Hành chínhHỏi đáp pháp luật

Quy trình kiểm tra giám sát Đảng viên, chi bộ Đảng

Các bước kiểm tra Đảng viên
92

Các bước kiểm tra Đảng viên

Hoatieu.vn xin gửi tới bạn đọc bài viết quy trình thực hiện kiểm tra giám sát Đảng viên để bạn đọc cùng tham khảo. Bài viết nêu rõ các bước tiến hành thực hiện kiểm tra, giám sát Đảng viên. Mời bạn đọc cùng tham khảo chi tiết quy trình thực hiện kiểm tra giám sát Đảng viên tại đây.

1. Quy trình Kiểm tra chuyên đề của cấp ủy, chi bộ cơ sở

Quy trình kiểm tra chuyên đề của đảng ủy (đảng ủy cơ sở, đảng ủy bộ phận)

I- Bước chuẩn bị

Đảng ủy cơ sở căn cứ yêu cầu và tình hình cụ thể lựa chọn nội dung, đối tượng cần kiểm tra. Có thể kiểm tra một hoặc một số tổ chức đảng trực thuộc, một số đảng viên hoặc tất cả đảng viên trong tổ chức đảng, giao cấp uỷ viên chủ trì, phụ trách cuộc kiểm tra, ra quyết định, thành lập tổ (đoàn) kiểm tra (gọi chung là đoàn kiểm tra). Lập kế hoạch kiểm tra, đề cương xây dựng báo cáo (nêu rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, đối tượng, thời gian, phương pháp tiến hành kiểm tra…) và thông báo quyết định, kế hoạch kiểm tra đối với chi bộ (chi ủy), đảng ủy bộ phận hoặc đảng viên được kiểm tra để chuẩn bị nội dung báo cáo. Yêu cầu phối hợp thực hiện kiểm tra và cung cấp tài liệu cần thiết cho việc kiểm tra.

II- Bước tiến hành

1- Đoàn kiểm tra tiến hành thẩm tra, xác minh: nhận và nghiên cứu báo cáo tự kiểm tra của tổ chức đảng, đảng viên được kiểm tra; thu thập tài liệu, nghiên cứu hồ sơ; làm việc với tổ chức, cá nhân có liên quan.

2- Tổ chức Hội nghị chi bộ (đảng ủy bộ phận) có đoàn kiểm tra tham dự; nghe chi bộ (đảng ủy bộ phận) hoặc đảng viên được kiểm tra báo cáo; đoàn kiểm tra thông báo kết quả thẩm tra, xác minh bằng văn bản; hội nghị thảo luận, kết luận và đề nghị.

3- Đoàn kiểm tra hoàn chỉnh báo cáo kết quả kiểm tra; trao đổi với tổ chức đảng hoặc đảng viên được kiểm tra về kết quả kiểm tra trước khi báo cáo đảng ủy cơ sở xem xét, kết luận.

III- Bước kết thúc

1- Đảng ủy cơ sở xem xét, kết luận:

Đoàn kiểm tra báo cáo kết quả kiểm tra với đảng ủy cơ sở (nêu đầy đủ ý kiến của tổ chức đảng và đảng viên được kiểm tra).

Đảng ủy cơ sở xem xét, kết luận, yêu cầu tổ chức đảng, đảng viên được kiểm tra về những vấn đề cần tiếp tục giải quyết (nếu có).

2- Đoàn kiểm tra hoàn chỉnh Thông báo kết luận kiểm tra và những yêu cầu khác (nếu có) trình đảng ủy cơ sở ký ban hành.

3- Đoàn kiểm tra thực hiện thông báo kết luận kiểm tra của đảng uỷ cơ sở đến tổ chức đảng và đảng viên được kiểm tra, phân công theo dõi việc thực hiện kết luận.

4- Lập và lưu trữ hồ sơ. Hồ sơ gồm có:

+ Quyết định kiểm tra, thành lập đoàn kiểm tra kèm theo danh sách thành viên.

+ Kế hoạch kiểm tra kèm theo đề cương hướng dẫn xây dựng báo cáo, lịch kiểm tra.

+ Biên bản làm việc.

+ Báo cáo kết quả thực hiện nội dung kiểm tra của chi bộ (đảng uỷ bộ phận), hoặc đảng viên.

+ Báo cáo của Đoàn kiểm tra, Thông báo kết luận kiểm tra của đảng uỷ.

+ Các tài liệu có liên quan theo kế hoạch.

Quy trình kiểm tra chuyên đề của chi bộ (chi bộ cơ sở, chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở, đảng uỷ bộ phận)

I Bước chuẩn bị

1- Chi bộ giao cấp uỷ viên chủ trì, phụ trách cuộc kiểm tra, ra quyết định, thành lập tổ kiểm tra, ban hành kế hoạch, thời gian kiểm tra. Tổ kiểm tra phân công nhiệm vụ cho các thành viên, chuẩn bị văn bản, tài liệu phục vụ kiểm tra.

2- Chi bộ thông báo đề cương nội dung kiểm tra và yêu cầu đảng viên được kiểm tra chuẩn bị báo cáo kết quả thực hiện nội dung kiểm tra (Tổ kiểm tra giúp đảng viên được kiểm tra chuẩn bị).

II Bước tiến hành

1- Tổ kiểm tra thu thập tài liệu, nghiên cứu, nghe đảng viên được kiểm tra trình bày báo cáo, tiến hành thẩm tra, xác minh, hoàn thiện báo cáo kết quả thẩm tra, xác minh.

2- Tổ chức hội nghị chi bộ: Tổ kiểm tra trình bày báo cáo kết quả thẩm tra, xác minh bằng văn bản; chi bộ thảo luận, phân tích và kết luận ưu điểm, khuyết điểm về nội dung kiểm tra. Trường hợp đảng viên có vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật, chi bộ chủ động xem xét, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

III Bước kết thúc

1- Tổ kiểm tra hoàn chỉnh báo cáo và thông báo kết luận kiểm tra trình chi ủy hoặc bí thư chi bộ (đối với chi bộ không có chi ủy) ký gửi đảng viên được kiểm tra và báo cáo tổ chức đảng cấp trên.

2- Chi bộ phân công chi ủy viên theo dõi đảng viên được kiểm tra chấp hành thông báo kết luận kiểm tra, báo cáo với chi bộ.

3- Lập và lưu trữ hồ sơ. Hồ sơ gồm có:

+ Quyết định kiểm tra, thành lập tổ kiểm tra kèm theo danh sách thành viên.

+ Kế hoạch kiểm tra kèm theo đề cương hướng dẫn xây dựng báo cáo, lịch kiểm tra.

+ Biên bản làm việc.

+ Báo cáo kết quả thực hiện nội dung kiểm tra của đảng viên.

+ Báo cáo của Tổ kiểm tra, Thông báo kết luận kiểm tra của chi bộ.

+ Các tài liệu có liên quan theo kế hoạch.

2. Quy trình giám sát chuyên đề của cấp ủy cơ sở

Quy trình giám sát chuyên đề của đảng ủy (đảng ủy cơ sở, đảng ủy bộ phận)

I- Bước chuẩn bị

Căn cứ chương trình kiểm tra, giám sát năm hoặc nhiệm vụ đột xuất, đảng ủy giao cấp uỷ viên chủ trì, phụ trách tham mưu ban hành quyết định, kế hoạch, thành lập đoàn, xây dựng đề cương báo cáo, lịch giám sát, thông báo cho tổ chức đảng, đảng viên được giám sát, yêu cầu đối tượng giám sát làm báo cáo theo đề cương và gửi báo cáo cùng các tài liệu liên quan.

II- Bước tiến hành

1- Đoàn giám sát phân công nhiệm vụ cho các thành viên, nghiên cứu hồ sơ tài liệu, tổng hợp xây dựng dự thảo báo cáo kết quả giám sát.

2- Đảng uỷ yêu cầu tổ chức đảng được giám sát (cấp ủy, chi bộ) hoặc tổ chức đảng có đảng viên được giám sát tổ chức và chủ trì hội nghị, ghi biên bản, cụ thể:

+ Nội dung: tổ chức đảng, đảng viên được giám sát báo cáo; đoàn giám sát thông qua dự thảo báo cáo kết quả giám sát, trao đổi, làm rõ các nội dung giám sát; hội nghị thảo luận, góp ý, nhận xét về kết quả giám sát.

+ Thành phần: Đoàn giám sát, các thành viên của tổ chức đảng được giám sát hoặc tổ chức đảng có đảng viên được giám sát; đảng viên được giám sát; tổ chức, cá nhân có liên quan (Tùy nội dung, đối tượng giám sát, trưởng đoàn giám sát quyết định thành phần dự hội nghị).

III- Bước kết thúc

1- Đoàn giám sát báo cáo với đảng ủy cơ sở về kết quả giám sát; đảng uỷ thảo luận, thống nhất và ra thông báo kết quả giám sát; nếu có dấu hiệu vi phạm thì đoàn giám sát báo cáo đảng ủy cơ sở xem xét, chuyển cho tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, quyết định.

2- Đại diện đảng ủy cơ sở thông báo kết quả giám sát bằng văn bản cho đảng viên, tổ chức đảng được giám sát và các tổ chức, cá nhân có liên quan để chấp hành. Phân công theo dõi, đôn đốc việc thực hiện.

3- Lập và lưu trữ hồ sơ. Hồ sơ gồm có:

+ Quyết định giám sát, thành lập đoàn giám sát.

+ Kế hoạch giám sát kèm theo đề cương hướng dẫn xây dựng báo cáo, lịch giám sát.

+ Biên bản làm việc.

+ Báo cáo kết quả thực hiện nội dung giám sát của chi bộ, đảng viên.

+ Báo cáo kết quả giám sát của đoàn giám sát; thông báo kết quả giám sát của đảng uỷ.

+ Các tài liệu có liên quan theo kế hoạch.

Quy trình giám sát chuyên đề của chi bộ (chi bộ cơ sở, chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở, đảng uỷ bộ phận)

I- Bước chuẩn bị

Chi bộ giao chi uỷ viên chủ trì, phụ trách cuộc giám sát, quyết định lập tổ giám sát và kế hoạch, thời gian giám sát. Tổ giám sát phân công nhiệm vụ cho các thành viên, chuẩn bị tài liệu phục vụ việc giám sát. Gửi đề cương yêu cầu đảng viên được giám sát chuẩn bị báo cáo kết quả thực hiện nội dung giám sát và cung cấp tài liệu liên quan cho tổ giám sát.

II- Bước tiến hành

1- Tổ giám sát làm việc với đảng viên được giám sát; nhận tài liệu; nghe đảng viên được giám sát báo cáo; làm việc với tổ chức và cá nhân có liên quan (nếu cần); chuẩn bị dự thảo báo cáo kết quả giám sát.

2- Tổ chức hội nghị chi bộ: Tổ giám sát trình bày dự thảo báo cáo kết quả giám sát; chi bộ thảo luận, phân tích và kết luận ưu điểm, khuyết điểm về nội dung giám sát.

III- Bước kết thúc

1- Tổ giám sát hoàn chỉnh báo cáo và thông báo kết quả giám sát trình chi ủy hoặc bí thư chi bộ (đối với chi bộ không có chi ủy) ký gửi đảng viên được giám sát và báo cáo tổ chức đảng cấp trên.

2- Chi bộ phân công chi ủy viên theo dõi đảng viên được giám sát chấp hành thông báo kết quả giám sát, báo cáo với chi bộ.

3- Lập và lưu trữ hồ sơ. Hồ sơ gồm có:

+ Quyết định giám sát, thành lập tổ giám sát kèm theo danh sách thành viên.

+ Kế hoạch giám sát kèm theo đề cương hướng dẫn xây dựng báo cáo, lịch giám sát.

+ Biên bản làm việc.

+ Báo cáo kết quả thực hiện nội dung giám sát của đảng viên.

+ Báo cáo kết quả giám sát của Tổ giám sát; Thông báo kết quả giám sát của chi bộ.

+ Các tài liệu có liên quan theo kế hoạch.

3. Quy trình Kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị và các nguyên tắc tổ chức của Đảng

I Bước chuẩn bị

1- Các đồng chí cán bộ, uỷ viên ủy ban kiểm tra đảng ủy chủ động nắm tình hình, phát hiện dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng cấp dưới (hoặc đảng viên trong tổ chức đảng có vi phạm liên quan). Thông tin về dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên phản ánh trực tiếp với UBKT đảng ủy.

2- Trên cơ sở dấu hiệu vi phạm được phát hiện và căn cứ nhiệm vụ, thẩm quyền theo Điều lệ Đảng quy định, UBKT đảng ủy phân tích, lựa chọn, quyết định nội dung, đối tượng kiểm tra, mốc thời gian và phương pháp tiến hành kiểm tra, thành lập đoàn hoặc tổ kiểm tra. Tổ kiểm tra dự thảo quyết định, kế hoạch kiểm tra trình UBKT đảng uỷ phê duyệt (Nếu có sự kết hợp kiểm tra cá nhân đảng viên có liên quan đến nội dung kiểm tra thì cần ghi vào trong kế hoạch). Đại diện UBKT đảng ủy cùng tổ kiểm tra trao đổi với đại diện tổ chức đảng quản lý tổ chức đảng, đảng viên được kiểm tra về nội dung kiểm tra (nếu thấy cần thiết).

3- Tổ kiểm tra xây dựng lịch kiểm tra. Xác định các nội dung công việc phải tiến hành trong suốt cuộc kiểm tra, kể cả những nội dung thẩm tra, xác minh, trưng cầu, giám định chuyên môn, kỹ thuật (nếu có) và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong tổ; chuẩn bị các văn bản tài liệu cần thiết, thu thập, nghiên cứu những nghị quyết chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến nội dung kiểm tra; xây dựng đề cương gợi ý nội dung báo cáo giải trình và các tài liệu cần thiết theo yêu cầu cho đối tượng kiểm tra chuẩn bị.

4- Tổ kiểm tra trao đổi, thông báo bằng văn bản quyết định, kế hoạch kiểm tra cho đối tượng kiểm tra để thống nhất cách tiến hành, sự phối hợp kiểm tra.

IIBước tiến hành

1- Tổ kiểm tra thu thập tài liệu, chứng cứ, gặp các tổ chức đảng và đảng viên có liên quan; nhận báo cáo giải trình của tổ chức đảng, đảng viên được kiểm tra; nghiên cứu tài liệu, hồ sơ, xây dựng báo cáo kết quả thẩm tra, xác minh. Qua thẩm tra, xác minh, nếu thấy cần bổ sung nội dung kiểm tra, giám định kỹ thuật, chuyên môn hoặc thấy tổ chức đảng, đảng viên được kiểm tra có khuyết điểm, vi phạm đã rõ cần yêu cầu tổ chức đảng, đảng viên đó tự kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật thì tổ kiểm tra báo cáo UBKT đảng ủy quyết định; gặp đại diện tổ chức đảng và đảng viên được kiểm tra trao đổi những nội dung cần bổ sung, làm rõ và gợi ý tự nhận hình thức kỷ luật (nếu có).

2- Đề nghị cấp uỷ quản lý đối tượng kiểm tra tổ chức hội nghị

+ Thành phần: Tổ kiểm tra, các thành viên của tổ chức đảng và đảng viên được kiểm tra, đại diện đảng uỷ, ủy ban kiểm tra. Có thể mời đại diện cấp trên của tổ chức đảng kiểm tra hoặc thành phần khác dự họp.

+ Nội dung: Nghe tổ chức đảng, đảng viên được kiểm tra báo cáo giải trình; Tổ kiểm tra thông báo kết quả thẩm tra, xác minh (bằng văn bản); hội nghị thảo luận đóng góp ý kiến, nhận xét làm rõ ưu điểm, khuyết điểm, kết luận và đề nghị; nếu tổ chức đảng và đảng viên có vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì tiến hành quy trình thi hành kỷ luật.

3- Tổ kiểm tra tiếp tục thẩm tra, xác minh những nội dung chưa rõ; thông báo cho tổ chức đảng và đảng viên được kiểm tra kết quả thẩm tra, xác minh bổ sung nếu có (có biên bản các cuộc làm việc đó).

4- Tổ kiểm tra viết dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra; trao đổi dự kiến kết luận với đối tượng kiểm tra. Nếu còn có ý kiến khác nhau thì báo cáo UBKT đảng uỷ xem xét, kết luận. Trường hợp tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì tổ kiểm tra gặp để nghe tổ chức đảng đó trình bày ý kiến trước khi báo cáo UBKT đảng uỷ.

III Bước kết thúc

1- Tổ kiểm tra hoàn chỉnh báo cáo kết quả kiểm tra trình UBKT đảng uỷ.

2- Tập thể UBKT đảng uỷ thảo luận, kết luận nội dung, ưu điểm, khuyết điểm, vi phạm (nếu có) và đề xuất của tổ kiểm tra (Tổ kiểm tra trình bày đầy đủ ý kiến của tổ chức đảng, đảng viên được kiểm tra không đồng ý hoặc khác với tổ kiểm tra); kiến nghị những vấn đề cần xem xét, giải quyết; đề nghị đảng uỷ hoặc tổ chức đảng có thẩm quyền thi hành kỷ luật đối với tổ chức đảng, đảng viên vi phạm (đến mức phải xử lý).

3- UBKT đảng ủy hoàn chỉnh, ký thông báo kết luận kiểm tra, trình đảng uỷ ký quyết định kỷ luật hoặc báo cáo đề nghị cấp có thẩm quyền thi hành kỷ luật (nếu có).

4- Đại diện UBKT đảng uỷ thông báo kết luận bằng văn bản và công bố quyết định kỷ luật (nếu có) đến tổ chức đảng, đảng viên được kiểm tra; đồng thời báo cáo cấp ủy cấp trên.

5- Rút kinh nghiệm cuộc kiểm tra. Phân công cán bộ theo dõi, đôn đốc chấp hành kết luận, quyết định.

6- Lập hồ sơ lưu trữ. Hồ sơ kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm gồm có:

+ Quyết định và kế hoạch kiểm tra.

+ Biên bản các hội nghị liên quan nội dung kiểm tra.

+ Bản giải trình hoặc kiểm điểm của tổ chức đảng, đảng viên được kiểm tra.

+ Các tài liệu thẩm tra, xác minh

+ Báo cáo kết quả kiểm tra của tổ kiểm tra.

+ Thông báo kết luận của UBKT đảng uỷ kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm.

+ Hồ sơ kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên (nếu có).

4. Quy trình kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm tiêu chuẩn đảng viên, tiêu chuẩn cấp uỷ viên và trong việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên

I Bước chuẩn bị

UBKT đảng uỷ cở sở có nhiệm vụ kiểm tra các đảng viên trong đảng bộ khi có dấu hiệu vi phạm, trước hết là cấp uỷ viên cùng cấp, đảng viên là cán bộ do đảng uỷ quản lý. Trường hợp đảng viên có dấu hiệu vi phạm là cán bộ thuộc diện cấp uỷ cấp trên quản lý thì UBKT đảng uỷ cơ sở đề nghị UBKT cấp trên tiến hành, có sự phối hợp với đảng uỷ và UBKT đảng uỷ cơ sở; trường hợp đảng viên được kiểm tra là ủy viên thường vụ đảng uỷ cơ sở thì do UBKT đảng uỷ cơ sở chủ trì kiểm tra, có sự chỉ đạo, giúp đỡ của UBKT cấp trên.

II Bước tiến hành

1- Sau khi khảo sát nắm tình hình, UBKT đảng uỷ cơ sở ra quyết định kiểm tra đảng viên có dấu hiệu vi phạm và thành lập tổ kiểm tra, có danh sách các thành viên của tổ kiểm tra kèm theo. Tổ kiểm tra có trách nhiệm nghiên cứu và xây dựng kế hoạch kiểm tra. Kế hoạch kiểm tra phải xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, đối tượng, mốc thời gian và thời gian kiểm tra. Thông báo tóm tắt nội dung kiểm tra cho đảng viên được kiểm tra và cấp uỷ, chi bộ quản lý đảng viên đó.

2- Tổ kiểm tra gặp và trao đổi thống nhất với cấp uỷ, chi bộ (quản lý đảng viên) về kế hoạch và cách tiến hành kiểm tra. Hướng dẫn đảng viên được kiểm tra chuẩn bị báo cáo giải trình nội dung kiểm tra bằng văn bản. Thu thập tài liệu có liên quan đến nội dung kiểm tra; tiến hành kiểm tra.

3- Đảng viên (đối tượng kiểm tra) báo cáo giải trình trước chi bộ về nội dung kiểm tra. Trường hợp đối tượng kiểm tra là đảng uỷ viên của đảng uỷ bộ phận hoặc là cán bộ thuộc diện đảng uỷ quản lý, sau khi trình bày ở chi bộ có phải trình bày ở đảng uỷ bộ phận (nếu có) nữa hay không, do UBKT đảng uỷ cơ sở quyết định. Tại hội nghị chi bộ hoặc đảng uỷ bộ phận (nếu có), tổ kiểm tra bổ sung, gợi ý những vấn đề để chi bộ, đảng uỷ xem xét. Hội nghị chi bộ hoặc đảng uỷ bộ phận (nếu có) có trách nhiệm góp ý làm rõ đúng, sai. Trường hợp kết luận có vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì chi bộ hoặc đảng uỷ bộ phận biểu quyết đề nghị cấp uỷ có thẩm quyền thi hành kỷ luật.

Nếu thấy kết luận của tổ chức đảng là đủ và đúng thì tổ kiểm tra chấp thuận; nếu thấy có nội dung chưa rõ thì tổ kiểm tra tiếp tục thẩm tra, xác minh.

4- Tổ kiểm tra trao đổi với đối tượng kiểm tra và tổ chức đảng quản lý đối tượng đó dự kiến kết luận của Tổ kiểm tra. Trường hợp đảng viên có vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì đại diện đảng uỷ cơ sở gặp để nghe đảng viên trình bày ý kiến trước khi báo cáo đảng uỷ xem xét, quyết định.

III Bước kết thúc

1- Tổ kiểm tra báo cáo kết quả kiểm tra với UBKT đảng uỷ cơ sở để xem xét, kết luận. Trường hợp đảng uỷ là chủ thể kiểm tra thì UBKT giúp đảng uỷ kết luận. UBKT báo cáo đảng uỷ cơ sở xem xét, quyết định hoặc đề nghị cấp trên quyết định thi hành kỷ luật đối với đảng viên (nếu có); thông báo kết luận kiểm tra và công bố quyết định thi hành kỷ luật; báo cáo kết quả kiểm tra với UBKT cấp trên. Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện thông báo kết luận kiểm tra và quyết định kỷ luật.

2- Lập và lưu trữ hồ sơ. Hồ sơ kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm gồm có:

+ Quyết định và kế hoạch kiểm tra.

+ Biên bản các hội nghị liên quan nội dung kiểm tra.

+ Bản giải trình hoặc kiểm điểm của đảng viên được kiểm tra.

+ Các tài liệu thẩm tra, xác minh.

+ Báo cáo kết quả kiểm tra của tổ kiểm tra.

+ Thông báo kết luận của UBKT đảng uỷ kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm.

+ Hồ sơ kỷ luật đảng viên (nếu có).

5. Quy trình kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát

I Bước chuẩn bị

1– UBKT đảng uỷ cơ sở có nhiệm vụ định kỳ hằng năm kiểm tra các chi uỷ, chi bộ, đảng bộ bộ phận (nếu có) trực thuộc trong đảng bộ, nhưng trước hết cần kiểm tra tổ chức đảng chưa làm tốt hoặc có khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát.

2- UBKT đảng ủy quyết định chủ trương kiểm tra, ban hành quyết định kiểm tra và thành lập Tổ kiểm tra. Tổ kiểm tra lập kế hoạch kiểm tra, xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, đối tượng, mốc thời gian và thời gian kiểm tra, lập tổ và phân công cán bộ kiểm tra. Thông báo bằng văn bản kế hoạch kiểm tra cho đối tượng kiểm tra, gợi ý những nội dung cần báo cáo, những tài liệu cần chuẩn bị.

II Bước tiến hành

Tổ kiểm tra trao đổi, thống nhất kế hoạch và cách tiến hành kiểm tra với đối tượng kiểm tra. Thu thập, nghiên cứu tài liệu có liên quan đến nội dung kiểm tra. Tổ chức đảng được kiểm tra tổ chức hội nghị để báo cáo nội dung kiểm tra. Tổ kiểm tra bổ sung, gợi ý những vấn đề cần làm rõ qua thẩm tra, xác minh để thảo luận và kết luận đúng ưu điểm, khuyết điểm, khó khăn, thuận lợi…trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát.

III Bước kết thúc

1– Tổ kiểm tra báo cáo kết quả kiểm tra để UBKT xem xét, kết luận.

2- Thông báo kết luận bằng văn bản cho đối tượng kiểm tra. Đồng thời, báo cáo đảng uỷ cơ sở và UBKT cấp trên. Theo dõi, đôn đốc đối tượng kiểm tra thực hiện những kiến nghị của UBKT.

3– Lập và lưu trữ hồ sơ. Hồ sơ gồm có:

+ Quyết định kiểm tra, thành lập tổ kiểm tra.

+ Kế hoạch kèm theo đề cương hướng dẫn xây dựng báo cáo, lịch kiểm tra.

+ Biên bản làm việc.

+ Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của chi bộ, đảng bộ bộ phận (nếu có).

+ Báo cáo kết quả kiểm tra của tổ kiểm tra, Thông báo kết luận kiểm tra của UBKT đảng uỷ cơ sở.

+ Các tài liệu có liên quan nội dung kiểm tra của đối tượng được kiểm tra.

6. Quy trình Kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới thực hiện thi hành kỷ luật trong Đảng

I Bước chuẩn bị

1- Căn cứ kế hoạch kiểm tra hàng năm, qua khảo sát nắm tình hình, UBKT đảng ủy quyết định chủ trương kiểm tra, ban hành quyết định kiểm tra và thành lập Tổ kiểm tra.

2- Tổ kiểm tra được phân công trao đổi với đại diện tổ chức đảng được kiểm tra về chủ trương kiểm tra và dự kiến kế hoạch kiểm tra.

3- Tổ kiểm tra báo cáo với UBKT đảng ủy về kết quả trao đổi với đại diện tổ chức đảng được kiểm tra; ban hành kế hoạch kiểm tra (gồm cả nội dung gợi ý để tổ chức đảng được kiểm tra báo cáo).

4- Tổ kiểm tra xây dựng lịch trình kiểm tra và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên.

II Bước tiến hành

1- Tổ kiểm tra làm việc với tổ chức đảng được kiểm tra để thông báo quyết định, danh sách tổ kiểm tra, kế hoạch kiểm tra; thống nhất lịch trình tiến hành; gợi ý chuẩn bị báo cáo bằng văn bản về nội dung kiểm tra; yêu cầu cung cấp tài liệu và cử cán bộ phối hợp kiểm tra.

2- Tổ kiểm tra nhận và nghiên cứu báo cáo của tổ chức đảng được kiểm tra, nghe đại diện tổ chức đảng được kiểm tra báo cáo trực tiếp và trao đổi về những nội dung cần bổ sung vào báo cáo (nếu có); thu thập, nghiên cứu, thẩm tra, xác minh tài liệu; nghiên cứu các hồ sơ kỷ luật đảng viên, hồ sơ giải quyết khiếu nại và giải quyết tố cáo đối với đảng viên; gặp các tổ chức đảng và đảng viên có liên quan.

3- Tổ chức hội nghị

+ Nội dung: Tổ kiểm tra thông báo kết quả thẩm tra, xác minh (bằng văn bản); gợi ý xem xét những vụ kỷ luật có dấu hiệu xử lý không đúng mức hoặc những vụ vi phạm đáng xử lý mà không xử lý để hội nghị thảo luận, đóng góp ý kiến nhận xét và đề nghị.

+ Thành phần: UBKT đảng ủy cơ sở; chi ủy chi bộ được kiểm tra. Tùy nội dung, yêu cầu, tổ kiểm tra có thể mời các thành phần khác dự.

4- Tổ kiểm tra tiếp tục thẩm tra, xác minh những nội dung chưa rõ; chuẩn bị báo cáo kết quả kiểm tra; trao đổi với đại diện tổ chức đảng được kiểm tra về kết quả thẩm tra, xác minh bổ sung.

5- Tổ kiểm tra hoàn chỉnh báo cáo kết quả kiểm tra. Trường hợp có vi phạm đến mức phải xử lý nhưng cấp dưới không xử lý hoặc xử lý chưa đúng mức, thì đại diện UBKT đảng ủy cùng tổ kiểm tra gặp để nghe tổ chức đảng cấp dưới hoặc đảng viên có vi phạm trình bày ý kiến trước khi trình UBKT đảng ủy xem xét, quyết định.

III Bước kết thúc

1- UBKT đảng ủy xem xét, kết luận

+ Tổ kiểm tra báo cáo kết quả kiểm tra với UBKT đảng ủy; trình bày đầy đủ những ý kiến của tổ chức đảng được kiểm tra không đồng ý hoặc khác với tổ kiểm tra (nếu có).

+ UBKT đảng ủy thảo luận và kết luận (về ưu điểm, khuyết điểm hoặc có vi phạm); những vấn đề yêu cầu tổ chức đảng cấp dưới thực hiện (về kỷ luật, giải quyết khiếu nại kỷ luật); tham mưu cho đảng uỷ cơ sở xem xét, quyết định hoặc đề nghị tổ chức đảng có thẩm quyền xử lý hoặc thay đổi, xóa bỏ hình thức kỷ luật đã quyết định đối với những trường hợp vi phạm mà tổ chức đảng được kiểm tra không xử lý hoặc xử lý không đúng mức. Trường hợp cần thiết thì yêu cầu kiểm điểm làm rõ trách nhiệm.

2- Hoàn chỉnh kết luận kiểm tra, đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định thay đổi, xóa bỏ hình thức kỷ luật, thi hành kỷ luật (nếu có) trình UBKT đảng ủy ký ban hành.

3- Đại diện UBKT đảng ủy thông báo kết luận kiểm tra và tham mưu công bố quyết định thay đổi, xóa bỏ hình thức kỷ luật hoặc thi hành kỷ luật (nếu có) đến tổ chức đảng được kiểm tra và đảng viên có liên quan để chấp hành.

4- Họp rút kinh nghiệm cuộc kiểm tra, phân công theo dõi, đôn đốc tổ chức đảng được kiểm tra việc chấp hành kết luận và các quyết định kiểm tra.

5- Lập hồ sơ lưu trữ gồm:

+ Quyết định, kế hoạch, đề cương kiểm tra.

+ Biên bản các hội nghị liên quan.

+ Các tài liệu thẩm tra, xác minh.

+ Báo cáo kết quả thực hiện thi hành kỷ luật của chi, đảng bộ được kiểm tra.

+ Báo cáo kết quả kiểm tra cuả tổ kiểm tra.

+ Thông báo kết luận kiểm tra của UBKT đảng ủy.

+ Các quyết định thay đổi, xóa bỏ hình thức kỷ luật, thi hành kỷ luật (nếu có).

7. Quy trình Giám sát chuyên đề của ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở

I- Bước chuẩn bị

Căn cứ chương trình kiểm tra, giám sát năm hoặc nhiệm vụ đột xuất, ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở giao uỷ viên ủy ban kiểm tra chủ trì, phụ trách tham mưu ban hành quyết định, kế hoạch, thành lập tổ, xây dựng đề cương báo cáo, lịch giám sát, thông báo cho tổ chức đảng, đảng viên được giám sát, yêu cầu đối tượng giám sát làm báo cáo theo đề cương và gửi báo cáo cùng các tài liệu liên quan.

II- Bước tiến hành

1- Tổ giám sát phân công nhiệm vụ cho các thành viên, nghiên cứu hồ sơ tài liệu, tổng hợp xây dựng dự thảo báo cáo kết quả giám sát.

2- Ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở yêu cầu tổ chức đảng được giám sát (cấp ủy, chi bộ) hoặc tổ chức đảng có đảng viên được giám sát tổ chức và chủ trì hội nghị, ghi biên bản, cụ thể:

+ Nội dung: tổ chức đảng, đảng viên được giám sát báo cáo; tổ giám sát thông qua dự thảo báo cáo kết quả giám sát, trao đổi, làm rõ các nội dung giám sát; hội nghị thảo luận, góp ý, nhận xét về kết quả giám sát.

+ Thành phần: Tổ giám sát, các thành viên của tổ chức đảng được giám sát hoặc tổ chức đảng có đảng viên được giám sát; đảng viên được giám sát; tổ chức, cá nhân có liên quan.

III- Bước kết thúc

1- Tổ giám sát báo cáo với ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở về kết quả giám sát; Ủy ban Kiểm tra đảng ủy thảo luận, thống nhất và ra thông báo kết quả giám sát; nếu có dấu hiệu vi phạm thì tổ giám sát báo cáo ủy ban kiểm tra đảng ủy xem xét hoặc chuyển cho tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, quyết định.

2- Đại diện ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở thông báo kết quả giám sát bằng văn bản cho đảng viên, tổ chức đảng được giám sát và các tổ chức, cá nhân có liên quan để chấp hành. Phân công theo dõi, đôn đốc việc thực hiện.

3- Lập và lưu trữ hồ sơ. Hồ sơ gồm có:

+ Quyết định giám sát, thành lập tổ giám sát.

+ Kế hoạch giám sát kèm theo đề cương hướng dẫn xây dựng báo cáo, lịch giám sát.

+ Biên bản làm việc.

+ Báo cáo kết quả thực hiện nội dung giám sát của chi bộ, đảng viên.

+ Báo cáo kết quả giám sát của tổ giám sát; thông báo kết quả giám sát của UBKT đảng uỷ cơ sở.

+ Các tài liệu có liên quan theo kế hoạch.

8. Quy trình Giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng

I- Bước chuẩn bị

1– Căn cứ vào đơn khiếu nại kỷ luật đảng thuộc thẩm quyền, kết quả làm việc với tổ chức đảng cấp dưới đã kỷ luật hoặc giải quyết khiếu nại và đối tượng có khiếu nại, đảng viên được phân công báo cáo, đề xuất UBKT về nội dung, đối tượng và thời gian tiến hành giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng. Tham mưu UBKT ban hành Quyết định thành lập đoàn (tổ) giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng kèm theo kế hoạch giải quyết.

2– Đoàn (tổ) giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng phân công nhiệm vụ các thành viên; xây dựng lịch tiến hành; chuẩn bị văn bản, tài liệu cần thiết phục vụ việc giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng.

II- Bước tiến hành

1– Đại diện UBKT và đoàn (tổ) giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng làm việc với đại diện thường trực cấp ủy hoặc tổ chức đảng cấp dưới trực tiếp đã thi hành kỷ luật hoặc đã giải quyết khiếu nại để triển khai quyết định, kế hoạch, thống nhất lịch tiến hành và yêu cầu cử cán bộ phối hợp.

2– Đoàn (tổ) giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng thẩm tra, xác minh:

– Nghiên cứu hồ sơ xử lý kỷ luật, hồ sơ giải quyết khiếu nại của tổ chức đảng cấp dưới có phát sinh khiếu nại.

– Làm việc với người khiếu nại, tổ chức đảng đã quyết định kỷ luật, tổ chức đảng đã giải quyết khiếu nại để làm rõ nội dung khiếu nại. Làm việc với chi bộ có người khiếu nại để biết về tư cách, phẩm chất của người khiếu nại từ sau khi bị kỷ luật đến thời điểm giải quyết khiếu nại. Làm việc với các tổ chức, cá nhân có liên quan để thu thập, nghiên cứu tài liệu (các nội dung làm việc đều lập thành biên bản)

Nếu xét thấy cần giám định kỹ thuật, chuyên môn thì Trưởng đoàn (tổ) kiểm tra báo cáo UBKT xem xét, quyết định.

– Đoàn (tổ) giải quyết khiếu nại chuẩn bị báo cáo kết quả thẩm tra, xác minh.

3– Tổ chức hội nghị cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới trực tiếp đã quyết định kỷ luật hoặc đã giải quyết khiếu nại (Hội nghị của cấp ủy, tổ chức đảng nào thì cấp ủy, tổ chức đảng đó tổ chức, chủ trì, ghi biên bản và trích gửi cho đoàn (tổ) kiểm tra).

Nội dung: Đoàn (tổ) giải quyết khiếu nại thông báo kết quả thẩm tra xác minh bằng văn bản và dự kiến kết quả giải quyết khiếu nại (về nội dung, tính chất, tác hại, nguyên nhân vi phạm). Hội nghị thảo luận, bỏ phiếu kín biểu quyết đề nghị việc chuẩn y, thay đổi hoặc xóa bỏ hình thức kỷ luật đã áp dụng.

Thành phần hội nghị: Thành viên đoàn (tổ) giải quyết khiếu nại; đảng viên chi bộ (đối với hội nghị chi bộ) hoặc cấp ủy viên, ủy viên thường vụ (đối với hội nghị cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy). Tùy nội dung, đối tượng khiếu nại mà Trưởng đoàn (tổ) quyết định tổ chức đảng tổ chức hội nghị và thành phần tham dự hội nghị.

Nếu có nội dung chưa rõ thì đoàn (tổ) giải quyết khiếu nại làm việc với đối tượng khiếu nại hoặc tiếp tục thẩm tra, xác minh làm rõ. Dự thảo báo cáo kết quả giải quyết khiếu nại theo mẫu quy định.

III- Bước kết thúc

1– UBKT họp xem xét, kết luận

– Đoàn (tổ) giải quyết khiếu nại báo cáo kết quả giải quyết khiếu nại, trình bày đầy đủ ý kiến của đối tượng khiếu nại; tư cách, phẩm chất của người khiếu nại từ sau khi bị kỷ luật đến thời điểm giải quyết khiếu nại kỷ luật; ý kiến và đề nghị của tổ chức đảng cấp dưới đã quyết định kỷ luật hoặc đã giải quyết khiếu nại.

– UBKT xem xét, kết luận, yêu cầu tổ chức đảng cấp dưới về những vấn đề cần tiếp tục giải quyết (nếu có)

2– Đoàn (tổ) giải quyết khiếu nại hoàn chỉnh kết luận giải quyết khiếu nại, dự thảo Quyết định giải quyết khiếu nại báo cáo UBKT trước khi trình đảng ủy cơ sở xem xét quyết định.

3– Đại diện UBKT và đoàn (tổ) giải quyết khiếu nại thông báo Quyết định giải quyết khiếu nại đến đối tượng khiếu nại và tổ chức đảng có liên quan ( nếu được ủy quyền). Đoàn (tổ) giải quyết khiếu nại họp rút kinh nghiệm.

Hoàn chỉnh hồ sơ, nộp lưu theo quy định. Hồ sơ gồm có:

+ Quyết định và kế hoạch giải quyết khiếu nại.

+ Biên bản các hội nghị liên quan nội dung giải quyết khiếu nại.

+ Phiếu biểu quyết (chuẩn y hay thay đổi hình thức kỷ luật; tăng, giảm hình thức kỷ luật).

+ Đơn khiếu nại của tổ chức, đảng viên bị kỷ luật.

+ Các tài liệu thẩm tra, xác minh.

+ Báo cáo kết quả giải quyết khiếu nại của tổ công tác.

+ Quyết định giải quyết khiếu nại của Đảng uỷ .

UBKT phân công cán bộ kiểm tra theo dõi, đôn đốc việc chấp hành Quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng.

9. Quy trình giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên

I- Bước chuẩn bị

1– Căn cứ vào đơn tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của UBKT và kết quả làm việc với người tố cáo, đảng viên được phân công báo cáo, đề xuất xin ý kiến UBKT về nội dung, đối tượng và thời gian tiến hành giải quyết tố cáo. Tham mưu UBKT ban hành Quyết định thành lập đoàn (tổ) giải quyết tố cáo kèm theo kế hoạch giải quyết tố cáo.

2– Đoàn (tổ) giải quyết tố cáo phân công nhiệm vụ cho các thành viên; xây dựng lịch tiến hành; đề cương gợi ý để đối tượng bị tố cáo làm báo cáo giải trình; chuẩn bị văn bản, tài liệu cần thiết phục vụ việc giải quyết tố cáo.

II- Bước tiến hành

1– Đại diện UBKT và Đoàn (tổ) giải quyết tố cáo làm việc với đại diện tổ chức đảng bị tố cáo (đối với giải quyết tố cáo tổ chức đảng) hoặc tổ chức đảng có đảng viên bị tố cáo và đảng viên bị tố cáo (đối với giải quyết tố cáo đảng viên) và đảng viên có liên quan để triển khai quyết định, kế hoạch giải quyết tố cáo; thống nhất lịch tiến hành; yêu cầu đối tượng bị tố cáo chuẩn bị báo cáo giải trình bằng văn bản, cung cấp tài liệu liên quan và cùng phối hợp giải quyết.

2– Đoàn (tổ) giải quyết tố cáo tiến hành thẩm tra, xác minh:

– Thu thập, nghiên cứu các văn bản, tài liệu, chứng cứ liên quan; nghiên cứu báo cáo giải trình của đối tượng bị tố cáo; làm việc với người tố cáo và các tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung giải quyết tố cáo (các nội dung làm việc đều lập thành biên bản).

Nếu có nội dung mới phát sinh hoặc cần giám định kỹ thuật, chuyên môn thì Trưởng đoàn (tổ) giải quyết tố cáo báo cáo UBKT xem xét, quyết định. Trường hợp có nội dung chưa rõ cần giải trình bổ sung, làm rõ hoặc cần viết kiểm điểm thì làm việc với đối tượng bị tố cáo để yêu cầu bổ sung hoặc viết kiểm điểm.

– Đoàn (tổ) giải quyết tố cáo viết báo cáo thẩm tra, xác minh.

– Trường hợp vi phạm đã rõ đến mức phải thi hành kỷ luật thì Trưởng đoàn (tổ) giải quyết tố cáo báo cáo UBKT xem xét, quyết định cho kết hợp thực hiện quy trình xem xét, xử lý kỷ luật cùng với quy trình giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng, đảng viên (gọi tắt là quy trình kép).

3– Tổ chức hội nghị: Hội nghị của cấp ủy, tổ chức đảng nào thì cấp ủy, tổ chức đảng đó tổ chức, chủ trì, ghi biên bản, ký tên và trích gửi cho đoàn (tổ) giải quyết tố cáo:

* Nội dung hội nghị: Đối tượng bị tố cáo báo cáo giải trình hoặc kiểm điểm theo nội dung tố cáo, tự nhận hình thức kỷ luật (nếu có); đoàn (tổ) giải quyết tố cáo thông báo kết quả thẩm tra, xác minh bằng văn bản; hội nghị thảo luận, nhận xét và đề nghị; bỏ phiếu đề nghị hình thức kỷ luật (nếu có).

* Thành phần: Tùy vào nội dung, đối tượng bị tố cáo mà cấp giải quyết tố cáo xem xét, quyết định về tổ chức đảng nào tổ chức hội nghị, thành phần tham dự các hội nghị.

– Đối với giải quyết tố cáo đảng viên thành phần như sau:

+ Hội nghị chi bộ nơi đảng viên bị tố cáo sinh hoạt gồm: các đảng viên trong chi bộ, đảng viên bị tố cáo; đoàn (tổ) giải quyết tố cáo; đại diện cấp ủy, tổ chức đảng cấp trên có liên quan (nếu cần).

+ Hội nghị ban thường vụ cấp ủy, cấp ủy, tổ chức đảng mà đảng viên bị tố cáo là thành viên gồm: các thành viên của ban thường vụ cấp ủy, cấp ủy hoặc tổ chức đảng có đảng viên bị tố cáo; đảng viên bị tố cáo; đoàn (tổ) giải quyết tố cáo; đại diện cấp ủy, tổ chức đảng cấp trên (nếu cần).

– Đối với giải quyết tố cáo tổ chức đảng: thành phần gồm thành viên tổ chức đảng bị tố cáo; đoàn (tổ) giải quyết tố cáo; đại diện cấp ủy, tổ chức đảng cấp trên có liên quan (nếu cần).

4– Đoàn (tổ) giải quyết tố cáo tiếp tục thẩm tra, xác minh những nội dung chưa rõ; chuẩn bị dự thảo báo cáo kết quả giải quyết tố cáo theo đúng mẫu quy định; trao đổi với đối tượng bị tố cáo về kết quả giải quyết tố cáo; trường hợp cần thiết có thể trao đổi với đại diện tổ chức đảng trực tiếp quản lý đảng viên bị tố cáo.

Trường hợp đối tượng bị tố cáo vi phạm đến mức phải thực hiện xử lý kỷ luật theo quy trình kép thì đại diện UBKT nghe đối tượng bị tố cáo trình bày ý kiến trước khi trình UBKT xem xét, kết luận.

III- Bước kết thúc

1– UBKT họp xem xét, kết luận

– Đoàn (tổ) giải quyết tố cáo báo cáo kết quả giải quyết tố cáo; trình bày đầy đủ ý kiến của đối tượng bị tố cáo và tổ chức đảng, đảng viên có liên quan.

Trường hợp vi phạm đến mức phải thực hiện xử lý kỷ luật theo quy trình kép thì mời đại diện tổ chức đảng, đảng viên vi phạm dự họp để đọc kiểm điểm, tự nhận hình thức kỷ luật.

– UBKT thảo luận, kết luận; yêu cầu tổ chức đảng bị tố cáo, đảng viên có liên quan hoặc đảng viên tố cáo những vấn đề cần thiết (nếu có); đề nghị cấp trên thi hành kỷ luật tổ chức đảng bị tố cáo, đảng viên vi phạm hoặc đề nghị kỷ luật đảng viên bị tố cáo có vi phạm.

2– Đoàn (tổ) giải quyết tố cáo hoàn chỉnh Thông báo kết luận giải quyết tố cáo hoặc báo cáo đề nghị cấp trên thi hành kỷ luật và những yêu cầu khác (nếu có), trình UBKT ký ban hành.

3– Đại diện UBKT và đoàn (tổ) giải quyết tố cáo thông báo kết luận giải quyết tố cáo, công bố quyết định kỷ luật (nếu có) bằng văn bản đến tổ chức đảng, đảng viên bị tố cáo; thông báo kết quả giải quyết tố cáo bằng hình thức thích hợp cho người tố cáo( nếu được cấp trên giao). Đoàn (tổ) giải quyết tố cáo họp rút kinh nghiệm.

Hoàn chỉnh hồ sơ, nộp lưu theo quy định. Hồ sơ gồm có:

+ Quyết định và kế hoạch giải quyết tố cáo.

+ Biên bản các hội nghị liên quan nội dung giải quyết tố cáo.

+ Đơn tố cáo của tổ chức, đảng viên.

+ Báo cáo giải trình hoặc kiểm điểm của tổ chức đảng, đảng viên bị tố cáo.

+ Các tài liệu thẩm tra, xác minh.

+ Báo cáo kết quả giải quyết tố cáo của tổ công tác.

+ Thông báo kết luận giải quyết tố cáo của UBKT đảng uỷ.

UBKT phân công cán bộ kiểm tra theo dõi, đôn đốc việc chấp hành thông báo kết luận giải quyết tố cáo, quyết định kỷ luật (nếu có).

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Hỏi đáp pháp luật của Thiquocgia.vn.

0 ( 0 bình chọn )

Thi Quốc Gia Thi THPT Quốc Gia 2021 của nhà xuất bản Giáo Dục Việt nam

https://thiquocgia.vn
Tổng hợp tài liệu ôn thi THPT Quốc Gia 2020 - 2021, Thi tốt nghiệp, Tài liệu luyện thi

Bài viết liên quan

Bài viết mới

Xem thêm