Tài liệuVăn họcVăn xuôi

Phân tích cuộc gặp gỡ giữa Chí Phèo và Thị Nở (3 mẫu)

Phân tích truyện ngắn Chí Phèo
539

Phân tích truyện ngắn Chí Phèo

Phân tích cuộc gặp gỡ giữa Chí Phèo và Thị Nở chính là một phân đoạn quan trọng thể hiện tính nhân đạo trong tác phẩm của Nam Cao. Để hiểu rõ hơn về ý nghĩa của cuộc gặp gỡ giữa Thị Nở và Chí Phèo, mời các bạn tham khảo các bài phân tích cuộc gặp gỡ giữa Chí Phèo và Thị Nở chi tiết sau đây của Hoatieu.

1. Phân tích cuộc gặp gỡ của Chí Phèo và Thị Nở

Nam Cao xây dựng mối tình thị Nở – Chí Phèo không phải để cười cợt, giễu mỉa mà để cảm thông, bênh vực. Vì mối tình ấy đến một cách tự nhiên, không vụ lợi, không toan tính. Thị Nở đã có một cái tình đồng loại rất xúc động, rất đáng trân trọng. Thị dành cho Chí tình yêu thương chân thành, giản dị. Và chí Phèo đã có một niềm hạnh phúc chân chính, có thật, lần đầu tiên dành cho Chí.

HOÀN CẢNH GẶP GỠ VỚI THỊ NỞ

Chí Phèo uống rượu say ở nhà Tự Lãng trở về, thấy người ngợm khó chịu và muốn ra bờ sông cạnh vườn chuối nhà hắn tắm cho mát mẻ, thị Nở thì đi kín nước nhưng lại ngủ quên trong vườn chuối nhà hắn.

– Chí Phèo thật ra vô tình gặp thị Nở trong một đêm trăng.Câu chuyện Chí Phèo – thị Nở được Nam Cao vô cùng trân trọng nhưng ông lại viết lên bằng những câu văn nghe qua thấy rất lạnh lùng, có phần nào như là sự mỉa mai nhưng đằng sau đó là sự ấm nồng của tình cảm, tình thương và niềm tin.

+ Người đọc chắc cần phải biết đôi chút vầ nhân vật thị Nở.Thị được nhà văn miêu tả xấu “ma chê quỷ hờn”, xấu đến nỗi chỉ hình dung qua sự miêu tả của Nam Cao, ta cũng cảm thấy không dám đến gần. Về ngoại hình thì thị xấu lắm: những cái môi to, dầy lại còn nứt nẻ, mũi và răng cũng đua nhau tranh giành sự xấu xí. Và nhà văn Nam Cao đã rắc vôi bột, rào dây thép gai quanh thị Nở. Người làng Vũ Đại cũng “tránh thị như tránh một con vật gì rất tởm”. Thị lại ngớ ngẩn giống như những người đần trong truyện cổ tích…

+ Hoàn cảnh Chí Phèo gặp thị Nở: Thị đi qua vườn nhà Chí và đã ngủ quên trong vườn nhà hắn vào một đêm trăng mát rười rượi. Còn Chí Phèo thì vừa uống rượu ở nhà tự Lãng về, muốn ra sông tắm, vô tình hắn gặp thị ở đó. Thị không chỉ khơi dậy bản năng ở Chí mà đã đánh thức bản chất lương thiện của Chí Phèo, làm cho “con người” trong Chí thức dậy. Sau bao nhiêu năm phải bán mình cho quỷ dữ để tồn tại u mê như con thú hoang, nay gặp thị Nở, nhờ sự chăm sóc ân cần, chu đáo của thị, linh hồn, phần người trong Chí đã trở về.

Tâm trạng Chí sau đêm gặp thị Nở: Chí đã sống lại những cảm xúc đầy nhân tính:

+ Cảm nhận âm thanh nơi mình sống: ẩm thấp, âm u, “thấy chiều lúc xế trưa và gặp đêm khi trời vẫn còn sáng”, nhận thấy sự đối lập giữa không gian trong lều và không gian bên ngoài, sự ẩm thấp, tăm tối và nắng đẹp rực rỡ, tiếng chim vui vẻ.

+ Chí cảm nhận âm thanh của cuộc sống xung quanh: tiếng chim hót vui vẻ quá, tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cả, tiếng những người đàn bà đi chợ về trao đổi qua lại với nhau – đó là những âm thanh bình dị của cuộc sống đời thường, đó là nhịp sống của những người lao động chân chính, đó cũng là vẻ đẹp vốn có ngàn đời của cuộc sống. “Những âm thanh đó ngày nào chẳng có nhưng đây là lần đàu tiên vẳng đến đôi tai của Chí” kể từ khi Chí giã biệt quãng đời lương thiện. Bởi Chí sống triền miên trong cõi say có bao giờ hắn tỉnh đâu. Đây là lần đầu tiên hắn tỉnh, lần đầu tiên đôi tai của hắn tỉnh táo để cảm nhận và phân biệt các âm thanh của cuộc sống.

+ Chí sống lại ước mơ thời quá khứ, lúc chưa đi ở tù, ước mơ về một gia đình nho nhỏ, một hạnh phúc giản đơn mà ấm áp, chân chính do chính bàn tay mình xây dựng nên, cuộc sống của người lao động chân chính do chính bàn tay mình vun đắp…

+ Hắn nhìn thấy rõ tình cảnh hắn, thấy rõ hiện tại, hắn già mà vẫn còn cô độc. Hắn trông rõ tương lai, hắn thấy hắn đói rét, ốm đau và cô độc và điều làm cho Chí sợ hãi nhất là sự cô độc.

=> Chí triền miên trong suy nghĩ và xúc động. Chí thấy yêu cuộc sống của con người biết bao.

Ngòi bút Nam Cao ở đây thật ấm áp, ông nâng niu từng biểu hiện của sự thức tỉnh ở nhân vật của mình. Ông thật sự rất yêu quý những người lao động chân chính. Vì hoàn cảnh mà họ bị đẩy vào con đường tội lỗi. Nhưng ngay cả khi bị cuộc đời làm biến dạng nhân hình và làm méo mó nhân tính thì Nam Cam vẫn nhìn thấy vẻ đẹp trong sáng luôn tiềm ẩn trong con người họ. Họ chỉ cần găp điều kiện thuận lợi thì phần người sẽ bừng dậy một cách mạnh mẽ.

CẢM XÚC, TÂM TRẠNG CỦA CHÍ PHÈO KHI ĐƯỢC THỊ NỞ CHĂM SÓC – CHO ĂN CHÁO HÀNH

Chí Phèo ngạc nhiên và xúc động. Vì “lần này là lần thứ nhất hắn được một người đàn bà cho. Xưa nay nào hắn có thấy ai tự nhiên cho hắn cái gì. Hắn vẫn phải doạ nạt hay là giật cướp. Hắn phải làm cho người ta sợ”.

Đúng thật là nhận thức của Chí đã trở về, Chí nhận ra được quãng đời của hắn trước đây, hắn muốn có cái gì thì phải doạ nạt hay cướp giật. Hắn thấy “mắt hình như ươn ướt”. Nam Cao quả thật là tinh tế. Ông đã đi vào tận sâu trong nội tâm của nhân vật và thể hiện thế giới ấy bằng những từ ngữ giản dị, gần gũi mà có sức gợi rất cao. Chí Phèo không phải là khóc mà mắt chỉ “hình như ươn ướt” thôi. Chỉ là “hình như” thôi, nhưg người đọc đã thấy được tất cả niềm xúc động đang kìm nén của Chí. Đó đúng là bản tính của con người lương thiện ngày thường bị che lấp đi.

Hắn còn thấy ăn năn về những việc mà hắn đã làm với con người, ăn năn về việc hắn trở thành quỷ dữ sống trong làng để mỗi khi người ta phải tránh mặt hắn mỗi lúc hắn đi qua, hắn chắc là đã ăn năn về việc hắn đã làm cho con người trong làng vốn đã phải chịu nhiều nỗi khổ còn khổ hơn. Người làng sợ hắn đến mức mà trước đấy, họ thường đi ra sống gánh nước qua vườn chuối nhà Chí và nơi đó đã có một con đường mòn nhưng từ khi Chí chuyển về đấy sống thì người ta phải tìm một lối đi khác dù xa hơn.

Hắn còn cảm nhận về hương vị cháo hành, nó thơm và ngon lắm. “Hắn cầm bát cháo đưa lên mồm. Trời ơi, cháo mới thơm làm sao! Chỉ khói xông vào mũi cũng đủ thấy người nhẹ nhõm. Hắn húp một húp và nhận ra rằng: những người suốt đời không ăn cháo hành không biết rằng cháo hành ăn rất ngon. Nhưng tại sao đến tận bây giờ hắn mới nếm vị mùi cháo hành?”. Nam Cao thật là tài tình, ông đã đi vào tận trong sâu thẳm tâm hồn Chí để mà cảm nhận hương vị cháo hành. Ông đã nhập thân vào Chí Phèo để mà sống trong dòng tâm trạng và nỗi niềm hạnh phúc ngập tràn của Chí. Nhà văn cũng đã truyền sang cho người đọc vị ngon, mùi thơm của cháo hành và truyền cho người đọc điều lớn lao hơn: mùi thơm của tình người.

+ Hắn tự hỏi rồi tự trả lời: “có ai nấu cho mà ăn đâu? Mà còn ai nấu cho mà ăn nữa!” Một câu hỏi và một câu cảm thán đều dùng để khẳng định một sự việc. Hắn đã nhận thức ra cuộc đời hắn. Hắn sinh ra đã bị bỏ bên lề cuộc sống, hắn gần như tự lớn lên đấy chứ. Hắn phải tự chăm sóc bản thân, có thể có ai nấu cho mà ăn được chứ. Và “đời hắn chưa bao giờ được săn sóc bởi một tay đàn bà”. Vì sao vậy? Cuộc đời này quá tàn nhẫn. Hắn sinh ra là người nhưng không được sống kiếp sống của con người. Hắn không có người thân thích. Ngay cả ước mơ giản dị của thời tuổi trẻ lương thiện hắn cũng chưa thực hiện được thì đã bất ngờ bị vào tù và sự tàn bạo của nhà tù thực dân đã nhào nặn hắn thành con người khác hẳn để đến khi ra tù hắn bị xa hội loài người từ chối.

+ Hắn còn nhớ rất rõ về vẻ đẹp trong sáng của con người hắn, hắn là người có lòng trọng mà bị mụ bà ba nhà Bá Kiến làm nhục. Hắn nhớ lại và thấy ghê tởm mụ đàn bà này…

=> Hắn xúc động quá bởi hắn đang được sống trong tình thương yêu, tình người, trong niềm hạnh phúc giản dị mà to lớn, có thật lần đầu tiên dành cho Chí.

+Hắn có ước mơ được sống chan hoà với cộng đồng người : “Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hoà với mọi người xiết bao….”. Chí Phèo khao khát lương thiện, khao khát hạnh phúc. Hắn thấy thị Nở cười toe toét mà có duyên lắm, Chí muốn thị Nở sang ở chung với hắn. Một câu nói của Chí mà chất chứa, mà ngập tràn tình yêu thương và niềm tin con người ở tác giả Nam Cao: “Hay là mình dọn sang đây ở với tớ một nhà cho vui?”. Thị Nở đã khơi dậy ước mơ thời lương thiện của Chí. Thị Nở đã khơi dậy niềm khao khát hạnh phúc của Chí. Thị đã khiến Chí sống dậy năng lực nhận thức và cảm xúc thực sự của con người.

+ Chí hi vọng và tin tưởng thị Nở sẽ mở đường cho hắn, thị sẽ là cầu nối để hắn trở về với cuộc đời lương thiện. Hắn còn muốn thị sang ở chung với mình với một cách ngỏ lời rất “Chí Phèo”: “Hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui?”. Thị đã sống lại ước mơ của hắn thời lương thiện, hắn thấy hạnh phúc vô cùng, hắn rất hi vọng và tin tưởng ở thị. (Hắn trở về linh hồn người, hắn khiến thị Nở còn thấy “ôi sao mà hắn hiền, ai bảo đó là cái thằng thường ngày vẫn đập đầu rạch mặt ăn vạ”. Nam Cao tài tình thật khi ông đặt bút viết: “Hắn muốn làm nũng với thị như với mẹ”. Một sự so sánh đầy đau đớn, Chí Phèo làm gì có mẹ, Chí đã bao giờ được làm nũng với mẹ đâu, Chí có bao giờ được âu yếm đâu! Thị Nở đúng là đã đem lại sự sống của con người cho Chí!

=> Từ khi đi ở tù về Chí Phèo bao giờ cũng say, say vô tận. Vì thế hắn sống trong vô thức. Đây là lần đầu tiên hắn tỉnh táo để suy nghĩ, để nhận thấy tình trạng bi đát của đời mình. Khi ăn cháo hành, Chí lại là anh canh điền ngày nào, thị Nở còn cảm nhận thấy hắn rất hiền. Đúng thế, cái bản tính tốt đẹp ấy ngày thường bị che lấp đi nay gặp được ánh sáng của tình người, bản tính ấy lại bừng dậy mạnh mẽ.

NGUYÊN NHÂN CỦA SỰ THỨC TỈNH:

Là một cây bút hiện thực nghiêm ngặt, Nam Cao đã giải thích nguyện nhân của sự thức tỉnh ở nhân vật Chí Phèo một cách thuyết phục.

Chí Phèo vốn là một người nông dân lương thiện, có bản tính tốt đẹp. Cái xã hội tàn ác phi nhân tính trước cách mạng tháng Tám (đại diện là Bá Kiến và nhà tù thực dân) dẫu có ra sức huỷ diệt bản tính ấy nhưng nó vẫn âm thầm sống trong đáy sâu tâm hồn Chí, ngay cả khi con người này đã bị chà đạp cả nhân hình, nhân tính.

Khi gặp thị Nở, có tình người chiếu rọi thì bản tính tốt đẹp có cơ hội hồi sinh và hồi sinh mạnh mẽ. Chí đã sống dậy tất cả những năng lực vốn có cuẩ một con người (năng lực nhận thức, năng lực cảm xúc), Chí đã sôgs đũng với con người thật của mình, Chí muốn được sống lương thiện, Chí ước mong, hi vọng thị Nở sẽ giúp Chí làm hoà với mọi người, được sống kiếp sống của con người.

THÁI ĐỘ, TÌNH CẢM CỦA TÁC GIẢ:

Nam Cao đã rất yêu thương trân trọng con người, ông xây dựng mối tình của Chí Phèo và thị Nở để mà cảm thông, chia sẻ. Mối tình này cũng khẳng định vẻ đẹp của tâm hồn con người, vẻ đẹp của tình người. NC, với tình cảm nhân đạo sâu sắc, đã luôn tin tưởng ở vẻ đẹp tiềm ẩn của con người, đó chính là tình người, chỉ cần có tình người dù giản dị, mộc mạc thôi nhưng cũng đủ làm thay đổi cả thế giới. Chí Phèo, đang là con quỷ dữ của làng Vũ Đại, khi có tình người chạm đến, phần lương thiện trong Chí đã được đánh thức, nó đã bừng dậy mạnh mẽ.

Nam Cao đã khéo lựa chọn những chi tiết rất chân thực.

Nam Cao rất am hiểu tâm lí con người, ông chú ý đi sâu vào nội tâm nhân vật của mình để hiểu những suy nghĩ, những trạng thái tâm lí sinh động phong phú của nhân vật. Ông đã miêu tả một cách tinh tế bằng những từ ngữ được lựa chọn cẩn thận và rất chính xác, giàu hình ảnh, giàu cảm xúc.

2. Phân tích tâm trạng Chí Phèo sau khi gặp Thị Nở

Nam Cao là một trong những tác giả hiện thực nổi tiếng trong trường phái hiện thực. Ông được mệnh danh là bậc thầy trong việc miêu tả nội tâm nhân vật, luôn đi tìm kiếm ” con người trong con người”. Tác phẩm của ông dù là viết về tri thức hay nông dân đều đi sâu vào bên trong nhân vật. Tác phẩm Chí Phèo là một trong những truyện ngắn nổi tiếng thể hiện tài năng của Nam Cao khi phân tích nhân vật Chí Phèo. Trong đó Nam Cao rất xuất sắc khi khắc họa tâm trạng của Chí Phèo sau khi gặp Thị Nở.

Chí Phèo xưa là đứa con hoang, bị bỏ tại cái lò gạch cũ và được người trong làng truyền tay nuôi. Chí hiền lành, làm người ở cho nhà Bá Kiến nhưng sau này, vì bị nghi ngờ dính lứu với bà Ba nên hắn bị Bá Kiến vu oan phải vào tù. Sau khi về, chẳng còn ai nhận ra hắn vì nhân dạng đã biến đổi hoàn toàn. Hắn đinh ninh sẽ trả thù Bá Kiến nhưng rồi lại bị Bá Kiến mua chuộc làm tay đâm thuê chém mướn. Giờ đây hắn tha hóa cả về nhân hình lẫn nhân cách trở thành một con quỷ của làng Vũ Đại. Nhưng rồi, khi Thị Nở xuất hiện, Chí đã thay đổi hoàn toàn bởi lần đầu tiên có người tự nguyện cho hắn thứ gì đó mà hắn không phải xin hay dọa dẫm.

Hắn tỉnh dậy sau cơn say, cảm nhận hết thảy tất cả những gì đang diễn ra trong buổi sớm mà từ trước đến nay hắn không hề hay biết. Để rồi hắn nhớ về quá khứ và ước mơ giản dị mà xa vời. Khi Thị Nở bưng bát cháo hành đến cho hắn, Chí rất ngạc nhiên , xúc động bởi lần đầu tiên hắn được chăm sóc , bởi bát cháo hành tỏa ra hương thơm ngào ngạt. Chắc rằng chỉ có hắn trong thời khắc ấy mới cảm nhận được vị ngon tuyệt vời của bát cháo và vị thơm của “tình người”.

Trong lòng hắn rung động, bâng khuâng trước Thị, người đàn bà xấu xí, dở hơi và ế chồng và cảm thấy ăn năn với Thị vì những chuyện mình đã làm trong quá khứ, khiến bao gia đình tan vỡ,… Dường như những cảm nhận khi ăn bát cháo hành ấy chính là cầu nối tâm hồn giữa Chí Phèo và Thị Nở. Trong hắn trào lên những cảm xúc khinh miệt khi nghĩ về con người Bà Ba, một con quỷ dữ đội lốt một người đàn bà xinh đẹp. Hắn thấy nhục và thấy khinh mọi hành động mà bà ta đã làm.

Nghĩ về Thị Nở dù xấu ma chê quỷ hờn nhưng sẵn một lòng lương thiện, còn bà Ba kẻ ăn trắng mặc trơn lại là mặt người dạ thú. Nam Cao qua những khắc họa tâm trạng của Chí, tạo ra sự tương phản giữa hai người đàn bà đã cho ta một bài học khi nhìn nhận ai đó, nhất định không được ” nhìn mặt mà bắt hình dong”.

Chí Phèo được Thị Nở chăm sóc, thức tỉnh bởi hương vị của cháo hành, hăn nhận thức được thực tại sau trận ốm này, hắn không còn mạnh như trước và muốn làm hòa với mọi người, hắn tin rằng Thị Nở chính là người mở đường cho hắn, sẽ giúp hắn bắc nhịp cầu đến bến bờ thiên lương. Trong nội tâm hắn bỗng tràn lên những khát khao hoàn lương mãnh liệt, cái mầm nhân tính trong Chí Phèo có thể bị che lấp bởi sự tha hóa nhân phẩm, bởi những con say và những lần rạch mặt đòi nợ thuê nhưng nó không hề bị mất đi. Dường như dưới ngòi bút sắc sảo am tường của Nam Cao, tính cách của Chí Phèo được hiện rõ và ông cũng thể hiện sự đồng cảm, thấu hiểu và luôn đặt niềm tin vào bản chất thiên lương ăn sâu trong tận xương tủy của những người dân lao động dù họ có bầm dập, bị tha hóa đến nhường nào.

Luôn có những khát khao hoàn lương, luôn có một mái ấm như bao người nhưng kết cục chẳng mấy tốt đẹp với Chí Phèo. Bởi hắn bị Thị Nở từ chối sống chung. Điều gì khiến Thị thay đổi đến vậy? Có lẽ không phải do Thị bạc tình, không muốn thành đôi với Chí mà do bà cô của Thị nói những lời độc địa, ngăn cấm Thị. Bà cô như một cái loa phát ngôn cho những thứ hẹp hòi, ích kỉ của người làng Vũ Đại và cả xã hội phong kiến đương thời. Chí Phèo chỉ còn biết ngẩn người trước lời của Thị Nở, trong hắn lại thoang thoảng hương cháo hành, dư vị tình yêu thoáng qua mong manh và yếu ớt.

Tình yêu ấy không có sức mạnh để có thể vượt qua nổi thực tại trớ trêu. Dù hắn muốn níu kéo tình yêu nhưng chẳng thể làm được, đổi lại bản tính trong hắn lại trỗi dậy, đập gạch ăn vạ, uống rượu say khướt, hơi rượu không sặc sụa mà chỉ thấy thoang thoảng hương cháo hành. Đó là tình yêu ám ảnh cả tâm hồn lẫn thể xác của Chí. Hắn chỉ biết khóc, ôm mặt khóc như một đứa trẻ, đòi xách dao đi giết Thị Nở , giết bà cô nhưng thực chất hắn đến nhà Bá Kiến. Có thể nói hành động của Chí là sai đường nhưng đúng hướng. Hắn tuyệt vọng vì bị từ chối sống chung, cũng như từ chối làm người lương thiện. Hắn đau đớn biết bao vì lương chi đã tỉnh, ý thức sâu sắc thực tại rằng hắn bị từ chối nguyên nhân sâu sa không phải tại Thị Nở mà tại Bá Kiến, người xua tay đuổi hắn là cả những định kiến của người làng Vũ Đại.

Hắn xách dao đến giết Bá Kiến cũng là lúc hắn tự kết liễu đời mình. Đó là một lựa chọn duy nhất để quay về. Tuy hắn không được sống như một người lương thiện nhưng hắn chết để làm người lương thiện. Quả thật, cái giá của thiên lương là cái giá cắt cổ đối với những kẻ như Chí, có lẽ phải đánh đổi bằng cả mạng sống của mình. Qua cái chết tức tưởi của Chí, Nam Cao lên án xã hội bất lương, tàn bạo và cảm thông với những người nông dân nghèo trong xã hội cũ. Những người sống no đủ đã khó, sống thiên lương còn khó hơn bội phần

Nam Cao, một nhà tâm lí tài ba với ngòi bút tinh tế, ông đã khắc họa tâm trạng của Chí Phèo sau khi gặp Thị Nở rất xuất sắc. Qua đó giúp độc giả có thêm những bài học nhận thức sâu sắc về con người.

3. Phân tích diễn biên tâm trạng của Chí Phèo sau khi gặp Thị Nở

Viết về nông dân bị lưu manh hóa, với tư cách là cây bút hiện thực nghiêm ngặt, Nam Cao đã thể hiện một cái nhìn nhân đạo, bằng cách đi sâu vào nội tâm nhân vật để phát hiện và khẳng định bản chất lương thiện của những con người khốn khổ, ngay khi tưởng như họ đã bị xã hội cướp mất cả hình người và tính người.

Cứ tưởng Chí Phèo mãi sống kiếp thú vật, rồi kết thúc cuộc đời bằng cách vùi xác tại một bờ bụi nào đó. Nhưng bằng tài năng và nhất là bằng trái tim nhân đạo của một nhà văn lớn, Nam Cao đã để cho Chí Phèo trở về sống kiếp người một cách tự nhiên.

Một bước ngoặt lớn đã diễn ra trong cuộc đời Chí (đây là bước ngoặt quan trọng thứ hai trong cuộc đời Chí, sau sự kiện đi tù), đó là cuộc gặp gỡ với thị Nở và trận ốm để được thị Nở chăm sóc. Chính sự quan tâm, chăm sóc của thị Nở đã giúp Chí Phèo cởi bỏ cái lớp vỏ quỹ dữ khát khao hoàn lương, làm người lương thiện trong cuộc đời bằng phẳng của những người nông dân bình thường.

– Diễn biến tâm lí, tình cảm của Chí:

Từ tỉnh rượu tới tỉnh ngộ:

+ Bắt đầu là tỉnh rượu: Cứ tưởng cuộc đời Chí chìm trong những cơn say và những lần đập phá, ăn vạ. Nhưng không, đây là lần đầu tiên Chí Phèo hết say, hoàn toàn tỉnh táo. Trong giây phút tỉnh táo ấy, Chí Phèo sống lại với những năng lực thực sự của con người: năng lực cảm xúc và năng lực ý thức. Lần đầu tiên tỉnh rượu Chí thấy “miệng đắng, lòng mơ hồ buồn, người bủn rủn, tay chân không nhấc được”. Lần đầu tiên Chí nhận thức về không gian sống của mình “ở đây người ta thấy chiều lúc xế trưa và gặp đêm khi bên ngoài vẫn sáng”. Lần đầu tiên Chí nhận thức cuộc sống diễn ra xung quanh mình với những âm thanh quen thuộc hàng ngày “tiếng chim hót, tiếng gõ mái chèo đuổi cá, tiếng người đi chợ về”. Chí không chỉ nghe thấy mà còn cảm nhận. Cảm xúc “vui vẻ quá” và hình dung, phán đoán cảnh “một người đi bán vải ở Nam Định về”. Lòng Chí “bâng khuâng”, Chí tự nhận thức được tâm trạng của chính mình, thấy lòng mơ hồ buồn. Những âm thanh Chí nghe được ấy trở thành tiếng gọi của cuộc sống, đánh thức mọi giác quan, cảm xúc của Chí để anh thấy tự trong lòng mình cảm giác “chao ơi là buồn”.

+ Sau đấy là tỉnh ngộ. Khi tỉnh táo, lần đầu tiên Chí có ý thức về sự tồn tại của cá nhân mình. Chí nhìn lại cuộc đời mình cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Trước hết, Chí “nao nao buồn” nhớ về những ngày rất xa xôi, nhớ lại một thời hắn đã từng mơ ước có một gia đình nho nhỏ. Đấy là quá khứ, còn hiện tại? Chí băn khoăn, mơ hồ tự vấn về tuổi tác, thấy hiện tại của mình thật đáng buồn bởi “già mà vẫn còn cô độc”. Chí đã ý thức sâu sắc về thực tại phủ phàng. Hắn thấy đã đến bên kia dốc của cuộc đời, cơ thể thì hư hỏng nhiều. Tương lai đối với Chí còn đáng buồn hơn, không chỉ buồn mà còn lo sợ bởi hắn đã trông thấy trước quá nhiều bất hạnh: tuổi già, đói rét và ốm đau, đáng sợ nhất là cô độc. Sau những ngày sống gần như vô thức, Chí đã tỉnh táo và suy nghĩ về cuộc đời mình.

+ Miêu tả diễn biến tâm trạng của Chí, Nam Cao cho người đọc thấy được những khám phá tinh tế và khả năng phân tích đặc biệt sắc sảo về tâm lí nhân vật. Người đọc cảm nhận được đầy đủ chiều sâu nội tâm nhân vật qua hình thức độc thoại nội tâm và cách trần thuật linh hoạt của tác giả.

+ Như vậy, với sự trở lại của khả năng nhận thức cuộc sống bên ngoài và nhận thức chính mình cùng những tình cảm, cảm xúc rất người, Chí đang thức tỉnh và bắt đầu hồi sinh để trở về kiếp người.

Từ ngạc nhiên, xúc động tới khát khao hoàn lương và mong ước hạnh phúc.

– Đúng lúc Chí đang “vẩn vơ nghĩ mãi” thì thị Nở mang một nồi cháo hành còn nóng nguyên vào. Việc làm này của thị khiến hắn hết sức ngạc nhiên. Rồi từ chỗ ngạc nhiên, Chí thấy “mắt hình như ươn ướt”. Bởi vì một lẽ hết sức đơn giản, đây là lần đầu tiên trong đời hắn không phải giật cướp, dọa nạt, đâm chém mới có cái ăn mà được một người đàn bà cho, “đời hắn chưa bao giờ được chăm sóc bởi tay một người đàn bà”. Đàn bà, trong ý niệm của hắn về bà ba, chỉ đem đến cho hắn sự nhục nhã, đau đớn Nay thì khác, thị Nở không chỉ đem cháo đến cho hắn mà còn “múc ra bát và giục hắn ăn cho nóng”. Hành động chăm sóc đầy tình cảm yêu thương ấy đã khiến Chí ăn năn, bâng khuâng vừa vui vừa buồn, thấy lòng thành trẻ con và muốn làm nũng với thị như với mẹ. Lần đầu tiên Chí cảm nhận được vị ngon của cháo “trời ơi, cháo mới thơm làm sao…”. . Chí không khỏi ngậm ngùi, cay đắng, buồn tủi, xót xa vì mãi đến tận bây giờ hắn mới được nếm mùi cháo. Cái hạnh phúc giản dị, đơn sơ khiến người ta thấy tội nghiệp sao lại đến với Chí muộn màng đến như vậy. Lúc này, hắn hiền lành đến khó tin. Cái bản tính ngày thường bị lấp đi đã trỗi dậy mạnh mẽ. Chí Phèo đã sống đúng với con người thật của mình, trở lại nguyên tính của anh canh điền ngày xưa.

+ Từ xúc động, ăn năn về những việc mình đã làm, Chí hồi tỉnh. Hương thơm của bát cháo hành khiến Chí mong muốn được trở lại làm người hiền lành, lương thiện ở làng Vũ Đại. Cùng với ước mơ cháy bỏng được làm người lương thiện, tận nơi sâu thẳm của Chí dậy lên nỗi khao khát yêu thương, khao khát mái ấm gia đình mà Chí chưa một lần được hưởng. Rồi tỏ tình, rất Chí Phèo, chất phác và giản dị với thị Nở: “hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui”. Trong đoạn văn diễn tả sự hồi sinh của Chí Phèo khi đón nhận bát cháo hành của Thị Nở, chi tiết Chí Phèo khóc có lẽ là chi tiết ấn tượng nhất. Có thể nói, Nam Cao luôn tin vào nước mắt của con người bởi một khi họ khóc có nghĩa là trong người họ vẫn cón chút lương thiện, nó chưa bị hủy hoại hoàn toàn mà vẫn sống âm thầm lặng lẽ.

+ Chi tiết bát cháo hành rất giàu ý nghĩa biểu hiện. Ngoài nghĩa thực, đây còn là chi tiết mang nhiều ý nghĩa tượng trưng. Hương vị cháo hành cũng là hương vị tình yêu hạnh phúc mà lần đầu tiên Chí Phèo được hưởng. Đó là biểu hiện của tình người, là niềm đồng cảm của những số phận cùng khổ tìm đến với nhau đúng với tựa đề đôi lứa xứng đôi. Tình người, sự yêu thương, cái kênh giao tiếp quá bình thường với mọi người nhưng cũng qúa hiếm hoi trong cuộc đời Chí đã có tác động sâu xa đến tâm hồn Chí. Chính thị Nở và bát cháo hành đã đem đến cho Chí cảm giác được sống như một con người. Bát cháo hành không chỉ giúp Chí thoát khỏi cơn ốm sau khi say rượu, hơn thế đó còn là một liều thuốc giải độc để Chí gột rửa tâm hồn quỷ dữ trở về vẻ hiền lành, muốn làm hòa với mọi người, muốn sống cuộc đời lương thiện. Đây chính là đỉnh cao của sự hồi tỉnh nhân tính ở Chí. Thực ra, Chí đã phần nào thấy được thân phận của mình, giờ đây bát cháo hành của thị Nở là chất xúc tác làm cho những khát vọng trong Chí bừng dậy.

+ Lương thiện, khát khao hạnh phúc là bản tính tự nhiên, tốt đẹp và mạnh mẽ của con người, không thế lực tàn bạo nào hủy diệt được. Ngay cả khi con người bị tha hóa, bị đẩy vào con đường lưu manh thì cái bản tính ấy chỉ tạm thời chìm xuống chứ không biến mất, để đến khi gặp được cơ hội sẽ bùng cháy thật mãnh liệt.

+ Đặc sắc và đáng quý ở Nam Cao là khi miêu tả nhân vật bị tha hóa đến tột cùng, ông vẫn phát hiện ra phần tốt đẹp, lương thiện vốn có, bị ách áp bức tàn khốc vùi lấp, chỉ cần một chút tình thương chạm khẽ vào là có thể sống dậy mãnh liệt, tha thiết. Sự xuất hiện của nhân vật thị Nở có một ý nghĩa sâu sắc. Người đàn bà xấu ma chê quỷ hờn ấy (trái ngược hoàn toàn với cái đẹp – hủy diệt của bà ba nhà bá Kiến) là nguồn sáng duy nhất chiếu rọi vào cõi sâu tăm tối của Chí Phèo, thức tỉnh, gợi dậy bản tính người ở Chí Phèo, làm sống dậy nhịp đập của con tim qua bao tháng ngày bị bóp nghẹt, bị hắt hủi. Chính tình yêu và tình thương sẽ giảm bớt hận thù, gìn giữ và nuôi dưỡng nhân tính, thậm chí có sức mạnh cảm hóa con người. Từ đây, nhà văn chuyển đến thông điệp: hãy tin vào con người, tin vào bản chất tốt đẹp của mỗi người, hãy xây đắp phần người tốt đẹp trong mỗi cá nhân ngày càng bền vững và mạnh mẽ.

+ Nhân vật thị Nở có vai trò quan trọng trong việc bộc lộ chủ đề tư tưởng của tác phẩm: Dù cho có đánh mất cả hình người, tính người thì bản chất tốt đẹp, cái phần thiện trong con người cũng không bao giờ mất đi mà chỉ cần có một tác nhân khơi dậy, thức tỉnh. Đối với Chí Phèo, thị Nở vừa là nhân tố đánh thức, vừa là hiện thân của khát khao hạnh phúc, vừa là người mở đường cho Chí trở về với cuộc sống bằng phẳng của những người lương thiện. Như vậy, không chỉ dừng lại ở việc tả “cái bề ngoài của xã hội”, của cuộc sống con người, Nam Cao đã đi sâu vào nội tâm nhân vật. Với những trang văn sống động mà chân thực, Nam Cao đã đưa chủ nghĩa hiện thực Việt Nam lên đến trình độ mới, hội nhập với quốc tế: từ chủ nghĩa tả chân lên đến chủ nghĩa hiện thực tâm lí. Không chỉ bộc lộ cảm quan hiện thực sâu sắc, đoạn văn còn thấm đượm tình cảm cao đẹp, tiến bộ của Nam Cao.

– Cũng viết về nỗi thống khổ và phẩm chất tốt đẹp của người nông dân trước cách mạng, Nam Cao không viết về sưu cao thuế nặng mà viết về nỗi đau bị chà đạp nhân phẩm, bị hủy hoại nhân hình, hơn nữa, bằng cách đi sâu vào nội tâm nhân vật nhà văn còn phát hiện, khẳng định bản chất lương thiện của họ.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của Thiquocgia.vn.

Tham khảo thêm

0 ( 0 bình chọn )

Thi Quốc Gia Thi THPT Quốc Gia 2021 của nhà xuất bản Giáo Dục Việt nam

https://thiquocgia.vn
Tổng hợp tài liệu ôn thi THPT Quốc Gia 2020 - 2021, Thi tốt nghiệp, Tài liệu luyện thi

Bài viết liên quan

Bài viết mới

Xem thêm