Hỏi đáp pháp luật

Quy định về thi tuyển viên chức 2021

Quy chế thi viên chức ngành giáo dục
141

Quy chế thi viên chức ngành giáo dục

Bản in

Dưới đây là toàn bộ quy định về thi tuyển viên chức 2021 mới nhất Thiquocgia.vn đã tổng hợp lại xin được chia sẻ đến quý thầy cô cùng tham khảo.

Lịch thi viên chức giáo dục Hà Nội 2021

Mới đây Sở nội vụ đã ban hành kế hoạch tổ chức thi tuyển viên chức giáo dục TP Hà Nội năm 2021, chi tiết lịch thi viên chức 2021 Hà Nội mời các bạn tham khảo trong đường link bên dưới:

1. Nội quy thi, xét tuyển viên chức từ năm 2021

(1) Phải có mặt tại phòng thi đúng giờ quy định. Trang phục gọn gàng, văn minh, lịch sự. Trường hợp thí sinh dự thi đến chậm quá 30 phút tính từ khi bắt đầu giờ làm bài thi thì không được dự thi (hiện hành không có quy định này)

Như vậy, thí sinh theo quy định mới thí sinh vẫn có thể dự thi nếu đến chậm không quá 30 phút kể từ lúc bắt đầu giờ làm bài thi.

(2) Xuất trình Giấy CMND hoặc Thẻ CCCD hoặc một trong các loại giấy tờ tùy thân hợp pháp khác có dán ảnh để giám thị đối chiếu trước khi vào phòng thi.

(3) Ngồi đúng chỗ theo số báo danh, để Giấy CMND hoặc Thẻ CCCD hoặc một trong các loại giấy tờ tùy thân hợp pháp khác có dán ảnh lên mặt bàn để các giám thị phòng thi và các thành viên Hội đồng thi kiểm tra.

(4) Đồ vật được mang vào phòng thi gồm thước kẻ, bút viết để làm bài thi và một số loại thuốc mà thí sinh dự thi có bệnh án phải mang theo (hiện hành chỉ cho phép mang bút viết và thước kẻ).

Không được mang vào phòng thi điện thoại di động, máy ghi âm, máy ảnh, máy vi tính, các phương tiện kỹ thuật thu, phát truyền tin, phương tiện sao lưu dữ liệu, thiết bị chứa đựng, truyền tải thông tin khác và các loại giấy tờ, tài liệu có liên quan đến nội dung thi (trừ trường hợp đề thi có quy định khác).

(5) Chỉ sử dụng loại giấy thi được phát để làm bài thi (phải có đủ chữ ký của giám thị phòng thi); phải ghi đầy đủ các mục quy định đối với thí sinh trên giấy làm bài thi.

(6) Bài thi chỉ được viết bằng một loại mực có màu xanh hoặc màu đen. Không được sử dụng các loại mực màu khác, mực nhũ, mực phản quang, bút chì để làm bài thi (trừ trường hợp đề thi có quy định khác); không được đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng lên bài thi.

Như vậy, theo quy định mới thí sinh được phép sử dụng bút chì hoặc màu mực khác màu xanh, màu đen để làm bài thi trong trường hợp đề thi cho phép.

(7) Trừ phần ghi bắt buộc trên trang phách, thí sinh không được ghi họ tên, chữ ký của thí sinh, chức danh, tên cơ quan, hoặc các dấu hiệu khác lên bài thi.

(8) Tuân thủ mọi hướng dẫn của giám thị; giữ trật tự và không được hút thuốc hoặc sử dụng chất kích thích trong phòng thi.

(9) Không được trao đổi với người khác trong thời gian thi, không được trao đổi giấy thi, giấy nháp, không được chép bài hoặc nhìn bài thi của thí sinh khác hoặc có bất kỳ một hành động gian lận nào khác. Nghiêm cấm mọi hành vi sao chép, truyền tải thông tin có liên quan đến đề thi ra ngoài phòng thi hoặc nhận thông tin từ ngoài vào phòng thi.

(10) Nếu cần hỏi điều gì, phải hỏi công khai giám thị phòng thi.

(11) Trường hợp cần viết lại thì gạch chéo hoặc gạch ngang phần đã viết trong bài thi (trừ trường hợp đề thi có quy định khác).

(12) Không được ra ngoài phòng thi đối với môn thi hoặc phần thi có thời gian thi từ dưới 60 phút, trừ trường hợp thi trên máy vi tính. Đối với môn thi viết, chỉ được ra khỏi phòng thi sớm nhất sau 2/3 thời gian làm bài thi. Trường hợp nhất thiết phải ra khỏi phòng thi phải được Trưởng ban coi thi giải quyết.

(Hiện hành quy định chỉ được ra ngoài phòng thi sau hơn một nửa thời gian làm bài và phải được sự đồng ý của giám thị phòng thi).

(13) Trong thời gian không được ra ngoài phòng thi, nếu thí sinh có đau, ốm bất thường thì phải báo cho giám thị phòng thi và giám thị phòng thi phải báo ngay cho Trưởng ban coi thi xem xét, giải quyết.

(14) Ngừng làm bài và nộp bài cho giám thị phòng thi ngay khi giám thị tuyên bố hết thời gian làm bài thi. Phải ghi rõ tổng số tờ giấy thi đã nộp và ký vào danh sách nộp bài thi. Trường hợp không làm được bài, thí sinh cũng phải nộp lại giấy thi.

(15) Trường hợp tổ chức thi trên máy vi tính:

– Nghiêm cấm các hành vi làm hỏng hệ thống máy vi tính phục vụ thi; khi phát hiện máy vi tính không sử dụng được phải kịp thời báo cho giám thị để xem xét, giải quyết;

– Thí sinh dự thi chỉ được rời phòng thi khi đã nộp bài và ký xác nhận vào bảng kết quả thi, trong đó:

+ Trường hợp thí sinh dự thi không ký xác nhận vào bảng kết quả thi trước khi ra khỏi phòng thi thì phải nhận điểm không (0).

+ Trường hợp giám thị phát hiện thí sinh dự thi ký thay thí sinh dự thi khác thì các thí sinh này đều phải nhận điểm không (0).

Việc quyết định điểm không (0) đối với các trường hợp này do Chủ tịch Hội đồng quyết định căn cứ báo cáo của Trưởng ban coi thi.

(16) Thí sinh dự thi có quyền tố giác người vi phạm nội quy, quy chế với giám thị phòng thi, Trưởng ban coi thi, thành viên Hội đồng thi, thành viên Ban giám sát.

Căn cứ pháp lý:

– Điều 1 Nội quy ban hành kèm theo Thông tư 6/2020/TT-BNV ngày 02/12/2020;

– Điều 1 Nội quy ban hành kèm theo Thông tư 03/2019/TT-BNV ngày 14/5/2019.

2. Điều kiện và tiêu chuẩn dự tuyển viên chức:

Điều kiện chung

– Là công dân Việt Nam, cư trú tại Việt Nam;

– Có Phiếu đăng ký dự tuyển theo mẫu quy định, có lý lịch rõ ràng;

– Có đủ văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của hạng, chức danh nghề nghiệp viên chức cần tuyển;

– Tuổi đời từ đủ 18 tuổi trở lên;

– Có đủ sức khoẻ để thực hiện nhiệm vụ;

Điều kiện cụ thể đối với chức danh nghề nghiệp giáo viên

a) Thí sinh dự tuyển giáo viên mầm non hạng IV, xếp mã số chức danh nghề nghiệp V.07.02.06, tốt nghiệp trung cấp sư phạm trở lên ngành giáo dục mầm non.

b) Thí sinh dự tuyển giáo viên bậc tiểu học hạng IV, xếp mã số chức danh nghề nghiệp V.07.03.09, trong đó:

– Giáo viên tiểu học tốt nghiệp trung cấp sư phạm trở lên ngành giáo dục tiểu học;

– Giáo viên dạy tin học, ngoại ngữ, thể dục, nhạc, họa bậc tiểu học phải có trình độ cao đẳng sư phạm trở lên (có chứng chỉ sư phạm nếu không thuộc ngành sư phạm);

c) Thí sinh dự tuyển giáo viên trung học cơ sở hạng III, xếp mã số chức danh nghề nghiệp V.07.04.12, phải tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên.

Điều kiện cụ thể đối với chức danh nghề nghiệp viên chức khác

Có đủ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và ngành đào tạo của mã số, chức danh nghề nghiệp cần tuyển, cụ thể:

a) Viên chức làm công tác thư viện tại các trường tiểu học, trung học cơ sở, xếp mã số V.10.02.07, chức danh nghề nghiệp Thư viện viên hạng IV, tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành thư viện.

b) Viên chức làm công tác văn thư tại các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, xếp mã số 02.008, Văn thư trung cấp, tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành văn thư lưu trữ.

3. Điều kiện trình độ ngoại ngữ thi viên chức

a) Có trình độ ngoại ngữ bậc 1 trở lên theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Việc công nhận trình độ ngoại ngữ tương đương thực hiện theo Hướng dẫn số 4645/SGD&ĐT-GDTX-CN ngày 14 tháng 12 năm 2016 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cụ thể:

– Đối với các chứng chỉ Chương trình tiếng Anh thực hành A, B, C ban hành theo Quyết định số 177/QĐ-TCBT ngày 30/01/1993 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và A1, A2, B1, B2, C1, C2 ban hành theo Quyết định số 66/2008/QĐ-BGDĐT ngày 02/12/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo trước đây được tạm thời quy đổi theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam ban hành theo Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Khung 6 bậc) như sau:

+ Trình độ A theo Quyết định số 177/QĐ-TCBT và trình độ A1 theo Quyết định số 66/2008/QĐ-BGDĐT tương đương bậc 1 của Khung 6 bậc;

+ Trình độ B theo Quyết định số 177/QĐ-TCBT và trình độ A2 theo Quyết định số 66/2008/QĐ-BGDĐT tương đương bậc 2 của Khung 6 bậc;

+ Trình độ C theo Quyết định số 177/QĐ-TCBT và trình độ B1 theo Quyết định số 66/2008/QĐ-BGDĐT tương đương bậc 3 của Khung 6 bậc;

+ Trình độ B2 theo Quyết định số 66/2008/QĐ-BGDĐT tương đương bậc 4 của Khung 6 bậc;

+ Trình độ C1 theo Quyết định số 66/2008/QĐ-BGDĐT tương đương bậc 5 của Khung 6 bậc;

+ Trình độ C2 theo Quyết định số 66/2008/QĐ-BGDĐT tương đương bậc 6 của Khung 6 bậc;

– Các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế đã cấp, được công nhận và còn thời hạn sử dụng có giá trị thay thế trình độ A2, B1, B2, C1, C2 theo bảng quy chuẩn trình độ tại mục 4, Quyết định số 66/2008/QĐ-BGDĐT ngày 02/12/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chương trình giáo dục thường xuyên về tiếng Anh thực hành.

– Đối với giáo viên dạy ngoại ngữ phải có chứng chỉ ngoại ngữ thứ hai đạt bậc 1 trở lên theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;

b) Có trình độ tin học tối thiểu đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.

Các chứng chỉ tin học ứng dụng A, B, C đã cấp có giá trị sử dụng tương đương với chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản (thực hiện theo quy định tại Điều 23 Thông tư liên tịch số 17/2016/TTLT-BGDĐT-BTTTT ngày 21/6/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Thông tin và Truyền thông quy định tổ chức thi và cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin).

Những đối tượng không được dự thi viên chức

– Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

– Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành bản án, quyết định về hình sự của Tòa án; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng.

4. Đối tượng và điểm ưu tiên trong tuyển dụng viên chức

Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B: được cộng 7,5 điểm vào kết quả điểm thi tại vòng 2;

Người dân tộc thiểu số, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an, quân nhân chuyên nghiệp, người làm công tác cơ yếu chuyển ngành, con liệt sĩ, con thương binh, con bệnh binh, con của người hưởng chính sách như thương binh, con của thương binh loại B, con của người hoạt động cách mạng trước tổng khởi nghĩa (từ ngày 19 tháng 8 năm 1945 trở về trước), con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, con Anh hùng Lực lượng vũ trang, con Anh hùng Lao động: được cộng 5 điểm vào kết quả điểm thi tại vòng 2;

Người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ phục vụ có thời hạn trong lực lượng công an nhân dân, đội viên thanh niên xung phong, đội viên trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi từ đủ 24 tháng trở lên đã hoàn thành nhiệm vụ: được cộng 2,5 điểm vào kết quả điểm thi tại vòng 2.

Trường hợp người dự thi tuyển viên chức thuộc nhiều diện ưu tiên thì chỉ được cộng điểm ưu tiên cao nhất vào kết quả điểm thi tại vòng 2.

5. Nội dung thi viên chức, hình thức thi, miễn môn thi:

Thi tuyển viên chức được thực hiện theo 2 vòng thi như sau:

Vòng 1: Thi trắc nghiệm trên máy vi tính.

a) Nội dung thi trắc nghiệm gồm 2 phần

Phần I: Kiến thức chung 60 câu hỏi về pháp luật viên chức; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những hiểu biết cơ bản về ngành, lĩnh vực tuyển dụng; chức trách, nhiệm vụ của viên chức theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển. Thời gian thi 60 phút.

Phần II: Ngoại ngữ tiếng Anh gồm 30 câu hỏi. Thời gian thi 30 phút.

b) Miễn phần thi ngoại ngữ (vòng 1) đối với các trường hợp sau:

Có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học về ngoại ngữ;

Có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học ở nước ngoài hoặc tốt nghiệp đại học, sau đại học tại cơ sở đào tạo bằng tiếng nước ngoài ở Việt Nam;

Người dự tuyển làm viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số là người dân tộc thiểu số hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số được cấp có thẩm quyền công nhận.

c) Kết quả thi vòng 1 được xác định theo số câu trả lời đúng cho từng phần thi quy định tại điểm a mục này, nếu trả lời đúng từ 50% số câu hỏi trở lên cho từng phần thi thì người dự tuyển được thi tiếp vòng 2.

Vòng 2: Thi môn nghiệp vụ chuyên ngành

a) Nội dung thi: Kiến thức, năng lực, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ của người dự tuyển viên chức theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng, cụ thể do Hội đồng thi tuyển hướng dẫn.

b) Hình thức thi: Thi viết.

c) Thang điểm: 100 điểm.

d) Thời gian thi: 180 phút.

6. Xác định người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển viên chức

Người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển phải có đủ các điều kiện sau:

a) Có kết quả điểm thi tại vòng 2 đạt từ 50 điểm trở lên;

b) Có số điểm vòng 2 cộng với điểm ưu tiên (nếu có) cao hơn lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp trong phạm vi chỉ tiêu được tuyển dụng của từng vị trí việc làm.

Trường hợp có từ 02 người trở lên có kết quả điểm thi vòng 2 cộng với điểm ưu tiên (nếu có) bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng cần tuyển dụng thì người có kết quả điểm thi vòng 2 cao hơn là người trúng tuyển; nếu vẫn không xác định được thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức quyết định người trúng tuyển.

Không được bảo lưu kết quả thi tuyển cho các kỳ thi tuyển lần sau.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Phổ biến pháp luật của Thiquocgia.vn.

0 ( 0 bình chọn )

Thi Quốc Gia Thi THPT Quốc Gia 2021 của nhà xuất bản Giáo Dục Việt nam

https://thiquocgia.vn
Tổng hợp tài liệu ôn thi THPT Quốc Gia 2020 - 2021, Thi tốt nghiệp, Tài liệu luyện thi

Bài viết liên quan

Bài viết mới

Xem thêm