Tài liệuThơVăn học

Top 4 bài cảm nhận về bức tranh mùa thu trong bài Thu điếu hay chọn lọc

485

Cảm nhận về bức tranh mùa thu trong bài Thu điếu – Qua bàn tay tài hoa của Nguyễn Khuyến người đọc như được đắm mình vào trong bức tranh thu tuyệt đẹp của mùa thu thôn quê Việt Nam. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ dàn ý cảm nhận về bức tranh thu trong Câu cá mùa thu cùng các bài văn mẫu cảm nhận về bức tranh mùa thu trong bài Thu điếu siêu hay để các bạn học sinh có thêm tài liệu tham khảo học tập môn Ngữ văn lớp 11.

1. Sơ đồ tư duy cảm nhận bức tranh mùa thu trong Thu điếu

Sơ đồ cảm nhận về bức tranh mùa thu trong bài Thu điếu

2. Dàn ý cảm nhận bức tranh thiên nhiên trong Thu điếu

1. Mở bài

– Giới thiệu tác giả và tác phẩm:

+ Nguyễn Khuyến là nhà thơ Nôm nổi tiếng nhất trong văn học Việt Nam.

+ “Câu cá mùa thu” là bài thơ thu tiêu biểu trong chùm ba bài thơ thu được viết bằng chữ Nôm của Nguyễn Khuyến.

– Khái quát bức tranh mùa thu trong bài thơ: hiện lên với vẻ đẹp cổ điển vốn có của thi ca muôn đời với cái tĩnh lặng trong cảnh và tâm của người nghệ sĩ.

2. Thân bài

* Khái quát về bài thơ

– Hoàn cảnh sáng tác: Nhà thơ sáng tác bài thơ này khi về quê ở ẩn với những thú vui tuổi già đó là đi câu cá. Cảnh tượng mùa thu diễn ra lặng lẽ êm đềm cộng hưởng với tâm trạng buồn bế tắc của nhà thơ lo lắng cho số phận người nông dân đã bật lên tứ thơ thu điếu.

– Giá trị nội dung: Bài thơ là bức tranh cảnh sắc mùa thu ở đồng bằng Bắc Bộ, đồng thời cho thấy tình yêu thiên nhiên, đất nước cùng tâm trạng đau xót của tác giả trước thời thế.

* Luận điểm 1: Bức tranh mùa thu được khắc họa từ sự thay đổi điểm nhìn

– Bức tranh mùa thu được miêu tả theo điểm nhìn:

+ Từ gần đến cao xa: từ “thuyền câu bé tẻo teo” trong “ao thu” đến “tầng mây lơ lửng”.

+ Từ cao xa trở lại gần: Từ “trời xanh ngắt” quay trở về với thuyền câu, ao thu.

=> Cách thay đổi điểm nhìn như vậy làm bức tranh mùa thu toàn diện: từ một khoảng ao, cảnh sắc mùa thu mở ra sinh động theo nhiều hướng.

* Luận điểm 2: Bức tranh mùa thu trong bài là bức tranh mùa thu tiêu biểu nhất, đặc trưng nhất cho “mùa thu của làng cảnh Việt Nam”

– Những nét đặc trưng nhất của mùa thu Bắc Bộ được phác họa trong bức tranh mùa thu với đầy đủ màu sắc và đường nét:

+ Màu sắc:

“trong veo”: sự dịu nhẹ, thanh sơ của mùa thu

Sóng biếc: Gợi hình ảnh nhưng đồng thời gợi được cả màu sắc, đó là sắc xanh dịu nhẹ và mát mẻ, phải chăng là sự phản chiếu màu trời thu trong xanh

Lá vàng trước gió: Hình ảnh và màu sắc đặc trưng của mùa thu Việt Nam

Hình ảnh trời xanh ngắt: sắc xanh của mùa thu lại được tiếp tục sử dụng, nhưng không phải là màu xanh dịu nhẹ, mát mẻ mà xanh thuần một màu trên diện rộng -> đặc trưng của mùa thu.
+ Nét riêng của mùa thu được gợi lên từ sự dịu nhẹ, thanh sơ của cảnh vật:

Không khí mùa thu: thanh sơ, dịu nhẹ, nước trong, sóng biếc, đường nét chủ động nhẹ nhàng
Cái thú vị nằm ở cái điệu xanh: xanh ao, xanh trúc, xanh trời, xanh bèo pha chung với một chút vàng của lá thu rơi.

+ Đường nét, chuyển động:

“hơi gợn tí” : chuyển động rất nhẹ -> Sự chăm chú quan sát của tác giả.

“khẽ đưa vèo” : chuyển động rất nhẹ rất khẽ -> Sự cảm nhận sâu sắc và tinh tế.

Tiếng cá “đớp động dưới chân bèo” -> “cái tĩnh tạo nên từ một cái động rất nhỏ”.

+ Sự hòa hợp trong hòa phối màu sắc:

Màu sắc thanh nhã đặc trưng cho mùa thu không phải chỉ được cảm nhận riêng lẻ, nhìn tổng thể, vẫn nhận thấy sự hòa hợp.

Các sắc thái xanh khác nhau tăng dần về độ đậm: xanh màu “trong veo” của ao, xanh biếc của sóng, “xanh ngắt” của trời

Hòa với sắc xanh là “lá vàng”: Sắc thu nổi bật hòa hợp, nổi bật với màu xanh của đất trời tạo vật càng làm tăng thêm sự hài hòa thanh dịu.

=> Nét đặc sắc rất riêng của mùa thu làng quê được gợi lên từ những hình ảnh bình dị, đó chính là “cái hồn dân dã”, “đọc lên, như thấy trước mắt làng cảnh ao chuôm nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, trong tiết thu; rất là đất nước mình, có thật, rất sống, chứ không theo ước lệ như ở văn chương sách vở” (Xuân Diệu).

* Luận điểm 3: Bức tranh mùa thu được khắc họa đẹp nhưng tĩnh lặng và đượm buồn

– Không gian của bức tranh thu được mở rộng cả về chiều cao và chiều sâu nhưng tĩnh vắng:

+ Hình ảnh làng quê được gợi lên với “ngõ trúc quanh co” : hình ảnh quen thuộc

+ Khách vắng teo: Gieo vần “eo” gợi sự thanh vắng, yên ả, tĩnh lặng, làng quê ngõ xóm không có hoạt động nào của con người.

+ Chuyển động nhưng là chuyển động rất khẽ: sóng “hơi gợn tí”, mây “lơ lửng”, lá “khẽ đưa” -> không đủ sức tạo nên âm thanh.

– Toàn bài thơ mang vẻ tĩnh lặng đến câu cuối mới xuất hiện tiếng động:

+ Tiếng cá “đớp động dưới chân bèo” → sự chăm chú quan sát của nhà thơ trong không gian yên tĩnh của mùa thu, nghệ thuật “lấy động tả tĩnh”

=> Tiếng động rất khẽ, rất nhẹ trong không gian rộng lớn càng làm tăng vẻ tĩnh vắng, “cái tĩnh tạo nên từ một cái động rất nhỏ”.

=> Không gian của mùa thu làng cảnh Việt Nam được mở rộng lên cao rồi lại hướng trực tiếp vào chiều sâu, không gian tĩnh lặng và thanh vắng.

* Đánh giá đặc sắc nghệ thuật miêu tả

– Bút pháp chấm phá lấy động tả tĩnh tài tình

– Ngôn ngữ giản dị, tinh tế, giàu sức gợi hình biểu cảm

– Cách sử dụng tử vận “eo” thần tình

– Sử dụng hình ảnh ước lệ tượng trưng

– Khai thác tối đa vỏ ngữ âm của ngôn ngữ

3. Kết bài

– Khái quát lại vẻ đẹp bức tranh mùa thu trong bài thơ.

– Nêu cảm nhận của em về cảnh thiên nhiên ấy.

3. Cảm nhận về bức tranh mùa thu trong Thu điếu – mẫu 1

Mùa thu là một trong những đề tài lớn của thơ ca nhân loại. Nói tới đề tài này trong thơ ca Việt Nam chúng ta có thể kể tới rất nhiều tác giả với những sáng tác xếp vào hàng kiệt tác, trong số đó có Nguyễn Khuyến với chùm ba bài thơ thu. Mỗi bài trong chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến là một bức tranh thu đặc sắc, và Câu cá mùa thu được đánh giá là “điển hình cho thơ ca mùa thu của làng cảnh Việt Nam” (Xuân Diệu).

Cảnh thu trong bài được đón nhận từ nhiều góc độ khác nhau: từ gần đến xa, từ thấp lên cao, từ hẹp đến rộng… Dưới nhiều góc độ như vậy, cảnh sắc mùa thu được mở ra nhiều hướng thật sinh động và gợi cảm. Từ ao thu đến trời thu rồi đến đường thôn xóm… tất cả đều toát lên cái hồn thu, cảnh thu xiết bao thân thuộc của làng quê đồng bằng Bắc Bộ. Cái hồn ấy được gợi lên từ những khung cảnh, những cảnh vật hết sức thanh sơ: ao nhỏ trong veo, thuyền câu bé tí, sóng biếc gợn, lá vàng khẽ đưa, tảng mây lơ lửng, ngõ trúc quanh co… sắc xanh của trời hòa lẫn cùng sắc xanh của nước tạo nên một không gian xanh trong, dịu nhẹ, một chút sắc vàng của lá rụng trên cái nền xanh ấy khiến cảnh thu, hồn thu càng thêm phần sống động. Những đường nét, màu sắc… gợi lên trong tưởng tượng của người đọc khung cảnh của một buổi sớm thu yên bình trên một làng quê miền Bắc với bầu trời thu cao rộng, khoáng đạt, những ao chuôm trong vắt phản chiếu màu trời, màu lá, thôn xóm với những con đường nhỏ quanh co hun hút xanh màu tre trúc, gió thu dịu mát khẽ làm xao động mặt nước, thỉnh thoảng một vài chiếc lá rụng cắt ngang không gian… Trong bức tranh thu này mọi cảnh vật hiện ra đều rất đỗi bình dị, dân dã. Khung cảnh ấy vẫn thường hiển hiện vào mỗi độ thu về trên những làng quê và đi vào tâm thức của bao người, nhưng lần đầu tiên được Nguyễn Khuyến vẽ ra với nguyên cái thần thái tự nhiên của nó và khiến ta không khỏi ngỡ ngàng xúc động. Đó là một mùa thu trong trẻo, thuần khiết, mát lành đã bao lần đến trên quê hương của mỗi chúng ta.

Cảnh trong Câu cá mùa thu là cảnh đẹp nhưng cũng tĩnh lặng và đượm buồn. Một không gian vắng người, vắng tiếng: Ngõ trúc quanh co khách vắng teo. Sự vận động cũng có nhưng chỉ là những vận động rất nhẹ, rất khẽ: sóng hơi gợn, lá khẽ đưa, mây lơ lửng… âm thanh tiếng cá đớp mồi thì mơ hồ. Những vận động này không làm cho không khí của bức tranh thu trở nên sôi động mà chỉ càng làm tăng thêm sự tĩnh lặng của nó. Mọi cảnh, mọi vật trong bức tranh thu này đều gợi cái tĩnh lặng và đượm buồn. Cái lạnh lẽo, trong veo của nước, cái biếc của sóng, cái xanh ngắt của trời… những trạng thái, màu sắc đó cho thấy một sự tĩnh lặng đang bao trùm từ bầu trời cho đến mặt đất. Mọi cái dường như không chuyển động, dường như rơi vào trạng thái im vắng đến tuyệt đối. Cả con người ở đây cũng vậy. Người ngồi câu trong trạng thái tựa gối ôm cần, không câu được cá nhưng dường như vẫn không hề sốt ruột, cái tĩnh lặng không chỉ toát lên ở vẻ bề ngoài mà là ở chiều sâu của tâm tư – một tâm tư dường như cũng tĩnh lặng tuyệt đối. Con người và cảnh vật một cách tự nhiên đã hòa nhịp cùng nhau tạo nên linh hồn cho bức tranh thu. Cái tĩnh, cái buồn rõ ràng là trạng thái của cảnh vật ở đây tuy nhiên, đó không phải là cái tĩnh của sự chết lặng, thiếu vắng sức sống, cũng không phải là cái buồn của sự bi lụy, chán chường. Gắn với cái buồn, cái tĩnh này vẫn là sự trong sáng, thơ mộng và sức sống muôn đời bất diệt của thiên nhiên xứ sở.

Phải gắn bó tha thiết với quê hương, phải có một tâm hồn nhạy cảm đến độ nào thì Nguyễn Khuyến mới có thể tái hiện một cách tài tình tất cả vẻ đẹp xiết bao bình dị mà nên thơ của mùa thu làng quê Bắc Bộ vào trong những vần thơ tự nhiên, giản dị đến thế. Thơ thu Việt Nam giàu có, đặc sắc hơn bởi những vần thơ như thế của Nguyễn Khuyến.

Cảm nhận về bức tranh mùa thu trong Thu điếu

4. Cảm nhận về bức tranh mùa thu trong Thu điếu – mẫu 2

Cảnh vật thiên nhiên và cảnh sắc tiết trời là nguồn cảm hứng vô tận cho các nhà thi sĩ, đặc biệt là các mùa của một năm, mùa thu là một trong những mùa nằm trong rất nhiều đề tài lớn của thi ca nhân loại nói chung và thơ ca Việt Nam nói riêng. Trong số các tác giả kiệt xuất với những bài thơ về mùa thu thì tác giả Nguyễn Khuyến ôm trọn cho mình chùm ba bài thơ thu, “Câu cá mùa thu” là một trong ba bài thơ thu và được coi là điển hình cho thơ ca về mùa thu ở Việt Nam.

Cảnh thu trong bài thơ là cảnh đẹp được cảm nhận từ nhiều góc nhìn khác nhau: từ gần đến xa, từ thấp lên cao, từ hẹp đến rộng và nhiều hướng khác nữa, điều này đã góp phần làm cho cảnh đẹp của mùa thu được mở rộng hơn và sinh động, gần gũi hơn. Tất cả mọi cảnh vật cũng được nhuốm màu thu, từ ao thu đến bầu trời thu rồi đường thôn ngõ xóm đều mang hồn thu, cảnh thu đã bao trùm lên khắp ngôi làng ở vùng quê đồng bằng Bắc Bộ. Hồn thu được gợi lên từ những hình ảnh hết sức đơn sơ, bình dị và thân thuộc, là ao nhỏ nước trong veo với sóng biếc gợn, là thuyền câu bé tí, lá vàng khẽ đung đưa, rồi là những đám mây lơ lửng, ngõ trúc quanh co,… tất cả hòa hợp với nhau tạo nên một cảnh thu thật sống động và chân thực.

Bên cạnh việc góp mặt trong khung cảnh mùa thu, những đường nét và màu sắc còn có tác dụng gợi lên trong trí tưởng tượng của người đọc về hình ảnh một buổi sớm mùa thu rất đỗi yên bình, khung cảnh mùa thu của vùng đồng bằng Bắc Bộ hiện lên với bầu trời trong xanh cao rộng, những ao chuôm trong vắt phản chiếu bầu trời và màu lá, thôn xóm hun hút và quanh co bên những rặng tre, khóm trúc. Tác giả Nguyễn Khuyến đã vẽ ra bức tranh ấy với thần thái tự nhiên khiến cho chúng ta là người cảm nhận bức tranh ấy không khỏi ngỡ ngàng và xúc động, cảm giác như chính mình được đắm chìm trong khoảnh khắc mát lành của mùa thu ấy trên quê hương của chúng ta.

Trong bài thơ, điểm nhấn mạnh đó chính là bức tranh mùa thu, đây là một bức tranh vừa mang vẻ đẹp thiên nhiên lại vừa mang sự tĩnh lặng và nhuốm buồn. Đó là một không gian vắng người lặng tiếng “Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”, mọi sự vật hiện tượng dường như vận động một cách nhẹ nhàng và khẽ nhất có thể: sóng khẽ gợn, lá khẽ đưa, mây lơ lửng, cá đớp mơ hồ,… Tuy đó là sự miêu tả một cách chân thật nhất những âm thanh, tiếng động của cảnh vật mùa thu nhưng nó không mang lại sự sôi động cho bức tranh mùa thu mà ngược lại, chính những vận động và âm thanh ấy lại càng làm tăng thêm sự tĩnh mịch của nó.

Sự tĩnh lặng này còn chứa chất nỗi buồn, và có thể thấy chính cái lạnh lẽo và trong veo của làn nước ao thu, chính màu xanh ngắt của bầu trời thu kia đã mang sự tĩnh lặng bao trùm từ bầu trời xuống đến mặt đất. Không chỉ có cảnh vật, chính con người trong bức tranh thu ấy cũng rơi vào trạng thái im ắng đến lạ thường. Người câu cá trong tư thế tựa gối ôm cần, chẳng câu được cá nhưng vẫn ung dung không hề sốt ruột hay nóng vội, và có thể thấy sự tĩnh lặng ấy đã thấm vào chiều sâu của tâm tư. Sự hòa quyện của cảnh vật và con người đã tạo nên hồn thu trong bức tranh ấy, cái tĩnh lặng và buồn ấy không phải là sự chết lặng và buồn chán mà là sự tĩnh lặng tinh khiết, tâm tư thơ mộng đắm chìm trong sức sống của vẻ đẹp thiên nhiên.

Qua bài thơ này, chúng ta có thể nhận định rằng tác giả Nguyễn Khuyến chắc hẳn phải mang trong mình tình yêu quê hương, sự gắn bó tha thiết và một tâm hồn rất nhạy cảm mới có thể tái hiện một cách hoàn hảo vẻ đẹp vốn rất bình dị và đơn sơ của mùa thu làng quê đồng bằng Bắc Bộ. Những lời thơ giản dị, tự nhiên mà gần gũi, đi sâu vào trong lòng người đọc, cũng chính nhờ những vần thơ ấy mà những bài thơ thu của Việt Nam trở nên giàu có và đặc sắc hơn.

5. Cảm nhận về bức tranh thu trong Câu cá mùa thu

Trời vào thu với màu sắc thê lương ảm đạm, với gió heo may se sắt lạnh lùng và những chiếc lá vàng nhẹ rơi bỏ lại thân cây trơ trọi, não nề. Mùa thu có lẽ làm cho người ta bâng khuâng hoài cảm nhiều nhất và là nguồn cảm hứng bất tận cho người nghệ sĩ. Quay ngược bánh xe lịch sử ta sẽ bắt gặp những mùa thu tuyệt vời ngập tràn trong những trang thơ của bao thế hệ. Nhắc đến mùa thu không thế không nhắc đến “Câu cá mùa thu” của Nguyễn Khuyến – một bức tranh mùa thu mà Xuân Diệu đã từng nhận xét: “Là điển hình hơn cả cho mùa thu của làng cảnh Việt Nam”.

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí

Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo

Tựa gối buông cần lâu chẳng được

Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

Tiếp xúc với bài thơ điều đầu tiên cho ta ấn tượng là mật độ xuất hiện vần “eo” trong bài thơ. Chúng ta hãy đếm xem: có tất cả bảy tiếng sử dụng vần “eo”. Nếu để ý khảo sát trong tiếng Việt thì ta sẽ phát hiện ra một điều thú vị là vần “eo” trong ngôn ngữ của ta thường làm cho không gian, sự vật bị dồn nén, co lại, kết tinh lại trong cái khuôn khổ nhỏ nhất của nó. Trời thu đã mang sẵn cái khí lạnh trong nó lại càng lạnh thêm trong cái từ “lạnh lẽo” ấy. Nước hồ thu đã trong rồi nay lại càng trong thêm nữa bởi từ “trong veo”. Khoảng trống rộng lớn làm cho chiếc thuyền câu nhỏ bé lại càng nhỏ bé thêm khi nó được tác giả thấy rằng “bé tẻo teo”. Hình ảnh “Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo” làm chúng ta chợt nhớ đến hai câu thơ của Trần Đăng Khoa:

Ngoài thềm rơi chiếc lá đa

Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng.

Trở về câu thơ của Nguyễn Khuyến động từ “vèo” gợi cảm giác rơi nghiêng của lá. “Khẽ đưa vèo” câu thơ có cấu trúc động từ thật là lạ, làm cho ta thấy dường như tiếng rơi ấy nó không là hiện thực mà nó đang diễn ra trong tâm thức của nhà thơ. Chiếc lá ấy của nhà thơ làng Yên Đỗ và Trần Đăng Khoa như là ảo ảnh. Trong cái ảo ảnh đó, người đọc và cả tác giả dường như không kiểm soát kịp nó có thật hay không nữa. Bức tranh mùa thu đến đây khẽ lay động dưới nét phát họa của nhà thơ.

Qua hai câu đề của bài thơ bức tranh mùa thu không được đặt trong không gian rộng lớn như ở “Thu vịnh” mà nó bị giới hạn lại trong cái phạm vi nhỏ bé của “ao thu”. “Ao thu” hai tiếng ấy có vẻ gì đó là lạ, đặc thù. Hình ảnh “ao thu” như muốn chứng minh sự nhỏ bé khác thường của nó.

Toàn bộ khung ảnh được vẽ lên như một bức tranh tí hon có thể đặt trọn trong lòng bàn tay ta vậy. Nó có một cái gì đó ngồ ngộ, dễ thương và cuốn hút lạ thường. Nó thu tóm toàn bộ không gian, làng cảnh Việt Nam im lìm, vắng lặng nhưng lại ẩn chứa một sức sống mãnh liệt.

Đến đây không gian được mở rộng ra, nhà thơ đã di chuyển điểm nhìn từ khoảng gian nhỏ bé của “ao thu” hướng về không gian lớn của bầu trời. Ở đấy nhà thơ bắt gặp:

“Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt”

Cái động từ “lơ lửng” như gợi cho ta một cảm giác về một chuyển động mà ngỡ như là đứng yên. Những đám mây mùa thu như khẽ nhích từng tí một, bồng bềnh trong bầu trời thu xanh ngắt. Cái chuyển động của chiếc thuyền câu cũng vậy, nó như hơi khẽ lắc trong sóng nước mùa thu.

Trở lại câu thơ:

“Sóng biếc theo làn hơi gợn tí”

Ta thấy nó có một cái gì đó dễ gây ấn tượng. Chữ “làn” xuất hiện làm cho cảnh vật nó như mơ hồ, khó mà nắm bắt được. “Hơi gợn tí” nó gợi lên trước mắt chúng ta một hình dáng của sóng. Nó không ồn ào dữ dội như sóng biển mà có nó lăn tăn lan ra trên mặt hồ. Bức tranh mùa thu như trầm mình trong cái yên ả, tĩnh mịch ấy.

Có một câu châm ngôn cho rằng: không có một vẻ đẹp xuất sắc nào mà không mang đôi nét kì quặc. Cho nên câu thơ:

“Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”

Tuy gợi cho ta cảm giác rờn rợn da thịt nhưng bức tranh mùa thu ở đây vẫn có một nét đẹp rất nên thơ, bình yên và trong sáng. Con người nhà thơ ở đây có phần nào lộ diện hơn:

“Tựa gối buông cần lâu chẳng được

Cá đâu đớp động dưới chân bèo”

Thế câu “Tựa gối ôm cần” thật lạ. Nó như thú nhận rằng nhà thơ đang lo nghĩ về một việc gì đó rất dữ dội, nó như đang giằng xé lấy ông. Phải chăng đó chính là nỗi buồn thời cuộc, nỗi buồn mà đến cuối đời nhà thơ vẫn không nguôi ngoai được phần nào. Kết thúc bài thơ cảnh vật mùa thu im lìm như bị đánh thức dậy trước cái âm thanh bật hơi thật mạnh của cụm từ “đâu đớp động”. Tạo ra một nét đối nghịch trong bài thơ: Cảnh vật ở trên được miêu tả là một bức tranh tĩnh lặng đến hoang vắng thì đến cuối bài thơ nó như bắt đầu tiếp nhận được sức sống, bức tranh như sinh động hẳn lên. Nhưng nó lại cũng khiến cho bài thơ im ắng vô cùng. Ba tiếng “đâu đớp động” chõi lên một chút rồi lại đè xuống dưới sự áp chế mãnh liệt của vần “eo”. Cách sử dụng nghệ thuật, dùng cái động để diễn tả cái tĩnh làm cho cảnh vật trong bài thơ càng vắng lặng hơn, nỗi buồn như bao trùm cả một khung cảnh rộng lớn.

Bài thơ còn mang trong nó một sắc điệu xanh sắc xanh của mây trời, của lá cây, của nước mùa thu. Tất cả như hòa quyện vào nhau làm cho bài thơ tạo nên một bức tranh hài hòa cân đối, có một màu sắc rất riêng của Việt Nam. Một chiếc lá vàng đâm ngang tô thêm cho bức tranh mùa thu một vẻ đẹp mới lạ.

Đọc “Câu cá mùa thu” ta càng yêu thêm non sông xứ sở đất Việt này. Bức tranh mùa thu đậm chất vẻ đẹp thiên nhiên của Việt Nam trong bao biến động xô bồ của cuộc đời này. Có cần chăng nhiều lúc lòng chúng ta nên lắng lại để thưởng thức “Thu điếu” để thanh lọc lại hồn mình, để yêu quê hương đất nước, yêu tiếng Việt trong sáng và giàu đẹp này hơn nữa…

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Văn học – Tài liệu của Thiquocgia.vn.

Tham khảo thêm

0 ( 0 bình chọn )

Thi Quốc Gia Thi THPT Quốc Gia 2021 của nhà xuất bản Giáo Dục Việt nam

https://thiquocgia.vn
Tổng hợp tài liệu ôn thi THPT Quốc Gia 2020 - 2021, Thi tốt nghiệp, Tài liệu luyện thi

Bài viết liên quan

Bài viết mới

Xem thêm