- 1. Sở hữu trí tuệ là gì?
- 2. Đối tượng quyền sở hữu trí tuệ
- 2.1. Đối tượng quyền tác giả
- 2.2. Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp
- 2.3. Đối tượng quyền đối với giống cây trồng
- 3. Tại sao ngày nay vấn đề quyền sở hữu trí tuệ lại được quan tâm mạnh mẽ đến vậy?
- 4. Tại sao phải bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ?
- 5. Thời hạn bảo hộ các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ theo Hiệp định TRIPS là bao nhiêu lâu?
Quyền sở hữu trí tuệ là gì?
Sở hữu trí tuệ, hay có khi còn gọi là tài sản trí tuệ, là những sản phẩm sáng tạo của bộ óc con người. Mời các bạn tham khảo bài viết sau đây để hiểu rõ hơn về quyền sở hữu trí tuệ.
1. Sở hữu trí tuệ là gì?
Sở hữu trí tuệ, hay có khi còn gọi là tài sản trí tuệ, là những sản phẩm sáng tạo của bộ óc con người. Ðó có thể là tác phẩm văn học, âm nhạc, phần mềm máy tính, phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, v.v…Quyền sở hữu trí tuệ là các quyền đối với những sản phẩm sáng tạo nói trên. Trong số các quyền này có 2 quyền thường được nhắc đến là quyền tài sản và quyền nhân thân.
2. Đối tượng quyền sở hữu trí tuệ
Theo Điều 3 Luật sở hữu trí tuệ, đối tượng quyền sở hữu trí tuệ bao gồm các đối tượng sau:
2.1. Đối tượng quyền tác giả
– Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.
– Quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.
Đối tượng quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.
2.2. Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp
– Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.
Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý.
2.3. Đối tượng quyền đối với giống cây trồng
Quyền đối với giống cây trồng là quyền của tổ chức, cá nhân đối với giống cây trồng mới do mình chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển hoặc được hưởng quyền sở hữu.
Đối tượng quyền đối với giống cây trồng là vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch.
3. Tại sao ngày nay vấn đề quyền sở hữu trí tuệ lại được quan tâm mạnh mẽ đến vậy?
Đó là do sự thay đổi trong cơ cấu các yếu tố tạo nên giá trị hàng hoá. Ở thời kỳ sản xuất nông nghiệp, phần lớn giá trị của nông sản là do lao động cơ bắp của người nông dân bỏ ra. Đến thời đại công nghiệp, máy móc đã dần dần thay thế lao động cơ bắp trong tỷ lệ giá trị hàng hoá. Ngày nay, khi mà nhiều nước đã chuyển sang nền kinh tế tri thức thì hàm lượng trí tuệ trong sản phẩm và dịch vụ ngày càng lớn lên, trở thành một yếu tố quyết định tính cạnh tranh. Một container máy điện thoại di động có giá trị lớn hơn một container xe máy, và càng lớn hơn giá trị của một container sắn lát. Do vậy, quyền sở hữu trí tuệ càng được người ta chú trọng bảo vệ.
4. Tại sao phải bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ?
Bất cứ khi nào một sản phẩm mới vào thị trường và thu hút khách hàng thành công, không sớm thì muộn sẽ bị đối thủ cạnh tranh sản xuất các sản phẩm giống hoặc tương tự. Trong nhiều trường hợp, đối thủ cạnh tranh có tiềm lực tài chính mạnh, có mối quan hệ tốt hơn với các nhà phân phối, hoặc có nguồn nguyên liệu giá rẻ,… họ có thể sản xuất một sản phẩm tương tự hoặc giống hệt với giá rẻ hơn, tạo áp lực nặng nề lên nhà sáng tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ nguyên gốc.
Điều này sẽ đẩy nhà sáng tạo gốc ra khỏi thị trường, đặc biệt khi mà họ đã đầu tư đáng kể vào việc phát triển sản phẩm mới thì đối thủ cạnh tranh lại hưởng lợi từ kết quả đầu tư đó và chẳng mất một xu nào cho thành quả sáng tạo của nhà sáng tạo gốc. Đây là lý do quan trọng duy nhất để các doanh nghiệp phải cân nhắc khi sử dụng hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ sản phẩm trí tuệ của mình.
Khi đó, tác giả sẽ được độc quyền sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, các tác phẩm văn học nghệ thuật và các tài sản vô hình khác,… mà họ sáng tạo ra. Pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sẽ hạn chế phạm vi sao chép và bắt chước của đối thủ cạnh tranh một cách đáng kể.
5. Thời hạn bảo hộ các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ theo Hiệp định TRIPS là bao nhiêu lâu?
Hiệp định TRIPS chỉ quy định thời hạn bảo hộ tối thiểu, nghĩa là các nước có thể đặt ra thời hạn bảo hộ bằng hoặc dài hơn thời hạn nêu trong Hiệp định TRIPS.
Thời hạn bảo hộ tối thiểu theo Hiệp định TRIPS là :
– Bằng sáng chế: 20 năm
– Bản quyền (đối với các tác phẩm không phải là tranh, điện ảnh): 50 năm hoặc suốt đời tác giả cộng thêm 50 năm
– Bản quyền điện ảnh: 50 năm
– Bản quyền tranh: 25 năm
– Thương hiệu: 7 năm
– Kiểu dáng công nghệ : 10 năm
– Sơ đồ bố trí mạch tích hợp: 10 năm
Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Hỏi đáp pháp luật của Thiquocgia.vn.