Học tậpTài liệu

Đáp án đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn Bạc Liêu 2021

Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn 2021 Bạc Liêu
101

Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn 2021 Bạc Liêu

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại tỉnh Bạc Liêu năm học 2021 – 2022 dự kiến diễn ra từ ngày 19/6. Sau đây là nội dung chi tiết đáp án đề thi vào lớp 10 môn Văn tỉnh Bạc Liêu 2021 sẽ giúp các em học sinh so sánh đối chiếu với bài làm của mình sau kỳ thi.

1. Kỳ thi vào lớp 10 năm 2021 Bạc Liêu

Theo Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu, hiện nay các ca F1 liên quan đến ca dương tính COVID-19 đều có kết quả xét nghiệm âm tính lần 2.

Do đó, tính đến ngày 18.6 là qua 21 ngày kể từ ngày ca dương tính COVID-19 xuất hiện trên địa bàn, nếu tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh ổn định, không phát sinh thêm ca bệnh mới thì cho phép sở được tổ chức 2 kỳ thi trên.

Cụ thể, tuyển sinh lớp 10 THPT vào ngày 19 và 20.6; tuyển sinh lớp 3, 6 chất lượng cao vào ngày 19.6. Nếu được tổ chức, thực hiện nghiêm công tác phòng dịch khi tổ chức thi.

2. Đề thi vào 10 môn Văn Bạc Liêu 2021

SỞ GIÁO DỤC, KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ BẠC LIÊU

ĐỀ CHÍNH THỨC

(Gồm 02 trang)

KỲ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT

NĂM HỌC 2021 – 2022

* Môn thi: Ngữ văn (Không Chuyên)

* Ngày thi: 30/5/2021

* Thời gian: 120 phút (Không kể thời gian phát đề)

ĐỀ 1. PHẦN ĐỌC – HIỂU (7,0 điểm)

Đọc ngữ liệu và trả lời các câu hỏi sau:

Trật tự trong gia đình ong mật rất nghiêm ngặt, các thành viên được phân công rõ ràng, tất cả đều cần cù lao động. Có thể chia ra thành ong thợ, ông đực và ong chúa.

Ong thợ thường là giống cái, nhưng không thể sinh sản được. Số lượng ong thì nhiều nhất, những nhiệm vụ cũng nặng nề nhất. Chúng phải xây tổ, đi tìm thức ăn, nuôi ong con, chăm sóc ong chúa, lại còn phải chiến đấu với kẻ thù. Ông đực số lượng ít hơn, chuyên trách cùng với ong chúa sinh sôi phát triển đời sau. Ông chúa là giống cái, một đàn chỉ có một con, thân hình to gấp 2 – 3 lần ong thợ. Nó chủ yếu chịu trách nhiệm sinh đẻ và duy trì cuộc sống của cả đàn.  Ong chúa có quyền lực tối cao, được hưởng thức ăn dồi dào và rất ít khi ra ngoài.

(Trích Bách khoa tri thức, Lưu Nghiên – Chủ biên, tr.526 – 527, Nxb Mỹ Thuật, 2013)

Câu 1 (3,0 điểm)

a. Xác định phương thức biểu đạt chính. (1,0 điểm)

b. Chỉ ra biện pháp tu từ liệt kê và nêu hiệu quả của biện pháp tu từ ấy trong câu văn sau: “Chúng phải xây tô, đi tìm thức ăn, nuôi ong con, chăm sóc ong chúa. lại còn phải chiến đấu với kẻ thù”. (1,0 điểm)

– Tìm thành phân biệt lập và gọi tên thành phần ấy trong câu văn sau: “Ong chúa là giống cái, một đàn chỉ có một con, thân hình to gấp 2 – 3 lần ong thợ”. (1,0 điểm).

Câu 2 (2,0 điểm)

Nêu nội dung chính của ngữ liệu trên.

Câu 3 (2,0 điểm)

Em rút ra bài học kinh nghiệm gì cho bản thân từ ngữ liệu trên trên?

II. PHẦN LÀM VĂN

Câu 1 (5,0 điểm)

Từ ngữ liệu phần đọc – hiểu, em viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bàn  về trật tự và trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình.

Câu 2 (8,0 điểm)

Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:

Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về

Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu

(Trích Sang thu, Hữu Thỉnh, Ngữ văn 9, tập 2, tr.70, Nxb GDVN, 2018).

3. Đáp án đề thi vào lớp 10 năm 2021 môn Văn tỉnh Bạc Liêu

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

a. Phương thức biểu đạt chính: thuyết minh.

b. Biện pháp tu từ liệt kế được sử dụng trong câu văn là: xây tổ, đi tìm thức ăn, nuôi ong con, chăm sóc ong chúa, chiến đấu với kẻ thù.

– Tác dụng của biện pháp liệt kê:

+ Về nội dung: Nhấn mạnh nhiệm vụ của ông thợ là rất nhiều và nặng nề. Từ đó làm nổi bật vai trò của ông thợ trong gia đình nhà ong.

+ Về nghệ thuật: Tạo nhịp điệu cho câu văn.

c. Thành phần biệt lập: một đàn chỉ có một con – thành phần phụ chú.

Câu 2:

Nội dung chính của ngữ liệu trên là thành phần cấu tạo và nhiệm vụ của từng thành viên trong gia đình nhà ong.

Câu 3:

Cách giải: Học sinh tự rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân mình và có kiến giải hợp lí.

Có thể tham khảo một số bài học sau:

– Trong tập thể, mỗi người có nhiệm vụ riêng nhưng đều góp phần bảo vệ và phát triển cộng đồng chung.

– Sự lãnh đạo là vô cùng quan trọng trong một tập thể.

– Tập thể phải có trật tự nghiêm ngặt và phân công rõ ràng để từng cá nhân phát huy được vai trò, năng lực của mình.

II. LÀM VĂN

Câu 1:

* Hình thức: đoạn văn, dung lượng khoảng 200 chữ

* Nội dung: Cần đảm bảo triển khai các ý sau:

– Giải thích:

+ Gia đình: tổ ấm, nơi con người được sinh ra, nuôi dưỡng, khôn lớn, trưởng thành, có những người thân yêu.

+ Trật tự: quy củ, nề nếp, có kỉ luật.

+ Trách nhiệm: nhiệm vụ mà mỗi cá nhân phụ trách và phải đảm bảo hoàn thành. -> Gia đình là nơi để về, nơi sẵn sàng bao dung, chở che, nơi quan tâm ta vô điều kiện nhưng để có một gia đình nề nếp, có văn hóa, mỗi thành viên cần có trách nhiệm và duy trì trật tự trong gia đình.

– Bàn luận:

+ Trật tự trong gia đình được duy trì khi các thành viên không chỉ yêu thương mà còn tôn trọng nhau theo thứ bậc, vai vế, tuổi tác. Biết tôn trọng như thế là cơ sở của tình đoàn kết. Khi có những biến cố, mọi thành viên biết bảo ban, giúp đỡ nhau vượt qua.

+ Mỗi cá nhân có trách nhiệm duy trì những truyền thống của gia đình, sống tốt, sống đẹp, không làm ảnh hưởng đến danh dự của gia đình chung. Trách nhiệm của mỗi người có thể phụ thuộc vào độ tuổi, vị trí trong nhà. Nếu ai cũng đảm bảo làm tròn trách nhiệm của mình thì không có xích mích, to tiếng, người lớn được tôn trọng, tạo ra giá trị; trẻ em được nuôi dưỡng, dạy dỗ cẩn thận.

+ Có trật tự và trách nhiệm trong gia đình nhắc nhở mỗi thành viên phải có ý thức xây dựng, bảo vệ gia đình chung, từ đó làm nên những mái ấm hạnh phúc.

Dẫn chứng:

Học sinh sử dụng những dẫn chứng phù hợp.

– Phản đề:

+ Có những gia đình vô trật tự, không phép tắc.

+ Có những thành viên phá hoại trật tự gia đình, không có trách nhiệm với gia đình.

+ Trật tự và trách nhiệm với gia đình chỉ thật sự có ý nghĩa khi được xây dựng trên nền tảng yêu thương, sẽ chia, không phải là sự áp đặt, gò bó.

– Liên hệ bản thân: Em góp được điều gì vào việc xây dựng.

Câu 2:

1. Mở bài:

– Giới thiệu tác giả Hữu Thỉnh, tác phẩm Sang thu:

+ Là nhà thơ chiến sĩ, trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Ông từng cầm súng chiến đấu trong chiến trường miền Nam.

+ Sáng tác của ông cuốn hút người đọc nhờ cảm xúc tinh tế, ngòi bút giàu chất lãng mạn và lối viết giản dị, giàu sức gợi.

+ Sang thu được sáng tác vào năm 1977, được in lại nhiều lần trong các tập thơ mà gần đây nhất là tập “Từ chiến hào đến thành phố” – 1991.

– Khái quát nội dung: Những tín hiệu báo mùa thu về và quang cảnh thiên nhiên ngả dần sang thu.

2. Thân bài

* Vị trí đoạn trích: Hai khổ thơ được trích từ phần đầu của tác phẩm.

a. Những tín hiệu báo mùa thu sang:

– Bài thơ được mở ra bằng những tín hiệu rất riêng, báo mùa thu về:

+ “Hương ổi”: đi liền với từ “bỗng” gợi cảm giác đột ngột, ngỡ ngàng; “phả” – làn hương ngọt ngào, sánh đậm, mùi ổi chín như được cố lại, phả vào gió thu. “Hương ổi” gợi không gian thờ thân thuộc, yêu dấu của làng quê đất Việt với những khu vườn, lối ngõ sum xuê hoa trái, làm nên hương sắc mỗi mùa; gợi hương vị riêng của mùa thu trong thơ Hữu Thỉnh.

+ “Gió se” là ngọn gió heo may mùa thu dịu nhẹ, thoáng chút se lạnh lúc thu về, giúp ta cảm nhận rõ hơn cái ngọt lành của hương ổi.

+ “Sương chùng chình” – nghệ thuật nhân hóa, gợi dáng vẻ, tâm trạng của làn sương thu. Làn sương lãng đãng như cố ý chậm lại, lưu luyến mùa hè, chưa muốn bước hẳn sang thu.

-> Hệ thống hình ảnh độc đáo đã diễn tả một cách tài tình cái không khí se lạnh đầu thu và cả cái nhịp điệu chầm chậm của mùa thu về với đất trời.

– Đối diện với những tín hiệu báo thu là cái ngỡ ngàng của lòng người:

+ “Hình như” là lối nói giả định, không chắc chắn, phù hợp với những biểu hiện mơ hồ lúc giao mùa – những biểu hiện ấy không chỉ được cảm nhận bằng các giác quan mà còn phải cảm nhận bằng cả một tâm hồn tinh

+ Âm điệu: là tiếng reo vui, ngỡ ngàng lúc thu sang.

-> Khổ thơ là những cảm nhận mới mẻ, tinh tế của tác giả lúc mùa sang. Ẩn sau những đổi thay của thiên nhiên đất trời lúc sang thu là niềm vui, niềm hạnh phúc của thi nhân.

b. Quang cảnh thiên nhiên ngả đần sang thu:

– Được tái hiện vừa chân thực lại vừa sống động:

+ “Sông” “dềnh dàng”: tả thực con sống của mùa thu vô cùng trong trẻo, tĩnh lặng, êm đềm. Nghệ thuật nhân hóa khiến con sống như đang được nghỉ ngơi sau một mùa hạ vất vả với bão giông. Đó cũng là hình ảnh ẩn dụ cho con người qua chiến tranh, lửa đạn, giờ đang chậm lại, cho phép mình được nghỉ ngơi.

+ “Chim” “vội vã”: vừa tả thực những cánh chim bay vội về phương Nam tránh rét, vừa gợi những vội vã, tất bật với lo toan thường nhật của đời người.

+ Phép đối “dềnh dàng”x “vội vã” làm nổi bật hai động thái trái ngược của thiên nhiên mà cũng là sự vận động của thiên nhiên giao mùa.

– Được khắc họa rất ấn tượng:

+ “Đám mây mùa hạ” được hữu hình hóa, vừa thực vừa hư, tái hiện được nhịp điệu của thời gian, là một chiếc cầu nối liền những ngày cuối hạ và đầu thu để sự chuyển giao giữa hai mùa không đứt đoạn.

+ Đám mây mang cả lớp nghĩa thế sự, gợi trạng thái giao thời của đời sống khi đất nước chuyển giao từ chiến tranh sang hòa bình.

->Khoảnh khắc giao mùa hiện lên tinh tế, sống động qua những câu thơ rất giàu chất tạo hình. Ấn sau những hình ảnh thiên nhiên lúc thu sang ấy còn là hình ảnh của đời sống lúc sang thu.

c. Đánh giá:

– Nội dung:

+ Cảm nhận và tái hiện tinh thể khoảnh khắc chuyển mùa từ hạ sang thu với sự giao thoa của nhiều lớp nghĩa: trời đất sang thu, đời sống sang thu, đời người sang thu.

+ Tái hiện những nét đẹp đặc trưng của mùa thu đất Bắc lúc vừa sang.

– Nghệ thuật: Ngôn ngữ, hình ảnh vừa giản dị, tự nhiên mà giàu sức gợi, vừa độc đáo, mới lạ. Giọng thơ nhỏ nhẹ, sâu lắng.

3. Kết bài:

Nêu khái quát nội dung, nghệ thuật của tác phẩm.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của Thiquocgia.vn.

0 ( 0 bình chọn )

Thi Quốc Gia Thi THPT Quốc Gia 2021 của nhà xuất bản Giáo Dục Việt nam

https://thiquocgia.vn
Tổng hợp tài liệu ôn thi THPT Quốc Gia 2020 - 2021, Thi tốt nghiệp, Tài liệu luyện thi

Bài viết liên quan

Bài viết mới

Xem thêm