Thể lệ cuộc thi tìm hiểu Luật Cảnh sát biển Việt Nam
Cuộc thi Tìm hiểu Luật Cảnh sát biển cấp Bộ Tư lệnh diễn ra từ tháng 5 – 9/2019. Đối tượng là 100% cán bộ, chiến sĩ trong Lực lượng Cảnh sát biển. Thiquocgia.vn xin đăng tải quy chế và thể lệ cuộc thi để cán bộ, chiến sĩ, bạn đọc tham khảo.
Câu hỏi cuộc thi “Tìm hiểu Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018”
Luật cảnh sát biển Việt Nam
Câu hỏi và đáp án cuộc thi viết “Tìm hiểu Luật An ninh mạng” năm 2019
BỘ TƯ LỆNH CẢNH SÁT BIỂN BAN TỔ CHỨC CUỘC THI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc |
QUY CHẾ
Cuộc thi tìm hiểu Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4081/QĐ-BTC ngày 4 tháng 5 năm 2019)
Chương I: NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định đối tượng dự thi; nguyên tắc thực hiện; nội dung thi; tổ chức chấm thi; thành tích chung; khen thưởng, kỷ luật với tập thể, cá nhân tham gia cuộc thi; giải quyết khiếu nại trong quá trình tổ chức cuộc thi và những nội dung có liên quan đến cuộc thi.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Quy chế này áp dụng đối với Ban Tổ chức, Hội đồng chấm thi, Tổ Thư ký, Tổ bảo đảm cuộc thi cấp Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; Ban Tổ chức cuộc thi cấp cơ sở và các cơ quan, đơn vị có liên quan đến cuộc thi.
2. Đối tượng dự thi áp dụng trong quy chế này là cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam (trừ thành viên Ban Tổ chức, Hội đồng chấm thi, Tổ thư ký, Tổ bảo đảm và cán bộ trực tiếp tham gia vào quá trình tổ chức Cuộc thi).
Điều 3. Nguyên tắc thực hiện
1. Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Tư lệnh Cảnh sát biển về việc tổ chức cuộc thi.
2. Các hoạt động tổ chức, chấm thi bảo đảm trung thực, khách quan, chính xác, công bằng, công khai, động viên, khuyến khích người tham gia dự thi.
3. Ban Tổ chức, Hội đồng chấm thi cấp Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và cấp cơ sở phải tuân thủ nghiêm các quy định tại quy chế này và các quy định khác có liên quan.
4. Tập thể và các cá nhân tham dự cuộc thi phải chấp hành các quyết định của Ban Tổ chức, Hội đồng chấm thi. Được quyền khiếu nại về kết quả thi và các hình thức xử lý vi phạm Quy chế cuộc thi theo quy định.
5. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy chế này.
6. Cá nhân chỉ được tham gia một bài dự thi.
7. Khuyến khích những bài thi được đầu tư công phu về nội dung, hình thức; có tranh ảnh, số liệu thực tiễn minh họa; đóng tập có bìa cứng, in màu.
Điều 4. Trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến cuộc thi
1. Trách nhiệm chung
a) Nắm chắc mục đích, yêu cầu, nội dung thi; chủ động nghiên cứu, thu thập tài liệu liên quan đến nội dung, câu hỏi của cuộc thi.
b) Thu, nộp bài thi đúng thời gian quy định.
2. Hội đồng chấm thi cấp Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển do Ban Tổ chức cuộc thi quyết định thành lập, chấm thi vòng chung khảo và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo Quyết định số 4075/QĐ-BTC ngày 04 tháng 5 năm 2019 của Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi tìm hiểu Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
3. Các cơ quan, đơn vị thành lập Ban Tổ chức, Hội đồng chấm thi (cấp cơ sở) để lựa chọn những bài thi có chất lượng tốt tham dự vòng thi chung khảo và chịu trách nhiệm trước Chỉ huy cơ quan, đơn vị mình trong quá trình lựa chọn các bài thi có chất lượng tốt tham gia dự thi vòng chung khảo.
4. Tiêu chuẩn, điều kiện, trách nhiệm của Hội đồng chấm thi và thành viên Hội đồng chấm thi thực hiện theo Quyết định số 4075/QĐ-BTC ngày 04 tháng 5 năm 2019 của Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi tìm hiểu Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018.
Chương II: QUY ĐỊNH NỘI DUNG THI
Điều 5. Nội dung thi
Nội dung thi gồm 04 phần:
a) Phần I. Trắc nghiệm (30 điểm): Gồm 15 câu hỏi về các nội dung cơ bản của Luật Cảnh sát biển Việt Nam.
b) Phần II. Lý thuyết (30 điểm): Thí sinh trả lời 03 câu hỏi liên quan đến các quy định của Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
c) Phần III. Tự luận (30 điểm): Phân tích, bình luận, so sánh, đánh giá một vấn đề theo quy định của Luật Cảnh sát biển Việt Nam? Liên hệ chức trách, nhiệm vụ của bản thân (khuyến khích sử dụng hình ảnh, số liệu thực tiễn để minh họa).
d) Phần IV. Trình bày đẹp, công phu (10 điểm): Các bài dự thi được đầu tư, trình bày đẹp, công phu cả về nội dung và hình thức, có tranh ảnh minh họa, có chiều sâu.
Điều 6. Hình thức thi
Cuộc thi được tổ chức làm 02 vòng (sơ khảo và chung khảo) theo hình thức viết tay hoặc đánh máy trên khổ giấy A4.
Điều 7. Yêu cầu đối với bài thi
1. Bài dự thi hợp lệ
a) Là những bài thi được viết tay hoặc đánh máy trên khổ giấy A4; bài thi phải trả lời các câu hỏi do Ban Tổ chức đưa ra và ghi đầy đủ họ tên, cấp bậc, chức vụ và đơn vị công tác của người dự thi; nộp đúng thời gian, trình tự theo quy định.
b) Nội dung trả lời các câu hỏi phải dựa trên các văn bản quy phạm pháp luật có trích rõ nguồn gốc ban hành.
2. Bài dự thi không hợp lệ
a) Đối tượng dự thi không đúng theo Kế hoạch số 4074/KH-CQTT ngày 04 tháng 5 năm 2019 của Ban Tổ chức cuộc thi tìm hiểu Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018.
b) Bài thi có nội dung xuyên tạc, trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
c) Không nộp đúng thời gian theo quy định; bài dự thi photocoppy, sao chép giống nhau về nội dung.
d) Bài thi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.
Chương III: QUY ĐỊNH TỔ CHỨC CHẤM THI
Điều 8. Phương pháp chấm thi
Chấm theo cặp (thành viên Hội đồng chấm thi), chấm chéo; chấm kiểm tra (nếu có khiếu nại); việc chấm điểm bài dự thi được thực hiện theo đáp án, thang điểm do Ban Tổ chức cuộc thi cấp Bộ Tư lệnh cảnh sát biển công bố.
Điều 9. Tổ chức chấm bài dự thi
1. Trước khi tổ chức chấm bài dự thi, Chủ tịch Hội đồng chấm thi quán triệt đến thành viên Hội đồng chấm thi các tiêu chí đánh giá bài thi hợp lệ, không hợp lệ, đáp án thang điểm, phiếu chấm điểm bài dự thi và các tài liệu phục vụ việc chấm bài dự thi.
2. Việc chấm bài dự thi được thực hiện tập trung tại một địa điểm do Ban Tổ chức bố trí. Chủ tịch Hội đồng chấm thi chỉ đạo phát bài dự thi để các thành viên Hội đồng chấm thi thực hiện việc chấm bài dự thi trong từng buổi.
3. Đề cao trách nhiệm cá nhân của thành viên Hội đồng chấm thi; quá trình chấm thi phải thực hiện đúng quy chế cuộc thi và đáp án, thang điểm do Ban Tổ chức cuộc thi công bố; tổng hợp, ghi điểm vào phiếu chấm điểm bài dự thi và ký, ghi rõ họ tên.
4. Trong quá trình chấm điểm, nếu phát hiện bài dự thi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 7 của Quy chế này, thành viên Hội đồng chấm thi kịp thời thông báo với Tổ Thư ký để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Hội đồng chấm thi xem xét, quyết định.
Điều 10. Vòng sơ khảo (Cấp cơ sở)
1. Tổ chức thi và chấm thi để lựa chọn những bài thi có chất lượng tham dự vòng chung khảo và được tiến hành như sau:
a) Chấm điểm toàn bộ bài dự thi hợp lệ của cán bộ, chiến sĩ cơ quan, đơn vị mình theo quy định của Quy chế cuộc thi.
b) Chủ tịch Hội đồng chấm thi tổ chức bốc thăm các cặp thành viên Hội đồng chấm thi để chấm bài dự thi (mỗi cặp 02 người); mỗi bài dự thi được 02 thành viên Hội đồng chấm thi cùng cặp chấm độc lập và cho điểm trong phiếu chấm điểm bài dự thi.
c) Căn cứ kết quả chấm điểm của các cặp chấm, Tổ Thư ký giúp việc Hội đồng chấm thi lập danh sách bài dự thi theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp theo quy định của Quy chế cuộc thi trình Chủ tịch Hội đồng chấm thi gửi Ban Tổ chức cuộc thi xem xét, quyết định lựa chọn bài dự thi tham gia vòng chung khảo.
2. Đối với các bài thi được lựa chọn gửi dự thi vòng chung khảo có thể được phúc tra, phúc khảo nếu có khiếu nại.
3. Không giới hạn bài thi có chất lượng tốt gửi tham dự vòng chung khảo (tính thành tích tập thể).
Điều 11. Vòng chung khảo
1. Bài dự thi vòng chung khảo được chấm như sau:
a) Chấm điểm số lượng bài tham gia dự thi (tính theo quân số cán bộ, chiến sỹ của đơn vị mình) và chấm điểm toàn bộ bài dự thi hợp lệ do Ban Tổ chức cuộc thi vòng sơ khảo lựa chọn gửi về chấm chung khảo theo quy định.
b) Chủ tịch Hội đồng chấm thi cấp Bộ Tư lệnh tổ chức bốc thăm các cặp thành viên Hội đồng chấm thi để chấm bài dự thi (mỗi cặp 02 người); mỗi bài dự thi được 02 thành viên Hội đồng chấm thi cùng cặp chấm độc lập và cho điểm trong phiếu chấm điểm bài dự thi.
c) Căn cứ kết quả chấm điểm của các cặp chấm, Tổ Thư ký giúp việc Hội đồng chấm thi lập danh sách bài dự thi theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp theo quy định của Quy chế cuộc thi trình Chủ tịch Hội đồng chấm thi gửi Ban Tổ chức cuộc thi xem xét, quyết định lựa chọn bài dự thi đạt giải.
2. Đối với các bài dự thi dự kiến đạt giải, Ban Tổ chức cuộc thi có thể xem xét, quyết định chấm kiểm tra theo quy định tại Điều 13 Quy chế này.
3. Ban Tổ chức cuộc thi cấp Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển xem xét, quyết định trao giải thưởng đối với bài dự thi đạt giải ở vòng chung khảo. Trường hợp bài dự thi có số điểm bằng nhau, việc xem xét, quyết định trao giải thưởng do Ban Tổ chức cuộc thi của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển quyết định theo thứ tự ưu tiên quy định tại khoản 3 Điều 14 Quy chế này. Quyết định của Ban Tổ chức cuộc thi là quyết định cuối cùng và có hiệu lực thi hành.
4. Không trừ điểm đối với bài dự thi có từ viết tắt hoặc viết các nội dung khác với đáp án.
5. Không thực hiện việc chấm điểm đối với các bài dự thi không hợp lệ quy định tại khoản 2 Điều 7 của Quy chế này.
Chương IV: QUY ĐỊNH THÀNH TÍCH CHUNG
Điều 12. Thang điểm và cách tính điểm đối với bài dự thi cá nhân
1. Thang điểm
Bài thi chấm theo thang điểm 100 cho cả 04 phần thi, cụ thể như sau:
a) Điểm trắc nghiệm (30 điểm), gồm 15 câu mỗi câu 02 điểm.
b) Điểm lý thuyết (30 điểm), gồm 03 câu, mỗi câu 10 điểm; trong đó: phần mở bài 02 điểm, nội dung 06 điểm, kết luận 02 điểm.
c) Điểm tự luận (30 điểm), trong đó đặt vấn đề 05 điểm; phân tích, bình luận, so sánh, đánh giá (nội dung chính) 10 điểm; liên hệ chức trách, nhiệm vụ của bản thân 10 điểm; kết luận vấn đề 05 điểm.
d) Điểm trình bày đẹp, công phu (10 điểm): Trong đó bài thi được đầu tư, trình bày đẹp, công phu cả về nội dung và hình thức (3 điểm), có tranh ảnh minh họa (4 điểm), có chiều sâu về lý luận và thực tiễn (3 điểm).
2. Cách tính điểm
a) Thành viên Hội đồng chấm thi chấm bài theo từng câu, từng ý có thang điểm do Ban Tổ chức quy định. Điểm bài thi là điểm trung bình cộng của 02 thành viên hội đồng chấm thi cho điểm, lấy đến 01 số thập phân, không làm tròn số.
b) Trường hợp có sự chênh lệch điểm giữa chấm kiểm tra và chấm lần đầu thì xử lý như sau:
– Chênh lệch đến 05 điểm thì điểm của bài dự thi là điểm chấm lần đầu.
– Chênh lệch trên 05 điểm đến dưới 10 điểm sẽ lấy điểm trung bình cộng của 02 lần chấm.
– Chênh lệch từ 10 điểm trở lên sẽ tổ chức đối thoại giữa 02 cặp chấm. Điểm sau đối thoại và quyết định của Chủ tịch Hội đồng chấm thi sẽ là điểm cuối cùng của bài dự thi.
– Các trường hợp khác do Hội đồng thi quyết định.
c) Điểm cộng
Những bài thi thuộc quy định tại khoản 7 Điều 3 sẽ được Hội đồng chấm thi cộng thêm điểm, điểm cộng tối đa là 05 điểm.
Điều 13. Chấm kiểm tra
1. Việc chấm kiểm tra chung khảo được thực hiện khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có khiếu nại về điểm bài dự thi.
b) Các thành viên Hội đồng chấm thi không thống nhất được số điểm chấm bài dự thi.
c) Ban Tổ chức cuộc thi xét thấy cần thiết.
2. Việc chấm kiểm tra được thực hiện bởi 02 thành viên Hội đồng chấm thi do Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi lựa chọn trong số thành viên Hội đồng chấm thi chưa tham gia chấm bài dự thi đó. Quy trình chấm kiểm tra được thực hiện như chấm lần đầu.
Điều 14. Đánh giá kết quả thi
Hội đồng chấm thi cấp Bộ Tư lệnh sẽ tổ chức đánh giá toàn bộ các bài dự thi của đơn vị (bao gồm cả các bài gửi chấm chung khảo), xem xét, quyết định trao giải tập thể và cá nhân; xét điểm từ cao xuống thấp.
1. Đối với tập thể tiêu chí đánh giá, xếp giải thưởng như sau:
a) Số lượng bài dự thi/tổng quân số đơn vị;
b) Trung bình cộng của tổng số điểm các bài dự thi vòng chung khảo tính từ cao xuống thấp;
c) Số lượng người đạt giải cao sau chấm chung khảo;
d) Thời gian nộp bài dự thi về Hội đồng chấm thi của Bộ Tư lệnh.
đ) Đối với cơ quan, đơn vị có bài dự thi phần lý thuyết và tự luận giống nhau là điểm trừ trong xếp giải thưởng.
e) Thư ký cuộc thi tiến hành rà soát, tổng hợp, báo cáo Ban Tổ chức cuộc thi xem xét, quyết định.
2. Đối với cá nhân tiêu chí đánh giá như sau:
– Trả lời đầy đủ các câu hỏi do Ban Tổ chức cuộc thi đưa ra.
– Nội dung trả lời đầy đủ, chặt chẽ, phương pháp diễn đạt mạch lạc, liên hệ thực tiễn sâu sắc, cụ thể dễ hiểu.
– Hình thức trình bày bài dự thi được ưu tiên cộng điểm theo quy định tại khoản 7 Điều 3 của Quy chế này.
– Điểm do Hội đồng chấm thi chấm.
3. Ưu tiên xếp giải thưởng cá nhân
Trong trường hợp các bài dự thi có số điểm bằng nhau và nhiều hơn số lượng giải dự kiến trao theo quy định của Quy chế thì việc xếp giải thưởng được lựa chọn theo thứ tự ưu tiên như sau:
a) Bài dự thi có số điểm cao hơn ở câu tự luận và liên hệ thực tiễn với quy định của Luật Cảnh sát biển Việt Nam.
b) Bài dự thi được trình bày công phu, sáng tạo, sinh động, có nhiều tranh ảnh, tư liệu minh họa.
c) Bài dự thi đáp ứng được các tiêu chí khác do Ban Tổ chức cuộc thi quyết định.
Chương V: KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT
Điều 15. Cơ cấu giải thưởng
1. Giải thưởng tập thể:
– Gồm: 01 giải Nhất, 01 giải Nhì, 01 giải Ba, 01 giải Khuyến khích.
2. Giải thưởng cá nhân:
– Gồm: 02 giải Nhất, 03 giải Nhì, 05 giải Ba, 05 giải Khuyến khích.
Điều 16. Khen thưởng
1. Những tập thể tham gia cuộc thi đạt kết quả cao được khen thưởng các giải sau:
– 01 Giải nhất tặng Bằng khen và tiền thưởng 3.000.000đ.
– 01 Giải nhì tặng Bằng khen và tiền thưởng 2.000.000đ.
– 01 Giải ba tặng Bằng khen và tiền thưởng 1.000.000đ.
– 01 Giải Khuyến khích tặng Giấy khen và tiền thưởng 700.000đ.
2. Những cá nhân tham gia cuộc thi đạt kết quả cao được khen thưởng các giải sau:
– 02 Giải nhất tặng Bằng khen và tiền thưởng 3.000.000đ.
– 03 Giải nhì tặng Bằng khen và tiền thưởng 2.000.000đ.
– 05 Giải ba tặng Bằng khen và tiền thưởng 1.000.000đ.
– 05 Giải Khuyến khích tặng Giấy khen và tiền thưởng 700.000đ.
Điều 17. Kỷ luật
1. Đối tượng tham gia cuộc thi phải chấp hành nghiêm điều lệnh, kỷ luật Quân đội, quy chế cuộc thi, quy định của Ban Tổ chức cuộc thi. Nếu vi phạm tùy theo mức độ sẽ bị xử lý theo Quy chế cuộc thi và Điều lệnh Quản lý bộ đội.
2. Thí sinh nào tự ý bỏ thi mà không được sự đồng ý của Ban Tổ chức cuộc thi, người có thẩm quyền thì không được xét khen thưởng, đồng thời phải xem xét thi hành kỷ luật theo Điều lệnh quản lý Bộ đội.
Điều 18. Khiếu nại
1. Khiếu nại liên quan đến việc lựa chọn bài dự thi vòng chung khảo ở cấp cơ sở và chấm bài dự thi và xét giải thưởng cuộc thi cấp Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển xảy ra ở cấp nào do Ban Tổ chức cuộc thi cấp đó xem xét, giải quyết.
2. Các trường hợp khiếu nại phải được thực hiện bằng văn bản và có chữ ký, ghi rõ họ tên gửi về Ban Tổ chức cuộc thi theo phân cấp, chậm nhất trước ½ ngày kể từ khi nhận được kết quả hoặc thông báo vi phạm.
3. Quyết định của Ban Tổ chức cuộc thi là kết quả giải quyết cuối cùng.
Chương VI: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 19. Tổ chức thực hiện
Quy chế này được thực hiện cho cuộc thi tìm hiểu Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị cơ quan, đơn vị phản ánh về cơ quan Thường trực của cuộc thi (Cục Nghiệp vụ và Pháp luật) để báo cáo Ban Tổ chức cuộc thi xem xét, giải quyết./.
TRƯỞNG BAN TỔ CHỨC CHÍNH ỦY CẢNH SÁT BIỂN Trung tướng Hoàng Văn Đồng |