Lễ thôi nôi
Theo phong tục của nước ta, lễ thôi nôi là lễ sinh nhật tròn mấy tuổi của trẻ em? Chúng ta thường tổ chức lễ thôi nôi cho em bé. Lễ này được tổ chức vào dịp nào? Khi em bé được bao nhiêu tuổi. Cùng Hoatieu.vn tìm hiểu nhé.
1. Theo phong tục của nước ta, lễ thôi nôi là lễ sinh nhật tròn mấy tuổi của trẻ em?
Theo phong tục của nước ta, lễ thôi nôi là lễ sinh nhật tròn 1 tuổi của trẻ em.
Thôi nôi là một phong tục tập quán lâu đời của người Việt, “thôi nôi” tức là khi em bé đủ 12 tháng sẽ không nằm nôi nữa và lễ này cũng nhằm cảm ơn các Bà Mụ đã nặn ra đứa bé. Phong tục cúng bái, làm lễ thay đổi tùy theo tập quán của mỗi vùng
=> Lễ thôi nôi là lễ sinh nhật tròn 1 tuổi của trẻ em.
2. Cách tính ngày giờ làm thôi nôi cho trẻ em
Theo truyền thống thì mọi việc cúng kiếng đều tính theo âm lịch. Với ngày lễ đầy năm của Bé cũng vậy. Ông bà ta hay tính theo ngày âm lịch. và tùy thuộc vào bé trai hay bé gái để mà áp dụng thêm câu “Gái lùi 2, Trai lùi 1”
Ví dụ cụ thể: Ví dụ bé nhà bạn sinh vào ngày 20/11/2019 (âm lịch) thì tròn 1 năm sau sẽ là 20/11/2020 (âm lịch). Tiếp theo gái lùi 2 thì là ngày 22/11 (âm)
Bên cạnh đó, cũng có cách tính ngày giờ làm thôi nôi cho trẻ khác. Nhiều vùng ở Sóc Trăng thường truyền miệng câu nói “trai trồi hai, gái sụt một”. Điều này liên quan mật thiết với cách tính ngày đầy tháng nam trồi nữ sụt. Tại đây, người dân cho rằng ngày đầy tháng của bé trai phải cộng (trồi lên) 2 ngày nữa.
3. Lễ thôi nôi theo truyền thống của người Việt
Thôi nôi cho trẻ là phong tục tập quán phổ biến. Đây là nghi thức để chứng nhận sự có mặt của thành viên mới trong cộng đồng, một hình thức “khai sinh” theo quan niệm dân gian. Phong tục này có nguồn gốc từ tục thờ cúng 12 bà mụ phổ biến trong các gia đình Nam Bộ xưa.
Lễ cúng thôi nôi được tổ chức khi bé tròn một tuổi, đánh dấu một bước trưởng thành của đứa trẻ. Chữ “thôi nôi” có ý nghĩa là bỏ cái nôi, thôi nằm nôi, chuyển từ giường nhỏ (cái nôi) sang giường lớn, để bắt đầu một giai đoạn khác của cuộc đời, và để bé bắt đầu tập bò, tập ngồi, tập đứng, tập đi… Lễ thôi nôi thường được tổ chức quy mô lớn hơn lễ đầy tháng; gia chủ mời bạn bè, thân tộc, hàng xóm đông đủ hơn.
Lễ vật cúng thôi nôi ngoài chè – xôi, gà – vịt (cúng 12 bà mụ, 3 đức ông) như cúng trong lễ đầy tháng, những gia đình khá giả còn tổ chức cúng heo quay, hoặc làm heo sống để cúng đất đai, tổ tiên ông bà, thành hoàng bổn cảnh… vừa cầu nguyện phù hộ cho đứa trẻ, vừa có ý nghĩa ăn mừng đứa trẻ đã qua một giai đoạn khó khăn, tiếp tục một bước phát triển mới (nhiều gia đình còn giữ lệ cúng heo cho trẻ ở giai đoạn tròn 3 tuổi, 6 tuổi, 9 tuổi, 12 tuổi…). Heo cúng thường được đặt ở cửa chính hoặc ngoài sân, đầu hướng ra ngoài, xung quanh có bày thêm trái cây, nhang đèn, trà, rượu…
Sau khi cúng xong 3 tuần rượu, 1 tuần trà, đứa bé sẽ được đặt lên bộ ván ngựa (hoặc giường) và bày ra trước mặt một số vật dụng quen thuộc để bé lựa chọn như: cây viết, quyển sách, nắm xôi, gương soi, lược, cục đất, cây kéo, tiền mặt… Dân gian tin rằng, vật nào được bé chọn trước (tự tay bé sẽ bốc lấy vật) là tương ứng với tương lai nghề nghiệp của bé sau này.
Hoa Tiêu vừa giúp bạn đọc tìm hiểu về lễ thôi nôi theo phong tục của người Việt, cách tính ngày giờ để làm thôi nôi cho bé theo cha ông ta.
Thôi nôi là một nghi lễ đánh dấu bước chuyển trong cuộc đời của bé (bỏ từ nằm nôi để tập đi tập đứng). Đây cũng là sự chúc mừng đứa trẻ đã qua một giai đoạn khó khăn đầu đời. Nhiều người còn thường cho bé chọn các đồ vật trong ngày lễ này và tin rằng đồ vật đó sẽ đại diện, liên quan đến nghề nghiệp tương lai của trẻ. Lễ thôi nôi này đã được truyền lại từ nhiều đời và vẫn còn giữ được vẻ truyền thống đến tận ngày nay. Đây chính là sự đặc sắc trong văn hóa của người Việt nói riêng và các nước Đông Nam Á nói chung.
Mời các bạn đọc thêm các bài viết liên quan tại mảng Tài liệu