Phổ biến Pháp luật

Chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng 8/2021

88

Các chính sách giáo dục mới sắp có hiệu lực

Trong tháng 8 tới đây nhiều văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục sẽ chính thức có hiệu lực thi hành như: Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT, Thông tư 05 2021 BLĐTBXH, Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT… Sau đây là tổng hợp các chính sách giáo dục mới sắp có hiệu lực, mời các bạn cùng tham khảo.

Mới đây Bộ giáo dục đã ban hành 2 Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT và Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT về chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo trình độ giáo dục đại học và Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ. Để nắm được các quy định mới về giáo dục khi các Thông tư này có hiệu lực, mời các bạn tham khảo thông tin sau đây.

1. Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo trình độ giáo dục đại học

Đây là nội dung tại Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.

Cụ thể, chuẩn đầu ra là yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của người học sau khi hoàn thành một chương trình đào tạo, gồm cả yêu cầu tối thiểu về kiến thức, kỹ năng, mức độ tự chủ và trách nhiệm của người học khi tốt nghiệp.

Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo trình độ giáo dục đại học được quy định như sau:

– Phải rõ ràng và thiết thực, thể hiện kết quả học tập mà người tốt nghiệp cần đạt được về hiểu biết chung và năng lực cốt lõi ở trình độ đào tạo, những yêu cầu riêng của lĩnh vực, ngành đào tạo.

– Phải đo lường, đánh giá được theo các cấp độ tư duy làm căn cứ thiết kế, thực hiện và cải tiến nội dung và phương pháp giảng dạy; kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và cấp văn bằng cho người học.

– Phải nhất quán với mục tiêu của chương trình đào tạo, thể hiện được sự đóng góp rõ nét đồng thời phản ánh được những yêu cầu mang tính đại diện cao của giới tuyển dụng và các bên liên quan khác.

– Phải chỉ rõ bậc trình độ cụ thể và đáp ứng chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng, mức độ tự chủ và trách nhiệm, năng lực cần thiết theo quy định cho bậc trình độ tương ứng theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

– Phải bảo đảm tính liên thông với chuẩn đầu vào của trình độ đào tạo cao hơn (nếu có), đồng thời tạo cơ hội liên thông ngang giữa các chương trình cùng trình độ đào tạo, nhất là giữa các chương trình thuộc cùng nhóm ngành hoặc cùng lĩnh vực.

– Phải được cụ thể hóa một cách đầy đủ và rõ nét trong chuẩn đầu ra của các học phần và thành phần trong chương trình đào tạo, đồng thời được thực hiện một cách có hệ thống qua liên kết giữa các học phần và các thành phần.

– Phải đảm bảo tính khả thi, phù hợp với khối lượng chương trình để phần lớn người học đã đáp ứng chuẩn đầu vào có khả năng hoàn thành của chương trình đào tạo trong thời gian tiêu chuẩn.

(Hiện hành, chia thành 03 tiêu chí (Kiến thức; Kỹ năng; Năng lực tự chủ và trách nhiệm) để đánh giá chuẩn đầu ra).

Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 07/8/2021 và thay thế Thông tư 07/2015/TT-BGDĐT.

2. Đối tượng tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp

Thông tư 05/2021/TT-BLĐTBXH quy định về đối tượng tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp như sau:

(1) Đối với trình độ trung cấp:

Học sinh đã tốt nghiệp trung học cơ sở và tương đương trở lên.

(2) Đối với trình độ cao đẳng:

– Người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông;

(Hiện hành, có quy định trường hợp “tương đương”).

– Người có bằng tốt nghiệp trung cấp và có giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông hoặc giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông hoặc đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định.

Trường hợp người học dự tuyển vào các nghề đào tạo thuộc lĩnh vực sức khỏe; nghệ thuật và an ninh, quốc phòng ngoài các quy định trên còn phải thực hiện theo các quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan và hướng dẫn của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực.

(3) Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội; quân nhân, công an nhân dân tại ngũ; người nước ngoài, nếu có đủ điều kiện sau đây được đăng ký dự tuyển học trình độ trung cấp, cao đẳng:

– Bảo đảm các điều kiện được quy định tại điểm (1) và (2);

– Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (nếu dùng ngân sách nhà nước đi học) đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội được dự tuyển khi đã được thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đồng ý;

– Quân nhân và công an nhân dân tại ngũ được dự tuyển vào những trường do Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an quy định sau khi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đồng ý; quân nhân tại ngũ sắp hết hạn nghĩa vụ quân sự theo quy định, nếu được thủ trưởng từ cấp trung đoàn trở lên cho phép, thì được dự tuyển theo nguyện vọng cá nhân, nếu trúng tuyển phải nhập học ngay năm đó, không được bảo lưu sang năm học sau;

– Đối với thí sinh là người nước ngoài, có nguyện vọng học trung cấp, cao đẳng tại Việt Nam: Hiệu trưởng trường căn cứ kết quả học tập ở trung học cơ sở, trung học phổ thông hoặc tương đương trở lên của thí sinh (bảng điểm, văn bằng, chứng chỉ minh chứng) và kết quả kiểm tra kiến thức, tiếng Việt (nếu cần) theo quy định của trường để xem xét, quyết định tuyển thí sinh vào học.

Thông tư 05/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 22/8/2021 và thay thế Thông tư 05/2017/TT-BLĐTBXH, Thông tư 07/2019/TT-BLĐTBXH.

3. Thời gian và hình thức đào tạo trình độ tiến sỹ

Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ, quy định về thời gian và hình thức đào tạo như sau:

– Thời gian đào tạo tiêu chuẩn của trình độ tiến sĩ từ 03 năm (36 tháng) đến 04 năm (48 tháng) do cơ sở đào tạo quyết định, bảo đảm phần lớn nghiên cứu sinh hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian này;

Mỗi nghiên cứu sinh có một kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa nằm trong khung thời gian đào tạo tiêu chuẩn phê duyệt kèm theo quyết định công nhận nghiên cứu sinh (theo mẫu tại Phụ lục I).

– Nghiên cứu sinh được phép hoàn thành chương trình đào tạo sớm hơn so với kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa không quá 01 năm (12 tháng), hoặc chậm hơn so với kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa nhưng tổng thời gian đào tạo không vượt quá 06 năm (72 tháng) tính từ ngày quyết định công nhận nghiên cứu sinh có hiệu lực đến thời điểm hoàn thành các thủ tục trình luận án cho cơ sở đào tạo, trước khi thực hiện quy trình phản biện độc lập và thành lập Hội đồng đánh giá luận án của cơ sở đào tạo.

(Hiện hành, quy định thời gian gia hạn tối đa là 24 tháng)

– Đào tạo trình độ tiến sĩ được thực hiện theo hình thức chính quy; nghiên cứu sinh phải dành đủ thời học tập, nghiên cứu tại cơ sở đào tạo theo kế hoạch đã được phê duyệt; trong đó khi đăng ký đủ 30 tín chỉ trong một năm học được xác định là tập trung toàn thời gian.

(Hiện hành, nghiên cứu sinh phải dành ít nhất 12 tháng theo học tập trung liên tục tại cơ sở đào tạo trong giai đoạn 24 tháng đầu).

Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 15/8/2021 và thay thế Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Phổ biến pháp luật của Thiquocgia.vn.

0 ( 0 bình chọn )

Thi Quốc Gia Thi THPT Quốc Gia 2021 của nhà xuất bản Giáo Dục Việt nam

https://thiquocgia.vn
Tổng hợp tài liệu ôn thi THPT Quốc Gia 2020 - 2021, Thi tốt nghiệp, Tài liệu luyện thi

Bài viết liên quan

Bài viết mới

Xem thêm