Biểu mẫuGiáo dục - Đào tạo

Top 5 Đề thi giữa học kì 2 Tiếng Việt lớp 4 năm học 2020-2021

Đề thi giữa học kì II lớp 4 môn Tiếng Việt
83

Đề thi giữa học kì II lớp 4 môn Tiếng Việt

Top 5 Đề thi giữa học kì 2 Tiếng Việt lớp 4 năm học 2020-2021 kèm đáp án, bao gồm 5 đề thi, có kèm theo cả đáp án để học sinh ôn tập, rèn luyện kiến thức nhằm đạt kết quả tốt nhất cho kì thi giữa kì. Mời các em tham khảo

1. Ma trận đề kiểm tra giữa học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 4

TT Mạch kiến thức Mức 1 Mức 2 Mức 3 Mức 4 Tổng
TN TL TN TL TN TL TN TL
1 – Đọc hiểu văn bản
+Hiểu nội dung, ý nghĩa văn bản
Số câu 1 1 1 3
Câu số 1 2 3
Số điểm 1 1 1 3
2 – Kiến thức Tiếng Việt
+ Cấu tạo của câu
+ Các kiểu câu
+ Từ láy, từ ghép
Số câu 1 1 1 1 4
Câu số 4 5 7 6
Số điểm 1 1 1 1 4
Tổng số câu 2 2 1 1 1 7
Tổng số điểm 2 2 1 1 1 7

2. Đề thi giữa học kì 2 Tiếng Việt lớp 4 số 1

PHÒNG GD&ĐT……………

TRƯỜNG TH……………….

Họ và tên:………………….

Lớp: 4…….

ĐỀ KIỂM TRA ĐỊNH KỲ GIỮA HỌC KÌ II
Năm học 2020 – 2021

Môn: Tiếng Việt – Lớp 4

A. KIỂM TRA ĐỌC (10 điểm):

1. Đọc thành tiếng (3 điểm):

(GV kiểm tra đọc thành tiếng một đoạn trong các bài tập đọc đã học từ tuần 19 đến tuần 24 ở SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 2 kết hợp trả lời câu hỏi đối với từng HS)

2. Đọc hiểu + Kiến thức tiếng Việt (7 điểm) – (20 phút): Đọc thầm bài văn sau và thực hiện các yêu cầu ở dưới.

Sầu riêng

Sầu riêng là loại trái quý của miền Nam. Hương vị nó hết sức đặc biệt, mùi thơm đậm, bay rất xa, lâu tan trong không khí. Còn hàng chục mét mới tới nơi để sầu riêng, hương đã ngào ngạt xông vào cánh mũi. Sầu riêng thơm mùi thơm của mít chin quyện với hương bưởi, béo cái béo của trứng gà, ngọt cái vị của mật ong già hạn. Hương vị quyến rũ đến kì lạ.

Hoa sầu riêng trổ vào cuối năm. Gió đưa hương thơm ngát như hương cau, hương bưởi tỏa khắp khu vườn. Hoa đậu từng chùm, màu trắng ngà. Cánh hoa nhỏ như vảy cá, hao hao giống cánh sen con, lác đác vài nhụy li ti giữa những cánh hoa. Mỗi cuống hoa ra một trái. Nhìn trái sầu riêng lủng lẳng dưới cành trông giống những tổ kiến. Mùa trái rộ vào dạo tháng tư, tháng năm ta.

Đứng ngắm cây sầu riêng, tôi cứ nghĩ mãi về cái dáng cây kì lạ này. Thân nó khẳng khiu, cao vút, cành ngang thẳng đuột, thiếu cái dáng cong, dáng nghiêng, chiều quằn, chiều lượn của cây xoài, cây nhãn. Lá nhỏ xanh vàng, hơi khép lại, tưởng như lá héo. Vậy mà khi trái chín, hương tỏa ngạt ngào, vị ngọt đến đam mê.

Mai Văn Tạo

Khoanh tròn chữ cái trước ý trả lời đúng cho từng câu hỏi dưới đây:

Câu 1. Sầu riêng là đặc sản của vùng nào? (1 đ) M1

A. Miền Bắc.
B. Miền Nam.
C. Miền Trung.

Câu 2. Hoa sầu riêng có những nét đặc sắc nào? (1 đ) M2

A. Hoa đậu từng chùm màu trắng ngà.
B. Cánh hoa nhỏ như vảy cá, hao hao giống cánh sen con, lác đác vài nhụy li ti giữa những cánh hoa.
C. Cả hai ý trên đều đúng

Câu 3. Quả sầu riêng có những nét đặc sắc nào? (1 đ) M4

A. Trái sầu riêng lủng lẳng dưới cành trông giống những tổ kiến.
B. Mùi thơm đậm, bay rất xa, lâu tan trong không khí.
C. Cả hai ý trên đều đúng.

Câu 4. Trong câu Gió đưa hương thơm ngát như hương cau, hương bưởi tỏa khắp khu vườn. Bộ phận nào là vị ngữ? (1 đ) M1

A. đưa hương thơm ngát như hương cau, hương bưởi tỏa khắp khu vườn.
B. hương thơm ngát như hương cau, hương bưởi tỏa khắp khu vườn.
C. ngát như hương cau, hương bưởi tỏa khắp khu vườn.

Câu 5. Câu Đứng ngắm cây sầu riêng, tôi cứ nghĩ mãi về cái dáng cây kì lại này là kiểu câu: (1 đ) M2

A. Ai làm gì?
B. Ai thế nào?
C. Ai là gì?

Câu 6. Câu nào có kiểu câu Ai thế nào? (1 đ) M3

A. Sầu riêng là loại trái quý của miền Nam.
B. Sầu riêng thơm mùi thơm của mít chín quyện với hương bưởi.
C. Tôi cứ nghĩ mãi về cái dáng cây kì lạ này.

Câu 7. Em hãy tìm và viết ra 5 từ láy có trong bài? (1 đ) M2

B. KIỂM TRA VIẾT (10 điểm)

1 . Chính tả: (Nghe – viết) bài “Hoa học trò” (2 điểm)

2 .Tập làm văn: Hãy tả một cây gần gũi mà em yêu thích (8 điểm)

2.1. Đáp án đề thi giữa học kì 2 Tiếng Việt lớp 4 số 1

A. KIỂM TRA ĐỌC (10 điểm):

1. Đọc thành tiếng (3 điểm):

HS đọc một đoạn văn trong các bài tập đã học ở SGK Tiếng Việt lớp 4 – tập 2, từ tuần 19 đến tuần 25.

– Đọc vừa đủ nghe, rõ ràng: tốc độ đạt yêu cầu, giọng đọc có biểu cảm: 1điểm

– Ngắt nghỉ hơi đúng ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa; đọc đúng tiếng, từ (không sai quá 5 tiếng): 1điểm

– Trả lời đúng câu hỏi về nội dung đoạn đọc: 1điểm

2. Đọc hiểu + Kiến thức tiếng Việt (7 điểm):

Câu 1 2 3 4 5 6
Đáp án B C C A A B
Điểm 1 1 1 1 1 1

Câu 7. (1 điểm) Tìm được đúng mỗi từ láy có trong bài: 0,2 điểm.

B/ Kiểm tra viết: (10 điểm)

1. Chính tả: (2,0 điểm)

Bài viết không mắc lỗi chính tả, chữ viết rõ ràng, trình bày đúng đoạn văn (2 điểm )

Mỗi lỗi chính tả trong bài viết trừ 0,25 điểm.

* Lưu ý: Nếu chữ viết không rõ ràng, sai về độ cao, khoảng cách …hoặc trình bày bẩn trừ toàn bài 0,5 điểm.

2. Tập làm văn: (8,0 điểm)

* Bài văn đảm bảo các mức như sau:

Bài viết đúng dạng văn miêu tả đồ vật, đủ 3 phần: mở bài, thân bài, kết bài đúng yêu cầu đã học. (2 điểm)

Bài viết đảm bảo độ dài từ 12 – 15 câu. Viết câu tương đối đúng ngữ pháp, biết dùng từ, không mắc lỗi chính tả, chữ viết sạch đẹp. (3 điểm)

Có sử dụng hình ảnh so sánh trong bài văn miêu tả đồ vật. (3 điểm)

– Các mức điểm khác tùy mức độ sai sót GV ghi điểm cho phù hợp.

3. Đề thi giữa học kì 2 Tiếng Việt lớp 4 số 2

A – Kiểm tra đọc: (10 điểm)

1. Kiểm tra đọc thành tiếng: (3 điểm)

Giáo viên kiểm tra đọc thành tiếng đối với từng học sinh.

Nội dung kiểm tra: Các bài đã học từ tuần 01 đến tuần 08 (Hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học cấp tiểu học học kì 2 theo công văn số 1125/BGDĐT-GDTH ngày 31 tháng 3 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ GDĐT), giáo viên ghi tên bài, số trang vào phiếu, gọi học sinh lên bốc thăm và đọc thành tiếng. Mỗi học sinh đọc một đoạn văn, thơ khoảng 90 tiếng/phút (trong bài bốc thăm được) sau đó trả lời một câu hỏi về nội dung đoạn đọc do giáo viên nêu.

2. Kiểm tra đọc hiểu kết hợp kiểm tra kiến thức tiếng việt: (7 điểm)

a. Đọc thầm bài văn sau:

NGƯỜI CHẠY CUỐI CÙNG

Cuộc đua ma-ra-thon hàng năm ở thành phố tôi thường diễn ra vào mùa hè. Nhiệm vụ của tôi là ngồi trong xe cứu thương, theo sau các vận động viên, phòng khi có ai đó cần được chăm sóc y tế. Anh tài xế và tôi ngồi trong xe, phía sau hàng trăm con người, chờ tiếng súng lệnh vang lên.

Khi đoàn người tăng tốc, nhóm chạy đầu tiên vượt lên trước. Chính lúc đó hình ảnh một người phụ nữ đập vào mắt tôi. Tôi biết mình vừa nhận diện được “Người chạy cuối cùng”. Bàn chân chị ấy cứ chụm vào mà đầu gối cứ đưa ra. Đôi chân tật nguyền của chị tưởng chừng như không thể nào bước đi được, chứ đừng nói là chạy.

Nhìn chị chật vật đặt bàn chân này lên trước bàn chân kia mà lòng tôi tự dưng thở dùm cho chị , rồi reo hò cổ động cho chị tiến lên. Tôi nửa muốn cho chị dừng lại nửa cầu mong chị tiếp tục. Người phụ nữ vẫn kiên trì tiến tới, quả quyết vượt qua những mét đường cuối cùng.

Vạch đích hiện ra, tiếng người la ó ầm ĩ hai bên đường. Chị chầm chậm tiến tới, băng qua, giật đứt hai đầu sợi dây cho nó bay phấp phới sau lưng tựa như đôi cánh.

Kể từ hôm đó, mỗi khi gặp phải tình huống quá khó khăn tưởng như không thể làm được, tôi lại nghĩ đến “Người chạy cuối cùng”. Liền sau đó mọi việc trở nên nhẹ nhàng đối với tôi.

Dựa vào nội dung bài đọc, chọn câu trả lời đúng khoanh tròn và hoàn thành các bài tập sau:

Câu 1: Nhiệm vụ của nhân vật “Tôi” trong bài là: (0, 5 điểm)

A. Chăm sóc y tế cho vận động viên.
C. Bắn tiếng súng lệnh cho cuộc đua.
B. Lái xe cứu thương.
D. hò reo cổ vũ cho cuộc đua.

Câu 2: Không khí của cuộc thi ma-ra-thon thế nào? (0, 5 điểm)

A. Không khí của cuộc thi ma-ra-thon sôi nổi.
B. Không khí của cuộc thi ma-ra-thon buồn tẻ.
C. Không khí của cuộc thi ma-ra-thon bình thường.
D. Không khí của cuộc thi ma-ra-thon yên lặng.

Câu 3: Trong giải ma-ra-thon tác giả chú ý đến nhân vật nào nhất? (0, 5 điểm)

A. Chú ý đến những người trên xe cứu thương.
B. Chú ý đến những người chạy theo để cổ vũ.
C. Chú ý đến những người xuất phát đầu tiên.
D. Chú ý đến người xuất phát cuối cùng.

Câu 4: Giải Ma-ra-thon là giải: (1 điểm)

A. Giải ma -ra -thon dành cho người thích bơi lội.
B. Giải ma-ra-thon dành cho người thích đi xe đạp.
C. Giải ma-ra-thon dành cho người thích chạy bộ.
D. Giải ma-ra-thon dành cho người thích leo núi.

Câu 5: “Người chạy cuối cùng” trong cuộc đua là ai? Có đặc điểm gì? (1 điểm)

Viết câu trả lời của em:

Câu 6: Đoạn cuối bài : “Kể từ hôm đó, …nhẹ nhàng đối với tôi” tác giả muốn khuyên em điều gì? (1 điểm)

Viết câu trả lời của em:

Câu 7: Câu “Bàn chân chị ấy cứ chụm vào mà đầu gối cứ đưa ra.” (0, 5 điểm)

A. Câu khiến.
B. Câu kể Ai là gì?
C. Câu kể Ai thế nào?
D. Câu kể Ai làm gì?

Câu 8: Dòng nào sau đây chỉ toàn là từ láy? (0, 5 điểm)

A. Xanh um, lộng lẫy, ngay ngáy, rực rỡ, mênh mông.
B. Rực rỡ, lộng lẫy, xanh um, ngay ngáy, bờ bến.
C. Rực rỡ, lộng lẫy, xanh um, ngay ngáy, ấm áp.
D. Rực rỡ, lộng lẫy, xúm xít, ngay ngáy, ấm áp.

Câu 9: Trong câu: “Bàn chân chị ấy cứ chụm vào mà đầu gối cứ đưa ra.” (1 điểm)

Chủ ngữ là:………………..…………………………………………………………

Vị ngữ là:…………………………………………………………………………….

Câu 10: Em đặt câu kể “Ai là gì?” để khen chị vận động viên đã chiến thắng: (1 điểm)

Viết câu trả lời của em:

B – Kiểm tra viết: (10 điểm)

1. Chính tả nghe – viết: (2 điểm) (15 phút)

Giáo viên đọc cho học sinh viết bài (Họa sĩ Tô Ngọc Vân). SGK Tiếng việt 4, tập 2, trang 56.

2. Tập làm văn: (8 điểm) (25 phút)

Đề bài: Tả cây bóng mát mà em yêu thích nhất.

3.1. Đáp án đề thi giữa học kì 2 Tiếng Việt lớp 4 số 2

A – Kiểm tra đọc: (10 điểm)

1. Kiểm tra đọc thành tiếng: (3 điểm)

Đánh giá, cho điểm. Giáo viên đánh giá, cho điểm dựa vào những yêu cầu sau:

a. Đọc vừa đủ nghe, rõ ràng; tốc độ đọc đạt yêu cầu (không quá 1 phút): 0, 5 điểm

(Đọc từ trên 1 phút – 2 phút: 0, 25 điểm; đọc quá 2 phút: 0 điểm)

b. Đọc đúng tiếng, đúng từ, trôi chảy, lưu loát: 1 điểm

(Đọc sai từ 2 đến 4 tiếng: 0, 5 điểm; đọc sai 5 tiếng trở lên: 0 điểm)

c. Ngắt nghỉ hơi ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa: 0, 5 điểm

(Ngắt nghỉ hơi không đúng từ 2 – 3 chỗ: 0, 25 điểm; ngắt nghỉ hơi không đúng từ 4 chỗ trở lên: 0 điểm)

d. Trả lời đúng câu hỏi về nội dung đoạn đọc: 1 điểm

(Trả lời chưa đầy đủ hoặc diễn đạt chưa rõ ràng: 0, 5 điểm; trả lời sai hoặc không trả lời được: 0 điểm)

* Lưu ý: Đối với những bài tập đọc thuộc thể thơ có yêu cầu học thuộc lòng, giáo viên cho học sinh đọc thuộc lòng theo yêu cầu.

2. Kiểm tra đọc hiểu kết hợp kiểm tra kiến thức tiếng việt: (7 điểm)

Học sinh dựa vào nội dung bài đọc, chọn câu trả lời đúng và hoàn thành các bài tập đạt số điểm như sau:

Câu 5: “Người chạy cuối cùng” trong cuộc đua là ai? Có đặc điểm gì? (1 điểm)

Người chạy cuối cùng là một phụ nữ. Người phụ nữ có đôi bàn chân tật nguyền.

Câu 6: Đoạn cuối bài : “Kể từ hôm đó, …nhẹ nhàng đối với tôi” tác giả muốn khuyên em điều gì? (1 điểm)

Học sinh nêu ý: Khi gặp công việc khó khăn , chúng ta quyết tâm thì mọi việc sẽ thành công tốt đẹp.

Câu 9: Trong câu: “Bàn chân chị ấy cứ chụm vào mà đầu gối cứ đưa ra.” (1 điểm)

Chủ ngữ : Bàn chân chị ấy

Vị ngữ: cứ chụm vào mà đầu gối lại đưa ra

Câu 10: Em đặt câu kể “Ai là gì?” để khen chị vận động viên đã chiến thắng: (1 điểm)

Chị là người rất kiên trì

hoặc Chị là người đáng quý .

hoặc Chị là người chiến thắng

B – Kiểm tra viết: (10 điểm)

1. Chính tả nghe – viết: (2 điểm) (15 phút)

– GV đọc cho HS viết, thời gian HS viết bài khoảng 15 phút.

– Đánh giá, cho điểm: Bài viết không mắc lỗi chính tả, chữ viết rõ ràng, trình bày sạch sẽ và đúng theo đoạn văn (thơ) 2 điểm.

– Học sinh viết mắc từ 2 lỗi chính tả trong bài viết (sai – lẫn phụ âm đầu hoặc vần, thanh; không viết hoa đúng quy định) : trừ 0, 5 điểm.

Lưu ý: Nếu chữ viết không rõ ràng, sai về độ cao, khoảng cách, kiểu chữ hoặc trình bày bẩn, …bị trừ 1 điểm toàn bài.

2. Tập làm văn: (8 điểm) (25 phút)

Đánh giá, cho điểm

– Đảm bảo được các yêu cầu sau, được 8 điểm:

+ Học sinh viết được một bài văn thể loại theo yêu cầu của đề (có mở bài, thân bài, kết bài) một cách mạch lạc, có nội dung phù hợp theo yêu cầu của đề bài.

+ Viết câu đúng ngữ pháp, dùng từ đúng, không mắc lỗi chính tả.

+ Chữ viết rõ ràng, trình bày bài viết sạch đẹp.

– Tùy theo mức độ sai sót về ý, về diễn đạt và chữ viết có thể cho các mức điểm phù hợp với thực tế bài viết.

* Bài đạt điểm 8 khi học sinh có sử dụng ít nhất từ 1 đến 2 biện pháp nghệ thuật trong làm bài.

Lưu ý: Học sinh viết bài tùy theo mức độ mà GV cho điểm đúng theo bài làm của học sinh.

Trong lúc ra đề cũng như hướng dẫn chấm không tránh khỏi sai sót, mong quý thầy cô chỉnh lại dùm thành thật cám ơn!.

4. Đề thi giữa học kì 2 Tiếng Việt lớp 4 số 3

A. Kiểm tra Đọc, Nghe, Nói

I. Đọc thành tiếng (3 điểm)

– Ở mục này, các em có thể đọc một đoạn trích trong bài Tập đọc đã học trong SGK Tiếng Việt 4, tập 2 và trả lời câu hỏi hoặc đọc một đoạn văn thích hợp ở ngoài SGK.

– Đề không trình bày nội dung của phần Đọc thành tiếng.

II. Đọc hiểu và kiến thức tiếng Việt (7 điểm)

Đọc bài sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:

Câu chuyện về mùa đông và chiếc áo khoác

Mùa đông đã tới, những cơn gió rét buốt rít ngoài cửa sổ. Ngoài đường, ai cũng bước vội vàng để tránh cái lạnh đang làm cứng đờ đôi bàn tay. Những khuôn mặt vui tươi, hớn hở biến đi đâu mất, thay vào đó là tái đi vì lạnh. Mùa rét năm nay, mẹ mua cho An một chiếc áo khoác mới, vì áo cũ của cậu đa phần đã bị rách do sự hiếu động của An. Khi nhận chiếc áo từ mẹ, An vùng vằng vì kiểu dáng và màu sắc của chiếc áo không đúng ý thích của cậu. Về phòng, cậu ném chiếc áo xuống đất, cả ngày lầm lì không nói gì.

Chiều tối hôm đó, bố rủ An ra phố. Mặc dù trời đang rất lạnh nhưng An háo hức đi ngay. Sau khi mua đồ xong, bố chở An ra khu chợ, nơi các gian hàng bắt đầu thu dọn. Bố chỉ cho An thấy những cậu bé không có nhà cửa, không có người thân, trên người chỉ có một tấm áo mỏng manh đang co ro, tím tái. Trong khi mọi người đều về nhà quây quần bên bữa tối ngon lành, bên ánh đèn ấm áp thì các cậu vẫn phải lang thang ở ngõ chợ, nhặt nhạnh những thứ người ta đã bỏ đi.

Bất giác, An cảm thấy hối hận vô cùng. An nhớ lại ánh mắt buồn của mẹ khi cậu ném chiếc áo khoác xuống đất. Bố chỉ nhẹ nhàng: “Con có hiểu không? Cuộc đời này còn nhiều người thiệt thòi lắm. Hãy biết trân trọng thứ mà mình đang có.”

Em trả lời câu hỏi, làm bài tập theo một trong hai cách sau:

– Khoanh tròn vào chữ cái trước ý trả lời em chọn.

– Viết ý kiến của em vào chỗ trống.

Câu 1. Vì sao An không thích chiếc áo mới mà mẹ mua cho? (0,5 điểm)

a. Vì chiếc áo quá rộng so với cơ thể của cậu.

b. Vì mẹ tự đi mua áo mà không hỏi cậu trước.

c. Vì chiếc áo bị may lỗi ở phần cánh tay.

d. Vì cậu không thích kiểu dáng và màu sắc của chiếc áo.

Câu 2. An có thái độ và hành động như thế nào khi nhận chiếc áo mới? (0,5 điểm)

a. Cậu ném chiếc áo xuống đất, cả ngày lầm lì không nói.

b. Cậu bảo mẹ mang trả lại chiếc áo cho cửa hàng.

c. Cậu không nhận chiếc áo cũng không nói gì với mẹ.

d. Cậu không chịu mặc chiếc áo mới mẹ mua cho.

Câu 3. Vì sao bố muốn An cùng đi ra phố? (0,5 điểm)

a. Bố muốn An hiểu được giá trị của đồng tiền và việc lao động.

b. Bố muốn đưa An đi mua một chiếc áo khác đúng với sở thích của cậu.

c. Bố muốn An chứng kiến cảnh nhiều bạn nhỏ còn không có áo để mặc.

d. Bố muốn An quên đi chuyện chiếc áo để tập trung học tập.

Câu 4. Ba ý nào sau đây nêu đúng lí do An cảm thấy hối hận với hành động của mình? (0,5 điểm)

a. Vì An thấy mình hạnh phúc hơn nhiều bạn nhỏ khác.

b. Vì An cảm động trước câu nói của bố.

c. Vì An cảm thấy mình có lỗi với mẹ.

d. Vì An sợ bố mẹ sẽ giận và không mua áo mới cho mình nữa.

Câu 5. Câu chuyện có ý nghĩa gì? (1,0 điểm)

Câu 6. Nếu là An, em sẽ nói với bố mẹ điều gì? (1,0 điểm)

Câu 7. Dòng nào tách đúng bộ phận chủ ngữ và bộ phận vị ngữ của câu? (0,5 điểm)

a. Những cơn gió //rét buốt rít liên hồi ở ngoài cửa sổ.

b. Những cơn gió rét buốt// rít liên hồi ở ngoài cửa sổ.

c. Những cơn gió rét buốt rít //liên hồi ở ngoài cửa sổ.

d. Những cơn gió rét buốt rít liên hồi //ở ngoài cửa sổ.

Câu 8. Dấu gạch ngang trong câu văn dưới đây có tác dụng gì? (0,5 điểm)

Bố nói với An:

– Hãy biết trân trọng những thứ mà mình đang có, con nhé!

a. Đánh dấu phần chú thích.

b. Đánh dấu chỗ bắt đầu lời nói của nhân vật trong đối thoại.

c. Đánh dấu các ý trong một đoạn liệt kê.

d. Đánh dấu từ ngữ được dùng với nghĩa đặc biệt.

Câu 9. Em hãy chuyển câu hỏi “Con có biết rằng cuộc đời này còn nhiều người thiệt thòi lắm không?” thành một câu khiến. (1,0 điểm)

Câu 10. Đặt 1 câu tả cơn gió lạnh mùa đông có sử dụng so sánh hoặc nhân hóa. (1,0 điểm)

B. Kiểm tra Viết

I. Chính tả nghe – viết (2 điểm)

Trong hiệu cắt tóc

Hiệu cắt tóc rất đông khách. Mọi người đều phải chờ theo thứ tự. Cửa phòng lại mở, một người nữa tiến vào. Tất cả mọi người đều đứng dậy chào: “Kính chào đồng chí Lê-nin”. Lê-nin chào mọi người và hỏi:“Tôi phải xếp sau đồng chí nào nhỉ?”. Không ai muốn vị đứng đầu chính phủ phải mất thời gian chờ đợi nên tất cả cùng nói: “Xin mời đồng chí cứ cắt tóc trước ạ!”. Song Lê-nin vui vẻ nói: “Cảm ơn các đồng chí, tôi cũng phải theo thứ tự chứ!”. Nói xong, ông kéo ghế ngồi và lấy tờ báo ra xem.

(Theo Hồ Lãng)

II.Tập làm văn (8 điểm) Chọn một trong hai đề sau:

Câu 1. Hãy tả lại một bộ phận (lá, hoa hoặc quả) của một loài cây mà em yêu thích.

Câu 2. Hãy đóng vai một loại trái cây để tự giới thiệu về mình và những lợi ích mình đem lại cho mọi người.

4.1. Đáp án đề thi giữa học kì 2 Tiếng Việt lớp 4 số 3

A. Kiểm tra Đọc, Nghe, Nói

I. Đọc thành tiếng (3 điểm)

II. Đọc hiểu và kiến thức tiếng Việt (7 điểm)

Câu 1. Chọn câu trả lời d: 0,5 điểm; chọn câu trả lời khác d: 0 điểm

Câu 2. Chọn câu trả lời a: 0,5 điểm; chọn câu trả lời khác a: 0 điểm

Câu 3. Chọn câu trả lời c: 0,5 điểm; chọn câu trả lời khác c: 0 điểm

Câu 4. Chọn cả 3 câu trả lời a, b, c: 0,5 điểm; chọn câu trả lời khác: 0 điểm

Câu 5. Gợi ý:

Chúng ta hãy trân trọng những gì mình đang có vì xung quanh còn nhiều người thiệt thòi hơn.

Câu 6.Gợi ý:

Con xin lỗi bố mẹ. Con đã có thái độ không đúng khiến bố mẹ buồn.

Câu 7. Chọn câu trả lời b: 0,5 điểm; chọn câu trả lời khác b: 0 điểm

Câu 8. Chọn câu trả lời b: 0,5 điểm; chọn câu trả lời khác b: 0 điểm

Câu 9.

– Chuyển được câu hỏi thành câu khiến: 1,0 điểm

Ví dụ: Con cần/nên biết rằng cuộc đời này còn nhiều người thiệt thòi lắm .

– Không viết được câu khiến: 0 điểm

Câu 10.

– Đặt được câu theo yêu cầu: 1,0 điểm

Ví dụ:

– Những cơn gió mùa đông đang gào lên giận dữ ngoài cửa sổ.

– Những con gió mùa đông như những chiếc roi quất vào da thịt.

– Đặt được câu có so sánh hoặc nhân hóa nhưng sử dụng từ ngữ chưa thích hợp: 0,5 điểm; không đặt được câu theo yêu cầu: 0 điểm.

B. Kiểm tra Viết

I. Chính tả nghe – viết (2 điểm)

III. Tập làm văn (8 điểm)

Câu 1. Tham khảo:

Có một loại cây mà khi nhắc đến nó người ta lại nhớ đến kỷ niệm đẹp của tuổi học trò, đó là cây phượng. Lá phượng giống lá me, mỏng, màu xanh thẫm mọc song song hai bên cuống trông xa như đuôi con chim phượng, chắc vì thế mà cây có tên là Phượng. Mùa xuân phượng ra lá, lá xanh um mát rợi như lá me non. Lá ban đầu khép lại sau lại xòe ra cho gió đu đưa. Mùa hè lá phượng bắt đầu già màu, lá chuyển màu xanh thẫm để rồi sau đó bắt đầu cho một thời kỳ mới – thời kỳ ra hoa. Ban đầu chỉ lấm tấm vài bông nhưng sau đó là cả một sân trường. Mùa đông phượng trút hết lá để lại những cành khẳng khiu, trơ trụi. Thật may mắn khi tạo hóa đã tạo ra cho chúng ta một loại cây có lá và hoa thật đẹp – loài hoa học trò.

(Châu Hoàng Thúc, lớp 4G, trường Tiểu học Ngô Mây)

Câu 2. Tham khảo:

Mỗi loại trái cây đều có những đặc điểm về màu sắc, hình dáng, hương vị và mang lại lợi ích riêng cho mọi người. Họ bưởi nhà tôi cũng vậy. Cơ thể tôi tròn, căng mọng từ nhỏ và lớn dần cùng thời gian. Theo đó, tôi cũng thay những bộ trang phục cho phù hợp, từ xanh đậm, đến xanh nhạt, rồi vàng ươm. Tuổi thơ tôi chẳng xa lạ gì với các bạn nhỏ chơi chuyền, chơi bóng. Nhưng tôi không thích như thế. Tôi muốn đem những vị ngon ngọt, mát lành nhất đến cho mọi người. Tôi trở thành món quả bổ dưỡng, thức quà ngon sạch cho các vị khách. Và tôi không thể thiếu trong mâm ngũ quả ngày Tết.

5. Đề thi giữa học kì 2 Tiếng Việt lớp 4 số 4

A. Kiểm tra Đọc, Nghe, Nói

I. Đọc thành tiếng (3 điểm)

– Ở mục này, các em có thể đọc một đoạn trích trong bài Tập đọc đã học trong SGK Tiếng Việt 4, tập 2 và trả lời câu hỏi hoặc đọc một đoạn văn thích hợp ở ngoài SGK.

– Đề không trình bày nội dung của phần Đọc thành tiếng.

II. Đọc hiểu và kiến thức tiếng Việt (7 điểm)

Đọc bài sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới :

Cuộc nói chuyện của các đồ dùng học tập

Tôi vốn là đứa con gái chẳng gọn gàng gì. Tự tôi thấy thế vì mỗi lần học xong là bàn học của tôi chẳng khác gì một bãi chiến trường. Nhất là thời tiết lạnh giá này tôi không tài nào chăm chỉ được.

Tối nay vừa chui vào chiếc chăn ấm áp, tôi chợt nghe thấy lời than thở của chị bút mực: “Tôi chẳng biết anh thước, bác tẩy, chị bút chì có thấy khổ không chứ tôi thì bị hành hạ ghê quá. Sinh ra tôi là một cây bút đẹp đẽ, mới mẻ, bọc cẩn thận trong hộp nhựa, mà giờ mặt mũi tôi lúc nào cũng nhem nhuốc, bẩn thỉu. Những mảng da của tôi loang lổ, bong tróc dần. Thỉnh thoảng tôi lại bị ngã xuống nền nhà đau điếng”.

Anh thước kẻ nghe vậy cũng cảm thông:

– Tôi cũng nào có sung sướng hơn chị. Chị nhìn những vạch số của tôi còn thấy rõ nữa không? Cô chủ còn lấy dao vạch vạch những hình quái dị vào người tôi. Tôi còn thường xuyên bị đem ra làm vũ khí để chiến đấu nên người tôi sứt mẻ cả rồi.

Mấy cô cậu sách giáo khoa cũng chen vào: “Phải đấy! Phải đấy! Cô chủ thật là vô tâm, chẳng biết thương chúng ta chút nào. Chúng tôi giúp cô chủ học bài mà còn bị cô chủ vẽ bậy, dập ghim vào đầy người. Đau lắm!”

Những tiếng than vãn, tiếng thút thít, sụt sùi vang lên. Ôi! Các bạn đồ dùng học tập yêu quý của tôi. Tôi đã làm xấu, làm hỏng các bạn nhiều quá!

Em trả lời câu hỏi, làm bài tập theo một trong hai cách sau:

– Khoanh tròn vào chữ cái trước ý trả lời em chọn.

– Viết ý kiến của em vào chỗ trống.

Câu 1. Chị bút mực than vãn về điều gì? (0,5 điểm)

A. Về việc chị bị cô chủ hành hạ.

B. Về việc chị bị những đồ dùng khác bắt nạt.

C. Về việc chị bị cô chủ bỏ đi.

D. Về việc chị bị cô chủ bỏ quên.

Câu 2. Có những ai chung cảnh ngộ với chị bút mực? (0,5 điểm)

A. Anh cục tẩy, chị bút chì.

B. Anh hộp bút, mấy cô cậu vở ô li.

C. Anh bút chì, anh thước kẻ.

D. Anh thước kẻ, mấy cô cậu sách giáo khoa.

Câu 3. Vì sao chúng lại than vãn, thút thít, sụt sùi? (0,5 điểm)

A. Vì chúng phải làm việc cật lực, không có thời gian nghỉ ngơi.

B. Vì chúng giúp cô chủ học bài mà không được cô chủ yêu thương.

C. Vì chúng giúp cô chủ học bài mà cô chủ mãi không tiến bộ.

D. Vì chúng sắp bị cô chủ thay thế bằng những đồ dùng mới.

Câu 4. Cô chủ đã nhận ra điều gì qua cuộc nói chuyện của các đồ dùng học tập? (0,5 điểm)

A. Cô đã làm mất nhiều đồ dùng học tập yêu quý.

B. Cô đã không dành thời gian tâm sự với các đồ dùng để hiểu hơn.

C. Cô đã làm xấu, làm hỏng các bạn đồ dùng học tập yêu quý.

D. Cô đã không để chúng gọn gàng, ngăn nắp mỗi khi học bài xong.

Câu 5. Em thấy mình có những hành động “vô tâm” với đồ dùng học tập như cô chủ trên không? (1,0 điểm)

Câu 6. Qua câu chuyện, em rút ra bài học gì cho bản thân? (1,0 điểm)

Câu 7. Dấu gạch ngang trong trường hợp nào dưới đây dùng để đánh dấu chỗ bắt đầu lời nói của nhân vật trong đối thoại? (0,5 điểm)

A.Các đồ dùng học tập – bút, thước, sách vở là người bạn thân thiết của chúng ta.

B. Chúng ta phải yêu quý đồ dùng học tập bằng những hành động cụ thể:

– Sử dụng cẩn thận, giữ gìn sạch sẽ.

– Sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp.

C. Anh thước kẻ nghe vậy cũng cảm thông:

– Tôi cũng nào có sung sướng hơn chị.

Câu 8. Chọn từ trong ngoặc đơn điền vào chỗ trống: (1,0 điểm)

a) Chúng ta cần sớm phát hiện và bồi dưỡng những … (tài năng, tài hoa) cho đất nước.

b) Người nghệ sĩ ấy đang dùng bàn tay …. (tài hoa, tài trí) của mình để tạo hình cho tác phẩm.

Câu 9. Dùng dấu // tách bộ phận chủ ngữ và bộ phận vị ngữ của câu kể dưới đây: (0,5 điểm)

Mỗi dịp đầu năm học mới, mẹ mua cho em nhiều sách vở và đồ dùng học tập.

Câu 10. Em hãy đặt câu khiến cho các tình huống sau: (1,0 điểm)

a) Em nhờ bạn lấy hộ quyển sách.

b) Em muốn mẹ mua cho một chiếc cặp sách mới

B. Kiểm tra Viết

I. Chính tả nghe – viết (2 điểm)

Chàng Rô-bin-sơn

Rô-bin-sơn Cru-sô là một chàng trai người Anh rất ham mê đi biển. Trong một chuyến đi, tàu của anh gặp một cơn bão khủng khiếp, chỉ mình anh may mắn sống sót. Một mình trơ trọi trên đảo hoang giữa biển khơi, không thức ăn, không vũ khí phòng thân, có thể bị thú dữ ăn thịt vào bất cứ lúc nào. Ban đầu Rô-bin-sơn hoảng sợ. Sau anh trấn tĩnh, chiến thắng nỗi tuyệt vọng, vượt qua hoàn cảnh để sống và trở về.

(Theo TRUYỆN ĐỌC LỚP 4)

II. Tập làm văn (8 điểm)

Hãy tả một đồ vật gắn bó với em.

5.1. Đáp án đề thi giữa học kì 2 Tiếng Việt lớp 4 số 4

A. Kiểm tra Đọc, Nghe, Nói

I. Đọc thành tiếng (3 điểm)

II. Đọc hiểu và kiến thức tiếng Việt (7 điểm)

Câu 1. Chọn câu trả lời A: 0,5 điểm; chọn câu trả lời khác A: 0 điểm

Câu 2. Chọn câu trả lời D: 0,5 điểm; chọn câu trả lời khác D: 0 điểm

Câu 3. Chọn câu trả lời B: 0,5 điểm; chọn câu trả lời khác B: 0 điểm

Câu 4. Chọn câu trả lời C: 0,5 điểm; chọn câu trả lời khác C: 0 điểm

Câu 5. Gợi ý:

Em đã từng có những hành động như cô chủ trên, cũng dùng thước kẻ đánh nhau, cũng khắc, dán, vẽ bậy linh tinh lên đồ dùng,…

Câu 6. Gợi ý:

Đồ dùng học tập là những người bạn trợ giúp đắc lực cho việc học của em.

Em cần giữ gìn chúng cẩn thận, sạch sẽ, sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng hơn.

Câu 7. Chọn câu trả lời C: 0,5 điểm; chọn câu trả lời khác C: 0 điểm

Câu 8. Trả lời đúng: 1,0 điểm (mỗi ý 0,5 điểm); trả lời khác: 0 điểm Gợi ý:

a) Chọn “tài năng”

b) Chọn “tài hoa”

Câu 9.

– Xác định đúng bộ phận chủ ngữ và bộ phận vị ngữ của câu: 0,5 điểm

– Không xác định đúng: 0 điểm.

Gợi ý: Mỗi dịp đầu năm học mới, mẹ // mua cho em nhiều sách vở và đồ dùng học tập.

Câu 10.

– Chuyển được 2 câu kể thành 2 câu khiến: 1,0 điểm

– Chuyển được 1 câu kể thành 1 câu khiến: 0,5 điểm

– Không viết được câu khiến: 0 điểm

Gợi ý:

a) Bạn lấy hộ mình quyển sách với!

b) Mẹ mua cho con chiếc cặp mới nhé!

B. Kiểm tra Viết

I. Chính tả nghe – viết (2 điểm)

IV. Tập làm văn (8 điểm)

Tham khảo:

Bước vào năm học mới, mẹ mua cho em một cây bút chì, trông nó thật xinh xắn dễ thương. Cây bút chì còn thơm mùi gỗ và nước sơn. Nó dài hơn một gang tay, thân bút tròn và to hơn chiếc đũa. Bút chì được sơn màu vàng óng, trên đó nổi bật hàng chữ màu đen: Bút chì Hồng Hà. Đầu bút có cái đai mạ kền sáng bóng bọc lấy một miếng tẩy nhỏ màu xanh nõn chuối. Em quay đầu bên kia lên xem ruột chì thì thấy nó nhỏ, đen, tròn nằm chính giữa bút chì và chạy dọc theo chiều gỗ. Em lấy cái gọt bút chì gọt nhẹ và xoay tròn cây bút, lưỡi dao sắc, những mảnh gỗ mỏng, nhỏ, dài chạy ra để lộ ruột chì đen nhánh. Em cầm bút vẽ thử chú chuột Mickey trên trang giấy trắng. Nét bút đen, đậm nhạt theo nét vẽ hiện dần trông thật đẹp mắt. Không biết từ lúc nào, chiếc bút chì đã trở thành người bạn thân thiết của em, dùng để chữa bài hoặc vẽ. Mỗi khi làm xong, em đều cẩn thận cho bút vào hộp để khỏi bị gãy.

6. Đề thi giữa học kì 2 Tiếng Việt lớp 4 số 5

A. Kiểm tra Đọc, Nghe, Nói

I. Đọc thành tiếng (3 điểm)

– Ở mục này, các em có thể đọc một đoạn trích trong bài Tập đọc đã học trong SGK Tiếng Việt 4, tập 2 và trả lời câu hỏi hoặc đọc một đoạn văn thích hợp ở ngoài SGK.

– Đề không trình bày nội dung của phần Đọc thành tiếng.

II. Đọc hiểu và kiến thức tiếng Việt (7 điểm)

Đọc bài sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:

Con lừa già và người nông dân

Một ngày nọ, con lừa của một ông chủ trang trại xảy chân rơi xuống một cái giếng. Con vật kêu la hàng giờ liền. Người chủ trang trại cố nghĩ xem nên làm gì. Và cuối cùng ông quyết định: con lừa đã già và cái giếng cũng cần được lấp lại và không ích lợi gì khi cứu con lừa lên cả. Thế là ông nhờ vài người hàng xóm sang giúp mình.

Họ xúc đất đổ vào giếng. Ngay từ đầu, con lừa như hiểu được chuyện gì đang xảy ra và nó kêu la thảm thiết. Nhưng sau đó con lừa bỗng trở nên im lặng. Sau một vài xẻng đất, ông chủ trang trại nhìn xuống giếng và ông vô cùng sửng sốt. Mỗi khi bị một xẻng đất đổ lên lưng, lừa lắc mình cho đất rơi xuống và bước chân lên trên. Cứ như vậy, đất đổ xuống, lừa lại bước chân lên cao hơn. Chỉ một lúc sau, mọi người nhìn thấy chú lừa xuất hiện trên miệng giếng và lóc cóc chạy ra ngoài.

(Sưu tầm)

Em trả lời câu hỏi, làm bài tập theo một trong hai cách sau:

– Khoanh tròn vào chữ cái trước ý trả lời em chọn.

– Viết ý kiến của em vào chỗ trống.

Câu 1. Chuyện gì đã xảy ra với chú lừa nhỏ ? (0,5 điểm)

a. Nhảy xuống một cái giếng uống nước.

b. Bị ngã xuống một cái giếng cạn nước khá sâu.

c. Bị đẩy xuống một cái giếng cạn nước khá sâu.

d. Bị rơi xuống một cái giếng sâu đầy nước.

Câu 2. Vì sao người đàn ông quyết định chôn sống chú lừa? (0,5 điểm)

a. Vì ông thấy phải mất nhiều công sức mới kéo chú lừa lên được.

b. Vì ông cần về nhà gấp không có thời gian để kéo chú lừa lên.

c. Vì ông muốn giúp chú lừa được giải thoát nhanh chóng khỏi nỗi tuyệt vọng.

d. Vì ông ta không muốn người khác nghe thấy chú lừa kêu rống.

Câu 3. Lúc đầu chú lừa đã làm gì khi bị ông chủ đổ đất cát xuống? (0,5 điểm)

a. Đứng yên không nhúc nhích

b. Dùng hết sức leo lên

c. Cố sức rũ đất cát xuống

d. Kêu gào thảm thiết

Câu 4. Nhờ đâu chú lừa nhỏ thoát ra khỏi cái giếng? (0,5 điểm)

a. Ông chủ lấy xẻng giúp chú thoát ra.

b. Chú biết rũ sạch đất cát trên người để không bị chôn vùi.

c. Chú giẫm lên chỗ đất cát có sẵn trong giếng để thoát ra.

d. Chú liên tục đứng ngày càng cao hơn trên chỗ cát ông chủ đổ xuống để thoát ra.

Câu 5. Đặt mình vào vai ông chủ, nói lên sự ngạc nhiên, thán phục của mình khi thấy chú lừa nhỏ thoát ra khỏi cái giếng. (1,0 điểm)

Câu 6. Em rút ra được bài học gì từ câu chuyện? (1,0 điểm)

Câu 7. Đặt câu khiến phù hợp với tình huống sau: (1,0 điểm)

Người chủ trang trại nhờ người hàng xóm sang giúp mình lấp cái giếng.

Câu 8. Dùng // tách bộ phận chủ ngữ và bộ phận vị ngữ của câu sau: (0,5 điểm)

Chú lừa lắc mình cho đất rơi xuống và bước chân lên trên.

Câu 9. Dấu gạch ngang trong câu văn dưới đây có tác dụng gì? (0,5 điểm)

Chú lừa đã tự mình thoát khỏi cái giếng – nơi mà chú tưởng như không thể ra được.

a. Đánh dấu phần chú thích.

b. Đánh dấu chỗ bắt đầu lời nói của nhân vật trong đối thoại.

c. Đánh dấu các ý trong một đoạn liệt kê.

d. Đánh dấu từ ngữ được dùng với nghĩa đặc biệt.

Câu 10. Chọn từ trong ngoặc đơn điền vào chỗ trống: (1,0 điểm)

Người nông dân trong câu chuyện nhanh chóng buông xuôi và bỏ cuộc trước khó khăn. Con lừa khôn ngoan, … (anh dũng, dũng cảm, quả cảm) đã dùng chính những xẻng đất muốn vùi lấp nó để tự giúp mình ra khỏi giếng

B. Kiểm tra Viết

I. Chính tả nghe – viết (2 điểm)

Lời khuyên của bố

Con yêu quý của bố, Học quả là khó khăn, gian khổ. Bố muốn con đến trường với lòng hăng say và niềm phấn khởi… Con hãy tưởng tượng nếu phong trào học tập bị ngừng lại thì nhân loại sẽ chìm đắm trong cảnh ngu dốt, trong sự dã man.

Hãy can đảm lên, hỡi người chiến sĩ của đạo quân vĩ đại! Sách vở của con là vũ khí, lớp học của con là chiến trường! Hãy coi sự ngu dốt là thù địch. Bố tin rằng con luôn luôn cố gắng và sẽ không bao giờ là người lính hèn nhát trên mặt trận đầy gian khổ ấy.

(Theo A-mi-xi)

II. Tập làm văn (8 điểm)

Hãy giới thiệu một cảnh đẹp trên đất nước ta mà em biết.

6.1. Đáp án đề thi giữa học kì 2 Tiếng Việt lớp 4 số 5

I. Đọc thành tiếng (3 điểm)

II. Đọc hiểu và kiến thức tiếng Việt (7 điểm)

Câu 1. Chọn câu trả lời b: 0,5 điểm; chọn câu trả lời khác b: 0 điểm

Câu 2. Chọn câu trả lời a: 0,5 điểm; chọn câu trả lời khác a: 0 điểm

Câu 3. Chọn câu trả lời d: 0,5 điểm; chọn câu trả lời khác d: 0 điểm

Câu 4. Chọn câu trả lời d: 0,5 điểm; chọn câu trả lời khác d: 0 điểm

Câu 5. Gợi ý:

Ta đã nhầm khi cố gắng chôn sống chú lừa, nó thật thông minh và bản lĩnh!

Câu 6. Gợi ý:

Khi gặp khó khăn, chúng ta không nên đầu hàng mà phải cố gắng để vượt qua.

Câu 7.

– Đặt được câu theo yêu cầu: 1,0 điểm

– Đặt được câu theo yêu cầu nhưng dùng từ chưa chính xác: 0,5 điểm

– Không đặt được câu: 0 điểm

Gợi ý: Bác hãy sang giúp tôi lấp cái giếng.

Câu 8. Trả lời đúng: 0,5 điểm; trả lời khác: 0 điểm

Gợi ý: Chú lừa // lắc mình cho đất rơi xuống và bước chân lên trên.

Câu 9. Chọn câu trả lời a: 0,5 điểm; chọn câu trả lời khác a: 0 điểm

Câu 10. Trả lời đúng: 0,5 điểm; trả lời khác: 0 điểm Gợi ý: chọn từ “dũng cảm”

B. Kiểm tra Viết

I. Chính tả nghe – viết (2 điểm)

II. Tập làm văn (8 điểm)

Tham khảo:

Kì nghỉ hè vừa rồi lớp em vinh dự được nhà trường cho đi viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thủ đô Hà Nội. Đây là lần đầu tiên em được đến Hà Nội và vào thăm lăng Bác. Em vô cùng thích thú và tự hào.

Lăng Bác nằm giữa quảng trường Ba Đình,nổi bật với dòng chữ“Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Quanh bốn mặt là những hàng cột vuông bằng đá. Trong lăng là phòng lưu giữ thi hài Chủ tịch. Trước cửa lăng là quảng trường Ba Đình lịch sử được trang trí những ô cỏ xanh tươi. Bên cạnh lăng là bảo tàng, nhà sàn, hồ cá, vườn cây, rặng dừa, những hàng rào râm bụt,… Trong khu vườn rộng sau Phủ Chủ tịch, có một con đường hẹp trải sỏi, hai bên trồng xoài dẫn tới một ngôi nhà sàn nhỏ nhắn, bình dị. Nhà được bao quanh bởi hàng rào râm bụt, cổng vào kết bằng cành cây đan xen nhau. Đó là ngôi nhà Bác Hồ đã ở và làm việc. Tầng dưới nhà sàn là nơi Bác thường họp với Bộ Chính trị. Tầng trên là hai phòng nhỏ, một phòng Bác làm việc và một phòng ngủ với những vật dụng đơn sơ, giản dị. Trước nhà là ao cá Bác nuôi, bên bờ ao là các loài hoa phong lan nở hoa quanh năm. Sau nhà là vườn quả với hàng trăm loài cây quý do các địa phương đưa về trồng. Hàng năm nhân dân cả nước về thủ đô viếng Bác rất đông.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một di tích lịch sử mà còn là danh lam thắng cảnh của đất nước ta. Mọi người vào thăm lăng Bác để tỏ lòng tôn kính với vị cha già dân tộc.

Mời bạn đọc cùng tham khảo thêm tại mục giáo dục đào tạo trong mục biểu mẫu nhé.

0 ( 0 bình chọn )

Thi Quốc Gia Thi THPT Quốc Gia 2021 của nhà xuất bản Giáo Dục Việt nam

https://thiquocgia.vn
Tổng hợp tài liệu ôn thi THPT Quốc Gia 2020 - 2021, Thi tốt nghiệp, Tài liệu luyện thi

Bài viết liên quan

Kết nối với chúng tôi

Sự kiện nổi bật

thi sinh lo lang vi de thi lich su kho nhieu kien thuc lop 11

Thứ 5

23/02/2021 08:00

Xem nhiều

Chủ đề

Bài viết mới

Xem thêm