Nghị định 23/2021/NĐ-CP quy định chi tiết khoản 3 Điều 37 và Điều 39 của luật Việc làm, về trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm, có hiệu lực từ ngày 1.6.2021.
Đáng chú ý là quy định về giấy phép và điều kiện thành lập trung tâm dịch vụ việc làm.
Có ít nhất 15 người làm việc là viên chức
Theo Nghị định 23/2021/NĐ-CP, điều kiện thành lập trung tâm dịch vụ việc làm, bao gồm: Có mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công về việc làm; Phù hợp với quy hoạch mạng lưới trung tâm dịch vụ việc làm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Có trụ sở làm việc hoặc đề án cấp đất xây dựng trụ sở làm việc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (trường hợp xây dựng trụ sở mới); Có trang thiết bị để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Điều 7 Nghị định 23/2021/NĐ-CP phù hợp với tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dùng do cấp có thẩm quyền ban hành; Cơ quan có thẩm quyền thành lập đảm bảo kinh phí cho các hoạt động dịch vụ sự nghiệp công về việc làm theo quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, Nghị định 23/2021/NĐ-CP quy định, điều kiện thành lập trung tâm dịch vụ việc làm phải có ít nhất 15 người làm việc là viên chức. Hiện hành, Nghị định 196/2013/NĐ-CP quy định có ít nhất 15 cán bộ có trình độ cao đẳng trở lên.
Trách nhiệm của trung tâm dịch vụ việc làm
Nghị định 23/2021/NĐ-CP quy định trách nhiệm của trung tâm dịch vụ việc làm, cụ thể như: Thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động và cung cấp thông tin thị trường lao động miễn phí; Bảo đảm chất lượng dịch vụ sự nghiệp công về việc làm theo các tiêu chí, tiêu chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; Tổ chức thực hiện các hoạt động giao dịch việc làm, xây dựng dữ liệu người tìm việc, việc làm trống để kết nối cung cầu lao động; Thực hiện đúng quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của trung tâm dịch vụ việc làm; Định kỳ 6 tháng và hằng năm, báo cáo tình hình hoạt động dịch vụ việc làm.
Đáng chú ý là Điều 14 Nghị định 23/2021/NĐ-CP quy định về điều kiện cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm, bao gồm: Có địa điểm đặt trụ sở, chi nhánh để tổ chức hoạt động dịch vụ việc làm thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc được doanh nghiệp thuê ổn định theo hợp đồng từ 3 năm (36 tháng) trở lên; Doanh nghiệp đã thực hiện ký quỹ 300 triệu đồng.
Ngoài ra, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thực hiện hoạt động dịch vụ việc làm phải bảo đảm điều kiện: Là người quản lý doanh nghiệp theo quy định của luật Doanh nghiệp; Không thuộc một trong các trường hợp sau đây: đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc, trốn khỏi nơi cư trú, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc liên quan đến dịch vụ việc làm.
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thực hiện hoạt động dịch vụ việc làm phải có trình độ từ đại học trở lên hoặc đã có thời gian trực tiếp làm chuyên môn hoặc quản lý dịch vụ việc làm hoặc cung ứng lao động từ đủ 2 năm (24 tháng) trở lên trong thời hạn 5 năm liền kề trước khi đề nghị cấp giấy phép.
Quy định về tên gọi của trung tâm dịch vụ việc làm
Theo Điều 6 Nghị định 23/2021/NĐ-CP về tên của trung tâm dịch vụ việc làm, trung tâm dịch vụ việc làm là đơn vị sự nghiệp công lập, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng. Trung tâm dịch vụ việc làm có tên gọi bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài, biểu tượng riêng (nếu có). Tên và biểu tượng của trung tâm dịch vụ việc làm đáp ứng các điều kiện sau: Tên của trung tâm dịch vụ việc làm bao gồm “Trung tâm dịch vụ việc làm” kèm theo tên địa phương hoặc tên khác do cơ quan quyết định thành lập đề xuất; Không vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc; Không trùng lắp hoặc gây nhầm lẫn với tên hoặc biểu tượng của đơn vị khác đã được thành lập trước đó.
Thủ tục giải thể trung tâm dịch vụ việc làm
Ngoài ra, theo Nghị định 23/2021/NĐ-CP, điều kiện tổ chức lại, giải thể trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện theo quy định của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
Trong đó, trung tâm dịch vụ việc làm được thành lập mới, tổ chức lại phải thực hiện phương án về trụ sở làm việc, trang thiết bị và nhân sự trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày có Quyết định thành lập. Trường hợp cần thiết thành lập mới trung tâm dịch vụ việc làm thì trung tâm dịch vụ việc làm phải tự đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên và chi đầu tư.
Trình tự, thủ tục, hồ sơ thành lập, tổ chức lại, giải thể trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện theo quy định của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Phổ biến pháp luật của Thiquocgia.vn.