Dành cho giáo viênTài liệu

Hỏi đáp về sách Giáo dục thể chất lớp 2 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống

Những câu hỏi thường gặp về sách GDTC lớp 2 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống
75

Những câu hỏi thường gặp về sách GDTC lớp 2 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống

Sách giáo khoa Giáo dục thể chấp lớp 2 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống được biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Cùng tìm hiểu về sách qua bài Hỏi đáp về sách GDTC lớp 2 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống sau đây nhé.

Tìm hiểu sách Giáo dục thể chất lớp 2 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống

HỎI – ĐÁP VỀ DẠY HỌC GDTC 2

KẾT NỐI TRI THỨC VỚI CUỘC SỐNG

Câu 1: SGK Giáo dục thể chất 2 – Kết nối tri thức với cuộc sống có những điểm gì mới?

Trả lời:

Một số điểm mới của SGK Giáo dục thể chất 2 – Kết nối tri thức với cuộc sống:

– Bám sát vào Chương trình giáo dục phổ thông môn Giáo dục thể chất theo mô hình phát triển phẩm chất và năng lực người học; theo định hướng kết nối tri thức với cuộc sống và mục tiêu của phong trào thể thao Olympic là “nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn”. Thông qua môn học, bước đầu hình thành ở học sinh khát khao có một cơ thể khoẻ mạnh, cường tráng, giống như các anh chị vận động viên thể thao; giúp các em biết cách chăm sóc sức khoẻ, có kĩ năng vận động đúng đắn, hướng tới một môn thể thao ưa thích, tạo hứng khởi để học tập các môn và vui chơi trong suốt cả năm học.

– Nội dung của sách được thiết kế theo phần, chủ đề, mỗi chủ đề được biên soạn theo từng bài, mỗi bài dạy trong một số tiết (thay vì 1 tiết như trước đây). Mỗi nội dung, hệ thống các bài tập thực hành, trò chơi được thiết kế theo định hướng phát triển năng lực, mang tính trực quan, gắn với thực tiễn, đảm bảo phục vụ cho tất cả các đối tượng học sinh sử dụng.

– Cấu trúc mỗi bài gồm 4 hoạt động: Mở đầu (khởi động và chơi các trò chơi bổ trợ khởi động); Kiến thức mới (nội dung bài học); Luyện tập (tập luyện, chơi trò chơi vận động để củng cố nội dung bài học và phát triển thể lực); Vận dụng (củng cố và khắc sâu kiến thức đã học qua các bài tập, tình huống thực tế). Cách tiếp cận này sẽ giúp giáo viên linh hoạt hơn trong giảng dạy tuỳ theo thực tế của lớp học.

– Các nội dung của cuốn sách được lồng ghép rất nhiều hoạt động, trò chơi giúp học sinh cùng giáo viên có thể trải nghiệm và tổ chức lớp học một cách đa dạng.

Nhiều nội dung văn học, âm nhạc, tự nhiên – xã hội, bảo vệ môi trường được lồng ghép không chỉ giúp học sinh cảm thấy sự gần gũi của các hoạt động thể dục thể thao quanh ta mà còn tăng thêm hiểu biết, vốn sống cho các em.

Nội dung Kiến thức chung về Giáo dục thể chất gồm Vệ sinh cá nhân và Đảm bảo an toàn trong tập luyện, được thiết kế để dạy lồng ghép trong mỗi buổi tập (Phần mở đầu hoặc Phần kết thúc) với những câu hỏi, hình vẽ gợi mở, gắn với cuộc sống.

– Do đặc thù của sách tiểu học, công tác minh hoạ đặc biệt được chú trọng đảm bảo tính xuyên suốt, tính lôgic và thẩm mĩ cao trong toàn bộ cuốn sách. Từng chi tiết nhỏ như kĩ thuật động tác, tư thế thân người, góc nhìn, phù hợp lứa tuổi, bối cảnh gần gũi với thực tế,… đều được cân nhắc rất kĩ lưỡng.

Câu 2: Lần đầu tiên có SGK cho môn học này, vậy SGK Giáo dục thể chất 2 giúp gì cho GV, HS và phụ huynh HS?

Trả lời:

– Mục tiêu của bài học GDTC là HS phải quan sát được tranh hoặc làm mẫu để tự tìm hiểu kĩ thuật cơ bản của động tác,…, vì thế SGK GDTC 2 là tài liệu trợ giảng đắc lực cho GV khi giảng dạy, là người thầy thứ hai của HS.

– Là phương tiện hỗ trợ đắc lực cho phụ huynh HS, tăng cường tương tác giữa phụ huynh và HS, biết được GV dạy những gì và con cần phải tập được gì.

– Giúp cho HS nắm bắt được động tác sắp học và nắm chắc động tác đã học.

– Nếu HS quên động tác, chưa nắm bắt được thì thông qua SGK, HS có thể xem lại được động tác.

Câu 3: Tiết học GDTC thường diễn ra ở sân tập, vậy SGK Giáo dục thể chất 2 – Kết nối tri thức với cuộc sống được sử dụng vào khi nào?

Trả lời:

Hãy coi SGK GDTC giống như trang thiết bị học tập khác của môn học. Trước khi vào tiết học, GV thường cùng HS chuẩn bị các dụng cụ phù hợp với nội dung của bài học và để vào nơi quy định. Học đến nội dung nào thì HS tự lấy dụng cụ hoặc hoặc nhóm trưởng phát dụng cụ cho các bạn. Với SGK GDTC cũng vậy, có nơi để quy định theo từng tổ.

Mặt khác, sau khi học ở trên lớp, HS về nhà có thể xem SGK để có thể nắm chắc động tác đã học, hoặc xem trước động tác sẽ học, hoặc tham khảo trò chơi để chơi.

Chẳng hạn: Khi tập động tác khó, GV cho cán sự và các nhóm trưởng lấy SGK phát cho các bạn trong nhóm để quan sát tranh trong sách. GV hướng dẫn HS quan sát và thảo luận về động tác, cách tập. Sau đó, HS cất sách vào đúng nơi quy định.

Câu 4: Trong Chương trình và SGK Giáo dục thể chất 2 – Kết nối tri thức với cuộc sống đã phân chia thời lượng của từng nội dung. Vậy các trường có được phép điều chỉnh thời lượng đó không?

Trả lời:

Thời lượng của từng chủ đề / phần thì không được phép điều chỉnh, nhưng thời lượng của từng bài / nội dung trong chủ đề đó thì được phép điều chỉnh.

Ví dụ: Chủ đề Đội hình đội ngũ quy định thời lượng bằng 20% thì phải dạy trong 14 tiết, SGK Giáo dục thể chất 2 – Kết nối tri thức với cuộc sống chia thành 4 bài với thời lượng của các bài là khác nhau. GV có thể thay đổi thời lượng của 4 bài đó nếu thấy phù hợp.

Câu 5: Phương pháp dạy học Giáo dục thể chất 2 – Kết nối tri thức với cuộc sống có thay đổi gì so với phương pháp dạy học của chương trình cũ?

Trả lời:

Phương pháp dạy học có một vài thay đổi. SGK GDTC 2 đòi hỏi đối với GV cần tích hợp, sử dụng kiến thức một số môn học khác, sáng tạo và linh hoạt khi xây dựng và thực hiện kế hoạch dạy học; GV phải là người thiết kế, tổ chức, cố vấn, trọng tài, hướng dẫn, tạo môi trường học tập thân thiện và những tình huống có vấn đề để HS tích cực tham gia, tự mình trải nghiệm, phát hiện bản thân và phát triển.

Ở đây các phương pháp như: dạy học nêu vấn đề (trong phần mở đầu), tập luyện theo nhóm, tổ (trong phần luyện tập), tập luyện theo tranh ảnh, video (trong hoạt động ngoại khóa) được ưu tiên sử dụng so với các phương pháp truyền thống như: giảng giải, trực quan, làm mẫu, tập luyện có định mức lượng vận động, lặp lại và biến đổi, tập luyện vòng tròn…

Ví dụ, trong tất cả các chủ đề / bài học, Sách chỉ nêu yêu cầu cần đạt, nội dung kiến thức và số tiết dạy của bài, còn dạy cái gì, chọn bài tập nào, trò chơi nào, lượng vận động ra sao, sử dụng phương pháp nào trong từng phần của tiết học GV có thể linh hoạt lựa chọn và chủ động tổ chức, miễn sao làm cho HS “chơi mà học, học mà chơi” trong tiết học/ bài học ấy mà vẫn đạt được yêu cầu kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kì là được.

Câu 6: SGK Giáo dục thể chất 2 – Kết nối tri thức với cuộc sống đưa ra 2 môn thể thao tự chọn, vậy các trường không có điều kiện thì dạy như thế nào?

Trả lời:

Theo Thông tư 32, Chương trình có tính mở nên tùy vào điều kiện của Nhà trường, yêu cầu của HS để chọn môn thể thao tự chọn cho phù hợp.

Trong chủ đề Thể thao tự chọn, SGK GDTC 2 – Kết nối tri thức với cuộc sống chỉ đưa 2 môn thể thao (Bóng rổ và Bơi). GV có thể chọn một trong hai môn này, cũng có thể chọn một môn khác, sao cho môn thể thao đó được HS yêu thích, nhà trường có phong trào, có điều kiện về trang thiết bị và được Hội phụ huynh ủng hộ.

Câu 7: Có nên dạy các động tác quỳ, ngồi cơ bản hay không (vì dễ gây phản cảm, mất thẩm mĩ, điều kiện sân bãi khó đảm bảo,…)?

Trả lời:

– Đây là nội dung có trong Chương trình nên bắt buộc phải dạy.

– Đây là động tác trang bị cho HS các kĩ năng mới nhất là trong cuộc sống, GV dạy HS học động tác này cần vận dụng vào thực tế cho HS.

Chẳng hạn: Khi được trang bị kĩ năng này rồi, HS sẽ có cách khi gặp các sự cố trong học tập như: vấp ngã bị khụyu gối, HS có thể chống đỡ được như ngẩng đầu, chống tay, cuộn tròn lưng…

Mời các bạn tham khảo các giáo án khác trong phần Dành cho giáo viên của mục Tài liệu.

0 ( 0 bình chọn )

Thi Quốc Gia Thi THPT Quốc Gia 2021 của nhà xuất bản Giáo Dục Việt nam

https://thiquocgia.vn
Tổng hợp tài liệu ôn thi THPT Quốc Gia 2020 - 2021, Thi tốt nghiệp, Tài liệu luyện thi

Bài viết liên quan

Bài viết mới

Xem thêm