Đề thi tham khảo THPT quốc gia 2020 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố được xác định là một căn cứ quan trọng để giáo viên khái lược những kiến thức, dạng bài có thể xuất hiện trong đề thi thật, từ đó có định hướng cho học sinh.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau khi biết đề thi tham khảo, giáo viên cần cho học sinh làm thử đề thi để các em làm quen với cấu trúc đề, cách thức thi. Đồng thời biết chỗ nào còn yếu, còn bị hổng để có kế hoạch học tập và ôn luyện
Ngoài ra, một trong những công việc quan trọng sau khi biết đề thi tham khảo là giáo viên cần giúp học sinh xây dựng ma trận kiến thức với từng môn học để tránh gặp áp lực trong việc ôn tập.
Từ nhu cầu này, giáo viên Báo Lao Động đăng tải những phân tích của giáo viên Hệ thống Giáo dục HOCMAI về ma trận kiến thức xuất hiện trong đề thi tham khảo THPT quốc gia 2020. Giáo viên và học sinh cả nước có thể tham khảo để xây dựng kế hoạch ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia dự kiến diễn ra vào tháng 8 tới
Dưới đây là ma trận kiến thức môn Ngữ văn:
Đề thi minh hoạ THPT quốc gia năm 2020 môn Ngữ Văn vẫn giữ nguyên cấu trúc hai phần là Đọc hiểu và Làm văn với tổng thời gian thi là 120 phút.
So với đề thi chính thức năm 2019, đề thi minh hoạ không có sự thay đổi nào về cấu trúc đề thi mà chỉ có sự thay đổi trong việc ra câu hỏi và nội dung của từng câu hỏi.
Đề đảm bảo kiến thức cơ bản, và không có kiến thức trong nội dung tinh giản mà Bộ mới công bố ngày 31.3.2020. Đề không khó, vừa sức với học sinh, học sinh trung bình không khó để đạt mức điểm 5 – 6; học sinh khá đạt 7 – 8. Tuy nhiên để đạt mức điểm 9-10 đòi hỏi học sinh phải phát huy được tư duy phản biện, các trình bày vấn đề nghị luận sắc bén, thể hiện quan điểm cá nhân mang tính sáng tạo.
Phần Đọc hiểu trong đề thi minh hoạ THPT quốc gia năm 2020 sử dụng ngữ liệu nằm ngoài sách giáo khoa, gồm một đoạn trích dẫn cho trước và 4 câu hỏi.
Để trả lời được 4 câu hỏi này, đòi hỏi học sinh phải nắm chắc kiến thức về Tiếng Việt, đọc hiểu nội dung và suy ngẫm, đánh giá.
Đặc biệt ở câu 3, câu 4 đòi hỏi người làm bài phải hiểu sâu sắc đoạn văn, câu trích dẫn thì bài làm mới hay, hiểu đúng vấn đề mà đoạn văn truyền tải.
Trong phần Làm văn, đề thi tham khảo THPT quốc gia 2020 yêu cầu học sinh viết đoạn văn nghị luận xã hội: Câu này vẫn giữ nguyên tắc ra đề truyền thống, yêu cầu học sinh viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về một vấn đề được rút ra từ ngữ liệu ở phần Đọc hiểu.
Ở câu nghị luận văn học, nội dung câu hỏi nằm ở phần kiến thức chương trình học kì 2 lớp 12, không ra ngoài nội dung tinh giản của Bộ GDĐT, mức độ phù hợp giống với câu nghị luận học trong đề thi chính thức năm 2019.
Theo cô Trịnh Thu Tuyết – giáo viên Ngữ văn, Hệ thống Giáo dục HOCMAI, sau khi biết đề thi tham khảo và phân tích ma trận kiến thức xuất hiện trong đề thi, học sinh cần nhanh chóng bắt tay vào việc ôn luyện.
Năm 2020 là một năm học rất đặc biệt, khi các lớp học truyền thống chuyển sang lớp học online do ảnh hưởng của dịch bệnh. Vì thế, thì học sinh cả nước cần lưu ý có tính tự chủ, tự giác, tự mình ôn tập các kiến thức đã được giáo viên cung cấp trước đó. Đồng thời, phát huy tính tự giác nắm bắt kiến thức trong chương trình đã được tinh giản.
Sau khi đã được trang bị đủ kiến thức, một trong những việc quan trọng là học sinh cần dành thời gian luyện đề theo cấu trúc của đề thi minh họa mà Bộ GDĐT vừa công bố. Việc này giúp học sinh củng cố kiến thức và quen với các dạng bài có thể xuất hiện trong đề thi THPT quốc 2020.
Chia sẻ