Mùa thi đang đến rất gần với nhiều cam go, thử thách. Đây cũng là lúc các sĩ tử cần đảm bảo sức khỏe, luôn duy trì sự tỉnh táo, trí nhớ tốt nhất để ôn tập, thu nhận kiến thức nhằm “vượt vũ môn” thành công.
Lo “sốt vó” khi mùa thi cận kề
Cứ mỗi đợt mùa thi cận kề là những áp lực lại đè nặng thêm trên vai các sĩ tử đang chuẩn bị “vượt ải” vào ngưỡng cửa đại học và hàng triệu sinh viên các trường cao đẳng, đại học đang chuẩn bị cho kỳ thi học kỳ, thi hết năm.
Năm nay là năm đầu tiên các thí sinh lớp 12 phải thi “kỳ thi 2 trong 1”, vừa xét tốt nghiệp Trung học phổ thông vừa xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Điểm mới này gây nhiều thắc mắc, lo lắng cho các thí sinh về việc ôn thi, thể lệ thi và cấu trúc đề thi.
Càng cận kề ngày thi, nhiều sĩ tử, sinh viên bù đầu với lịch học kín mít ở trường, học thêm, học ở nhà với số lượng bài kiểm tra, thi thử dồn dập. Áp lực về khối lượng bài vở đòi hỏi phải tiếp thu càng nhân lên. Học ngày không đủ, nhiều thí sinh tranh thủ học đêm, gắng nhồi nhét kiến thức đến mức quá tải.
Không chỉ học sinh áp lực, nhiều cha mẹ cũng lo lắng không kém. Chưa kể nhiều gia đình thúc ép, đặt kỳ vọng về kết quả thi đối với con. Mọi sinh hoạt trong gia đình đều hướng về thí sinh, nhiều gia đình gắng đốc thúc con cái học nhiều hơn. Điều này vô tình gây thêm áp lực cho sĩ tử.
Theo một nghiên cứu mới đây của nhóm sinh viên ĐH Giáo dục – ĐH Quốc gia Hà Nội tiến hành trên các học sinh lớp 12 trên địa bàn Hà Nội, có đến 85% số học sinh luôn căng thẳng tinh thần do áp lực của việc học tập, các kỳ thi, kiểm tra. Và có hơn 36% học sinh được hỏi cho biết lo lắng nhất của họ chính là việc phải thi đỗ đại học.
Càng “nhồi nhét” càng mất tập trung
Áp lực thi cử khiến nhiều học sinh học dồn ép, nhồi nhét kiến thức nhưng càng học càng… quên, càng nhồi nhét càng mất tập trung. Nguyên nhân xuất phát từ khả năng ghi nhớ, tư duy của bộ não. Kiến thức đi vào não cần được tiếp nhận, phân loại và xử lý một cách có hệ thống. Một lượng thông tin ào ạt, tới tấp sẽ khiến bộ não bị quá tải và kém sáng suốt.
Việc não và các cơ quan trong cơ thể phải “lao động” hết công suất và những căng thẳng, lo âu kéo dài của sĩ tử làm sản sinh vô số gốc tự do (Free Radical). Chúng tấn công vào tế bào thần kinh làm tổn thương cấu trúc vốn rất chặt chẽ của mạng lưới tế bào thần kinh. Từ đó, các tế bào thần kinh dần thoái hóa khiến chức năng của não bộ suy giảm nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến vùng ghi nhớ, khiến khả năng học tập, tư duy trì trệ.
Bên cạnh đó, tình trạng bồi bổ phản khoa học của các gia đình: ăn quá nhiều thịt, cá, trứng sữa hay các thức ăn giàu năng lượng; uống nhiều cà phê, nước tăng lực “bắt ép” cơ thể thức trắng đêm “chiến đấu” với bài học… gây ra tình trạng mệt mỏi khi cơ thể cần tiêu hóa khối lượng lớn thức ăn… Đồng thời, tình trạng mất ngủ do thời gian học kéo dài, do căng thẳng thần kinh không ngủ được khiến co thể mệt mỏi, gốc tự do càng sản sinh nhiều… vừa khiến bộ não mệt mỏi vừa khiến việc học tập không hiệu quả.