Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, phương án thứ hai cho kỳ thi THPT quốc gia 2018 của Bộ GD&ĐT là chấm điểm một bài gây khó khăn cho các trường xét tuyển và học sinh khi ôn tập.
Bộ GD&ĐT vừa gửi văn bản tới các trường đại học, cao đẳng đào tạo giáo viên để lấy ý kiến về phương án thi THPT quốc gia 2018.
Trong đó, có hai phương án. Thứ nhất là giữ nguyên bài thi tổ hợp với 3 đầu điểm cho từng môn thi thành phần (như năm 2017). Thứ hai, mỗi bài thi tổ hợp có nội dung của 3 môn thành phần nhưng được bố trí thành bài thi hoàn chỉnh, chấm điểm chung với một đầu điểm thống nhất.
Bàn về phương án dự kiến thứ hai, nhiều chuyên gia bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng.
1. Bộ GD&ĐT có sai quy định?
TS Nguyễn Đức Nghĩa – Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM – đề xuất: Bộ GD&ĐT nên cố gắng giữ kỳ thi THPT quốc gia 2018 ổn định, để học sinh và giáo viên có thời gian chuẩn bị.
Hiện nay, năm học mới thực chất đã bắt đầu trước khai giảng, nếu có sự thay đổi lớn sẽ gây xáo trộn cho học sinh. Trước đó, năm học 2017, sau khi nhập học, Bộ GD&ĐT mới công bố phương thức thi bằng bài tổ hợp thay vì thi theo môn, gây bức xúc.
TS Nghĩa nêu phương án thứ hai được Bộ GD&ĐT gửi cho các trường lấy ý kiến, nội dung là: Mỗi bài thi tổ hợp có nội dung của 3 môn thành phần được bố trí thành một bài thi hoàn chỉnh, chấm điểm chung với một đầu điểm thực chất là bài thi tích hợp.
Nếu thực hiện phương án này, Bộ GD&ĐT cần có sự nghiên cứu thật kỹ và thận trọng. Bởi khi đó, tổ hợp xét tuyển môn thi của các trường đã hoàn toàn bị phá vỡ. Không có lộ trình từ trước, nhà trường và học sinh liệu có thích ứng kịp?
“Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT đưa ra trong năm 2015 nêu nếu các trường muốn thay đổi các khối thi truyền thống hoặc tổ hợp môn thi đã sử dụng để xét tuyển thì phải báo cáo Bộ GD&ĐT và thông báo công khai ít nhất 3 năm trước khi áp dụng.
Khi Bộ GD&ĐT chuyển sang bài thi tích hợp sẽ khiến các trường bắt buộc điều chỉnh tổ hợp xét tuyển theo mà không công bố trước, liệu Bộ GD&ĐT có vi phạm chính quy định đã đặt ra của mình”, TS Nguyễn Đức Nghĩa nêu câu hỏi.
Ông Nghĩa đề xuất ngoài việc giữ ổn định cho kỳ thi THPT quốc gia 2018, khâu tổ chức thi cần tăng cường giám sát để có kết quả nghiêm túc. Đề thi cần điều chỉnh độ khó cho phù hợp để có sự phân hóa tốt.
Phần mầm lọc ảo năm 2017 khá tốt nhưng chỉ có tác dụng với các trường top trên, không hiệu quả với trường top dưới. Nguyên nhân tuyển sinh không đủ chỉ tiêu của các trường top dưới còn là nguồn tuyển và chỉ tiêu đề ra quá cao.
2. Học sinh có thể không ôn tập kịp
Theo ông Trần Văn Tớp – Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội – nhà trường hoàn toàn ủng hộ phương án hai của Bộ GD&ĐT: Mỗi bài thi tổ hợp có nội dung của 3 môn thành phần nhưng được bố trí thành một bài thi hoàn chỉnh, chấm điểm chung với một đầu điểm thống nhất toàn bài thi.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT nên sử dụng phương án thi này cho năm học 2018-2019. Bởi với học sinh, giáo viên, việc biết trước phương án thi giúp các em có định hướng học tập tốt.
“Học sinh lớp 12 đã tựu trường và định hình được các khối ngành thi. Nếu theo phương án 2, việc học tập của các em cũng có nhiều thay đổi. Một học sinh thi theo khối A là Toán, Lý, Hóa có thể đã không học kỹ môn Sinh. Khi gộp vào bài thi Khoa học Tự nhiên, bài môn Sinh sẽ chiếm hơn 3 điểm (tính thang điểm 10), điều này có thể khiến các em trượt đáng tiếc”, ông Tớp nói.
Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội nhận định mọi phương án thi cần có “độ lùi” cần thiết để học sinh chuẩn bị. Nếu thay đổi luôn trong năm nay, đề xuất thứ hai này có thể khiến học sinh “sốc”.
Ông Tớp thông tin việc chấm gộp bài thi tổ hợp không ảnh hưởng việc tuyển sinh. Bài thi vào ĐH Bách khoa Hà Nội chủ yếu thuộc khối Khoa học Tự nhiên nên có thể xét tuyển theo bài thi Toán, tổ hợp Khoa học Tự nhiên và Tiếng Anh. Như vậy, thực chất là 5 môn thi với 3 bài thi. Việc có thêm môn Sinh vào bài thi cũng không ảnh hưởng nguồn tuyển của trường.