Ngữ Văn

Thuyết minh về chiếc nón lá

Chiếc nón lá là một trong những vật dụng rất gần gũi với người dân Việt Nam. Nón lá không chỉ là vật dụng cần thiết đối với chị em phụ nữ mà còn là món quà tinh thần trong nghệ thuật và đặc sản văn hóa. Dưới đây là tổng hợp một số bài […]
413

Chiếc nón lá là một trong những vật dụng rất gần gũi với người dân Việt Nam. Nón lá không chỉ là vật dụng cần thiết đối với chị em phụ nữ mà còn là món quà tinh thần trong nghệ thuật và đặc sản văn hóa. Dưới đây là tổng hợp một số bài văn mẫu cho đề bài thuyết minh về chiếc nón lá, mời bạn đọc cùng theo dõi.

Mục lục1.Dàn ý tổng quát thuyết minh về chiếc nón lá2.Dàn ý chi tiết về chiếc nón lá3.Dàn ý mẫu thuyết minh về chiếc nón lá4.Bài tham khảo 1: Thuyết minh về chiếc nón lá Việt Nam5.Bài tham khảo 26.Bài văn mẫu 37.Bài văn mẫu 4

Dàn ý tổng quát thuyết minh về chiếc nón lá

Mở bài

  • Giới thiệu khái quát về chiếc nón lá

Thân bài

1. Chiếc nón lá Việt Nam bắt nguồn từ đâu

  • Nguồn gốc chiếc nón lá
  • Địa điểm làm nón lá từ thời xa xưa
  • Những câu chuyện truyền thuyết về nón lá

2. Cấu tạo của chiếc nón lá Việt Nam

  • Hình dáng, kích thước, màu sắc của chiếc nón lá
  • Nguyên vật liệu của chiếc nón lá
  • Cách làm chiếc nón lá

Công dụng của chiếc nón lá

1. Đối với cuộc sống ngày xưa của người nông thôn

  • Người dân họ dùng nón bắt đầu từ khi nào
  • Mục đích dùng nón lá
  • Một số hình ảnh đẹp về chiếc nón lá gắn liền với người dân.

2. Đối với cuộc sống công nghiệp hoá, hiện đại hoá

  • Trong sinh hoạt hằng ngày
  • Trong một số lĩnh vực khác như nghệ thuật, du lịch

3. Bảo quản nón lá

  • Vị trí bảo quản nón lá
  • Các bộ phận cần phải bảo quản

Kết bài

  • Tóm tắt vấn đề
  • Khẳng định giá trị tinh thần của chiếc nón lá

Dàn ý chi tiết về chiếc nón lá

Mở bài

  • Nón lá là một vật dụng thân thuộc
  • Thường đi cùng với áo dài
  • Đi vào nhiều bài thơ ca

Thân bài

1. Nguồn gốc chiếc nón lá

  • Có lịch sử rất lâu đời
  • Xuất hiện trong đời sống hằng ngày của người Việt Nam
  • Trải qua nhiều cuộc chiến tranh
  • Nhiều làng nón lá xuất hiện tại Huế, Quãng Nam,…

2. Nguyên liệu và các làm nón lá

  • Chọn lá dừa non
  • Chọn lá cọ có màu trắng xanh
  • Tiến hành chuốc vành, lên khung lá và xếp nón
  • Chằm nón

3. Công dụng của nón lá

  • Nón lá là vật dụng thân quen của người phụ nữ
  • Đội đầu che mưa, che nắng, đi chợ, mua quạt
  • Các tiết mục nghệ thuật kết hợp với nón lá

4. Bảo quản

  • Chỉ nên đội trời nắng
  • Tránh đội khi trời mưa
  • Cất vào bóng râm khi không sử dụng

Kết bài

  • Nón lá là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam
  • Sản phẩm truyền thống phổ biến
  • Là hình ảnh bình dị của người Việt Nam

Dàn ý mẫu thuyết minh về chiếc nón lá

Mở bài:
Giới thiệu khái quát về chiếc nón lá Việt Nam.

Thân bài:
– Hình dáng chiếc nón: hình chóp
– Các nguyên liệu làm nón:
+ Mo nang làm cốt nón
+ Lá cọ để lợp nón
+ Nứa rừng làm vòng nón
+ Dây cước, sợi guột để khâu nón
+Ni lông, sợi len, tranh ảnh trang trí.

– Quy trình làm nón:
+ Phơi lá nón rồi trải trên mặt đất cho mềm, sau đó là phẳng
+ Làm 16 vòng nón bằng cật nứa, chuốt tròn đều
+ Khâu nón: Đặt lá lên khuôn, dùng sợi cước khâu theo 16 vòng để hoàn thành sản phẩm. Khâu xong phải hơ nón bằng hơi diêm sinh.
– Các nơi làm nón ở Việt Nam: Huế, Quảng Bình. Nổi tiếng là nón làng Chuông -Hà Tây
– Tác dụng: Che nắng, che mưa làm duyên cho các thiếu nữ . Có thể dùng để múa, làm quà tặng. Chiếc nón là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam

Kết bài:
Cảm nghĩ về chiếc nón lá Việt Nam.

Bài tham khảo 1: Thuyết minh về chiếc nón lá Việt Nam

Trên đất nước Việt Nam có khoảng trên năm mươi dân tộc được chia ra nhiều vùng miền khác nhau. Nhưng có ba khu vực chính: Bắc – Trung –Nam. Ở mỗi miền có phong tục tập quán riêng. Nếu nói về trang phục thì chiếc áo tứ thân và vật dụng đi kèm là nón quai thao sẽ là đại diện cho người Bắc. Còn ở miền Trung và miền Nam thì có áo dài nói chung áo bà ba nói riêng và người bạn đồng hành với chúng không ai khác chình là chiếc nón lá thân quen. Nó làm chiếc áo dài hay áo bà ba thêm phần duyên dáng và dịu dàng, tôn thêm nét đẹp cho người phụ nữ Việt.

Chiếc nón lá là một nhân tố của lịch sử lâu đời. Tiền nhân của nón lá được chạm khắc trên chiếc trống đồng Ngọc Lữ, thạp đồng Đào Thịch từ khoảng 2500 – 3000 trống đồng năm trước công nguyên.

Trải qua biết bao thời kì chống giắc ngoại xâm, nghề chằm nón vẫn được duy trì và tồn tại cho đến nay. Và hiện nay các làng làm nghề chằm nón như làng Đồng Di (Phú Vang), Dạ Lê (Hương Thủy) và ở Phủ Cam (Huế) là làng nón đặc biệt nhất,… những làng nghề này đã tạo ra các sản phẩm công phu và nó cũng là một trong những điểm thu hút khách du lịch.

Một chiếc nón lá đẹp phải trãi qua rất nhìu công đoạn. Trước tiên là khâu chọn lá, phơi lá, chọn chỉ đến mức tinh xảo trong từng mũi kim. Lá làm nón có thể dùng lá dừa hay lá cọ.

Lá dừa: để có được lá dừa thì phải mua từ trong Nam. Lá được vận chuyển và được làm trước khi chuyển đến nơi.

Sau đó, chọn lọc lá để xử lí với lưu huỳnh nhằm đảm bảo được độ bền về thời gian và màu sắc của lá. Dẫu việc chọn lá có công phu nhưng chiếc nón làm ra cũng không sánh bằng nón được làm từ lá cọ.

Lá cọ: để khoác lên cho nón một chiếc áo với chật liệu tốt, người may phải công phu hơn từ việc chọn lá cho đến việc may và khâu.

Những chiếc lá cọ phải có những yếu tố sau: lá non vừa độ, gân lá phải xanh, màu lá cũng trắng xanh. Nếu gân và thân lá đều trắng thì chiếc nón làm ra sẽ không được đẹp.

Một chiếc nón đạt đầy đủ tiêu chuẩn là phải có màu trắng xanh với những gân lá màu xanh nhẹ, mặt phải bóng, khi đan lên nón thì màu của gân nổi lên bề mặt thì mới đẹp mặt. Để đạt được điều dó, phải làm đúng theo các qui trình một cách tuân thủ.

Sấy khô phải đúng kĩ thuật, sấy trên bếp than (đối với lá cọ thì không phơi nắng). Sau đó thì phơi sương từ 2 đến 4 giờ cho lá mềm ra.

Rồi dùng một búi vải và một miếng gang đặt trên bếp than có độ nóng vừa phải để ủi sao cho từng chiếc lá được phẳng. Mỗi chiếc lá phải được chọn lựa kĩ càng và cắt với cùng độ dài là 50cm (lá cọ).

Với cây mắc sắt, những người thợ làm nón (thường là đàn ông) chuốt từng nan tre sao cho tròn đều và có đường kính rất nhỏ, thường chỉ lớn hơn que tăm một chút. Sau đó uốn nan tre này thành những vòng tròn từ lớn đến bé và đều được bóng bẩy.

Mỗi cái nón sẽ có 16 nan tre đã được uốn vòng như thế này. Những vòng ấy sẽ được đặt vào một khung bằng gỗ hình chóp theo vị trí từ dưới lên từ lớn đến bé.

Sau đó người thợ sẽ xếp lá lên khung, người xếp lá phải khéo và đều tay để những chiếc lá không bị chồng lên nhau hoặc xô lệch.

Kể về quá trình làm nón mà không nhắc đế nghệ thuật làm nón bài thơ ở Huế thì thật thiếu xót. Đặt biệt nón bài thơ của xứ Huế rất mỏng vì chỉ có hai lớp lá với lớp lá thứ nhất chỉ gồm hai mươi lá, còn lớp ngoài chỉ có ba mươi lá và lớp bài thơ thì được chèn ở giữa.

Khi xây lá lợp lá, người làm phải thật sự khéo léo sao cho khi chêm lá sẽ không làm cho lá bị chồng lên nhau hay bị xô lệch, như vậy thì chiếc nón lá của chúng ta sẽ có được độ thanh và mỏng.

Khi soi nón dưới ánh nắng, người ta sẽ thấy được bài thơ, hay nhìn rõ được chiếc cầu Tràng Tiền hoặc chùa Thiên Mụ.

Chính những chi tiết đó đã tạo được nét đặc sắc riêng của nón bài thơ ở xứ Huế. Khi đội nón bài thơ người đội nó chắc hẳn hãnh diện lắm vì đã mang trên mình những danh lam thắng cảnh hay một bài thơ mang đậm sắc Việt.

Sau khi xếp lá cho đều và ngay ngắn lên vành, người ta bắt đầu chằm nón. Nón được chằm bằng những sợi nilông dẻo, dai và săn chắc có màu trắng trong suốt.

Các nón lá không được xộc xệch, đường kim chỉ phải đều. Khi nón lá được chằm hoàn tất người ta đính thêm cho chớp nón một cái “xoài” được làm bằng chỉ bóng láng để làm duyên cho nón.

Sau khi cho nón một điểm nhấn, thì người thợ sẽ phủ lên nón lớp dầu nhiều lần, phơi đủ nắng để nón vừa đẹp vừa bền. Ở hai vòng tròn lớn bằng nan tre phần dưới của hình chóp, khoảng nan thứ ba và thứ tư, người thợ sẽ dùng chỉ đôi kết đối xứng hai bên để buộc quai.

Quai nón thường được làm bằng lục, the, nhung,.. với màu sắc tươi tắn như tím, hồng đào, xanh thiên lí,..càng làm cho nón thêm phần xinh xắn và càng làm tăng độ duyên dáng cho người đội nón.

Chiếc nón lá cũng giống như người phụ nữ Việt Nam, không chỉ đẹp ở từng chi tiết mà còn đẹp ở cách thể hiện ở phần dáng nón. Những người thợ đã gởi gắm vào từng “đứa con’ những hình ảnh mang nét truyền thống văn hóa dân tộc.

Từ Bắc vào Nam, từ làng Chuông ở Tây Hồ đến Ba Đồn, những chiếc nón lá trải đi khắp các nẻo đường và trở nên thân quen trong đời sống thường nhật của người phụ nữ.

Chiếc nón không chỉ là vật dụng thân thiết, mà còn là người bạn thủy chung với người lao động đội nắng dầm mưa, đội nón ra đồng, đội nón đi chợ,… nón còn là những chiếc quạt xua đi những mệt mõi, mồ hôi dưới nắng hè gây gắt mà còn làm tăng nét duyên và tăng thêm nét nữ tính của người phụ nữ.

Vào mỗi buổi tan trường, hình ảnh những cô nữ xinh với tà áo dài trắng tinh khôi, nghiêng nghiêng dưới vành nón lá là lúm đồng tiền làm duyên đã làm say lòng, là cảm hứng nghệ thuật của bao văn nhân, nghệ sĩ,…

Trong nghệ thuật, tiết mục múa nón của các cô gái dưới bộ áo dài duyên dàng thể hiện nét dịu dàng, mềm mại kím dáo của người phụ nữ Việt Nam đã nhiều lần xuất hiện và đều nhận được những tràng pháo tay tán thưởng của khán giả.

Muốn nón lá được bền chỉ nên đội dưới nắng, không nên đi trong mưa. Sau khi dùng nên cất vào chỗ bóng râm, không phơi ngoài nắng sẽ làm cong vành, lá nón giòn và ố vàng làm mất tính thẩm mĩ và giảm tuổi thọ của nón.

Nón lá là một những bề mặt của đất nước Việt Nam ta, vì thế hãy giữ gìn nó thật kĩ tránh làm hỏng nón. Hãy yêu quý cái nét truyền thống lấu đời đó, nón lá sẽ là một người bạn luôn sát cánh cùng chúng ta dẫu có nắng mưa gian khổ.

Bài tham khảo 2

Hình ảnh chiếc nón lá luôn quen thuộc, gần gũi với người phụ nữ Việt Nam từ xưa tới nay. Khi nhắc tới chiếc nón lá người ta thường nhớ ngay đến những tà áo dài thướt tha, tới những lời ăn tiếng nói dịu dàng, đậm phong tục tập quán của người Việt Nam. Dù đi đâu thì hình ảnh chiếc nón lá vẫn luôn đậm sâu trong trái tim mỗi người, hình ảnh mộc mạc, chân chất lại rất nhiều ý nghĩa, và chiếc nón lá còn là một trong những món quà ý nghĩa mà người dân Việt Nam dành tặng bàn bè Quốc Tế để thể hiển sự thân thiết, yêu mến.

Chiếc nón xuất hiện từ rất lâu rồi, chiếc nón lá luôn là người bạn đồng hành che mưa, che nắng, luôn ở bên những bước hành trang chúng ta đi.

Để tạo ra một chiếc nón thì cần sự cầu kỳ, tỉ mỉ, kỳ công của người làm nón, muốn chiếc nón đẹp thì ngay từ khâu chọn nguyên liệu, rồi khâu từng đường kim mũi chỉ người thợ đã đặt hết tâm tình vào đó để tạo ra những chiếc nón đẹp.

Ngoài việc che nắng che mưa thì chiếc nón còn là một phụ kiện làm đẹp rất tuyệt vời, trong những ngày hội dân ca, những ngày hội làng, hay ngày kết hôn của các đôi vợ chồng mẹ chồng trao nón cho con dâu, chiếc nón đều có mặt và tạo nên nét duyên dáng của phụ nữ Việt Nam.

Chiếc nón thay cho bao nhiêu lời nhắn gửi yêu thương, trong thơ văn chiếc nón là cảm hứng của rất nhiều nhà văn, nhà thơ…

” Quê hương là cầu tre nhỏ/Mẹ về nón lá nghiêng tre”, qua hình ảnh nón lá trong câu thơ là hình ảnh người mẹ tần tảo, chịu thương chịu khó.

Thời chiếc tranh các cô gái thường đội nón quai màu tím tiễn người yêu ra chiến trường thể hiện sự chung thủy, sắc son, như thay một lời hẹn ước sẽ đợi người yêu chiến thắng trở về.

Các loại lá như lá cọ, lá du quy diệp, lá cối, lá rơm, lá tre, lá dứa… đều có thể làm nón được, ở mỗi vùng miền khác nhau thì kiểu dáng của chiếc nón cũng khác nhau.

Người miền Bắc có nón quai thao khi dự các lễ hội, ở Huế thì có nón bài thơ, ở Bình Định có nón Gò Găng, quai nón thường được làm bằng nhung, lục, hay the, với những màu sắc đẹp và tươi tắn, làm nổi bật thêm vẻ đẹp của chiếc nón, làm tăng lên độ duyên dáng của người phụ nữ khi đội nón.

Hình ảnh chiếc nón giống như người phụ nữ Việt Nam, không chỉ đẹp ở từng chi tiết mà còn thể hiện ở phần dáng nón.

Những người thợ khâu nón đã làm nên những chiếc nón đẹp, từng đường kim mũi chỉ được người thợ gửi gắm những hình ảnh mang nét đặc trưng truyền thống của dân tộc Việt Nam

Nón lá là biểu tượng của phụ nữ Việt Nam, là hình ảnh bình dị thân quen với tà áo dài truyền thông của người phụ nữ Việt Nam.

Chiếc nón là được phổ biến trên khắp đất nước và là nét đặc trưng văn hóa riêng của đất nước Việt Nam, khi bạn bè nước ngoài đến Việt Nam đều muốn trong hành lý của mình mang về có món quà là chiếc nón lá Việt Nam.

Chúng ta đã quảng bá được vẻ đẹp của đất nước của con người thông qua hình ảnh những cô gái mặc áo dài thướt tha đội nón lá

Bài văn mẫu 3

Một thế giới văn minh, một xã hội tiên tiến đã tạo ra những sự thay đổi về vật chất hiện thực đến cả vật chất tinh thần của con người. Những đồ dùng được làm từ máy móc hiện đại ra đời.

Con người có lẽ cũng phần nào quên đi những ký ức về những đồ dùng xưa cũ nhưng gắn liền với truyền thống và văn hóa tinh thần của người dân Việt Nam nước ta như chiếc ti vi hai màu trắng đen, quạt thủ công,…Trong tất cả những vật dụng quen thuộc, ta không thể không nhắc đến chiếc nón lá – chiếc nón gắn liền với hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong tà áo dài trắng mượt, nhẹ nhàng và thanh khiết.

Nón lá là một trong những đồ dùng dùng để che nắng, che mưa cho con người trong những ngày tiết trời bất ổn. Ngày nay, nón lá đã được thay thế bởi những chiếc nón được làm được làm từ vải với nhiều màu sắc và kiểu dáng khác nhau tạo nên sự bắt mắt cho nón với nhiều màu sắc như hồng, đỏ, trắng, đen,…mà lại rất thời trang, phù hợp với phong cách của giới trẻ và thương mại buôn bán lúc bấy giờ.

Tuy nhiên, nón của thời hiện đại vẫn không làm phai mờ những chiếc nón lá gắn liền với truyền thống và tinh thần văn hóa của con người Việt Nam, đặc biệt đối với những người dân làm nông, các bà, các cô, các chị sống ở những vùng miền quê Việt Nam.

Nón lá xuất hiện từ bao giờ và lý do vì sao lại có sự xuất hiện của chiếc nón truyền thống cho tới ngày nay vẫn còn khá mơ hồ. Nhiều người kể lại rằng nón lá ngày nay là hình ảnh tiền thân cho chiếc nón lá nguồn gốc được chạm khắc trên trống đồng Ngọc Lữ, thạp đồng Đào Thịch cách đây từ 2500-3000 năm về trước công nguyên gắn liền với câu chuyện huyền thoại về một người phụ nữ cao lớn.

Trên đầu của người phụ nữ luôn đội một cái nón được làm từ những chiếc lá. Đặc biệt, bất cứ nơi nào mà người phụ nữ đi qua, dù thời tiết có dữ dội, có hãi hùng thì cũng đều tan biến. Không những vậy, người phụ nữ này còn dạy cho người dân cách trồng lúa và những loại cây lương thực khác. Sau đó thì bà biến mất.

Người ta khẳng định rằng bà là một nữ thần. Lấy nguồn cảm hứng từ chiếc nón bà đội, con người đã tạo nên chiếc nón lá truyền thống như ngày hôm nay mà chúng ta vẫn thường thấy.

Nón lá ngày nay tồn tại nhiều loại nón khác nhau như nón quai thao ( người miền Bắc thường dùng vào dịp đi lễ hội ), nón bài thơ (ở Huế), nón gõ, nón dấu, nón lá sen, nón thúng, nón chảo,…nhưng phổ biến nhất vẫn là loại nón hình chóp. Cấu tạo của loại nón này gồm vành nón, chóp nón, lá dùng để chằm nón và quai nón.

Vành nón được làm từ những nan tre được uốn cong thành hình tròn đều với đường kính nhỏ. Ở phân đoạn làm vành nón thì đa số đều là nam nhân thực hành. Mỗi chiếc nón lá đều được sử dụng từ mười sáu vành nón được uốn cong đều và bóng bẩy, xếp từ trên đỉnh chóp từ những vành nhỏ xuống cuối khung hình chóp với những vành lớn hơn.

Một chiếc nón bình thường thường có đường kính vành khoảng 50cm, cao 30cm. Sau khi qua công đoạn vành nón, người ta sẽ tiến hành xếp lá lên khung. Trong công đoạn này, các người nghệ nhân phải thật khéo léo và cẩn thận để những lá nón được xếp một cách đều đặn và không bị hở. Lá nón được làm từ những nguyên liệu như lá cọ, rơm, tre,…

Trong đó có hai loại lá thường được sử dụng nhất là lá dừa và lá cọ. Đối với lá dừa, người ta phải mua từ trong Nam về và tiến hành chọn lọc những loại lá có độ bền và màu sắc dài lâu rồi đem cho qua lưu huỳnh. Tuy nhiên loại lá dừa này vẫn ít được người dân sử dụng để làm nón hơn lá cọ. Đối với lá cọ, các người nghệ nhân sẽ sử dụng những loại lá có gân và màu lá màu xanh để tiến hành sấy khô cũng như là lá để cho ra những chiếc lá thẳng và đẹp.

Trải qua phân đoạn xếp lá lên khung thì tiếp theo sẽ là công đoạn chằm nón. Được chằm từ những sợi ni lông dẻo, chắc, bền, người nghệ nhân muốn tạo nên một chiếc nón lá đẹp phải cẩn thận từng đường kim mũi chỉ. Thông thường ở đỉnh chóp nón, người nghệ nhân sẽ chằm lên đỉnh nón một lớp ni lông chống thấm nước giúp nón được bảo tồn lâu hơn khi ở ngoài mưa.

Sau đó người ta sẽ phủ lên nón nhiều lớp dầu và phơi ngoài nắng vừa đủ để nón vừa bền lại vừa đẹp. Cuối cùng là phần quai nón. Ở vòng tròn lớn cuối thân nón, ở nan thứ ba, thứ tư bên trong nón được người nghệ nhân dùng chỉ kết đối xứng thành quai đeo hai bên. Quai nón được sử dụng từ những mảnh vải như nhung, lụa,…được người dùng đeo dưới cổ với nhiều màu sắc đa dạng.

Để tạo nên những chiếc nón lá tinh xảo như vậy, người nghệ nhân đã phải rất cẩn thận và khéo tay. Vì vậy, một chiếc nón lá không chỉ là chiếc nón bình thường mà còn là tâm huyết và cả thời gian của sự đam mê, yêu nghề của những người nghệ nhân đan nón.

Trong đó ta không thể nào không nhắc đến chiếc nón bài thơ của những người nghệ nhân ở xứ Huế với những chiếc nón được sơn lên nhiều họa tiết, hình ảnh của dân ca quan họ và những bài thơ khi để trước nắng sẽ trở nên nổi bật. Đó chính là đặc điểm riêng biệt của nón bài thơ ở Huế.

Nón lá không chỉ là vật dụng dùng để che nắng, che mưa cho những người nông dân làm đồng, chân lấm tay bùn nói riêng và tất cả mọi người nói chung.

Nón còn là một chiếc quạt cất gió thoảng cho con người vào những buổi ban trưa oi ả; là một phần của những điệu múa dân ca mà ta thường thấy trong những dịp hội, dịp lễ; là một phần tạo nên nét duyên dáng uyển chuyển của những cô thiếu nữ tuổi mười tám, đôi mươi; và là hình ảnh góp mặt vào những câu thơ đầy nghệ thuật của các thi sĩ như bài thơ “nón lá” của Nguyễn Lãm Thắng:

“Mong manh chiếc nón, ấy mà

Che mưa che nắng đường xa mẹ về

Từ phố thị đến làng quê

Ở đâu nón cũng nguyện che mái đầu…”

Chiếc nón lá đã không còn thông dụng với những cô gái nơi thành phố xa hoa những mãi là người bạn không thể thiếu của những cô gái làng quê, của các cô, các bà sống nơi đồng nội. Nón lá sẽ mãi là chiếc nón truyền thống của người dân Việt Nam mà không một chiếc nón thời công nghiệp tiên tiến nào có thể sánh ngang.

Bài văn mẫu 4

“Sao anh không về thăm quê em

Ngắm em chằm nón buổi đầu tiên

Bàn tay xây lá, tay xuyên nón

Mười sáu vành, mười sáu trăng lên.”

Ngày nay, muốn đất nước có thể vươn xa hơn, tiến lên sánh vai cùng bạn bè năm châu thì đòi hỏi con người Việt Nam phải sáng tạo hơn, phải thông minh hơn nữa để làm ra những đồ dùng khoa học tiên tiến, những thiết bị máy móc công nghệ cao để nâng cao cuộc sống của con người Việt trước và sau là đất nước.

Tuy nhiên, sự phát triển cường mạnh của một đất nước không chỉ dựa trên máy móc mà còn dựa vào những nét truyền thống văn hóa lưu lại từ nghìn đời xưa. Và chiếc nón chính là một trong muôn vàn những nét văn hóa lâu đời mà cho đến ngày nay vẫn còn được tồn tại và lưu hành trong mỗi gia đình người Việt, nhất là vùng miền nông thôn.

Chiếc nón lá từ lâu đời đã gắn liền với cuộc sống và gia đình của con người đất Việt. Nón lá tuy nhìn bề ngoài thì dung dị, mộc mạc, đơn sơ nhưng lại là vật dụng dùng để che nắng che mưa cho con người thời xưa, khi mà đất nước ta chỉ là một đất nước có nền nông nghiệp lạc hậu. Một chiếc nón lá tuy thế thôi nhưng là biết bao những giá trị về văn hóa và tinh thần của người Việt Nam.

Nguồn gốc của chiếc nón lá này được ra đời từ đâu và hình thành như thế nào thì cho đến ngày hôm nay vẫn chưa ai biết đáp án chính xác. Người ta chỉ biết chiếc nón lá này đã ra đời từ nghìn năm nay, khoảng từ 2500-3000 năm trước công nguyên. Trải qua một khoảng thời gian lâu như thế nhưng nón lá vẫn được người Việt giữ gìn và phát huy cho tới tận mai sau.

Vào khoảng thời gian đó, người ta nhìn thấy hình dạng nguyên thủy của chiếc nón lá trên trống đồng Ngọc Lữ, thạp đồng Đào Thịch. Đôi khi nhắc về chiếc nón lá, sẽ có người nhớ đến câu chuyện huyền thoại về nó rằng xưa có một người phụ nữ đội trên đầu một chiếc nón được lấy lá cây bao phủ. Mỗi khi bà đi đến đâu thì thời tiết nơi đó sẽ trở nên thuận lợi và tốt đẹp.

Có người còn nói trước khi bà biến mất không một dấu vết thì bà đã tận sức chỉ dạy cho con người Việt ta cách trồng lúa nước và những loại cây lương thực khác như khoai, sắn,…Do đó, người ta thường bán tàn về bà cho rằng bà là một vị thần xuống trần gian cứu giúp nước ta.

Tuy không rõ câu chuyện huyền thoại có thực sự đúng hay không nhưng con người bây giờ chỉ chắc chắn một điều rằng chiếc nón lá ngày nay là tiền thân của chiếc nón lá mà vị nữ thần xưa đội trên đầu.

Nếu xét về mặt hiện thực, con người sẽ cho rằng đây là một câu chuyện khá hoang đường nhưng nếu xét về một khía cạnh khác thì bạn sẽ thấy rằng đó có thể là thật, cũng giống như câu chuyện về sự tích hồ Gươm, bàn cờ tiên ở bán đảo Sơn Trà,…

Nón lá là một trong số những đồ dùng có cấu tạo đơn giản nhưng phải rất tỉ mỉ và khéo tay mới làm nên được một chiếc nón vừa xinh vừa đẹp. Nón có rất nhiều loại như nón lá Ngựa, nón lá Sen, nón lá Khua, nón bài thơ,…nhưng phổ biến nhất vẫn là loại nón hình chóp. Nón lá thông thường sẽ có cấu tạo ba phần và có bốn công đoạn khác nhau.

Đầu tiên sẽ là lá nón. Lá nón thì được làm từ nhiều loại lá nhưng lá cọ là thông dụng nhất với mọi nghệ nhân làm nón. Công đoạn đầu tiên với một chiếc nón lá mới là việc lựa chọn lá. Lá cọ phải lựa chọn những chiếc lá có gân lá phải xanh và màu lá phải trắng xanh dịu nhẹ. Không lựa chọn những chiếc lá già vì khi qua công đoạn chằm nón, lá nón rất dễ bị rách. Để nón có độ bền, dẻo và thẳng thì trước hết phải đem phơi lá ở ngoài nắng, sau đó thì cho lá qua lưu huỳnh để làm màu lá trở nên trắng.

Chiếc nón lá có lá nón càng trắng thì càng được nhiều người ưa chuộng. Sau khi trải qua hai bước trên thì ta tiếp tục là lá để lá được thẳng, không bị cong. Đó là công đoạn cũng như một số lưu ý khi lựa chọn lá nón. Tiếp theo tôi sẽ giới thiệu với bạn về công đoạn làm vành nón. Vành nón được làm từ những cọng tre, nứa với độ mỏng và nhỏ và có thể uốn cong, bền.

Mỗi chiếc nón lá thường có từ 14-16 vành nón tùy theo kích cỡ của chiếc nón. Vành nón được uốn cong thành những hình tròn và được xếp từ dưới lên với đường kính khác nhau trong một cái khung hình chóp. Càng về đỉnh chóp, vành nón phải được làm cẩn thận và tỉ mỉ hơn để khi xếp lá lên khung sẽ không có trường hợp chỗ vành nhỏ, chỗ vành to và không ngay ngắn, đều nhau.

Đường kính lớn nhất của vành khoảng chừng từ 30-50 cm tùy theo nhu cầu của khách hàng, Sau khi trải qua công đoạn làm vành lá thì sẽ tới công đoạn xếp lá lên khung. Mỗi chiếc lá phải được xếp đều và ngang nhau, tránh chỗ lá nhiều, nơi lá ít, làm mất thẩm mỹ. Mỗi chiếc nón lá thường được lợp hai lớp lá và ở giữa hai lớp thường có một lớp mo tre hoặc nứa dùng để chống nước thấm vào hoặc ánh mặt trời chiếu vô. Cuối cùng sẽ là công đoạn chằm nón hay còn gọi là công đoạn khâu nón.

Đây là công đoạn quan trọng nhất trong việc tạo nên một chiếc nón lá vừa đẹp vừa chắc chắn, tuổi thọ lâu dài. Ở giai đoạn này, người nghệ nhân sẽ dùng chỉ và cước để khâu lá và vành nón lại. Người khâu nón phải là người khéo tay và có kinh nghiệm mới có thể khâu được vì đối với những người mới bắt đầu khâu thì thường rất dễ để kim đâm vào đầu ngón tay.

Từng đường kim mũi chỉ phải được khâu cẩn thận, đều nhau và chắc chắn. Ở phần trong, ngay nan thứ 3, thứ 4 tính từ cuối lên thường sẽ được người nghệ nhân khâu thành quai nón để đeo với những mảnh vải đầy màu sắc và hoa văn.

Để tạo nên chiếc nón lá thì phải đòi hỏi một khoảng thời gian khá dài từ khâu chuẩn bị nguyên liệu đến khâu chằm nón. Hơn nữa, nón lá còn là chiếc nón truyền thống của người dân Việt gắn liền với bao văn hóa của dân tộc nên nón lá mãi là người bạn thân thiết và gần gũi của con người.

Nón lá có thể dùng để che mưa, che nắng; làm thành chiếc quạt nhỏ trong những phút giải lao của các bác nông dân; trở thành một cái loa phát thanh lan truyền ra khắp mọi nước mà bất kỳ vị du khách nào cũng đều muốn được tận mắt quan sát và sở hữu; là nhân vật trữ tình xuất hiện trong những lời thơ của người làm thi sĩ.

Khi sử dụng nón lá, bạn nên lau chùi nón cẩn thận và tránh để nón ở những nơi đầy bụi bẩn. Tránh để nón ở ngoài ánh sáng mặt trời nhiều, nhất là vào buổi trưa.

Dù ngày nay tồn tại nhiều chiếc nón thời trang và đầy phong cách được làm từ những chất liệu như vải,…nhưng nón lá mãi là người bạn hiền gắn liền với truyền thống văn hóa của dân tộc Việt và chắc chắn rằng nón lá sẽ là một phần tuy nhỏ trong số những cái lớn sẽ góp phần giúp cho đất nước ta ngày càng phát triển, không chỉ về mặt công nghệ máy móc mà còn về mặt văn hóa tinh thần.

0 ( 0 bình chọn )

Thi Quốc Gia Thi THPT Quốc Gia 2021 của nhà xuất bản Giáo Dục Việt nam

https://thiquocgia.vn
Tổng hợp tài liệu ôn thi THPT Quốc Gia 2020 - 2021, Thi tốt nghiệp, Tài liệu luyện thi

Bài viết liên quan

Kết nối với chúng tôi

Sự kiện nổi bật

thi sinh lo lang vi de thi lich su kho nhieu kien thuc lop 11

Thứ 5

23/02/2021 08:00

Xem nhiều

Chủ đề

Bài viết mới

Xem thêm