Ngữ Văn

PHÂN TÍCH HÌNH ẢNH ĐÔI BÀN TAY TNÚ TRONG TRUYỆN RỪNG XÀ NU

651
[Văn mẫu 12] Phân tích ý nghĩa hình ảnh đôi bàn tay Tnú trong tác phẩm truyện ngắn Rừng Xà Nu (Nguyễn Trung Thành) – Tuyển tập những bài văn hay nhất.
MỤC LỤC NỘI DUNG
  • 1. Hướng dẫn làm bài
  • 1. 1. Phân tích đề
  • 1. 2. Hệ thống luận điểm
  • 1. 3. Sơ đồ tư duy
  • 1. 4. Lập dàn ý chi tiết
  • 2. Một số bài văn hay tuyển chọn

Tài liệu hướng dẫn phân tích hình ảnh đôi bàn tay Tnú trong Rừng xà nu do Thiquocgia tổng hợp và biên soạn với hệ thống luận điểm, luận cứ, dàn ý chi tiết, sơ đồ tư duy kèm theo bài văn mẫu hay và chất lượng giúp các em tham khảo trước khi làm bài.

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI PHÂN TÍCH HÌNH ẢNH ĐÔI BÀN TAY TNÚ

Đề bài: Phân tích hình ảnh đôi bàn tay Tnú trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành.

1. PHÂN TÍCH ĐỀ

– Yêu cầu của đề bài: phân tích ý nghĩa hình ảnh đôi bàn tay Tnú

– Phạm vi tư liệu, dẫn chứng : từ ngữ, chi tiết, hình ảnh tiêu biểu trong truyện Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, đặc biệt về nhân vật Tnú và đôi bàn tay của Tnú.

– Phương pháp lập luận chính : phân tích.

2. HỆ THỐNG LUẬN ĐIỂM

– Luận điểm 1: Đôi bàn tay của người chiến sĩ rất đỗi trung thành, thủy chung với cách mạng

– Luận điểm 2: Đôi bàn tay của nghĩa tình

– Luận điểm 3: Đôi bàn tay là hiện thân của mất mát đau thương, ghi lại chứng tích tội ác mà kẻ thù đã gây ra

– Luận điểm 4: Đôi bàn tay cầm vũ khí chiến thắng kẻ thù, đôi bàn tay của ý chí quật cường, tinh thần dũng cảm, bất khuất của người cộng sản

3. SƠ ĐỒ TƯ DUY PHÂN TÍCH HÌNH ẢNH ĐÔI BÀN TAY TNÚ

Sơ đồ tư duy phân tích hình tượng đôi bàn tay Tnú

Sơ đồ tư duy phân tích hình tượng đôi bàn tay Tnú

Ý nghĩa cơ bản

 của hình ảnh đôi bàn tay TnúĐôi bàn tay Tnú như một chi tiết nghệ thuật thể hiện tính cách, qua bàn tay có thể thấy được cuộc đời, số phận và tính cách nhân vật:

– Đó là đôi bàn tay của người trung thành, thủy chung với cách mạng

– Đôi bàn tay của nghĩa tình

– Đôi tay của con người trung thực

– Đôi bàn tay là hiện thân của mất mát đau thương, ghi lại chứng tích tội ác mà kẻ thù đã gây ra

– Cuối cùng đó là đôi bàn tay cầm vũ khí chiến thắng kẻ thù.

4. LẬP DÀN Ý CHI TIẾT

a) Mở bài

– Giới thiệu sơ lược về tác giả, tác phẩm:

+ Nguyễn Trung Thành là nhà văn gắn bó với Tây Nguyên, có nhiều tác phẩm thành công viết về mảnh đất này.

Rừng xà nu là câu chuyện về cuộc đời Tnú tiêu biểu cho số phận và con đường đến với cách mạng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trong thời kì chống Mĩ, giải phóng miền Nam.

– Giới thiệu về chi tiết đôi bàn tay Tnú: Hình ảnh bàn tay Tnú là chi tiết ấn tượng nhất, thể hiện rõ nhất con người Tnú.

b) Thân bài

* Khái quát về tác phẩm

– Hoàn cảnh ra đời: Truyện ngắn Rừng xà nu được viết năm 1965 in trong tập Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc.

– Giá trị nội dung: Thông qua câu chuyện về những con người ở một bản làng hẻo lánh, bên những cánh rừng xà nu bạt ngàn, xanh bất tận, tác giả đặt vấn đề có ý nghĩa lớn lao đối với dân tộc và thời đại: Để cho sự sống của nhân dân và đất nước mãi mãi trường tồn, không có cách nào khác hơn là phải cùng nhau đứng lên, cầm vũ khí chống lại kẻ thù tàn ác.

* Phân tích ý nghĩa đôi bàn tay Tnú

– Đó là đôi bàn tay của người chiến sĩ rất đỗi trung thành, thủy chung với cách mạng

+ Đó là đôi bàn tay chú bé mồ côi nắm lấy tay cô bé Mai chăm chỉ chặt củi, xách nước, lên rẫy trồng tỉa, xách xà lét giấu gạo đi nuôi cán bộ Quyết.

+ Đôi bàn tay cầm viên phấn bằng đá trắng lấy từ núi Ngọc Linh về tập viết chữ, mở dần cánh cửa cuộc đời để đến với cách mạng.

+ Đôi bàn tay đã dũng cảm mang công văn đi làm liên lạc vì căm thù thằng giặc vô ngần.

+ Bọn giặc bắt được Tnú, tra tấn dã man, hỏi cộng sản ở đâu, Tnú đặt tay lên bụng mình và nói: “Ở đây này”.

=> Bàn tay Tnú chỉ rõ và khẳng định lí tưởng cách mạng không ở đâu xa mà ở ngay trong tâm hồn mình. Đây chính là nét đẹp thứ nhất của bàn tay Tnú: bàn tay của sự tín nghĩa, thủy chung.

– Đó là đôi bàn tay của nghĩa tình:

+ Bàn tay không ngần ngại xé tấm vải che cho mẹ con Mai, vốc nước suối, cảm nhận cái tình quê hương.

+ Bàn tay cũng đã được Mai nắm chặt mà khóc những giọt nước mắt nóng bỏng yêu thương, đồng cảm khi Tnú vượt ngục trở về.

+ Lửa hận dâng lên ngút ngàn, đốt cháy tâm can Tnú, truyền từ đôi tay lên đôi mắt “ở chỗ hai con mắt anh bây giờ là hai cục lửa lớn”.

+ Mỗi ngón tay anh như nóng bỏng lên bởi tình thương, nỗi lo và sự căm hờn.

+ “Hai cánh tay như hai cánh lim chắc của anh ôm chặt lấy mẹ con Mai”.

+ Mười ngón tay nóng bỏng lửa căm thù, thương xót đã truyền sức mạnh vào hai cánh tay nhưng mà “Tnú chỉ có tay không giữa quân thù đầy vũ khí”.

– Đôi bàn tay là hiện thân của mất mát đau thương, ghi lại chứng tích tội ác mà kẻ thù đã gây ra.

+ Mười đầu ngón tay Tnú đều cụt một đốt.

+ Mẹ con Mai chết còn Tnú thì bị giặc bắt tra tấn, bị bọn thằng Dục tàn nhẫn tẩm dầu xà nu vào giẻ rồi quấn giẻ lên mười đầu ngón tay anh, đốt cháy rừng rực.

– Cuối cùng, đó là bàn tay cầm vũ khí chiến thắng kẻ thù, đôi bàn tay của ý chí quật cường, tinh thần dũng cảm, bất khuất của người cộng sản:

+ Mỗi ngón tay anh như nóng bỏng lên bởi tình thương, và sự căm hờn.

+ “Mười ngón tay đã thành mười ngọn đuốc” nhưng “Tnú không thèm, không thèm kêu van”.

+ Đôi bàn tay với ngón tay chỉ còn lại hai đốt vẫn có thể cầm giáo, cầm súng để lên đường chiến đấu

+ “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo!” -> Chân lí chứng minh tầm quan trọng của vũ khí, không thể không cầm vũ khí, nhưng cũng không nên ỷ lại vào vũ khí, cái quyết định cuối cùng vẫn là đôi bàn tay con người.

+ Tnú dùng hai bàn tay không, cụt đốt, đôi bàn tay quả báo để xiết cổ tất cả những thằng Dục tàn ác hơn cả dã thú.

=> Ngọn lửa của âm mưu thâm độc, của tội ác dã man đã không đốt cháy được chất vàng mười trung thành, bất khuất của người chiến sĩ trẻ tuổi Tây Nguyên.

c) Kết bài

– Khẳng định lại ý nghĩa của đôi bàn tay Tnú.

– Nêu cảm nhận của em.

MỘT SỐ BÀI VĂN HAY TUYỂN CHỌN PHÂN TÍCH CHI TIẾT HÌNH ẢNH ĐÔI BÀN TAY TNÚ

Bài văn số 1:

Nguyễn Trung Thành tên thật là Nguyễn Văn Báu, sinh năm 1932, quê ở Quảng Nam, Đà Nẵng. Có thể nói: Mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ với những tập tục văn hóa lâu đời, với truyền thống đấu tranh bất khuất đã trở thành nguồn cảm hứng dạt dào của nhà văn.

Rừng xà nu là một trong số những tác phẩm tiêu biểu, là bản anh hùng ca mang đậm tính lịnh sử thi và cảm hứng lãng mạn về cuộc chiến đấu của nhân dân Tây Nguyên, của dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến tranh thần thánh chống đế quốc Mỹ.

Nhân vật tiêu biểu nhất trong tác phẩm là Tnú. Hình ảnh đôi bàn tay của Tnú mang đến những ấn tượng rất lớn trong lòng người đọc. Đặc biệt nó mang đậm ý đồ nghệ thuật mà tác giả muốn gửi gắm qua đó. Bằng ngòi bút khắc họa nhân vật tài tình và khuynh hướng sử thi làm chủ đạo, nhân vật Tnú hiện ra với một góc nhìn vừa mới vừa đầy tính chất anh hùng của thời đại.

Đây là một nhân vật anh hùng, là người con vinh quang của làng Xô Man đã được Nguyễn Trung Thành khắc họa bằng những đường nét độc đáo. Tính chất sử thi được thể hiện rõ nhất ở chỗ cuộc đời ngỡ như có số phận riêng nhưng thực ra Tnú lại đại diện cho số phận và con đường đi lên của dân tộc.

Bàn tay Tnú cũng gợi ra tính cách và cuộc đời của con người Tây Nguyên này. Có những lúc anh phải chịu những đau khổ những đòn đau của địch. Bàn tay ấy cầm chông cầm giáo, bàn tay bao bọc vợ con dù phải hi sinh thân mình. Và đến cuối cùng bàn tay ấy cũng giết chết biết bao nhiêu kẻ thù để báo thù cho tất cả những đau thương mà nó cũng như chủ nhân nó phải chịu.

Bàn tay ấy khi còn lành lặn thì cùng Mai học chữ trong rừng. Cùng với thời gian trôi qua thì bàn tay ấy đã nhanh nhẹn cầm những thứ liên lạc vượt qua mọi gian nan và những vòng vây của giặc để mang đến cho những người cán bộ trong rừng. Mặc dù là một người khi còn nhỏ nhưng đã mang những phẩm chất anh hùng một bàn tay nhỏ nhắn như vậy mà có thể cầm biết bao nhiêu đồ như vậy, quả thật rất đáng khen. Khi đôi bàn tay ấy cầm phấn học bài nhưng khi không học được thì cũng chính bàn tay ấy đã đập đầu khiến cho máu chảy ròng ròng. Bàn tay làm nổi bật lên hình ảnh người anh hùng Tây Nguyên. Bàn tay ấy còn mang một vẻ đẹp lớn đó là vẻ đẹp của sự gan dạ nữa: vạch rừng vượt thác để đem thư mật đến cho những người cộng sản. Và ngay cả khi bị bắt thì đôi bàn tay ấy cũng không ngần ngại mà chỉ thẳng vào bụng mà nói “cộng sản ở đây này”. Qua những lời lẽ của anh thì ta cũng thấy được Tnú là người gan góc tới như thế nào. Có thể nói vẻ đẹp của Tnú qua đôi bàn tay lại được hiện lên.

Bàn tay anh là một bàn tay dịu dàng ấm áp dắt Mai đi đến những hạnh phúc và yêu thương, cầm tay Mai hẹn hò bên những gốc cây vả. Bàn tay ấy còn rứt đứt hàng chục trái vả thể hiện sự căm thù của quân giặc trong cái đêm mà mẹ con Mai bị tra tấn cho đến chết. Chứng kiến cảnh con bị đau đớn đôi bàn tay ấy như thể hiện cảm xúc thay cho chủ nhân của nó. Bất lực nhưng không thể làm điều gì nỗi đau ấy ai thấu. Mẹ con Mai ngã xuống chính bàn tay ấy cũng là cánh tay đỡ lấy vợ con mình. Lúc này bàn tay anh là bàn tay ngập tràn yêu thương.

Chi tiết đặc sắc nhất là khi bị bọn giặc bắt chúng bó giẻ vào bàn tay ấy tẩm nhựa xà nu mà đốt cháy. Mười đầu ngón tay Tnú bốc lên như mười ngọn đuốc. Nhưng anh không kêu thán một lời nào mà cắn răng chịu đựng, nó đẹp bởi vì nó chịu nhiều thương đau nhưng nó không bao giờ là bàn tay chết cả. Bàn tay ấy sau này vẫn cầm chắc tay súng và giết chết biết bao nhiêu quân giặc.

Chi tiết đôi bàn tay trong “Rừng Xà Nu” là một chi tiết đặc sắc và mang nhiều giá trị về nội dung cũng như thành công về nghệ thuật của Nguyễn Trung Thành. Cũng qua đôi bàn tay ấy, hình ảnh của một người anh hùng Tây Nguyên cũng dần hiện ra hiền lành và gan dạ rồi đến yêu thương.

Bài văn số 2:

Trong văn học Việt Nam thời chiến, Rừng xà nu là tác phẩm để lại trong lòng nhiều độc giả sự ấn tượng sâu sắc. Và hình ảnh làm nên thành công của tác phẩm chính là đôi bàn tay của nhân vật Tnú – minh chứng rõ nét cho tinh thần bất khuất, trung thành tuyệt đối với lý tưởng cách mạng.

Đôi bàn tay của Tnú xuất hiện từ đầu tác phẩm, xuyên suốt cả tác phẩm theo chiều dài của thời gian. Cụ thể mở đầu là đôi bàn tay của Tnú khi còn nhỏ, ngày ngày lên rẫy để trồng tỉa và mang gạo nuôi cán bộ Quyết đang hoạt động bí mật sâu trong rừng.

Đây là một công việc với đầy hiểm nguy rình rập nhưng Tnú không hề sợ hãi và luôn hướng về Đảng, ước mơ trở thành một chiến sĩ cách mạng oai hùng. Bàn tay của Tnú được miêu tả vụng về khi cầm viên phấn làm bằng đá trắng để tập viết. Cũng chính đôi bàn tay bé nhỏ ấy đã tự cầm đá đập vào đầu mình cho đến chảy máu vì giận bản thân học bài mãi không thuộc, hay quên chữ. Cũng chính từ quyết tâm trở thành một cán bộ giỏi mà Tnú đã có những hành động kiên quyết như vậy.

Chi tiết thứ 2 về đôi bàn tay Tnú là sự khéo léo. Bị giặt bắt khi đang đi giao liên, Tnú đã khéo léo giấu bức thư bí mật của anh Quyết và nuốt luôn bức thư để giặc không thể tìm ra. Cũng chính lúc này, Tnú đã thể hiện bản thân mình là người dũng cảm, bất khuất. Sau ba năm bị bỏ tù, Tnú trốn ngục để trở về, đôi tay anh cần mẫn cùng dân làng mài giáo giết giặc.

Phân tích hình ảnh đôi bàn tay của Tnú cũng không thể bỏ qua chi tiết anh chứng kiến cảnh vợ con mình bị giặc tra tấn và quyết tâm chiến đấu chống lại quân thù. Không nỗi đau nào bằng lúc vợ và con anh bị giặt bắt, dùng làm mồi nhử để triệt phá phong trào cách mạng của dân làng Xô Man.

Tnú phải bíu chặt đôi bàn tay mình vào gốc cây, cắn răng nhìn cảnh tượng những người thân thương nhất của mình bị giặc hành hạ. Và mặc cho những lời ngăn cản của cụ Mết, Tnú đã nhảy xổ vào giữa vòng vây của bọn lính, dang hai cánh tay rộng lớn của mình để ôm lấy mẹ con Mai. Nhưng cuối cùng, chính người vợ, chính đứa con lại chết trong vòng tay ấy.

Nhưng bấy nhiêu đó vẫn không thể gây ám ảnh trong lòng người đọc bằng chi tiết đôi bàn tay của Tnú bị giặc quấn giẻ tẩm nhựa xà nu và đốt cháy. “Một ngón tay Tnú bốc cháy. Hai ngón, ba ngón”.

Không có gì đượm bằng nhựa xà nu. Lửa bắt rất nhanh. Mười ngón tay đã thành mười ngọn đuốc. Tnú nhắm mắt lại, rồi mở mắt ra, trừng trừng. Trời ơi! Cha mẹ ơi! Anh không cảm thấy lửa ở mười đầu ngón tay nữa. Anh nghe lửa cháy trong lồng ngực, cháy ở bụng. Máu anh mặn chát ở đầu lưỡi. Răng anh đã cắn nát môi anh rồi. Anh không kêu lên. Anh Quyết nói: “Người cộng sản không thèm kêu van…”. Tnú không thèm, không thèm kêu van.

Nhưng trời ơi! Cháy, cháy cả ruột đây rồi! Anh Quyết ơi! Cháy! Không, Tnú sẽ không kêu! Không!” – Tội ác của giặc bị đẩy lên đỉnh điểm và tinh thần chiến đấu, khí phách của Tnú lại càng được thể hiện rõ nét. Bọn giặc tàn ác đốt mười ngón tay của Tnú như cách chúng khủng bố và tiêu diệt ý chí của dân làng Xô Man.

Tác phẩm kết thúc bằng hình ảnh Tnú dùng đôi bàn tay không và cụt đốt siết cổ tất cả những thằng Dục tàn ác hơn cả dã thú. Khí phách và lòng dũng cảm, tinh thần chiến đấu mãnh liệt đã được thể hiện rõ nét qua phân tích hình ảnh đôi bàn tay của Tnú.

Bài văn số 3:

Hẳn khi nhắc đến mảnh đất Tây Nguyên ta không chỉ nhớ đến những cánh chim chao liệng trên bầu trời, những bài hát ca ngợi núi rừng mà ta còn nhớ đến cả nền văn học dành cho nơi đây nữa. Tây Nguyên dường như có một sức hút cho nghệ thuật chính vì thế mà không ít nhà văn đã tìm đến mảnh đất này để sáng tác nghệ thuật. Nhưng tiêu biểu hơn cả chúng ta nhớ đến nhà văn Nguyễn Trung Thành với tác phẩm Rừng xa nu. Trong tác phẩm ấy hẳn ta vẫn ấn tượng với hình ảnh đôi bàn tay Tnú cùng với cây xà nu. Những hình ảnh ấy mang đậm những giá trị nghệ thuật của tác phẩm.

Trước hết là hình ảnh con người Tây Nguyên thể hiện qua đôi bàn tay của Tnú. Có thể nói chỉ đôi bàn tay ấy thôi mà nói lên hết những phẩm chất đáng quý của Tnú nói riêng và đồng bào người Tây Nguyên nói chúng.

Bàn tay Tnú khi còn là một cậu bé. Khi ấy cậu còn nhỏ và đôi bàn tay ấy cũng rất nhỏ thế nhưng lại làm được rất nhiều việc. Chính đôi bàn tay ấy cầm thư liên lạc vạch lá rừng đem đến cho cán bộ Quyết. Chính đôi bàn tay ấy đã mang nguồn tri viện của dân làng cho cán bộ khi biết rằng việc đó rất nguy hiểm. Anh Sút, bà Nhan những người đó đều vì tri viện cho cán bộ mà bị chặt đầu chết. Thế nhưng Tnú thì lại không sợ điều đó. Không những thế khi bị bọn giặc bắt lại, chính đôi bàn tay ấy đã chỉ vào bụng mình mà nói cộng sản ở đây này. Và sau đó trên lưng là những vết dao chằng chịt. Có thể nói đôi bàn tay ấy thể hiện phẩm chất của con người Tnú, nhỏ bé nhưng kiên trung, bất khuất, vượt qua mọi gian nan để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Không chỉ vậy cũng chính đôi bàn tay ấy Tnú học chữ mà anh Quyết dạy, nhưng vì học mãi chẳng nhớ, anh dùng chính bàn tay của mình lấy đá đập đầu chảy máu. Hành động ấy thể hiện anh là một người rất ham học và muốn học cái chữ để làm cán bộ cứu đồng bào Xô Man khỏi những áp bức đàn áp của bọn đế quốc Mỹ tàn bạo kia.

Tnú lớn lên, đôi bàn tay cũng lớn lên to hơn chắc khỏe hơn. Đôi bàn tay ấy dắt tay Mai trong buổi chiều ấy, đôi bàn tay ấy dứt hàng chục trái vả khi chứng kiến mẹ con Mai bị bọn thằng Dục làm cho đau đớn mà chết đi. Cũng chính đôi bàn tay ấy đã đỡ lấy mẹ con Mai khi họ ngã xuống. Thế nhưng mẹ con Mai rồi cũng chết mà Tnú thì bị rơi vào cái bẫy của bọn tay sai kia. Chúng bắt lấy anh, buộc giẻ vào mười đầu ngón tay ấy rồi sau đó tẩm nhựa xà nu mà đốt. Bàn tay đau thương cháy trong nhựa xà nu, mười ngón tay giờ đây thành mười ngọn đuốc. Điều đó vừa thể hiện sự đau thương lại vừa thể hiện sự căm thù bọn giặc. Và ngay cả khi được cứu đôi bàn tay Tnú không còn nguyên vẹn mỗi ngón mất đi một đốt thế nhưng anh vẫn trở thành một người cán bộ giỏi. Anh vẫn dùng chính đôi bàn tay ấy mà kết liễu đời thằng Dục và còn giết biết bao nhiêu thằng giống như nó nữa.

Có thể thấy rằng đôi bàn tay của Tnú cũng có cuộc đời giống như chủ nhân của nó vậy. Từ những đau thương đôi bàn tay ấy đã làm nên những chiến tích vang dội. Đôi bàn tay của yêu thương, của chiến đấu kiên cường, của tự tôn dân tộc. Nó như thể hiện cho những phẩm chất của Tnú nói riêng và con người Tây Nguyên nói chung.

Bài văn số 4:

Rừng xà nu” một trong những tác phẩm đặc sắc của Nguyễn Trung Thành. Trong tác phẩm có rất nhiều chi tiết mà nhà văn xây dựng gây ấn tượng mạnh mẽ tới người đọc. Đặc biệt chi tiết bàn tay Tnú mà Nguyễn Trung Thành khắc họa lại có sức lay động mạnh mẽ đến bạn đọc.

Bàn tay Tnú xuất hiện xuyên suốt tác phẩm, gắn liền với cuộc đời bi tráng của anh. Đây cũng là một chi tiết được Nguyễn Trung Thành dụng công xây dựng và có ý nghĩa sâu sắc.

Khi đôi tay của Tnú còn lành lặn, đôi bàn tay ấy là đôi bàn tay nghĩa tình của một con người sớm giác ngộ cách mạng. Bàn tay của Tnú đã nuôi giấu và tiếp tế cho các cán bộ cách mạng. Bàn tay ấy cũng làm công tác giao liên cho anh Quyết. Bàn tay của Tnú viết những nét chữ đầu tiên với mong muốn học chữ để sau này tiếp bước con đường của anh Quyết trên con đường cách mạng. Bởi anh Quyết từng nói với Tnú: “Không học chữ sao làm được cán bộ giỏi”.

Đôi bàn tay của Tnú từng cầm đá đập vào đầu mình, máu chảy ròng ròng khi học chữ thua Mai. Qua chi tiết này có thể thấy được sự nóng nảy, bộc trực của Tnú. Đó cũng là tính cách chân thực của con người này, luôn bộc lộ trực tiếp và mạnh mẽ những cảm xúc và suy nghĩ trong lòng mình, không giấu giếm.

Bàn tay của Tnú là bàn tay đau thương. Giặc đốt 10 đầu ngón tay của anh bằng giẻ tẩm dầu xà nu. Biết bao đau đớn mà người con làng Xô Man phải chịu đựng. Sự tra tấn của kẻ thù cũng thật dã man, tàn ác. Mười đầu ngón tay của anh bị đốt cháy và anh phải trở thành người tật nguyền, mỗi ngón chỉ còn hai đốt. Bàn tay này cũng là biểu tượng cho những nỗi đau chồng chất của Tnú. Không chỉ mình anh chịu sự đau đớn này mà cả những người thân, là vợ con anh cũng phải chịu sự tra tấn, bị giết bởi kẻ thù. Tnú không cứu được vợ con mình, đây cũng chính là nỗi đau dằng xé trong lòng anh. Nhưng chiến đấu làm sao được khi Tnú không có vũ khí, không có gậy gộc còn bọn giặc không chỉ đông về số lượng mà chúng còn có vũ khí trong tay.

Mặc dù đôi bàn tay tật nguyền ấy bị hủy hoại nhưng cũng từ đôi bàn tay ấy, Tnú đã cầm vũ khí tham gia lực lượng giải phóng quân. Anh trực tiếp cầm súng để chiến đấu giành độc lập cho quê hương. Đôi bàn tay ấy cũng giúp người đọc hình dung ra được sự chuyển biến trong phương thức đấu tranh thời bấy giờ. Từ đấu tranh chính trị chuyển sang đấu tranh vũ trang, từ hai bàn tay của người nông dân, không vũ khí, nay chuyển thành tự trang bị vũ khí để đấu tranh, tiêu diệt kẻ thù.

Đôi bàn tay Tnú cũng là đôi bàn tay anh hùng. Tnú đã lập được nhiều chiến công ngay cả khi đôi tay anh không còn nguyên vẹn. Anh bóp chết tên chỉ huy đồn giặc khi hắn đang cố thủ trong tầm ngắm.

Có thể thấy rằng, hình ảnh đôi bàn tay của Tnú là hình ảnh đầy sức ám ảnh đối với người đọc. Từ đôi bàn tay của Tnú, chúng ta hình dung ra được cuộc đời chịu nhiều mất mát và hi sinh của Tnú. Nhưng trên hết đó là sự kiên cường anh dũng và bất khuất của người con Tây Nguyên.

Tâm Phương (Tổng hợp)

0 ( 0 bình chọn )

Thi Quốc Gia Thi THPT Quốc Gia 2021 của nhà xuất bản Giáo Dục Việt nam

https://thiquocgia.vn
Tổng hợp tài liệu ôn thi THPT Quốc Gia 2020 - 2021, Thi tốt nghiệp, Tài liệu luyện thi

Bài viết liên quan

Kết nối với chúng tôi

Sự kiện nổi bật

thi sinh lo lang vi de thi lich su kho nhieu kien thuc lop 11

Thứ 5

23/02/2021 08:00

Xem nhiều

Chủ đề

Bài viết mới

Xem thêm