Trồng cần sa bị xử lý thế nào?
Trồng cần sa, anh túc trái phép phạt thế nào? Hiện nay cơ quan công an đã xử lý nhiều vụ trồng cây cần sa, anh túc trong vườn nhà. Hành vi trồng cây cần sa, anh túc sẽ bị xử phạt thế nào?
1. Trồng cần sa, anh túc trái phép phạt thế nào?
1.1 Xử phạt hành chính hành vi trồng cần sa, anh túc trái phép
Mức phạt hành chính hành vi trồng cần sa, anh túc trái phép được quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP, cụ thể tại khoản 3 điều 21 như sau:
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi trồng các loại cây thuốc phiện, cây cần sa và các loại cây khác có chứa chất ma túy.
=> Hành vi trồng cần sa, anh túc trái phép nếu chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử phạt hành chính từ 2 đến 5 triệu đồng.
1.2 Truy cứu trách nhiệm hình sự
Điều 247 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy như sau:
1. Người nào trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã được giáo dục 02 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Với số lượng 3.000 cây trở lên;
c) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
4. Người nào phạm tội thuộc khoản 1 Điều này, nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
=> Tùy từng mức độ tội phạm mà người phạm tội này có thể bị phạt từ 06 tháng đến 07 năm.
3. Buôn bán cần sa bị phạt như thế nào?
3.1 Xử phạt hành chính
Buôn bán cần sa sẽ bị phạt từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng theo quy định tại điều 21 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
……..
đ) Vi phạm các quy định về phân phối, mua bán, sử dụng, trao đổi chất ma túy, tiền chất ma túy;
3.2 Truy cứu trách nhiệm hình sự
Buôn bán cần sa có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 251 BLHS 2015:
Điều 251. Tội mua bán trái phép chất ma túy
1. Người nào mua bán trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với 02 người trở lên;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội hoặc bán ma túy cho người dưới 16 tuổi;
g) Qua biên giới;
h) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
i) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
k) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
l) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
………………..
Mức phạt cao nhất của tội này là tử hình – đây là hình phạt nghiêm khắc nhất của BLHS Việt Nam
4. Trồng 2 cây cần sa có bị bắt không?
Người trồng 2 cây cần sa nếu trước đó chưa từng bị xử phạt hành chính về hành vi này thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà bị xử phạt hành chính từ 2-5 triệu đồng.
Trên đây, Hoatieu.vn đã trả lời câu hỏi Trồng cần sa, anh túc trái phép phạt thế nào? Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết liên quan tại mục Hình sự, mảng Hỏi đáp pháp luật