn và Kinh tế quốc tế.
Trong khi đó, một số ngành có số đăng ký nguyện vọng 1 khá thấp so với mặt bằng chung như Quản lý công và Chính sách, Khoa học dữ liệu trong Kinh tế và Kinh doanh và Kinh tế tài nguyên thiên nhiên.
Năm 2018, ngành có điểm chuẩn cao nhất tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân là Kinh tế quốc tế với 24,35 điểm; Kinh doanh quốc tế có điểm chuẩn cao thứ 2 với 24,25. Hai ngành cùng có mức điểm chuẩn thấp nhất trường với 20,5 điểm là Quản lý đất đai và Quản lý tài nguyên và môi trường.
TS Phạm Thu Hương, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo ĐH Ngoại thương Hà Nội cho biết, nhìn chung số lượng nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 đăng ký vào các ngành trong trường không có nhiều biến động so với những năm trước.
“Ngay từ thời kỳ thi 3 chung, số lượng nguyện vọng đăng ký vào trường khá ổn định. Xét về tỷ lệ chọi không cao, tuy nhiên điểm trúng tuyển vẫn cao hơn nhiều so với các trường khác”, TS Hương cho biết.
Cũng theo TS Phạm Thu Hương, tỷ lệ chọi và số lượng nguyện vọng đăng ký vào các trường tại thời điểm này chỉ mang tính chất tham khảo. Với các trường có nhiều mã ngành, một thí sinh có thể đăng ký nhiều nguyện vọng, dẫn đến tỷ lệ chọi vào trường cao hơn.
“Thí sinh nên tập trung ôn thi, các em có quyền thử sức để với đến những ngôi trường cao hơn. Con số về tỷ lệ chọi chưa nói lên nhiều vấn đề vào thời điểm này, không cẩn thận sẽ gây nhiễu, tâm lý hoang mang cho thí sinh. Không phải “chọi” cao sẽ khó đỗ, cũng như không phải lúc nào “chọi” thấp cũng dễ trúng tuyển. Do vậy thí sinh cần phải thật sáng suốt. Tốt nhất thí sinh nên cân nhắc để chọn những trường cao hơn khả năng của mình một chút, cân nhắc thực tế để chọn các trường vừa tầm và cả những trường có mức điểm thấp hơn để đảm bảo an toàn”, TS Hương lưu ý.