Phổ biến Pháp luật

Ưu tiên đưa 14.000 công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước

Thông báo 219/TB-VPCP kết luận Thủ tướng về phòng, chống dịch COVID-19
81

Thông báo 219/TB-VPCP kết luận Thủ tướng về phòng, chống dịch COVID-19

Kết luận của Thủ tướng về phòng, chống Covid19

Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 219/TB-VPCP nêu kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó sẽ ưu tiên đưa 14.000 công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước.

Chiều ngày 24/6/2020, sau khi nghe báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng đã đồng ý ưu tiên đưa khoảng 14.000 công dân Việt Nam ở nước ngoài là các trường hợp đặc biệt về nước như đề xuất của Bộ Ngoại giao.

Những công dân này gồm các trường hợp là lao động hết hạn hợp đồng, hết hạn visa… Khi về nước, những người này được cách ly tập trung và cách ly bằng các hình thức phù hợp, linh hoạt với từng loại đối tượng.

Đồng thời, các Bộ cũng tạo điều kiện thuận lợi nhiều hơn về thủ tục, bảo đảm công khai, minh bạch về điều kiện được về nước, hồ sơ, thủ tục đăng ký về nước, các hình thức cách ly linh hoạt, an toàn khi nhập cảnh, đúng đối tượng.

Với các nhà ngoại giao, nhà đầu tư, doanh nhân, chuyên gia, lao động kỹ thuật cao… thì tiếp tục cho phép và tạo điệu kiện cho nhập cảnh Việt Nam, kể cả nhập cảnh trong thời gian ngắn dưới 14 ngày. Đặc biệt phải có biện pháp cách ly phù hợp, linh hoạt.

Song song với đó, Thủ tướng cũng chỉ đạo chưa mở cửa cho khách du lịch quốc tế nhập cảnh Việt Nam. Các doanh nghiệp du lịch, lữ hành cần có kế hoạch sẵn sàng đón du khách du lịch quốc tế trở lại khi có điều kiện cho phép…

Nội dung Thông báo 219 VPCP 2020

THÔNG BÁO

Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19

______________________

Chiều ngày 24 tháng 6 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19. Tham dự cuộc họp các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Nguyễn Đắc Vinh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trần Đơn, đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, đại diện lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

Sau khi nghe báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ý kiến của các Phó Thủ tướng và các đại biểu dự họp, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo như sau:

1. Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh, đánh giá cao các bộ, ngành, các lực lượng: Y tế, Quốc phòng, Công an, Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Giao thông vận tải, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lao động – Thương binh và Xã hội, Tài chính, Ngân hàng, nhiều địa phương đã có nhiều cố gắng, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-101. Đến nay, mục tiêu kép đã được thực hiện, ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh, hơn hai tháng qua không để xảy ra lây nhiễm trong cộng đồng; đồng thời nền kinh tế đã có bước phục hồi tốt, kể cả đối với những ngành bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề như du lịch, hàng không, nhất là phục hồi phát triển du lịch nội địa, đường bay nội địa…

Giao Bộ Y tế chủ trì tổng kết một bước công tác phòng, chống dịch COVID-19, có đánh giá toàn diện, kỹ lưỡng và đề xuất động viên, khen thưởng kịp thời các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích, đóng góp.

2. Trên thế giới, dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Việt Nam vẫn có nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh từ bên ngoài. Các cấp, các ngành, lực lượng chức năng tiếp tục thực hiện chiến lược phòng, chống dịch đã đề ra, giữ vững thành quả quan trọng về phòng, chống dịch đã đạt được trong thời gian qua; tiếp tục đề cao cảnh giác, không để phạm sai lầm, khuyết điểm, nhất là không thể vì nôn nóng phát triển kinh tế xã hội mà mở cửa ào ạt, lơ là công tác phòng, chống dịch, tuyệt đối không để xảy ra làn sóng thứ hai lây nhiễm dịch bệnh tại Việt Nam.

Các cơ quan truyền thông, thông tấn, báo chí tiếp tục việc thông tin, truyền thông về công tác phòng, chống dịch bệnh để người dân yên tâm; các địa phương tiếp tục duy trì các biện pháp hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, không để người dân chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Cần tiếp tục quan tâm hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch chủ động, trước hết là sẵn sàng truy vết, xét nghiệm nhanh, rửa tay, đeo khẩu trang ở những nơi đông người.

Giao Bộ Y tế tiếp tục theo dõi sát diễn biến dịch, kiên định 5 nguyên tắc: ngăn chặn – phát hiện – cách ly – khoanh vùng – dập dịch. Ngành y tế phải luôn trong tình trạng báo động để kịp thời xử lý các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra; đảm bảo việc duy trì năng lực và sự sẵn sàng đáp ứng của hệ thống y tế với các tình huống mới của dịch bệnh; hướng dẫn quy trình chuẩn và tổ chức tập huấn nâng cao năng lực để sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh xảy ra trong thời gian tiếp theo.

3. Tiếp tục tổ chức tốt và giám sát chặt chẽ, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trong việc đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước. Đồng ý ưu tiên đưa khoảng 14.000 công dân Việt Nam ở nước ngoài là các trường hợp đặc biệt về nước như đề xuất của Bộ Ngoại giao (bao gồm các trường hợp là lao động hết hạn hợp đồng, hết hạn visa…). Các Bộ lưu ý tạo thuận lợi nhiều hơn về thủ tục, bảo đảm công khai, minh bạch (về điều kiện được về nước, hồ sơ thủ tục đăng ký về nước, các hình thức cách ly linh hoạt, an toàn khi nhập cảnh), đúng đối tượng.

Công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước được cách ly tập trung và cách ly bằng các hình thức phù hợp, linh hoạt đối với từng loại đối tượng.

4. Tiếp tục cho phép và tạo điều kiện các nhà ngoại giao, nhà đầu tư, doanh nhân, chuyên gia, lao động kỹ thuật cao… nhập cảnh Việt Nam, kể cả nhập cảnh trong thời gian ngắn (dưới 14 ngày) và có biện pháp cách ly phù hợp, linh hoạt.

Giao Bộ Công an hướng dẫn các cơ quan, tổ chức làm thủ tục mời, đón, bảo lãnh, cung cấp hành trình dự kiến của các đối tượng nêu trên vào Việt Nam để được duyệt cấp thị thực, duyệt nhân sự đủ điều kiện nhập cảnh, bảo đảm nhanh chóng, thuận lợi, chặt chẽ, không vì lý do phòng, chống dịch mà gây khó khăn.

Giao Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có cửa khẩu hàng không quốc tế, cửa khẩu đường bộ, đường thủy quốc tế lựa chọn khu vực an toàn cho các thương nhân thực hiện việc trao đổi, ký kết, giao dịch thương mại, đầu tư… khi vào Việt Nam.

Giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Công Thương cùng các địa phương liên quan rà soát, xây dựng các hướng dẫn, quy định phục vụ các nhà ngoại giao, nhà đầu tư, doanh nhân nước ngoài vào làm việc, thực hiện nhiệm vụ tại các khu vực riêng biệt, đảm bảo công tác phòng, chống sự lây lan của dịch bệnh.

5. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao hướng dẫn cụ thể các hình thức cách ly phù hợp, linh hoạt đối với từng loại đối tượng công dân Việt Nam về nước và các trường hợp khác nhập cảnh Việt Nam.

6. Chưa mở cửa cho khách du lịch quốc tế nhập cảnh Việt Nam. Các doanh nghiệp du lịch, lữ hành cần có kế hoạch sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế trở lại khi điều kiện cho phép.

7. Giao Bộ Quốc phòng, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục chuẩn bị các cơ sở cách ly tập trung để cách ly công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước, kể cả việc bố trí các doanh trại, các trường thuộc quân đội, các khách sạn, cơ sở lưu trú và các cơ sở phù hợp khác làm nơi cách ly.

Bộ Quốc phòng tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát tại biên giới đường bộ, nhất là các đường mòn, lối mở; thực hiện chặt chẽ các biện pháp phòng dịch tại các cơ sở cách ly.

8. Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19 tiếp tục nghiên cứu, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh của các quốc gia trên thế giới, đề xuất các tiêu chí cụ thể trong việc lựa chọn các vùng, địa bàn an toàn, đề xuất cụ thể thời điểm và tần suất mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế.

9. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo tăng tần suất các chuyến bay (có thu phí) để đưa người Việt Nam ở nước ngoài về nước và các nhà đầu tư, doanh nhân, nhà ngoại giao, chuyên gia, công nhân lành nghề… nhập cảnh Việt Nam, đưa người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài; tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các chuyến bay đồng thời có biện pháp chặt chẽ, bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch.

10. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Bộ Y tế triển khai giám sát, xét nghiệm Covid 19 đối với thực phẩm nhập khẩu không rõ nguồn gốc xuất xứ.

11. Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành chủ động triển khai các giải pháp kết nối, thúc đẩy lưu thông hàng hóa với thị trường quốc tế. Trường hợp cần thiết phải cử các đoàn công tác đến các vùng, địa bàn cơ bản an toàn để thúc đẩy giao thương.

12. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì chỉ đạo việc đưa người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài, trước hết là đến các nước đang có nhu cầu và đã cơ bản an toàn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…

13. Các Bộ: Tài chính, Lao động – Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước theo chức năng chủ trì, phối hợp các Bộ, cơ quan liên quan đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, kiến nghị giải pháp và Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp, báo cáo Chính phủ tại Phiên họp thường kỳ tháng 6 năm 2020.

14. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ việc thu phí cách ly, chính sách hỗ trợ một số lực lượng tham gia phòng, chống dịch.

15. Yêu cầu Bộ Y tế chuẩn bị Lễ tuyên truyền về y tế Việt Nam.

16. Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục đẩy mạnh thông tin, truyền thông về thành công của Việt Nam trong phòng, chống dịch COVID-19, phê phán các thông tin xấu, độc; lưu ý tăng cường thông tin, tuyên truyền về các thành quả khoa học công nghệ trong phòng, chống dịch, kinh tế số, đặc biệt là ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động kinh tế – xã hội và trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, quản lý của nhà nước.

17. Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2020 ở mức 4-5%. Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh đôn đốc, đẩy mạnh tiến độ, tháo gỡ khó khăn cho từng dự án cụ thể; đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa, du lịch nội địa.

18. Văn phòng Chính phủ chủ trì, nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban chỉ đạo quốc gia phát triển kinh tế xã hội và phòng, chống dịch COVID-19; hiện nay, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, cần tiếp tục duy trì Ban chỉ đạo hiện nay, cần thiết bổ sung lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào Ban chỉ đạo.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, thực hiện./.

Nơi nhận:

– Ban Bí thư Trung ương Đảng;

– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;

– Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Quốc hội;

– Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc CP;

– Ban Tuyên giáo Trung ương;

– Văn phòng Tổng Bí thư;

– Văn phòng Trung ương Đảng;

– Văn phòng Chủ tịch nước;

– Văn phòng Quốc hội;

– Ủy ban Văn hóa, GDTNTNNĐ của QH;

– Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH;

– Các Thành viên BCĐ quốc gia phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp;

– UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;

– Tòa án nhân dân tối cao;

– Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

– Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN;

– Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;

– VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ cổng TTĐT, các Vụ, Cục: TH, KTTH, QHQT, NC, QHĐP, TKBT, NN, CN, PL, KSTT;

– Lưu: VT, KGVX (3).

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM

Mai Tiến Dũng

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Phổ biến pháp luật của Thiquocgia.vn.

0 ( 0 bình chọn )

Thi Quốc Gia Thi THPT Quốc Gia 2021 của nhà xuất bản Giáo Dục Việt nam

https://thiquocgia.vn
Tổng hợp tài liệu ôn thi THPT Quốc Gia 2020 - 2021, Thi tốt nghiệp, Tài liệu luyện thi

Bài viết liên quan

Bài viết mới

Xem thêm