Ngữ Văn

Lan tỏa bài văn về sự hy sinh của người lính Gạc Ma

179
“Lịch sử như tiếng thở dài của dân tộc, chiến tranh là vết thương sâu thẳm, đau nhói trong lòng mỗi con người ở lại”, Lê Phương Thảo viết mở đầu bài văn đang lan tỏa trên mạng.

Trong cuộc thi Vẽ sơ đồ tư duy cho fanpage văn học, bài viết của học sinh Lê Phương Thảo (sinh năm 2000), lớp 10D1, trường THPT Lý Nhân, Hà Nam thu hút sự quan tâm của cộng đồng.

Thầy Trịnh Quỳnh, giáo viên dạy Ngữ văn trường THPT Lương Thế Vinh, Nam Định, admin của fanpage trên nhận xét: Sơ đồ học sinh vẽ đơn giản mà sáng tạo gợi nhiều liên tưởng, hệ thống ý logic. Từ sơ đồ, bạn dễ dàng làm bài nên bố cục sáng rõ không lan man lặp ý.

“Học sinh đã truyền tải được tấm lòng biết ơn chân thành đối với sự hy sinh của những người chiến sĩ Gạc Ma năm xưa, đồng thời ý thức được trách nhiệm của thế hệ trẻ trước yêu cầu của thời đại. Nếu đây là bài làm trong đề thi hay kiểm tra, bạn xứng đáng nhận điểm 10 trọn vẹn”, thầy Quỳnh chia sẻ.Bài làm của học sinh được phát triển dựa trên sơ đồ, học sinh có nhận thức sâu sắc về các vấn đề xã hội, đặc biệt là câu chuyện lịch sử của đất nước. Bài viết tiếp cận vấn đề lịch sử bằng góc nhìn văn học nên bài viết giàu hình ảnh, cảm xúc.

Phương Thảo cho biết, cô bạn biết đến hải chiến Gạc Ma từ ngày 14/3 vừa qua khi đọc thông tin trên truyền thông.

“Bạn bè cùng trang lứa hầu như không ai biết sự kiện này, vì vậy em muốn viết một bài nhỏ để chia sẻ. Sau khi bài viết được đăng tải trên mạng, em nhận được rất nhiều bình luận, nhận xét có ích”, nữ sinh 10X tâm sự.

Lịch sử như tiếng thở dài của dân tộc, chiến tranh là vết thương sâu thẳm, đau nhói trong lòng mỗi con người ở lại. Hai mươi tám năm qua đi, đất nước liên tục đổi mới và phát triển, nước biển thì vẫn trong veo, đá Gạc Ma vẫn còn đó, nhưng 64 con người anh dũng ấy sẽ chẳng bao giờ trở về nữa. Họ sẽ nằm mãi dưới biển sâu để mẹ hiền biển cả sẽ mãi ôm ấp họ, dùng dòng nước mát lành để xoa dịu linh hồn họ.Bài viết của Phương Thảo như sau:

Hàng nghìn năm lịch sử, dân tộc ta đã bao lần vấp phải đau thương, cùng khổ từ dã tâm xâm lược. Biết bao lần chúng đem quân dày xéo lên mảnh đất hiền lành này, biết bao thời gian chúng đô hộ ở Việt Nam bóc lột nhân dân, hủy hoại đến cạn kiệt tài nguyên.

Những năm gần đây, vấn đề về Biển Đông đang được quan tâm hơn bao giờ hết khi Trung Quốc đặt giàn khoan HD 981 ở vùng biển nước ta năm 2014. Chính trong khoảng thời gian này, ta lại có dịp đi ngược về lịch sử, dừng chân tại mốc năm 1988 mà chứng kiến những vết thương hằn sâu lên biển cả.

Hải quân Trung Quốc đã tấn công vào 3 bãi đá Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma hòng chiếm đóng những khu vực này và dùng nó làm bước đệm nhằm tấn công và chiếm giữ quần đảo Trường Sa.

Do 3 bãi đá vốn không có quân đội canh giữ nên Hải quân Việt Nam phải đưa quân ra bảo vệ. Đau thương bắt đầu từ đây, ngày 14/3/1988, Trung Quốc đã nổ súng, giật cờ trên các bãi đá và nã pháo vào tàu của Hải quân Việt Nam, thiệt hại 2 tàu thủy và 64 chiến sĩ mãi mãi ra đi.

Dù cuối cùng vẫn không giữ trọn được bãi đá Gạc Ma, nhưng sự hy sinh anh dũng của 64 con người ấy mãi mãi được lưu giữ trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam, trong dòng nước biển hiền hòa từng nhuốm màu đau thương kia.

64 con người, 64 tấm gương sáng chói của lòng yêu nước, họ ngã xuống không phải để vĩnh viễn ra đi mà là để ôm trọn lấy vị mặn chát của nước biển trong veo, ôm trọn sự bình yên của mặt nước hiền hòa.

Sự hy sinh của họ cũng giống như tấm thảm trải dài nâng đỡ cho nền hòa bình dân tộc mãi mãi được vẹn nguyên, để Tổ Quốc thân yêu sẽ yên bình mà phát triển.

Nghẹn ngào hai tiếng Trường Sa
Máu Việt Nam chảy trên da thịt mình Sáu tư người lính hy sinh Vòng tròn bất tử mang hình Gạc Ma …

(Máu Việt Nam chảy trên da thịt mình – Nguyễn Việt Chiến)

Người trước ngã xuống người sau lại cầm súng mà anh dũng tiến lên, cứ như thế kết tạo nên một vòng tròn bất tử mãi mãi không bao giờ đứt đoạn.

Vòng tròn bất tử ấy sẽ còn lan rộng ra tới tận ngày hôm nay, khắc sâu vào nhịp tim của mỗi con người hôm nay và kết tạo nên những vòng tay đoàn kết, vòng tròn của sự tri ân để nhắc nhở, răn dạy hậu thế phải ghi nhớ, phải biết ơn, phải trân trọng nền hòa bình đang có.

Chính sự hy sinh anh dũng đó khiến cho khí thế của hải quân ta ngày đó thêm hừng hực và sự anh dũng dường như cũng được tăng lên gấp bội, làm cho đối phương phải chút e dè, kiềng nể. Và cũng sự hy sinh đó đã khiến cho Hải quân Việt Nam bây giờ như có thêm sức mạnh, nắm chắc hơn tay súng, luôn sẵn sàng đối mặt với sóng gió khơi xa…

Lịch sử được khắc ghi lại bằng máu và nước mắt. Đến nay từng thớ đá Gạc Ma đã nhuốm màu buồn tang thương từ máu và nước mắt của 64 chiến sĩ ấy. Từng giọt máu đớn đau, từng khoảnh khắc ngã xuống đầy bi hùng đã để lại cho hậu thế biết bao bài học tri ân sâu sắc.

Nó đã bồi đắp cho tâm hồn những người dân Việt Nam một lòng yêu nước nồng nàn, nó đã răn dạy cho bao thế hệ hôm nay, ngày mai và mai sau nữa phải biết trân quý lịch sử và sống sao cho đúng với trách nhiệm của một công dân.

28 năm đã đi qua, dòng chảy của lịch sử vẫn lững lờ trôi. Tổ Quốc và biển cả vẫn từng ngày lớn lên ấp ôm nền hòa bình phẳng lặng, xoa dịu linh hồn của những con người đã ra đi.

Thân xác họ mất đi, nhưng tâm hồn họ vẫn còn sống mãi cùng mặt nước mênh mông, cùng những quả tim nóng bỏng đang sục sôi chực trào dâng một lòng yêu nước tha thiết, nồng nàn. Có thể với kẻ thù, họ đã chết nhưng với chúng ta, với những người dân Việt Nam – họ mãi mãi là bất tử.

Đau thương hai tiếng Trường Sa
Máu Việt Nam đỏ thấm qua bao đời Các anh nằm lại cuối trời Sáu tư người lính xương vùi biển sâu …

(Máu Việt Nam chảy trên da thịt mình – Nguyễn Việt Chiến)

0 ( 0 bình chọn )

Thi Quốc Gia Thi THPT Quốc Gia 2021 của nhà xuất bản Giáo Dục Việt nam

https://thiquocgia.vn
Tổng hợp tài liệu ôn thi THPT Quốc Gia 2020 - 2021, Thi tốt nghiệp, Tài liệu luyện thi

Bài viết liên quan

Kết nối với chúng tôi

Sự kiện nổi bật

thi sinh lo lang vi de thi lich su kho nhieu kien thuc lop 11

Thứ 5

23/02/2021 08:00

Xem nhiều

Chủ đề

Bài viết mới

Xem thêm